15/05/2024 21:44Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Giáng sinh 1963
Рождество 1963

Tác giả: Joseph Brodsky - Иосиф Бродский

Nước: Nga
Đăng bởi Decembrina Nguyễn vào 26/06/2023 10:48

 

Nguyên tác

Волхвы пришли. Младенец крепко спал.
Звезда светила ярко с небосвода.
Холодный ветер снег в сугроб сгребал.
Шуршал песок. Костер трещал у входа.

Дым шел свечой. Огонь вился крючком.
И тени становились то короче,
то вдруг длинней. Никто не знал кругом,
что жизни счет начнется с этой ночи.

Волхвы пришли. Младенец крепко спал.
Крутые своды ясли окружали.
Кружился снег. Клубился белый пар.
Лежал младенец, и дары лежали.

Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Các pháp sư đã đến. Hài nhi đã ngủ say.
Vòm trời đêm một ngôi sao rỡ ràng toả sáng.
Gió lạnh thổi, dồn tuyết thành từng đống.
Cát hát rì rào. Ngọn lửa reo bên cửa ra vào.

Lửa cháy xoáy tròn. Khói bốc thẳng lên cao.
Lúc ngắn lúc dài, chập chờn bóng đổ.
Không một ai, thế gian chưa một ai hay,
Cuộc sống sẽ bắt đầu từ chính đêm nay.

Các pháp sư đã đến. Hài nhi đã ngủ say.
Những mái vòm dốc đứng vút lên quanh máng cỏ.
Hơi nước trắng cuồn cuộn. Tuyết xoáy tròn vần vũ.
Hài nhi ngủ trong nôi bên cạnh những món quà.
Bài thơ này được viết vào năm 1963 trong thời kỳ tan băng dưới sự lãnh đạo của Khrushchev. Trong thời kỳ này, nhiều nhà văn đã được phục hồi, và độc giả được tiếp cận các tác phẩm trước đây bị cấm và chưa được biết đến. Vào tháng 3-1963, các cuộc tiếp xúc của Khrushchev với giới trí thức diễn ra vô cùng gay gắt. Chính quyền Leningrad quyết định tuyên chiến với những đại diện bị coi là “không đáng tin cậy của các ngành nghề sáng tạo”. Năm 1964, một trong những người đầu tiên bị tấn công là Joseph Brodsky. Ông bị buộc tội ăn bám, mặc dù thực tế là vào thời điểm đó ông đã xoay sở để làm việc ở những nơi khác nhau. Tất cả những nỗ lực của ông để được công nhận là nhà văn chuyên nghiệp đều vấp phải những tuyên bố chính thức của toà án.

Khi được hỏi ai đã xếp ông trong số các nhà thơ - dù sao thì ông cũng không học ngành này ở trường đại học, Brodsky nói: “Tôi không nghĩ rằng điều này là do giáo dục mang lại.” “Rồi sao?” - thẩm phán hỏi. Ông trả lời: “Tôi nghĩ đó là từ Chúa.” Brodsky bị đày đến vùng Arkhangelsk, đến làng Norenskaya. Ông không được công bố chính thức các tác phẩm của mình. Các tác phẩm của nhà thơ chỉ được phân phối theo lối truyền tay nhau, nhưng một phần chính nhờ thế chúng càng được biết đến rộng rãi. Không có gì ngạc nhiên khi Anna Akhmatova vĩ đại nhận xét về thời lưu đày của Brodsky: “Người ta đã tạo ra cho anh chàng tóc đỏ của chúng ta một tiểu sử (oanh liệt - ND) như thế chứ!”

Năm 1965, trong khi Brodsky sống ở nơi lưu đày, cuốn sách đầu tiên của ông, Thơ và trường ca, được xuất bản ở nước ngoài. Một thời gian sau, nhờ sự can thiệp của các nhân vật nổi tiếng nhất trong giới văn nghệ sĩ như Akhmatova, Shostakovich, Chukovsky, Marshak và người khác, Brodsky được giảm án và nhà thơ được trả tự do. Tuy nhiên, ông vẫn không thể tự do sáng tác văn học. Năm 1972, ông buộc phải rời khỏi đất nước. Kể từ đó, nhà thơ sống ở Hoa Kỳ, dạy văn học Nga, xuất bản các tập thơ. Năm 1987, Joseph Brodsky nhận giải Nobel Văn học “vì quyền tác giả toàn diện, tư tưởng rõ ràng và chiều sâu thơ ca”. Brodsky trở thành một trong những người trẻ nhất đoạt giải văn học chính (ông được trao giải năm 47 tuổi) và là nhà văn Nga thứ năm nhận giải Nobel.

Bài thơ này nằm trong tuyển tập Những bài thơ Giáng sinh của tác giả Brodsky, bao gồm 23 bài thơ. Ở đây Brodsky không vượt ra ngoài câu chuyện Giáng sinh, tuân thủ nghiêm ngặt câu chuyện trong Kinh thánh. Ông không tìm cách bày tỏ thái độ cá nhân đối với câu chuyện này, nhưng cho thấy tầm quan trọng của sự kiện Chúa Giêsu Kitô giáng sinh đối với cả nhân loại. Ở đây, ông tuân thủ truyền thống của thơ phụng vụ, thánh ca, từ chối bày tỏ và mô tả những suy nghĩ của chính mình và chỉ truyền tải bầu không khí của đêm Giáng sinh trọng đại theo cách của riêng mình. “Rốt cuộc thì Giáng sinh là gì? Sinh nhật của Chúa - Người. Mỗi năm vào dịp Giáng sinh tôi cố gắng viết một bài thơ để chúc mừng sinh nhật Chúa Giê-su. Đây là ngày sinh nhật lâu đời nhất mà thế giới của chúng ta kỷ niệm” - Brodsky nói về ngày Giáng sinh.

Các pháp sư là những thầy tu quan sát các thiên thể. Họ biết về một lời tiên tri cổ xưa: Đấng Cứu Rỗi sẽ sớm xuất hiện trên thế giới, sự ra đời của người sẽ được thông báo bằng sự xuất hiện của một ngôi sao sáng đáng kinh ngạc. Và khi ngôi sao toả sáng trên bầu trời, các pháp sư lên đường đến gặp Con Thiên Chúa và thờ phượng Ngài. Món quà đầu tiên là vàng. Số vàng đó được dâng cho Chúa Giêsu là Vua dân Do Thái. Món quà quý giá như vậy cho thấy Hài Nhi được sinh ra để làm Vua. Món quà thứ hai, trầm hương, được ban cho Hài Nhi là Thiên Chúa. Trầm hương là một loại nhựa cây thơm có giá trị theo truyền thống được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo. Món quà thứ ba, mộc dược, là một loại hương đắt tiền dùng để ướp xác khi chôn cất. Một dược được dâng cho Chúa Giê-su với tư cách là Đấng Cứu Rỗi đã trở thành Con Người và là Đấng đã được báo trước về “nhiều đau khổ và sự chôn vùi.”

Theo truyền thuyết, Mẹ Thiên Chúa đã trao các món quà cho Nhà thờ Jerusalem. Sau đó, những món quà được chuyển đến Constantinople, nơi chúng được đặt trong nhà thờ Hagia Sophia, và vào thế kỷ 15 chúng được chuyển đến tu viện Thánh Paul, nơi chúng đã được lưu giữ hơn 500 năm. Vàng là hai mươi tám tấm nhỏ có hình dạng khác nhau với nhiều đồ trang trí khác nhau. Trầm hương và mộc dược được lưu trữ dưới dạng khoảng bảy mươi khối cầu nhỏ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Joseph Brodsky » Giáng sinh 1963