26/04/2024 19:32Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Một cơn gió táp mưa sa

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 19/03/2016 21:51

 

Một cơn gió táp mưa sa,
Non sông nổi giận, cỏ hoa đeo sầu.
Gió mưa nghe vẳng bên lầu[1],
Tưởng hồn nghĩa sĩ ở đâu ngang trời.
Than ôi cũng một kiếp người,
Một lòng yêu nước thương nòi xót xa.
Non sông Hồng Lạc[2] một nhà,
Nhớ người ta phải hương hoa cúng giàng[3].
Mực hoà máu lệ một chương,
Khóc trang nghĩa dũng nêu gương muôn đời.
Nhớ xưa liệt sĩ bốn người[4],
Ở trong ban lính đóng nơi Hà Thành.
Đòi phen[5] trận mạc tập tành,
Thấy người xe ngựa, tủi mình non sông.
“Nay tôi có chước[6] lập công,
Bên trong tôi đã cảm thông rối bời.
Bỏ thuốc độc nó trúng rồi,
Thẳng lên kho súng giết người lính canh.
Lấy được súng cướp lấy thành,
Ba toà đánh chiếm chia binh ba đường[7].
Đình Bảng[8] rền tiếng sấm vang,
Ông Đề[9] xuống chiếm Bắc Giang tỉnh thành.
Sơn, Tuyên, Thái, Lạng, Nghệ, Thanh[10],
Bốn phương hưởng ứng dẹp bình như chơi.”
Ông Bình[11] nói chửa dứt lời,
Hai bên đứng dậy mọi người vỗ tay.
Tức thì ba đạo chia ngay,
Hữu kia Nguyễn Cốc[12], tả này Đặng Nhân[13].
Ông Bình làm chủ trong quân,
Ông Nga[14] làm phó, ba quân cứ lời.
Cùng nhau gắn bó mới rồi,
Lễ bày sáp huyết[15] định lời ước minh.
Ngày hai mươi chín[16] rõ rành,
Nghe nó trúng độc thì mình động ngay.
Lời sao không cánh mà bay,
Cơ mưu nó biết hàng ngày nó trông.
Tối hăm chín, bảy điểm chung,
Nó ăn phải độc chưa xong nửa phần.
Vô tình phải đứa bất nhân,
Đem tin báo với Pháp quân tức thì.
Thôi thôi còn biết cách gì,
Hùm thiêng đến lúc sa cơ cũng hèn.
Pháp doanh nghe động tiếng kèn,
Trong thành bốn mặt bổ liền quân vây.
Phải chi là chuyện chẳng may,
Chậm cho mươi phút việc này hẳn xong.
Dù thất bại vẫn anh hùng,
Tấm lòng đối với non sông thẹn gì.
Gan vàng dạ sắt tri tri,
Ông Bình đến chết coi thì như không.
Vẫn cười vẫn nói ung dung,
Bên đường trông thấy ai không sụt sùi.
Ông Nga bị bắt tới nơi,
Pháp quan dò hỏi mấy lời sâu nông.
Rằng anh là kẻ có công,
Nhà nước hậu đãi cũng không bạc gì.
Sao anh mưu phản làm chi,
Những ai đồng đảng khai thì tha ngay.
Nghe lời nghiến lợi cau mày,
Mắng rằng: “Pháp tặc nói hay làm gì.
Một năm sưu thuế ba kỳ,
Mấy nghìn vạn ức[17] mày thì nhớ không.
Tao ăn một tháng mười đồng,
Cũng do công sức người trong ba kỳ[18].
Cơm thừa canh cặn ra chi,
Thế mà khéo nói, kể gì là ơn.
Lựa Nam nhơn giết Nam nhơn[19],
Làm cho hết giống, hết dân, tội mày!
Pháp Lan Tây[20]! Pháp Lan Tây!
Chí tao muốn giết thịt mày mới cam.
Chẳng thà làm quỷ nước Nam,
Còn hơn nô lệ làm quan cho mày!
Rồi đây được chết là may,
Còn bao người khác sau này giống tao.”
Gọi to một tiếng “đồng bào!”
Hồn thiêng theo trận gió ào lên mây.
Ối thương thay! Ối thương thay!
Kể sao xiết tội giết lây bao người.
Văn minh cũng thật lạ đời,
Đàn bà giết cả đến người hàng cơm[21].
Đời mình coi nhẹ rác rơm,
Trăm nghìn phó một mũi gươm cho rồi.
Khen cho liệt sĩ bốn người,
Một lòng vì nước, muôn đời tiếng thơm.
Tát tai đá đít cũng cam,
Những phường giá áo túi cơm[22] sá gì.
Vẫn còn mở miệng thị phi,
Biết gì nòi giống, biết gì nước non!
Việc thiên hạ há cỏn con,
Người nay làm hỏng vẫn còn người sau.
Bền gan chẳng ngại dài lâu,
Núi cao cũng lở, sông sâu cũng đầy.
Rồi ra bao kẻ sau này,
Quyết lòng báo phục ra tay anh hùng.
Xứng danh nòi giống Tiên Rồng,
Rửa hờn nghĩa liệt đền công nước nhà.
Thay vì hai câu cuối, có bản chép:
Một mai bia đá tượng đồng,
Rửa hờn nghĩa liệt đền công nước nhà.
Kìa xem lịch sử Trung Hoa,
Hán Dương một trận đảo qua mấy lần.
Ầm ầm các tỉnh nghe tin,
Kéo cờ độc lập dựng nên Cộng hoà.
Anh em binh lính nhà ta,
Ai mà có bụng ắt là xong ngay.
Bởi vì súng đạn ở tay,
Giang sơn kéo lại một ngày như chơi.
Quả nay cơ hội đến nơi,
Bắc Nam đôi ngả mấy lời gởi trao.
Cờ sắc đỏ vẽ năm sao,
Giang sơn rõ mặt, đồng bào vỗ tay.
Bài vè khuyết danh này làm năm 1912, nói về vụ đầu độc quan binh Pháp ở Hà Nội năm 1908, có lẽ do đảng viên của Hoàng Hoa Thám chủ mưu. Việc thất bại, Bếp Hiên và sáu người nữa trong cơ lính nhà bếp bị xử tử. Nhưng bài thơ chỉ ghi bốn liệt sĩ: Nguyễn Chí Bình (Đội Bình), Nguyễn Văn Cốc (Đội Cốc), Đặng Đình Nhân (Đội Nhân), Nguyễn Đức A (Cai Nga), đều ở trong đội lính khố đỏ, và bà hàng cơm bị giết lây.

