16/04/2024 17:17Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bài tựa “Truyện tỳ bà” của ông Đoàn Tư Thuật dịch

Tác giả: Tản Đà - 傘沱

Thể thơ: Phú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi karizebato vào 25/11/2009 00:14

 

Ngựa tuấn[1] nọ còn để xương thiên lý, ngàn vàng chưa dễ mấy ai mua!
Ngọc bích kia chưa tỏ giá liên thành[2], giọt luỵ chớ hoài riêng kẻ khóc!
Cho nên:
Lan có cây mọc trong hang tối[3]
Gà có con rướch bỏ lông đuôi[4]
Đem tài hoa mà ai oán với trần ai
Chẳng thà:
Giấu hương sắc để lánh chơi ngoài cõi tục
Vậy:
Ấy đã thế gian là thế, giận làm chi mà dỗi nữa làm chi
Thôi thời tri kỷ mà chi, tẻ cũng thế có vui thời cũng thế
Ngẫm từ trước biết bao tài tử
Mà trong trần nào mấy tri âm?
Bạch tuyết, Dương xuân[5]
Cao sơn, Lưu thuỷ[6]
Chẳng cứ gì Ly tao với Tỳ bà ký[7]
Chẳng cứ gì Khuất Nguyên với Cao Đông Gia[8]
Nếu trần ai ai cũng biết ai
Ai còn phải vì ai cảm khái
Cội thông lũa chơ vơ đỉnh núi, đầm thấm tuyết sương
Bông hoa đào hớn hở gió đông, đãi đằng ong bướm
Kiếp văn tự ngẫm ra nhường cũng rứa, trải trăm tuổi đến khi đầu bạc, phí bao nhiêu tiếng khóc tiếng cười
Khách cổ kim nào có khác chi nhau, hỏi nghìn thu xin giọt mực đen, xoá cho hết chữ tài chữ ngộ!

Nay tôi xem quyển truyện Tỳ bà của ông Đoàn Tư Thuật mà trước có bài tựa của ông Mao Thanh Sơn,

Vậy tôi có mấy nhời viết đây, rồi xin viết đến bài tựa về quyển Tỳ bà quốc văn của ông Đoàn Tư Thuật.

Nguyên ông Đoàn Tư Thuật thuật ở quyển Tỳ bà của Cao Đông Gia ra quốc văn, có đủ hơn bốn mươi hồi. Tôi lạm bỏ đi có đến mươi lăm hồi; còn thời xếp đặt lại, thu làm tám hồi, trong cũng có thêm bớt thay đổi nhiều ít. Nghĩ như một truyện Tỳ bà, Thái Bá Giai nguyên là người thế nào, Cao Đông Gia nguyên dụng ý thế nào, nay cũng không cần xét; như quyển Tỳ bà này, văn chương của ông Đoàn Tư Thuật thế nào, đem diễn ở sân hát thời thế nào, thật cũng chưa dám biết. Cảm hoài khôn xiết, chỉ lấy vì một người đàn bà ở trong truyện là Triệu Ngũ Nương.

Ngũ Nương người họ Triệu quê ở quận Trần Lưu, vợ chồng hai tháng mới cùng nhau, nam bắc đôi nơi đà cách rẽ; phận là gái vì chồng nuôi bố mẹ; nhà thời nghèo, nhiều nỗi đáng thương tâm; khi dưỡng sinh, ăn cám để nhường cơm; lúc tống tử, lo ma mà cắt tóc. Lòng hiếu phụ tơ vò chín khúc, mồ công cô tay đắp hai ngôi. Khúc tỳ bà ai oán vì ai, nước non lặn lội xa khơi tìm chồng. Ấy là chuyện người xưa không biết có hay không, có chăng tưởng cũng đủ khuyên lòng cho thiên hạ.

Than ôi! Luân thường kém giá, phong hoá thêm buồn; Nữ tắc mất khuôn, Đài gương chưa tỏ; quyển Tỳ bà này của ông Đoàn Tư Thuật mà nếu có ít nhiều bổ ích cho những khách quần thoa trong gác tía lầu son, dưới mái gianh lều cỏ, ấy thời là một chút tình trông mong của kẻ san nhuận đem in vậy.
TẢN ĐÀ THƯ ĐIẾM
Chủ nhân Nguyễn Khắc Hiếu tựa
Hà Đông, Décembre 1922

[1] Tuấn là tên một thứ ngựa hay (tuấn mã); chuyện xưa có ông vua thích chơi ngựa, sai người đem nghìn vàng đi tìm ngựa hay để mua; đến nơi thì ngựa đã chết, bèn mua bộ xương đem về.
[2] Biện Hoà, người nước Sở, bắt được hòn ngọc bích còn nằm trong đá, đem dâng vua Sở là Lệ vương. Vua giao cho thợ ngọc xét, thợ ngọc bảo là đá, Biện Hoà phải tội bị chặt chân bên tả. Sau lại đem dâng Võ vương, thợ ngọc lại bảo là đá, Hoà lại bị chặt nốt chân bên hữu. Văn vương lên ngôi, Hoà ôm hòn ngọc đá mà khóc ở dưới chân núi ba ngày ba đêm, nước mắt hết, khóc ra máu. Văn vương sai người lấy đá đem giũa thì bật ra được hòn ngọc bích. Ngọc ấy về sau vua nước Triệu có, vua nước Tần xin đổi lấy một dẫy 25 cái thành, nên gọi là liên thành.
[3] Do câu “Lan sinh u cốc” 蘭生幽谷 nghĩa là cây lan mọc trong hang tối.
[4] Chữ “rướch” là âm do Tản Đà sáng tạo ra, tức “dứt”. Theo sách Tả truyện, người Tần Mạnh nhà Chu đi qua cánh đồng, thấy một con gà sống tự dứt bỏ lông đuôi. Hỏi kẻ hầu, thưa rằng ấy là vì nó sợ phải làm con gà thờ.
[5] Xưa có một người khách đi qua kinh đô nước Sở mà hát khúc Hạ lý ba nhân (điệu hát nhà quê không hay), người trong nước hoạ mà hát theo, có đến vài nghìn người. Khách lại hát khúc Dương a dạ lộ (điệu hát hơi hay), người trong nước hoà mà hát theo có được vài trăm người. Khách hát đến những khúc Dương xuân, Bạch tuyết (hai điệu hát thật hay), hoạ mà hát, chỉ còn được có vài mươi người.
[6] Ngày xưa ông Bá Nha hay đàn, gặp được ông Chung Tử Kỳ sành nghe. Bá Nha đánh đàn, trong bụng đương nghĩ ở ngọn núi cao, Tử Kỳ khen rằng: “Tiếng đàn vòi vọi như trên ngọn núi cao”. Một lát, Bá Nha bụng lại nghĩ về nước chẩy, Tử Kỳ khen rằng: “Tiếng đàn lưu loát như một dòng nước chảy”. Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha đập bỏ đàn, dứt đứt bỏ dây, cho là ở đời không còn có ai tri âm.
[7] Trong lời tựa của cuốn Truyện tỳ bà (Tản Đà thư điếm, 1923), câu này được chép là: “Chẳng cứ gì Tây sương với Tỳ bà ký”.
[8] Thiên Ly tao do Khuất Nguyên soạn, Truyện tỳ bà của Cao Đông Gia.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tản Đà » Bài tựa “Truyện tỳ bà” của ông Đoàn Tư Thuật dịch