28/03/2024 23:09Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

“Khuôn mặt em tôi trông quen lắm...”
“Твое лицо мне так знакомо...”

Tác giả: Aleksandr Blok - Александр Блок

Nước: Nga
Đăng bởi hongha83 vào 28/11/2012 11:06

 

Nguyên tác

Твое лицо мне так знакомо,
Как будто ты жила со мной.
В гостях, на улице и дома
Я вижу тонкий профиль твой.
Твои шаги звенят за мною,
Куда я ни войду, ты там.
Не ты ли легкою стопою
За мною ходишь по ночам?
Не ты ль проскальзываешь мимо,
Едва лишь в двери загляну,
Полувоздушна и незрима,
Подобна виденному сну?
Я часто думаю, не ты ли
Среди погоста, за гумном,
Сидела, молча, на могиле
В платочке ситцевом своем?
Я приближался - ты сидела,
Я подошел - ты отошла,
Спустилась к речке и запела...
На голос твой колокола
Откликнулись вечерним звоном...
И плакал я, и робко ждал...
Но за вечерним перезвоном
Твой милый голос затихал...
Еще мгновенье - нет ответа,
Платок мелькает за рекой...
Но знаю горестно, что где-то
Еще увидимся с тобой.

Bản dịch của Nguyễn Xuân Hoà

Khuôn mặt em tôi trông quen lắm
Tựa như có thời tôi đã sống cùng em
Khi em đi phố, ở nhà hay viếng thăm đâu đó
Em gọn gàng thon thả khi ngắm nhìn nghiêng
Gót sen em nhẹ lướt phía sau tôi
Chân bước đến đâu là thấy em ở đấy
Có phải em đang bước sau tôi nhẹ gót?
Đêm đêm em vẫn làm thế phải không em?
Có phải em vẫn thường len lén đi qua
Tôi chỉ ghé mắt nhìn em qua cánh cửa
Em lướt nhẹ nhàng rồi không thấy em đâu nữa
Tựa như vừa trải qua một giấc chiêm bao
Tôi nghĩ, có phải em vẫn thường ngồi lặng lẽ
Giữa bãi tha ma đằng sau đống rạ
Bên ngôi mộ em ngồi với chiếc khăn hoa?
Tôi tiến đến gần - em vẫn ngồi yên đó
Tôi đến gần hơn - em đứng dậy bỏ đi
Rồi ra mé bờ sông em cất giọng hát tôi nghe...
Giọng em như chuông
Để nối theo là tiếng ngân chiều tối...
Tôi đã khóc và đợi chờ dè dặt...
Nhưng tiếng chuông đổ dài vào lúc chiều buông
Giọng hát dịu dàng của em im bặt...
Chỉ một khoảnh khắc mà không lời đáp
Đã thấy chiếc khăn thấp thoáng phía bên sông...
Nhưng tôi khổ đau biết rằng ở nơi nào đó
Tôi và em sẽ lại gặp nhau cùng
Trong cả cuộc đời mình A.Blok chỉ yêu một người phụ nữ duy nhất, nàng thơ duy nhất - Lyubov Mendeleeva, con gái nhà bác học Dmitry Mendeleev, nhưng cuộc hôn nhân của họ không suôn sẻ vì nhiều lý do. Phần lớn thơ trữ tình của Blok dành tặng bà. Tuy vậy, trong di sản của Blok có những tác phẩm hướng tới «người phụ nữ bí ẩn». Trong số đó có bài thơ “Ta thấy gương mặt ngươi quen lắm…”, viết năm 1908.

Vào thời điểm này L.Mendeleeva đã rời bỏ Blok, và trong cuộc đời ông đã có khá nhiều phụ nữ khác xuất hiện, nhưng không một ai trong số họ là nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm này. Các nhà nghiên cứu Blok có xu hướng tin rằng tác giả đã tạo ra một hình ảnh văn học về Người phụ nữ - Tử thần, gán cho cái chết những nét đặc trưng của một người phụ nữ đang sống. Nói về cái chết, Blok lưu ý rằng khuôn mặt của «Người phụ nữ - Tử thần bí ẩn» này rất quen thuộc với ông. “Như thể ngươi đã từng sống bên ta,” tác giả nhấn mạnh, thu hút sự chú ý của người đọc tới bước đi nhẹ nhàng của cô. Nhà thơ thừa nhận mình không thể tách rời con người này, bởi cô ấy luôn tồn tại bên ông. “Phải chăng ngươi với bước chân thật khẽ/Đêm lại đêm bén gót dõi theo ta?” Blok hỏi, mặc dù bản thân ông luôn biết rất rõ câu trả lời cho câu hỏi của mình.