[1] Có bản chép “Vẳng tai nghe tiếng đài đầu”. Đài đầu ở đây có lẽ là đoạn đầu đài.
[2] Con Lạc cháu Hồng (con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng), chỉ dân tộc Việt.
[3] Hay yàng, yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
[4] Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm Đội Bình, Đội Cốc, Đội Nhân, và Cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8-7-1908.
[5] Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là nhiều).
[6] Mưu kế (từ cổ).
[7] Theo kế hoạch, sau khi đầu độc lính Pháp trong thành, nghĩa quân Đề Thám sẽ kết hợp với lính khố đỏ yêu nước trong thành tấn công theo ba mũi. Mũi thứ nhất do Đội Bình (là tổng chỉ huy trực tiếp phụ trách, Cai Nga là phó) có nhiệm vụ tấn công vào Bộ tham mưu Pháp ở trong thành. Mũi thứ hai do Đội Nhân chỉ huy sẽ tấn công vào Phủ toàn quyền Đông Dương. Mũi thứ ba do Đội Cốc chỉ huy tấn công vào Phủ thống sứ Bắc Kỳ.
[8] Làng ở tỉnh Bắc Ninh, xưa là làng Cổ Pháp, có tên nôm là làng Báng.
[9] Hoàng Hoa Thám, còn gọi là Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885-1913), được nhân dân suy tôn là Hùm thiêng Yên Thế.
[10] Sơn Tây, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hoá, tên các tỉnh miền Bắc hoặc Bắc Trung Bộ.
[11] Nguyễn Chí Bình, tức Đội Bình.
[12] Nguyễn Văn Cốc, hay còn gọi là Dương Bê, tức Đội Cốc.
[13] Đội Nhân, tên thật là Đặng Đình Nhân, sinh năm 1880, quê ở Bạch Mai (nay thuộc khu phố Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ông là một trong những người lãnh đạo vụ Hà Thành đầu độc. Vụ việc không thành, ngày 8/7/1908, ông bị chém cùng với các bạn đồng chí khác. Khi nghe kết tội “phiến loạn,” ông đã khẳng khái trả lời: “Ta không làm loạn, mà chỉ trung với nước!” Đầu của các ông bị bỏ trong rọ tre, treo ở cành đa cổ thụ, ngã tư Trung Hiền, cửa ngõ đông người qua lại ở làng Bạch Mai để thị chúng, nhưng ngay trong đêm đó, dân làng và họ hàng đã bí mật cướp đi chôn. Hiện nay ở Ba Đình, Hà Nội có con đường mang tên ông.
[14] Nguyễn Đức A, tức Cai Nga.
[15] Dùng máu bôi vào mép, thời xưa có lệ này đi đôi với việc thề nguyền để tỏ quyết tâm không sai lời. Ta thường nói “uống máu ăn thề”.
[16] Ngày 29 tháng 5 năm Mậu Thân (tức 27-6-1908), định lúc 7 giờ tối thì tiến hành vụ việc. Quân Pháp được tin mật báo trước nên hết sức đề phòng nhưng việc đầu độc vẫn thực hiện được. Trên 80 tên bị trúng độc nhưng chất độc làm bằng cà độc dược quá yếu nên chúng chỉ đau bụng ngất đi, sau cấp cứu thì sống lại. Việc phá kho súng do đó cũng không thành.
[17] Số đếm cũ, bằng một trăm nghìn (mười vạn).
[18] Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).
[19] Dùng người nước Nam để giết người nước Nam, chỉ chính sách mộ lính tập người bản xứ để đánh dẹp các cuộc phản kháng vũ trang, được chính quyền thực dân Pháp thực hiện ở nước ta trong thời kì đô hộ.
[20] Phiên âm Hán Việt của 法蘭西 (faranxi), cách người Trung Hoa phiên âm chữ “France” - quốc hiệu nước Pháp. Tên gọi Pháp chính là xuất phát từ cách đọc này.
[21] Chỉ bà Sáu Tĩnh, tức bà Nguyễn Thị Luyến (1856-1909), cùng bán hàng cơm với chồng. Nhà số 20 phố Cửa Nam của ông bà là nơi hội họp bàn việc tổ chức đầu độc. Sau khi âm mưu đầu độc thất bại, bà Sáu Tĩnh đã bị Pháp tra tấn tàn nhẫn (nung kìm để cặp vào vú, cho vào thùng đóng đinh rồi lăn...) nhưng bà nhất quyết không chịu khai, mấy tháng sau thì mất. Có thuyết nói người hàng cơm đây là một người phụ nữ trẻ gọi là cô Nhiêu Sáu, tên thật là Nguyễn Thị Ba.
[22] Cái giá để mắc áo, cái túi để đựng cơm. Ý chỉ những người vô dụng, tầm thường, thân thể chỉ để mắc áo và đựng cơm.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Một cơn gió táp mưa sa