23/04/2024 19:23Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Loạn hậu đăng Dục Thuý sơn kỳ 1
亂後登浴翠山其一

Tác giả: Trần Thiện Chánh

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Diệp Đồng vào 04/03/2008 07:10

 

Nguyên tác

菩䔶非樹鏡非臺,
蓮宇疑從夢裏來。
山色塵深空自老,
巖花春盡為誰開?
亂離城郭重封草,
殘破碑銘半蝕苔。
除卻興衰閒事外,
幾生修得到蓬萊?

Phiên âm

Bồ đề phi thụ, kính phi đài[1],
Liên vũ nghi tòng mộng lý lai.
Sơn sắc trần thâm không tự lão,
Nham hoa xuân tận vị thuỳ khai?
Loạn ly thành quách trùng phong thảo,
Tàn phá bi minh[2] bán thực đài.
Trừ khước hưng suy nhàn sự ngoại,
Kỷ sinh tu đắc đáo Bồng Lai?

Dịch nghĩa

Bồ đề chẳng phải là cây, gương chẳng phải là đài
Ngôi chùa ngỡ như theo giấc mộng mà đến
Sắc núi nhuộm bụi dày, thảy tự già cỗi
Hoa trên vách núi cuối xuân vì ai mà nở?
Thành quách loạn ly, cỏ phủ mấy lớp
Bia, minh tan nát, rêu ăn một nửa
Gạt bỏ hết chuyện hưng suy, rảnh việc đời
Biết tu mấy kiếp mới tới được cõi Bồng Lai

Bản dịch của Cao Tự Thanh

Bồ đề đâu cội, kính đâu đài
Ngỡ gặp toà sen giữa mộng dài
Sắc núi bụi mờ già khắp cả
Hoa lèn xuân hết nở cho ai
Thành côi cỏ phủ buồn binh lửa
Bia vỡ rêu phong cám đổi dời
Hưng phế chuyện đời thôi gác lại
Biết tu mấy kiếp tới Bồng Lai
Bài thơ đề mùa xuân năm Giáp Tuất (1874) niên hiệu Tự Đức, khi tác giả làm Tuần phủ Ninh Bình.

Núi Dục Thuý tức núi Non Nước ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (nay thuộc xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), đời Trần Trương Hán Siêu đổi tên thành núi Dục Thuý, năm 1841 vua Thiệu Trị lại đổi tên là núi Hộ Thành. Trên núi có tháp dựng từ đời Lý, sau sư Trí Nhu đời Trần sửa lại, gọi là tháp Linh Tế, Trương Hán Siêu có làm bài bi ký. Ngoài ra còn có chùa Non Nước, nhưng đầu đời Nguyễn dân địa phương dời sang núi Cánh Diều. Núi Dục Thuý là một cảnh đẹp, trước kia có nhiều người đề vịnh.

[1] Ý nói mọi chùa, tháp trên núi cũng đều là không. Đài gương chỉ “tâm” (nhận thức, ý thức), bồ đề chỉ “thân” (hành động, tồn tại). Bài kệ của sư Thần Tú viết “Thân tự bồ đề thụ, Tâm như minh kính đài, Thời thời cần phát thức, Vật sử nhạ trần ai” (Thân tựa cây bồ đề, Lòng như đài gương sáng, Phải thường chăm lau chùi, Đừng để bụi bặm bám). Bài kệ của sư Huệ Năng đáp lại rằng “Bồ đề bản vô thụ, Minh kính diệc phi đài, Bản lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai” (Bồ đề vốn không có cây, Gương sáng cũng chẳng phải đài, Vốn đã không có vật gì, Bụi bặm còn bám vào đâu), nêu cao tôn chỉ “sắc không” của đạo Phật.
[2] Một thể văn xưa, đây chỉ bài văn khắc trên bia.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trần Thiện Chánh » Loạn hậu đăng Dục Thuý sơn kỳ 1