07/10/2024 14:35Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 03/04/2020 16:27
Nguyên tác
龍門躍後五雲騰,
初筮牛刀又得升。
民苦庚呼遲活佛,
士高甲第晚希曾。
奇文山海多經眼,
忠教家庭久服應。
獨是雅懷真愛我,
三春藜館一寒燈。
Phiên âm
Long môn dược hậu ngũ vân đằng,
Sơ phệ ngưu đao[1] hựu đắc thăng.
Dân khổ canh hô trì hoạt Phật[2],
Sĩ cao giáp đệ vãn Hy Tăng.
Kỳ văn[3] sơn hải đa kinh nhãn,
Trung giáo gia đình cửu phục ưng.
Độc thị nhã hoài chân ái ngã,
Tam xuân lê quán[4] nhất hàn đăng.Dịch nghĩa
Sau khi vượt cửa rồng, bay vút lên vòm mây năm sắc
Lúc đầu làm quan không xứng tài, sau mới được thăng
Dân khổ phải đi ăn vay, sao mà đức Phật sống xuất hiện chậm
Kẻ sĩ đỗ cao mà hy vọng được như Hy Tăng lại muộn
Những áng thơ văn kỳ lạ về non biển đã nhiều lần qua mắt
Dạy dỗ đạo trung, trong gia đình từ lâu đã phục sẵn chim ưng
Duy có ông là bậc tao nhã, thực lòng yêu mến ta
Suốt ba xuân, một ngọn đèn lạnh ở quán lêBản dịch của Nguyễn Văn Huyền
Cửa rồng đã vượt chín mây tầng
Quan kiểu “dao trâu” mãi mới thăng
Dân khổ vay ăn chờ Phật sống
Bảng cao muộn hẹn với ông Tăng
Nếp trung gia giáo chim bằng ủ
Văn lạ non sông con mắt từng
Thông cảm, chỉ ông yêu mến lão
Ba xuân, lê quán một hàn đăng
Trần Hy Tăng tức Tam nguyên Trần Bích San (1840-1877), quê xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Từng giữ các chức: Hàn lâm Tu soạn, Tri phủ Thăng Bình.
[1] Làm quan mổ trâu, ý nói không xứng tài. Luận ngữ có câu: “Cát kê yên dụng ngưu đao” (giết gà cần gì đến dao mổ trâu). Câu thơ trên hàm ý: đỗ cao, làm chức Tu soạn là không xứng.
[2] Phật sống. Theo sử triều Nguyễn, vùng Thăng Bình hồi này bị hạn hán mất mùa, dân rất khổ. Cả câu có ý ví Trần Bích San như Phật sống cứu khổ cứu nạn.
[3] Văn lạ. Trần Bích San có chùm thơ về đèo Hải Vân tuyệt hay, người đời gọi là “kỳ văn”.
[4] Quán lê. Chỉ Hàn lâm viện, nơi Trần Bích San đã giữ chức Tu soạn 3 năm.