28/03/2024 17:56Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thần Phù sơn vọng hải
神符山望海

Tác giả: Ngô Thì Nhậm - 吳時任

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Tây Sơn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 03/06/2020 22:24

 

Nguyên tác

挨排最是化工多,
大塊由來渾沌樣。
為凹一泓藏太腋,
遂驅群石壓滄波。
局殘鐵甲餘清廟,
宴罷桃園鎖落霞。
癡想樓船鳴鼓吹,
騷壇何日見賡歌。

Phiên âm

Ai bài tối thị hoá công đa,
Đại khối do lai hỗn độn sà.
Vị do nhất hoằng tàng Thái Dịch[1],
Toại khu quần thạch áp thương ba[2].
Cục tàn Thiết Giáp[3] dư thanh miếu,
Yến bãi đào viên[4] toả lạc hà.
Si tưởng lâu thuyền minh cổ xuý,
Tao Đàn hà nhật kiến canh ca[5].

Dịch nghĩa

Sự sắp đặt phần nhiều do hoá công,
Trái đất xưa nay là cái bè hỗn độn.
Lõm xuống một doành, chứa ao Thái Dịch,
Xua bầy đá núi đè chặn lớp sóng xanh.
Thời cục tàn rồi, toà miếu thanh u vẫn bên làng Thiết Giáp,
Tiệc yến vừa xong, ráng chiều sà xuống khoá chặt vườn đào.
Ngẩn ngơ nhớ buổi thuyền lầu vang lừng kèn trống,
Biết ngày nào lại thấy vần thơ xướng hoạ trên hội Tao Đàn.

Bản dịch của Đào Phương Bình

Sắp đặt tài tình bởi hoá công,
Chiếc bè trái đất vốn mông lung.
Một doành lõm xuống làm ao lớn,
Đầy đá xua về ném sóng trong.
Thiết Giáp tan cờ, lưu miếu cổ,
Bích Đào rã tiệc, khoá mây hồng.
Thuyền lầu kèn trống mơ thời trước,
Xướng hoạ Tao Đàn những ước mong.
Núi Thần Phù tức ngọn núi ngay cửa biển Thần Phù, nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hoá. Cửa biển nay đã bị lấp, chỗ cũ nay cách bờ biển hơn chục km.

[1] Tên cái ao rất lớn ở phía tây bắc huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Hán Vũ Đế xây cung Kiến Chương, phía bắc đào ao Thái Dịch, trong ao đắp các hòn núi Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu để tượng trưng cho núi thần ở biển. Ở đây, mượn để ví cửa Thần Phù giống như ao Thái Dịch.
[2] Câu này tả cảnh biển Thần Phù, nhưng cũng bao hàm ý trong sử chép. Đời Hùng Vương, vua nam tuần qua cửa biển Thần Phù, gặp sóng to gió lớn, bèn sai La Viện đi trước để dẹp sóng, sóng yên thì La Viện cũng mất, được truy phong là Áp Lãng chân nhân, lập miếu thờ ở đó.
[3] Nguyên chú: “Làng Thiết Giáp tại cửa biển Thần Phù, năm Nhâm Dần (1782) kiêu binh và dân làng sửa sang miếu thần”. Nay vẫn còn dì tích. Vũ Duệ, tên thực là Vũ Nghĩa Chi, người làng Trình Xá, huyện Sơn Vị, tỉnh Sơn Tây, nay là huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, đậu trạng nguyên năm Hồng Đức 21 (1490). Đời Lê Chiêu Tông (1516-1529), ông làm quan đến Lại bộ Thượng thư, tước Trình Khê hầu. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, ông theo nhà vua vào Thanh Hoá, đến Lam Sơn, mặc áo mũ lạy lăng miếu, rồi ra cửa biển Thần Phù tự vẫn. Đời Lê Trung Hưng lập miếu thờ ông ở đây.
[4] Nguyên chú: “Vườn đào ở gần cửa bể Thần Phù, tương truyền là nơi Từ Thức từng qua chơi”. Người đời truyền rằng Từ Thức, người đời Trần, chơi thuyền ở cửa Thần Phù, gặp nàng Giáng Hương tại vườn đào bên hang núi (sau gọi là động Bích Đào), cùng kết duyên vợ chồng. Ít lâu sau, Từ Thức bỏ về, con cháu đã mấy đời, không ai nhận ra, lại trở về hang cũ, thì chỉ còn chiếc hang không, nên buồn rầu tìm vào núi Hoàng Sơn rồi đi mất.
[5] Nguyên chú: “Khi Thuần Hoàng Đế đi đánh Chiêm Thành qua đây, có thơ ngự chế rằng: Thuyền lầu đánh trống qua Ô Long. Cảnh hoà nhạc giữa triều đình vua sáng tôi hiền ngày nào, khiến ông bất giác cảm khái như vậy.” Thuần Hoàng Đế là miếu hiệu của Lê Thánh Tông (1460-1496), người sáng lập ra hội Tao Đàn, tự xưng Tạo Đàn nguyên suý. Năm Hồng Đức 2 (1471), ngự giá đi đánh Chiêm Thành, khi qua cửa Thần Phù có làm thơ đề vịnh.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Ngô Thì Nhậm » Thần Phù sơn vọng hải