25/04/2024 18:49Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hoạ Nguyễn Huy Oánh thi
和阮輝瑩詩

Tác giả: Nguyễn Khản - 阮侃

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 12/08/2013 10:40

 

Nguyên tác

王朝等列共聯班,
德且年尊達世間。
黃點菊纏花几凈,
粉粧梅戲月窗閒。
香樓瑞占都麟鳳,
紫閣書傳合鵲鸞。
張弛理明推吏隱,
堂堂本體道羅山。

Phiên âm

Vương triều đẳng liệt cộng liên ban,
Đức thả niên tôn đạt thế gian.
Hoàng điểm cúc triền hoa kỷ tịnh,
Phấn trang mai hý nguyệt song nhàn.
Hương lâu thuỵ chiếm đô lân phượng,
Tử các thư truyền hợp thước loan.
Trương thỉ lý minh suy lại ẩn[1],
Đường đường bản thể đạo La San[2].

Dịch nghĩa

Hàng hàng quan lại trong triều họp thành các ban,
Ông đức và tuổi đều tôn quý, có thể gọi là “đạt” trong đời.
Khóm cúc điểm vàng, ghế hoa sạch sẽ,
Nhành mai rắc phấn, song trăng nhàn nhã.
Lầu hương bói được điềm lành, là nơi tụ tập của lân phượng,
Gác tía truyền dạy sách vở, hội họp các loài chim loan, chim thước.
Căng hay chùng cái lý đã rõ, giục giã kẻ ẩn dật chốn quan trường,
Cái đạo ở La San quả có gốc rễ bề thế, vững vàng.

Bản dịch của Nguyễn Thanh Tùng

Từng hàng quan lại họp thành ban,
Đức trọng tài cao, hiển thế gian.
Khóm cúc điểm vàng, lưng ghế nhẵn,
Nhành mai rắc phấn, cửa trăng nhàn.
Lầu hương điềm tốt, mời lân phượng,
Gác tía điều hay, đón thước loan.
Căng trũng lẽ rành, xui khách ẩn,
Vững vàng đạo thể ấy La San.
Đây là bài thơ Nguyễn Khản hoạ thơ Nguyễn Huy Oánh 阮輝瑩 (1713-1789) nhân dịp vị thám hoa này theo lệ về trí sĩ rồi được khởi phục vào năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780). Những bài thơ này được chép trong sách Nguyễn thị gia tàng hiện được con cháu dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu cất giữ (với 2 dị bản).

Bài thơ của Nguyễn Khản chỉ là một trong tổng số 76 bài thơ của triều thần nhà Lê hoạ lại thơ của Nguyễn Huy Oánh. Trong đó, có nhiều bài thơ của những tể thần, danh sĩ đương thời như Trịnh Kiều, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Hoàng Tố Lý (1743-1782), Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích,... Trong đó, có những bài thơ hoạ của những người thân của ông Thám hoa như em trai Nguyễn Huy Quýnh, con trai Nguyễn Huy Tự,... rồi những học trò của Nguyễn Huy Oánh như Phạm Nguyễn Du, Phạm Trọng Huyên,... Bài thơ của Nguyễn Khản cũng có thể được xếp vào số những bài thơ hoạ của người thân Nguyễn Huy Oánh bởi ông chính là thông gia của gia đình ông thám hoa (con gái ông là Nguyễn Thị Bành, Nguyễn Thị Đài lấy Nguyễn Huy Tự; hai gia đình lại có quan hệ qua lại, thông gia lâu đời). Tuy nhiên, điều đó cũng không có gì quá đặc biệt ảnh hưởng đến bài thơ, bởi nó cũng chỉ là một bài thơ mang tính chất nghi thức, thù tạc, tụng ca như những bài thơ hoạ khác. Cái đặc biệt của bài thơ nằm ở cách viết, cách chơi thơ. Ở đây, Nguyễn Khản đã sử dụng kiểu chơi thơ “thuận nghịch độc” (nghĩa là đọc xuôi đọc ngược). Hơn thế nữa, kiểu “thuận nghịch độc” này áp dụng trong hoàn cảnh song ngữ Hán-Nôm. Cụ thể, ở bài thơ này, ông đã sử dụng kiểu “thuận nghịch độc” như cước chú của bài thơ là “Đọc thuận là bài thơ Đường luật, đọc nghịch là bài thơ quốc âm” 順用唐律逆用國音. Theo đó, bài thơ đọc xuôi thì được bài thơ chữ Hán chỉnh tề, trang nhã như trên; còn đọc ngược thì ta được bài thơ quốc âm cũng không kém phần tề chỉnh, tao nhã. Bài thơ tạm được phiên âm như sau:
Sơn là đạo thể vốn đường đường,
Ẩn lại suy minh lẽ thỉ trương.
Loan thước họp, truyền thư gác tía,
Phượng lân đua, chiếm thuỵ lầu hương.
Nhàn song nguyệt hé, mai trang phấn,
Tạnh cửa hoa chen, cúc điểm vàng.
Gian thế đạt tôn nên thả đức,
Ban liền cùng liệt đấng triều vương.
Bài thơ Nôm có nội dung cũng không ra ngoài mục đích chúc tụng của Nguyễn Khản dành cho Nguyễn Huy Oánh. Đặc biệt, bài thơ Đường luật, nhưng hai câu thực lại được ngắt nhịp 3/4 như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,... từng làm khiến cho bài thơ có được ấn tượng gần gũi với khẩu ngữ hơn.

Bài thơ của Nguyễn Khản mới phát hiện cho thấy Nguyễn Khản là một nhà thơ Hán-Nôm tài hoa, chuộng dùng thơ văn như một thú chơi tao nhã, một ngón nghề công phu, đồng thời có ý thức trổ tài, “khoe tài”. Mặt khác, với những tác phẩm còn lại của Nguyễn Khản, bước đầu ta có thể hình dung ra một phong cách thơ văn Nguyễn Khản, đó chủ yếu là loại thơ văn đài các, thù tạc, yến ẩm, hoa mĩ,… phục vụ cho sự nghiệp chính trị và cuộc sống hưởng thụ phong lưu nhất thời của ông. Điều đó phù hợp với những ghi chép của người đương thời và đời sau về ông (đặc biệt là ghi chép của Phạm Đình Hổ). Nó cũng góp phần lý giải nguyên nhân vì sao dù được sáng tác nhiều nhưng tác phẩm của Nguyễn Khản được truyền đến ngày nay khá ít. Phải chăng, “văn vận” kém phần may mắn đó đã “bỉ sắc tư phong” với cuộc đời phong lưu bậc nhất của ông?
[] Dị bản: nhiễu 遶.
[] Dị ban: điểm 点.
[1] Kẻ ẩn chốn quan trường. Theo Sử ký, Đông Phương Sóc thời Hán làm quan đến chức Đãi chiếu Kim mã môn, có người bảo ông rằng: người ta đều nói ông là cuồng sĩ. Đông Phương Sóc đáp: "Dạng người như ta, là loại trốn đời nơi triều đình, không giống với người xưa trốn đời trong núi rừng". Liền đó uống rượu say, chống đất mà ca rằng: “Chìm nổi chốn thế tục, trốn đời nơi quan trường. Nơi cung điện có thể bảo toàn tấm thân trốn đời, hà tất phải trốn đời trong rừng núi, dưới cây lau cây sậy”.
[2] Tức La Sơn, tên huyện, trong huyện La San có tổng Lai Thạch, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh), quê Nguyễn Huy Oánh.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Khản » Hoạ Nguyễn Huy Oánh thi