29/03/2024 13:54Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bát ai thi kỳ 3 - Tặng tả bộc xạ Trịnh quốc công Nghiêm công Vũ
八哀詩其三-贈左僕射鄭國公嚴公武

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 25/02/2015 22:21

 

Nguyên tác

鄭公瑚璉器,
華岳金天晶。
昔在童子日,
已聞老成名。
嶷然大賢後,
復見秀骨清。
開口取將相,
小心事友生。
閱書百紙盡,
落筆四座驚。
曆職匪父任,
嫉邪常力爭。
漢儀尚整肅,
胡騎忽縱橫。
飛傳自河隴,
逢人問公卿。
不知乘輿出,
雪涕風悲鳴。
受詞劍閣道,
謁帝蕭關城。
寂寞雲台仗,
飄颻沙塞旌。
江山少使者,
笳鼓凝皇情。
壯士血相視,
忠臣氣不平。
密論貞觀體,
揮發岐陽征。
感激動四極,
聯翩收二京。
西郊牛酒再,
原廟丹青明。
匡汲俄寵辱,
衛霍竟哀榮。
四登會府地,
三掌華陽兵。
京兆空柳色,
尚書無履聲。
群烏自朝夕,
白馬休橫行。
諸葛蜀人愛,
文翁儒化成。
公來雪山重,
公去雪山輕。
記室得何遜,
韜鈐延子荊。
四郊失壁壘,
虛館開逢迎。
堂上指圖畫,
軍中吹玉笙。
豈無成都酒,
憂國只細傾。
時觀錦水釣,
問俗終相並。
意待犬戎滅,
人藏紅粟盈。
以茲報主願,
庶獲裨世程。
炯炯一心在,
沉沉二豎嬰。
顏回竟短折,
賈誼徒忠貞。
飛旐出江漢,
孤舟輕荊衡。
虛無馬融笛,
悵望龍驤塋。
空餘老賓客,
身上愧簪纓。

Phiên âm

Trịnh công[1] hồ liên khí,
Hoa nhạc[2] kim thiên xương.
Tích tại đồng tử nhật,
Dĩ văn lão thành danh.
Nghi nhiên đại hiền hậu[3],
Phục kiến tú cốt thanh.
Khai khẩu thủ tương tướng,
Tiểu tâm sự hữu sinh.
Duyệt văn bách chỉ tận,
Lạc bút tứ toà kinh.
Lịch chức phỉ phụ nhiệm,
Tật tà thường lực tranh,
Hán nghi thượng chỉnh túc,
Hồ kỵ hốt tung hoành.
Phi truyền tự Hà[4], Lũng[5],
Phùng nhân[6] vấn công khanh.
Bất tri thừa dư xuất,
Tuyết thế phong bi minh.
Thụ từ Kiếm Các đạo,
Yết đế Tiêu Quan thành.
Tịch mịch vân đài trượng,
Phiêu diêu sa tái tinh.
Giang sơn thiếu sứ giả,
Già cổ ngưng hoàng tình.
Tráng sĩ huyết tương thị,
Trung thần khí bất bình.
Mật luận Trinh Quán[7] thể,
Huy phát Kỳ Dương[8] chinh.
Cảm kích động tứ cực,
Liên phiên thu nhị kinh.
Tây giao ngưu tửu tái,
Nguyên miếu đan thanh minh.
Khuông[9], Cấp[10] nga sủng nhục,
Vệ[11], Hoắc[12] cánh ai vinh.
Tứ đăng hội phủ địa[13],
Tam chưởng Hoa Dương[14] binh.
Kinh triệu không liễu sắc,
Thượng thư vô lý thanh.
Quần ô tự triêu tịch,
Bạch mã hưu hoành hành.
Gia Cát Thục nhân ái,
Văn Ông[15] nho hoá thành.
Công lai tuyết sơn trọng,
Công khứ tuyết sơn khinh.
Kí thất đắc Hà Tốn[16],
Thao kiềm diên Tử Kinh[17].
Tứ giao thất bích luỹ,
Hư quán khai phùng nghinh.
Đường thượng chỉ đồ hoạ,
Quân trung xuy ngọc sênh.
Khởi vô Thành Đô tửu,
Ưu quốc chỉ tế khuynh.
Thì quan Cẩm thuỷ điếu,
Vấn tục chung tương tinh.
Ý đắc Khuyển Nhung diệt.
Nhân tàng hồng túc dinh
Dĩ tư báo chủ nguyện,
Thứ hoạch bì thế trình.
Quýnh quýnh nhất tâm tại,
Trầm trầm nhị thụ[18] anh.
Nhan Hồi[19] cánh đoản chiết,
Giả Nghị[20] đồ trung trinh.
Phi diêu xuất Giang Hán,
Cô chu khinh Kinh Hành[21].
Hư vô Mã Dung[22] địch,
Trướng vọng long nhương oanh.
Không dư lão tân khách,
Thân thượng quỹ trâm anh[23].

