25/04/2024 13:50Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đề vịnh Mã Yên sơn lăng
題詠馬鞍山陵

Tác giả: Vũ Phạm Hàm - 武范邯

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi Vanachi vào 03/10/2018 17:46

 

Nguyên tác

俯瞰黃龍跨石梁,
花閭城上最高崗。
半空煙霧馳千古,
二帝神靈駕八荒。
旗劍餘威空草木,
金銀故址剩星霜。
聖朝厚道超前轍,
特建豐碑表昔王。

Phiên âm

Phủ hám Hoàng Long[1] khoá thạch lương,
Hoa Lư[2] thành thượng tối cao cương.
Bán không thiên vụ trì thiên cổ,
Nhị đế[3] thần linh giá bát hoang[4].
Kỳ kiếm dư uy không thảo thụ,
Kim ngân cố chỉ biến tinh sương.
Thánh triều[5] hậu ý siêu tiền liệt,
Đặc kiến phong bi biểu tích vương.

Dịch nghĩa

Cúi trông xuống dòng sông Hoàng Long như một trụ đá bắc qua,
Thành Hoa Lư nằm trên đỉnh sườn cao nhất.
Trời cao mây toả suốt nghìn năm,
Anh linh hai vua đã ngự về vùng Bát hoang.
Cờ kiếm uy xưa nay chỉ còn hư không với cây cỏ,
Tích cũ vàng son còn lại với sương sao.
Thánh triều ta ý hậu vượt hơn các đời trước,
Đặc dựng bia cao để biểu dương các vua xưa.

Bản dịch của Đồng Hữu Hoành

Ngắm dòng Hoàng Long cầu đá qua,
Hoa Lư thành cũ đỉnh là non cao.
Nghìn năm mây khói tuôn trào,
Anh linh nhị đế đã vào Bát hoang.
Uy xưa cờ kiếm hoang tàn,
Vàng son tích cũ chỉ còn sương sao.
Triều ta thánh hậu hơn bao,
Bia to dựng để khen triều tiền vương.
Bài thơ được chép trong Tam nguyên Thám hoa Thư Trì Vũ đại nhân thi tập 三元探花書池武大人詩集 ký hiệu HN902 ĐH Sư phạm Hà Nội.

Núi Mã Yên ở địa phận xã Trường Yên Thượng, huyện Gia Viễn, nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, có lăng vua Đinh Tiên Hoàng ở đỉnh núi, lăng vua Lê Đại Hành ở chân núi, đều có bia đá ghi dấu năm Minh Mệnh xây dựng.

[1] Sông Hoàng Long là một trong bốn con sông lớn chảy trong địa bàn tỉnh Ninh Bình do trung ương quản lý. Sông được tính từ nơi hợp lưu giữa sông Bôi và sông Lạng tại Kênh Gà đến cầu Gián Khẩu. Đoạn mang tên sông Hoàng Long dài khoảng 25km. Lưu vực sông Hoàng Long bao gồm nửa phía bắc Ninh Bình là Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, thành phố Ninh Bình.
[2] Hoa Lư là kinh đô của hai triều Đinh, Tiền Lê, là quê của Đinh Tiên Hoàng. Kinh đô này tồn tại 42 năm (968-1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ... Kinh đô Hoa Lư xưa nay chỉ còn là cố đô Hoa Lư với diện tích tự nhiên 13,87km² nằm trọn trong quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình.
[3] Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.
[4] Tám hướng hoang vu xa xôi cùng cực. Có ý nói anh linh hai vua đã về thế giới khác.
[5] Chỉ triều Nguyễn.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Vũ Phạm Hàm » Đề vịnh Mã Yên sơn lăng