19/04/2024 14:44Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Trở về

Tác giả: Vũ Hoàng Chương - 武黃遧

Thể thơ: Thơ tự do; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi Biển nhớ vào 07/05/2008 21:51

 

Đã phá đứt tung
Mọi dây trói, mọi rào đơn lưới kép.
Đã xóa bỏ những vòng đai chật hẹp
Những phù hoa lồng kính đóng khung.
Và đã trở về.
Đâu cần mở con-đường-không-biết-khép;
Cảnh nơi đây còn nguyên vẻ đẹp
Của hôm nào ra đi.

Núi ngày cũ nghiêng đầu khoe tóc mượt,
Rừng thông vẫn tiếng reo xanh.
Lưng yểu điệu hòa theo mầu cỏ mướt,
Vòng chân đứng vững như thành.
Chỉ có tóc này pha sương,
Hai vai này vơi mất nhiều xuân
để mang đầy cát bụi,
Những bước đi này thêm nặng đau thương
Kể từ xuống núi.

Giòng suối cũ chẳng cao lên,
cũng chẳng hao gầy,
Vẫn là gương mặt thơ ngây.
Giọng nói cười trong vắt
Giữa vùng hoa dại kết nôi.
Chỉ có ngàn tia hy vọng tắt
Không hẹn phản hồi;
Chỉ có niềm tin nín bặt
Trong đôi hố mắt này thôi.

Người yêu cũ nằm đây, trang sách mở,
Thân đọng ngọc lung linh
Hồn Chữ hương dìu hơi thở
Gợn khắp châu thân từng vân ngọc đa tình.
Chỉ có thịt xương này khô héo
Tâm tư này xiêu vẹo
Qua nhiều cơn sốt mê tơi
Của những mưu sinh, ứng thế, tranh thời.

Chử Đồng Tử với Tiên Dung Công chúa
Từng khói mây vút cánh Bồng Châu.
Khói như tơ bạc mây như lụa
Nhưng Bồng Châu? Bồng Châu?
Ai biết nơi đâu?
Và đâu chỉ một phương Thần Thoại ấy,
Một lứa đôi tài tử đất Phong Khê!
Gẫm lại ngàn xưa ai chẳng vậy;
Chẳng ai không "trở về".

"Trở về"... "Trở về"... ôi điệp khúc
Mỗi giây phút như kêu đòi như thúc giục!
"Về đi thôi!"..., Đào lệnh có vườn hoang
Tư Mã Tương Như có bóng chim hoàng
Lưu Nguyễn có hoa đào nước suối.
Ai giác ngộ có bè Nam Hải
Tham sân si cũng có vực Trầm Luân.
"Trở về", ai chẳng một lần!

Còn may cho ta
Chốn cũ không già.
Cuộc trở về êm như bản nhạc
Đường về tạo lấy bằng Thơ
Vì ta vẫn là Ta, dầu nghiêng lệch bơ phờ
Núi vẫn nhận ra nhau,
suối không hề oán trách.
Và Người xưa... Ôi Người Yêu trinh bạch,
Dám đâu ta gọi thức bao giờ!
(Sài-gòn, 1967)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Vũ Hoàng Chương » Trở về