29/03/2024 15:08Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Vịnh ni cô

Tác giả: Thân Nhân Trung - 申仁忠

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Nguyễn Đông Ngạn vào 25/04/2010 08:52

 

Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười,
Sắc không tuy bụt hỡi lòng người.
Chày kinh[1] một tiếng tan niềm tục,
Hồn bướm ba canh lẩn sự đời.
Bể ái ngàn tầm mong tát cạn,
Sông ân muôn trượng chửa khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu nữa?
Cực lạc là đây chín gấp mười.
Vua Lê Thánh Tông khi ra thăm trường Quốc Tử Giám, đi qua cửa chùa Bà Đanh, thoảng thấy sư ni đương đọc bài kệ, tiếng trong văng vẳng lên tới tầng mây! Lúc xa giá trở về, vua ghé vào chùa, sư ni trông thấy bèn đề mấy câu lên vách, rồi lui vào trong. Đề rằng:
Tới đây thấy cảnh thấy thầy,
Tuy vui đạo bụt chưa khuây lòng người.
Vua thấy câu kệ trên tường, bèn ra lệnh cho 28 vị học sĩ ứng chế một bài thơ, vị nào cũng chối không làm nổi. Duy có Tao Đàn Phó nguyên suý Thân Nhân Trung làm được. Thơ làm xong, Thân Nhân Trung dâng lên, Lê Thánh Tông sai vị sư ni nọ ngâm. Sư ni ngâm xong, bèn phê rằng: hai câu thực còn thiếu tả cảnh, xin chữa lại như sau:
Gió thông đưa kệ tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời.
Nhà vua lấy làm vừa ý, hạ lệnh cho chở ni sư về cung, nhưng khi về đến cửa Đại Hưng thì bỗng biến mất! Nhà vua cho là sự lạ, bèn sai dựng lầu Vọng Tiên ngay ở trước cửa để ghi việc đó.

Một số sách (Hương vườn cũ, Nam thi hợp tuyển) lại chép tác giả bài này là Lê Thánh Tông.

[1] Khảo dị: “Chày kình”, “Chày kềnh”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Thân Nhân Trung » Vịnh ni cô