10/05/2024 02:00Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thích muộn
釋悶

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Thất ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi hongha83 vào 22/10/2008 12:13

 

Nguyên tác

四海十年不解兵,
犬戎也復臨咸京。
失道非關出襄野,
揚鞭忽是過湖城。
豺狼塞路人斷絕,
烽火照夜尸縱橫。
天子亦應厭奔走,
群公固合思昇平。
但恐誅求不改轍,
聞道嬖孽能全生。
江邊老翁錯料事,
眼暗不見風塵清。

Phiên âm

Tứ hải thập niên[1] bất giải binh,
Khuyển nhung dã phục lâm Hàm kinh[2].
Thất đạo phi quan xuất Tương Dã[3],
Dương tiên hốt thị quá Hồ Thành[4].
Sài lang tái lộ nhân đoạn tuyệt,
Phong hoả chiếu dạ thi túng hoành.
Thiên tử diệc ưng yếm bôn tẩu,
Quần công cố hợp tứ thăng bình.
Đãn khủng tru cầu bất cải triệt,
Văn đạo bế nghiệt năng toàn sinh.
Giang biên lão ông thác liệu sự,
Nhãn ám bất kiến phong trần thanh.

Dịch nghĩa

Suốt mười năm, khắp chốn chưa hết chiến tranh,
Người Thổ Phồn lại tới xâm phạm kinh đô Hàm Dương.
Lạc đường, lại không có ải ngăn chặn nên đến được cánh đồng Tương,
Vung roi bỗng tới ngay thành Hồ.
Sài lang chặn đường, nên người không đi lại được,
Lửa khói sáng rực ban đêm, xác phơi đầy đường.
Nhà vua dường đã chán nản về cảnh xuôi ngược,
Các ông làm sao cố mà lập lại cảnh thăng bình đi.
Vốn đã sợ rằng cảnh vơ vét không tránh vết cũ được,
Nghe nói bọn yêu quái được vua mến lại có thể sống yên lành!
Ông già nơi ven sông vốn vụng tính việc,
Chắc là mắt mờ nên không thấy sạch gió bụi!

Bản dịch của Trần Huy Liệu

Bốn bể mười năm chẳng giải binh
Khuyển Nhung giày xéo chốn Hàm Kinh
Lạc đường lận đận ngoài Tương Dã
Quất ngựa mải miết qua Hồ Thành
Đóm lửa rực đêm thây ngang dọc
Sài lang nghẽn đường người vắng tanh
Nhà vua chạy mãi cũng chán ngấy
Các quan tưởng nhớ buổi thăng bình
Chỉ e bóc lột vẫn lối cũ
Nghe nói lũ nịnh được toàn sinh
"Ông già bên sông" tính sai việc
Nhìn đời gió bụi mắt không sành
(Năm 764)

[1] Từ năm 755 tới 764.
[2] Ám chỉ kinh đô Trường An.
[3] Trong "Nam Hoa kinh" của Trang Chu, Hoàng Đế bị lạc tới Tương Dã.
[4] Đời Tấn, Vương Đôn làm phản đóng quân ở Vu Hồ, vua Tấn là Minh Đế một roi một ngựa tới thành này thám thính.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Thích muộn