25/04/2024 14:02Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Di Nguyễn ẩn cư
貽阮隱居

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 04/02/2015 12:48

 

Nguyên tác

陳留風俗衰,
人物世不數。
塞上得阮生,
迥繼先父祖。
貧知靜者性,
自益毛髮古。
車馬入鄰家,
蓬蒿翳環堵。
清詩近道要,
識子用心苦。
尋我草徑微,
褰裳蹋寒雨。
更議居遠村,
避喧甘猛虎。
足明箕潁客,
榮貴如糞土。

Phiên âm

Trần Lưu[1] phong tục suy,
Nhân vật thế bất số.
Tái thượng đắc Nguyễn sinh,
Quýnh kế tiên phụ tổ.
Bần tri tĩnh giả tính,
Tự ích mao phát cổ.
Xa mã nhập lân gia,
Bồng hao ế hoàn đổ.
Thanh thi cận đạo yêu,
Thức tử dụng tâm khổ.
Tầm ngã thảo kính vi,
Khiên thường đạp hàn vũ.
Cánh nghị cư viễn thôn,
Tị huyên cam mãnh hổ.
Túc minh Cơ, Dĩnh[2] khách,
Vinh quí như phẩn thổ.

Dịch nghĩa

Phong tục miền Trần Lưu xuống dốc,
Trên đời chẳng kể ra được một người điển hình nào.
Miền biên giới có anh chàng họ Nguyễn,
Thừa hưởng được ông cha ngày trước.
Nghèo mà biết được tính của người trầm tĩnh,
Tự xiển dương các chi tiết có từ thời xưa.
Ngựa, xe rầm rập tới nhà hàng xóm,
Tường rào nhà ông cỏ gai lấp đầy.
Thơ trong sáng ưa gần với đạo lý,
Biết là con người này rất hết lòng,
Qua lối cỏ hẹp đi kiếm tôi,
Vén áo mà lội trong nước mưa lạnh.
Anh ta cho tôi biết rằng ở nơi thôn vắng vẻ này,
Đành rằng gần hổ dữ, nhưng tránh được ồn ào.
Thế là đủ để tỏ ông là người của núi Cơ, sông Dĩnh,
Coi vinh hoa phú quí như là rác rưởi.

Bản dịch của Phạm Doanh

Xứ Trần Lưu suy đồi thấy rõ,
Người trên đời chẳng có một ai.
Biên giới có được Nguyễn tôi,
Tổ tiên theo nếp từ đời xa xưa.
Biết nghèo tính chẳng ưa bấn loạn,
Điều dạy xưa phán đoán cho mình.
Hàng xóm xe ngựa rập rình,
Riêng gai lấp kín rào quanh căn nhà.
Thích đạo lý thi ca trong sáng,
Biết rằng ông sức ráng vô cùng.
Tìm tôi, lối cỏ vòng vòng,
Vén áo, lội nước theo đường mà sang.
Nói rằng tính thích làng hẻo lánh,
Tuy cọp gần nhưng tránh ồn ào.
Hệt người Cơ, Dĩnh rõ sao,
Coi danh lợi có khác nào rác rơm.
(Năm 759)

[1] Nơi thuộc Khai Phong, Hà Nam.
[2] Núi Cơ, sông Dĩnh, tương truyền là nơi Hứa Do 許由, người không màng công danh phú quý dù Đế Nghiêu nhường ngôi hay mời ra làm quan, về ở ẩn.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Di Nguyễn ẩn cư