28/04/2024 05:33Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Yết Văn công thượng phương
謁文公上方

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 14/02/2015 22:39

 

Nguyên tác

野寺隱喬木,
山僧高下居。
石門日色異,
絳氣橫扶疏。
窈窕入風磴,
長蘆紛卷舒。
庭前猛虎臥,
遂得文公廬。
俯視萬家邑,
煙塵對階除。
吾師雨花外,
不下十年餘。
長者自布金,
禪龕只晏如。
大珠脫玷翳,
白月當空虛。
甫也南北人,
蕪蔓少耘鋤。
久遭詩酒汙,
何事忝簪裾。
王侯與螻蟻,
同盡隨丘墟。
願聞第一義,
回向心地初。
金篦刮眼膜,
價重百車渠。
無生有汲引,
茲理儻吹噓。

Phiên âm

Dã tự ẩn kiều mộc,
Sơn tăng cao hạ cư.
Thạch Môn nhật sắc dị,
Giáng khí hoành phù sơ.
Yểu điệu nhập phong đặng,
Trường lô phân quyển thư.
Đình tiền mãnh hổ ngoạ[1],
Toại đắc Văn công lư.
Phủ thị vạn gia ấp,
Yên trần đối giai trừ.
Ngô sư vũ hoa[2] ngoại,
Bất há thập niên dư.
Trưởng giả tự bố kim,
Thiền kham chỉ yến như.
Đại chu thoát điếm ế,
Bạch nguyệt đương không hư.
Phủ dã, nam bắc nhân,
Vu mạn thiếu vân sừ.
Cửu tao thi tửu ố,
Hà sự thiểm trâm cư.
Vương hầu dữ lâu nghị,
Đồng tận tuỳ khâu khư.
Nguyện văn đệ nhất nghĩa[3],
Hồi hướng tâm địa sơ.
Kim bề quát nhãn mạc,
Giá trọng bách xà cừ[4].
Vô sinh[5] hữu cấp dẫn,
Tư lý thảng xuy hư.

Dịch nghĩa

Chùa quê ẩn sau cây cao,
Sư trong núi ở nơi cao lẫn thấp.
Cửa đá sắc nắng khác nhau,
Khí mầu hồng trùm lên đám lá tùm lum.
Uốn éo theo gió tạt vào tảng đá,
Đó là những lá lau dài cuốn mở phất phơ.
Trước cửa chùa có hỗ dữ nằm,
Đó là tới chỗ Văn công ở.
Cúi thấp nhìn xuống thấy làng xóm có hàng vạn nóc nhà,
Khói bụi ngang ngay bậc thềm.
Ông thầy của tôi ở bên ngoài cõi mưa hoa,
Hơn mười năm rồi không có xuống núi.
Những người nhân hậu thí chủ tự cung cấp vải tiền cho nhà chùa,
Nơi phòng để ngồi thiền thường tìm thấy sự thảnh thơi,
Viên ngọc lớn thoát ra từ cõi mù mờ,
Trắng sáng giữa bầu trời quang đãng.
Phủ này là người lang bạt,
Bừa bãi tùm lum mà ít cắt xén, vun sới cày bừa.
Sa vào cái xấu của thơ với rượu từ lâu,
Vì đâu mà gây nhục cho trâm với áo.
Vương hầu với ong kiến,
Cuối cùng thì cũng xuống gò mả mà thôi.
Xin được nghe cái lời giảng về nghĩa cao nhất,
Để quay trở về với cái lòng thuần phác.
Móc vàng cắt cái màng mắt,
Nó có giá trị ngang với trăm xa cừ.
Cái ý nghĩa về Vô sinh có sức hấp dẫn,
Vì cái lý do này mà khiến thở phào nhẹ nhõm.