Dịch nghĩa

Ngài Trịnh quốc công có phẩm cách cao vời,
Là cái tinh tuý của thần núi Hoa nhạc.
Xưa kia lúc còn ít tuổi,
Đã nghe danh tiếng vang lên rồi.
Là hậu duệ của bậc đại hiền,
Lại thấy phong cách rất tao nhã.
Mở miệng nói là đủ tỏ ra người có thể đảm nhiệm chức lớn,
Hết lòng chăm lo săn sóc tới bạn bè,
Đọc sách thoáng hết cả trăm trang giấy,
Vung bút khiến bốn bề kinh sợ.
Đảm nhiệm chức vụ chẳng phải nhờ thanh thế cha,
Đấu tranh hết sức với cái xấu, không chính đáng.
Cung cách nhà Hán còn đang lo vun đắp cho ngay,
Thì ngựa Hồ bỗng dày xéo.
Tin từ vùng Hà, Lũng truyền như bay về,
Cứ khoa trương cái địa vị quan cai trị vùng này.
Có biết đâu rằng khi lên xe ra đi,
Nước mắt như tuyết rơi gió buồn nổi lên.
Vâng lời nhận lĩnh đạo Kiếm Các,
Bái vua xin nhận thành Tiêu Quan.
Im lìm về lễ nghi nơi đài mây,
Phất phơ cờ nơi biên ải.
Giang sơn có ít sứ giả,
Tiếng ốc lẫn trống làm tình vua phai nhạt đi.
Máu của tráng sĩ muốn đổ vì nghĩa,
Bậc trung thần tỏ vẻ bất bình.
Bàn luận kín đáo theo cung cách thời Trinh Quán,
Phát huy cuộc chính phục vùng phía đông núi Kỳ.
Vẻ hồ hởi này làm phấn chấn khắp bốn phương,
Lần lượt lấy lại được hai kinh.
Vùng phía tây mang thịt rượu tới,
Miếu thờ được sửa sang lại.
Khuông Hành, Cấp Ảm bỗng nhiên từ được tồn thờ xuống bị làm nhục,
Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh đang vinh hiển trở thành bi thương.
Bốn lần lên nắm chức lớn,
Ba lần chỉ huy quân huyện Hoa Dương.
Nơi kinh đô vắng sắc liễu,
Im bặt tiếng dép của quan thượng thư.
Bày quạ từ sáng tới tối,
Ngựa trắng thôi không tung hoành.
Cũng được dân xứ Thục quý mến như Gia Cát Lượng,
Cũng theo kịp Văn Ông trong việc giáo hoá dân chúng.
Khi ông tới thì tuyết núi dầy,
Khi ông rời tuyết núi mỏng.
Có được người coi nhà ghi sổ như Hà Tốn,
Sẵn kẻ kiểm soát trù tính như Tử Kinh.
Bốn ngoại ô Thành Đô không cần tường luỹ phòng ngự,
Quán ăn không cần khoá cửa, mở rộng đón khách.
Trên sảnh, ông chỉ bức địa đồ,
Trong trại quân tiếng ca hoạ với sênh ngọc.
Thành Đô nào có thiếu rượu,
Nhưng vì lo cho nước nên chỉ nghiêng bình ít thôi.
Có khi đi coi câu cá nơi sông Cẩm,
Hỏi thăm dân tình để mà lập kế hoạch an dân.
Có ý định chờ diệt xong bọn Khuyển Nhung kia,
Người lo trữ đầy gạo đỏ.
Lấy cái đó để đáp lại cái ý nguyện báo chúa,
Sau đến nữa là hoạch định cái khuôn phép cho đời.
Rỡ ràng là một cõi lòng còn đó,
Thế mà ngấm ngầm hai đứa trẻ ranh.
Nhan Hồi cuối cùng là chết sớm,
Giả Nghị vẫn giữ lòng trung tới cùng.
Cái cờ tang bay ra khỏi vùng Giang Hán,
Con thuyền cô đơn nhẹ lướt qua vùng Kinh Châu và Hành Châu.
Tiếng địch của Mã Dung nay đi vào hư vô,
Ngóng trông về ngôi mộ hoành tráng.
Chỉ còn lại nơi đây một lão già từng là tân khách của ông,
Thấy ngượng vì trên đầu còn cài trâm với mũ còn đính dải.