Nhà thơ không được số phận ban cho khả năng nhìn thấy «Người phụ nữ - Tử thần bí ẩn» luôn ở bên cạnh mình, nhưng ông không chỉ cảm nhận được sự hiện diện của cô ấy mà thậm chí còn có thể miêu tả vị khách không mời mà đến này trông như thế nào. Cô xuất hiện trước ông tác giả như một người phụ nữ còn khá trẻ, một người phụ nữ nông thôn Nga đội khăn vải hoa đơn giản, người mà ông từng gặp ở một nghĩa trang. Cô gái này “ngồi lặng thinh bên mộ” nhưng khi nhà thơ đến gần thì đứng dậy bỏ đi – “xuống bờ sông hát”. Tuy nhiên, giọng vang lên lại là tiếng chuông ngân, và sự liên tưởng này, đến lượt nó, đã làm nảy sinh một mối liên hệ vô hình giữa thế giới người sống và người chết, mà như chính nhà thơ đã tin chắc, - thực sự tồn tại bất chấp tất cả thế giới quan duy vật.

Blok biết rất rõ hình ảnh «Người phụ nữ - Tử thần» không phải ngẫu nhiên sinh ra trong trí tưởng tượng của ông. Tuy nhiên, chúng ta không có cơ hội biết chính xác Tử thần đã xuất hiện trước nhà thơ với hình ảnh như thế nào và liệu có đáp ứng được kỳ vọng của ông hay không vì trong suốt những năm tháng của đời nhà thơ Người phụ nữ - Tử thần ấy chỉ là một cái bóng của ông – một con người phi thường.

Nhưng, đoán trước một cuộc gặp gỡ không thể tránh khỏi, ông viết: “Ta cay đắng biết rằng nơi đâu đó/ Nhất định ta sẽ gặp lại ngươi mà». Sự cay đắng từ một sự kiện được mong đợi như vậy có vẻ khá kỳ lạ. Rất có thể, nhà thơ thực sự muốn nói đến cái chết được cho là của mình, mặc dù khủng khiếp đối với mỗi người nhưng lại xoá bỏ mọi đau khổ trần thế.

Liubov Mendeleeva (1881-1939) là con gái nhà bác học Nga Dmitry Mendeleev, còn Alexander Blok là cháu ngoại nhà bác học Beketov, hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp St.Peterburg, nơi Mendeleev làm việc. Bởi thế không có gì là đáng ngạc nhiên khi cặp thanh mai trúc mã kết hôn vào năm 1903. Tuy nhiên Blok đã đối xử với vợ mình như một biểu tượng, ông sùng bái nàng như nữ thần, đặt lên vai nàng gánh nặng chính từ sự thần thánh hoá đó. Giữa họ không thể có sự gần gũi về thể xác, bởi Blok quan niệm «niềm đam mê đích thực phải thật sự trong sạch vì nó mang tính tâm linh, không thể dung túng con quái vật xác thịt và nhục dục vô liêm sỉ, vô hồn».

Phải một năm sau ngày cưới người vợ trẻ mới có được sự gần gũi vợ chồng, dù cô yêu chồng chân thành và nóng bỏng, như cô viết trong một bức thư không bao giờ được gửi đi cho chồng mình: «Em không cần hôn chân, không cần hôn lên vạt áo trong các bức thư - hãy hôn môi em theo cách anh muốn hôn, dài, nóng bỏng”. Và «Anh đã không để ý đến, đã bỏ qua trong em một con người sống».

Và người nhận thấy tất cả những khát khao trần thế trong cô là một nhà thơ khác, một nhân vật quan trọng của Thế kỷ Bạc, bên cạnh Blok, Akhmatova và các nhà thơ Nga thời kỳ đó. Đó là Andrei Belyi - hay đúng hơn là chàng trai người Moskva Boris Bugaev, bạn thân của Blok. Nhưng Liubov Mendeleeva, sau một thời gian dài dao động, vẫn chọn Blok, và quan hệ giữa Andrei Belyi với Liubov Mendeleeva đã không thể đi xa hơn những cái hôn.

“Sau đó, tôi vẫn chung thuỷ với tình yêu đích thực và khó khăn của mình, rồi dễ dàng tri ân tất cả những tình yêu mà tôi gặp phải,” L.Mendeleeva cay đắng viết. “Bởi vì tôi đã bị chồng bỏ rơi trước sự thương xót của bất cứ ai quan tâm đến tôi.” Blok cho cô tự do làm bất cứ điều gì cô muốn. Từ năm 1907, ông liên tục có những “cơn bão” tình cảm, ông ngoại tình với Volokhova, với Delmas, yêu đến mức mất cả lỷ trí vì đau khổ. Còn L.Mendeleeva bắt đầu quan tâm đến sân khấu và “trở thành một diễn viên”, có những mối quan hệ bình thường và những mối tình thoáng qua, thường là với những diễn viên đầy tham vọng, trong những chuyến lưu diễn liên tục. Bà mất năm 1939 khi vẫn còn khá trẻ, tuy nhiên vẫn sống lâu hơn cả A. Blok lẫn A. Belyi một vài năm.
Ngày 1 tháng 8 năm 1908

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Aleksandr Blok » “Khuôn mặt em tôi trông quen lắm...”