Bản dịch của Phạm Doanh

Chùa núi cây cao rậm,
Cao thấp các sư ngơi.
Cửa đá màu nắng khác,
Hơi đỏ phủ nửa vời.
Lả lướt gió lùa đá,
Lá lau tung từng hồi.
Trước cửa hổ dữ phục,
Nhà ông Văn tới nơi.
Cúi nhìn làng vạn nóc,
Khói bụi tầng cấp ngoài.
Thày ta ngoài mưa bụi,
Mười năm không xuống đồi.
Người hiền cấp tiền vải,
Cửa thiền cứ thảnh thơi.
Ngọc lớn sạch vết đục,
Trăng tỏ giữa khung trời.
Phủ này, thân nam bắc,
Ít trừ cỏ bời bời.
Cứ quen ham thơ, rượu,
Trâm áo thêm lùi xùi.
Vương hầu với ong kiến,
Cũng đều chết cả thôi.
Xin nghe nghĩa cao nhất,
Lòng thành mong tài bồi.
Móc vàng cắt màng mắt,
Giá xứng trăm ngọc ngời.
Vô sinh thấy hấp dẫn,
Điều này thư dãn hơi.
(Năm 762)

[1] Nghĩa bóng chỉ nơi thuyết pháp, do chữ "hàng long phục hổ" 降龍伏虎 thường được dùng để chỉ sức thuyết phục của lời kinh Phật. Trong kinh truyện về Phật, có nói đến hỗ dữ tới nghe lời thuyết pháp của Phật sau khi ngài đạt chứng quả.
[2] Thời Lương Vũ Đế, pháp sư Vân Quang 雲光 giảng kinh, cảm động đến trời mà đoá hoa rơi xuống. Sau này dùng chữ trời mưa hoa chỉ tác dụng quấy động lòng người. Ở đây Đỗ Phủ ám chỉ lòng của Văn công đã không lo nghĩ, bị khuấy động nữa.
[3] Theo "Trung luận" 中論 hay "Trung quán luận" 中觀論 do Long Thọ 龍樹 soạn: "Nhược bất y tục đế, bất đắc đệ nhất nghĩa, bất đắc đệ nhất nghĩa, tắc bất đắc niết bàn" 若不依俗諦,不得第一義,不得 第一義,則不得涅槃 (Nếu không dựa vào tục đế thì không hiểu được đệ nhất nghĩa, nếu không hiểu được đệ nhất nghĩa thì không tới được niết bàn). Cũng trong "Trung luận" còn có đoạn: "Chư Phật y nhị đế, vị chúng sinh thuyết pháp, nhất dĩ thế tục đế, nhị đệ nhất nghĩa đế" 諸佛依二諦,為眾生說法,一以世俗諦,二第一義諦 (Các Phật theo hai đế mà thuyết pháp cho chúng sinh, một là theo thế tục đế, hai là đệ nhất nghĩa đế). Như vậy theo Phật giáo là thế tục đế, lời thuyết pháp dành cho người bình thường, và đệ nhất nghĩa đế là dành cho bậc đại trí.
[4] Chính phải viết "xà cừ" 硨磲, hạt ngọc xà cừ. Xà cừ hay đúng hơn kim ti xà cừ 金絲硨磲, là loại đá quý thiên nhiên. Với Phật giáo nó được coi là một trong bảy cái quý nhất nên thường được các sư tăng dùng tới khi tế lễ. Theo "Bát nhã kinh", đó là vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, hổ phách, san hô. Nhưng theo "A-di-đà kinh" thì là vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, pha lê, hồng ngọc.
[5] Theo Phật giáo đại thừa, không có hiện tượng nào là chân thực hết. Như trong "Trung luận": "Chư pháp bất tự sinh, diệc bất tòng tha sinh, bất cộng bất vô nhân, thị cố tri vô sinh" 諸法不自生,亦 不從他生,不共不無因,是故知無生 (Pháp tướng không tự sinh, cũng không từ cái khác mà sinh ra, không cùng mà cũng không do, đó chính là vô sinh). Không có theo vòng sống chết, đời nọ kiếp kia.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Yết Văn công thượng phương