Bản dịch của Phạm Doanh

Trịnh quốc công cao vời nhân cách,
Hoa nhạc kia trong sạch cùng chung.
Xưa kia khi còn trẻ trung,
Đã nghe danh tiếng lẫy lừng khắp nơi
Ông đúng là con nòi gia thế,
Lại có thêm thân thể cân phân.
Mở miệng rõ đủ võ văn,
Đối với bè bạn lo chăm hết lòng
Đọc trăm trang chỉ trong nháy mắt,
Bốn phía kinh khi bút vung lên.
Lĩnh chức chẳng nhờ cha xin,
Với điều sai xấu quyết bàn trắng đen.
Nghi thức Hán đang còn bồi đắp,
Ngựa Hồ kia rầm rập chạy vung.
Từ Hà, Lũng tin khẩn trương,
Kiếm người để tới đảm đương mọi bề.
Nào có biết lên xe tới đó,
Lệ tuyết rơi, cơn gió than gào.
Vâng lời, Kiếm Các nhận trao,
Bái vua xin nhận đi vào Tiêu-quan.
Đồ bầy nơi đài vân u ám,
Cờ biên ải ảm đạm tả tơi,
Sứ giả vắng bóng khắp nơi,
Trống ốc đã khiến xa rời lòng vua.
Thân tráng sĩ tranh đua đổ máu,
Lòng sục sôi nau náu trung thần
Khí thế Trinh Quán cùng bàn
Kỳ Dương chiến dịch phải cần phát huy.
Khắp bốn phương một khi chung sức,
Cả hai kinh đều được thu về.
Rượu thịt chở tự phương tê,
Trang hoàng rạng rỡ miếu thờ như xưa.
Khuông, Cấp đang được ưa hoá nhục
Vệ, Tiết vinh bỗng chốc thê lương
Bốn lần hành chính chủ trương,
Ba lần quân sự Hoa Dương cầm đầu
Chốn kinh đô còn đâu sắc liễu,
Dép thượng thư lắng dịu thôi kêu.
Đàn quạ rỉ rả sáng chiều,
Ngựa trắng thôi cũng hết điều nhảy tung.
Giống Khổng Minh, được lòng dân Thục,
Dạy dỗ dân chẳng khác Văn Ông.
Ông tới tuyết núi mông lung,
Ông rời tuyết núi sạch không cả vùng
Có Hà Tốn trông chừng nội bộ,
Việc điều hành, Tôn Sở đảm đương
Bốn ô chẳng có luỹ tường,
Quán thì rộng mở chào mừng khách vô.
Trên sảnh bức điạ đồ hoành tráng,
Trong trại quân lừng tiếng sáo tiêu.
Thành Đô há thiếu rượu sao,
Vì lo việc nước, nghiêng bầu chút thôi.
Nơi sông Cấm, ông coi câu cá,
Thăm dân tình để rõ việc công.
Đợi khi dẹp được Khuyển Nhung,
Nhân dân thóc lúa đầy trong kho tàng
Lấy điều này nhằm mong báo chúa,
Sau nữa là củng cố thói đời.
Một lòng còn đó sáng ngời,
Hai nhóc lại đã lẻn ngồi bên trong.
Giống Nhan Hồi đời ông quá ngắn,
Theo Giả Nghị, cứ vẫn giữ trung.
Phất phơ Giang Hán cờ tang
Thuyền lẻ nhẹ lướt về ngang Kinh, Hành
Địch Mã Dung vắng tanh khoảng trống,
Mộ cao vời cố ngóng từ xa.
Còn đây một tân khách già,
Trên người thấy ngượng cái bề trâm anh.
(Năm 766)

Lời tự: “Thương thì loạn tặc vị tức. Hứng khởi Vương công, Lý công. Thán cựu hoài hiền, Chung ư Trương tướng quốc, Bát công tiền hậu tồn một, toại bất thuyên thứ yên.” 傷時盜賊未息。興起王公、李公。歎舊懷賢。終於張相國。八公前後存歿。遂不詮次焉。 (Gặp lúc gian nan, loạn lạc chưa dứt. Hứng lên bắt đầu với ông Vương Tư Lễ, ông Lý Công Bật. Than cái xưa, nhớ người hiền, cuối cùng là quan tướng quốc Trương Cửu Linh. Tám ông trước sau kẻ còn người mất, đều không theo thứ tự vậy.)

