26/04/2024 21:11Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đường công danh

Tác giả: Nguyễn Công Trứ - 阮公著

Thể thơ: Ca trù (hát nói); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi kẻ thích làm thơ vào 12/04/2006 07:39

 

Cùng đạt[1] có riêng chi mệnh số,
Hành tàng[2] nào hẹn với văn chương?
Đường công danh sau trước cũng là thường,
Con tạo hoá phải rằng ghen ghét mãi?
Duyên ngư thuỷ[3] còn dành cơ hội lại,
Quyết tang bồng[4] cho phỉ chí trượng phu.
Trong trần ai, ai kém ai đâu?
Tài bộ thế, khoa danh, ờ, lại có!
Thơ rằng: Độc thư thiên bất phụ[5],
Hữu chí sự cánh thành[6].
Giang sơn đành có cậy trông mình,
Mà vội mỉa anh hùng chi bấy nhẽ?
Đã sinh ra ở trong phù thế,
Nợ trần ai đành cũng tính xong.
Nhắn lời nói với non sông,
Giang sơn hầu dễ anh hùng mấy ai?
Thanh vân[7], trông đó mà coi.
[1] Lúc bế tắc, lúc hanh thông.
[2] Lúc hoạt động giúp nước, lúc ẩn náu giấu mình.
[3] Cá và nước, chỉ duyên gặp gỡ. Trong Tam Quốc chí, Lưu Bị nói với Quan Vũ và Trương Phi: Ta gặp được Khổng Minh như cá gặp nước.
[4] Do chữ “tang bồng hồ thỉ” 桑蓬弧矢, là cung làm bằng gỗ dâu và tên làm bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, xưa cha mẹ khi sinh con trai, lấy cung gỗ dâu, tên cỏ bồng treo ngoài cửa, ý mong con trai lấy cung tên làm sự nghiệp.
[5] Chữ Hán: 讀書天不負. Nghĩa: Trời không phụ người đọc sách. Sách Gia huấn của Trịnh Minh Đạo: “Hoàng thiên bất phụ độc thư nhân” 皇天不負讀書人.
[6] Chữ Hán: 有志事竟成. Nghĩa: Có chí thì làm nên việc lớn. Sử ký, Hán Quang Vũ nói: “Hữu chí giả sự cánh thành dã” 有志者事竟成也.
[7] Đường công danh. Tống sử: “Túc nhiếp thanh vân” 足躡青雲 (Chân dẫm lên mây xanh) chỉ người thi đỗ. Đời Tống, Lương Hiệu 82 tuổi thi đỗ trạng nguyên, làm bài biểu tạ ơn có câu “Hạo thủ cùng kinh, thanh vân đắc lộ” 皓首窮經,青雲得路 (Bạc đầu học hết 5 bộ kinh, mây xanh thuận đường).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Công Trứ » Đường công danh