[1] Trịnh quốc công, tước phong của Nghiêm Vũ.
[2] Nhà Đường phong cho thần núi Hoa nhạc là Kim thiên vương.
[3] Nghiêm Vũ là con của Nghiêm Đĩnh Chi 嚴挺之.
[4] Hà Nguyên 河源 hay Hà Hoàng 河湟, thuộc tỉnh Thanh Hải, chỉ vùng đất phát nguyên của sông Hoàng Hà.
[5] Lũng Hữu 隴右, chỉ vùng Cam Túc, tên một đạo vùng tây bắc Trung Quốc vào đời Đường.
[6] Do chữ “phùng nhân thuyết Hạng” 逢人說項, chỉ sự khoa trương cái tốt.
[7] Năm 627 đến 649 đời Đường Thái Tông, xã hội yên lành, thịnh vượng.
[8] Thuộc tỉnh Thiểm Tây.
[9] Khuông Hành 匡衡 hiệu Trĩ Khuê 稚圭, người thời Tây Hán, không rõ năm sinh năm mất, quê vùng Sơn Đông, tinh thơ văn, kinh điển. Hán Nguyên Đế phong cho tước Trường Lạc hầu, sau giữ chức tư lệ hiệu uý, chuyên việc đàn hặc các vương tôn.
[10] Cấp Ảm 汲黯 (? - 112 tr.CN), tự Trường Nhụ 長孺, người Bộc Dương đời Hán, tính cương trực, giữ nghĩa cho đến chết, được Hán Vũ Đế quý trọng, còn có biệt danh Cấp Trực 汲直.
[11] Vệ Thanh 衛青 tự Trọng Khanh, người Sơn Tây, là một tướng tài đời Hán Vũ Đế, có công dẹp Hung Nô, được phong Trường Bình hầu.
[12] Hoắc Khứ Bệnh 霍去病, tướng tài đời Hán.
[13] Sau khi thu hồi Trường An, Nghiêm Vũ được cử làm thiếu doãn ở kinh đô. Bảo Ứng năm đầu, thăng chức doãn ở kinh đô. Hai lần trấn nhiệm Kiếm Nam kiêm nhiệm chức doãn Thành Đô, tức là bốn lần giữ chức lớn.
[14] Được lập từ đời Đường, thuộc châu thổ sông Hắc, châu Duy Lương phía tây tỉnh Tứ Xuyên, bắc giáp Thành Đô. Mới đầu Nghiêm Vũ được bổ chức Miên Châu chế sứ rồi chuyển về làm Đông Xuyên tiết độ. Sau đó lại được cử về giữ chức doãn ở Thành Đô, sung Kiếm Nam tiết độ. Sau đó lại bổ làm Hoàng môn thị lang, rồi lại trở về chức doãn ở Thành Đô sung Kiếm Nam tiết độ. Như thế ba lần năm giữ binh quyền vùng Hoa Dương.
[15] Người đất Thư (nay là huyện Lư Giang, An Huy) thời Tây Hán, tính hiếu học. Cuối đời vua Cảnh Đế 景帝 coi Thục quận, lập trường học, xiển lễ nghi, văn hoá vùng Thục phát triển mạnh. Sau này dùng làm điển tích nói về người cầm đầu địa phương có thành tích tốt.
[16] Một thi nhân nước Lương thời Nam Bắc triều. Nghiêm Vũ bổ nhiệm Đỗ Phủ làm tham mưu cho mình, nên Đỗ Phủ tự so sánh mình như Hà Tốn.
[17] Tự của Tôn Sở 孫楚 (?-293), một thi nhân đời Tây Tấn, người Trọng Đô, Thái Nguyên (nay là Bình Diêu, Sơn Tây), có tài thao lược. Cuối đời Nguỵ làm tham mưu cho Trấn đông tướng quân Thạch Bao 石苞, sau tới đời Tấn giữ chức phù phong cho tư mã Vương Tuấn 王駿.
[18] Do chữ “nhị thụ vi ngược” 二豎為虐 (hai trẻ gây hại), hay “nhị thụ vi tai” 二豎為災 (hai trẻ gây nạn). Theo điển trong Tả truyện, Tấn hầu bệnh nặng, mộng thấy chứng bệnh của mình biến thành hai đứa trẻ nói chuyện với nhau tìm cách trốn vào trong mạng mỡ. Ý nói bệnh đã mê man.
[19] Nhan Hồi (521 tr.CN - 490 tr.CN) tự Tử Uyên 子淵 nên còn gọi là Nhan Uyên, người nước Lỗ thời Xuân Thu, là học trò giỏi của Không Khâu. Khổng Khâu từng khen Nhan Hồi “Bất thiên oán, bất nhị quá” 不遷怒,不貳過 (Không oán sai, không hai lỗi).
[20] Giả Nghị (200 tr.CN - 168 tr.CN), nhà văn đời Tây Hán, người Lạc Dương, Hà Nam, có tài văn học và lập thuyết chính trị. Hán Văn Đế phong làm bác sĩ, sau nghe lời dèm pha đổi ông xuống Trường Sa làm thái phó.
[21] Thuyền chở quan tài Nghiêm Vũ được đưa về chôn ở kinh đô.
[22] Mã Dung (79 tr.CN - 16 tr.CN) tự Quý Trường, người Mậu Lăng (Hưng Bình, Thiểm Tây) đời Đông Hán, tác giả bài Địch phú, có tài văn kiêm thổi sáo.
[23] Biểu hiệu của người làm quan.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Bát ai thi kỳ 3 - Tặng tả bộc xạ Trịnh quốc công Nghiêm công Vũ