20/04/2024 10:30Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đình thí đối sách
廷試對策

Tác giả: Phan Đình Phùng - 潘廷逢

Thể thơ: Tản văn; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 02/09/2020 15:34

 

Nguyên tác

嗣德三十年四月二十九日奉

覆試:

制策曰:天運既有常變,世運豈無隆汙。上古渺茫固無可論,乃端愨不爭之世,已遽有版泉,涿鹿之戰,征誅之後卻更有禪讓之公。大同之美,猶以為非。所尚各殊,不能無弊。自是迄明,及我越丁,李,陳,黎,或治或亂,或合或分,雖變故多端,要不出斯二者。其間異同邪正,豈不能陳?又有循襲一般,而運祚長短不同,其故安在?

帝,王,伯之道,其別何如?其效何自?仁厚何致委靡?富彊何致兼并?

以器小而能一匡,以王佐而不能一統。

眾定之說如何可必,理勢之分如何可恃?

夷狄入中國,何始何終,何微何極?

泰西諸國,立國日久,從人生以來,已固有之。無論至明始見,其諸前代,豈盡無聞?究其規模,何以駸駸日盛?較諸往事,果否擅奇?究竟其歸,豈無可制?

修內者王,修外者伯;修內者逸,修外者勞,其說果能信否?

今東方諸國,皆欲去我舊習,效人新圖,以致富彊,審斯是否?

且富人與我有舊,素相往來,毫無怨隙,特以中間,稍睽音問。欲修舊好,不遠而來,無奈言語文字不通,玉帛難陳,干戈爰及。誠朕有不得已處,年輕識淺,一誤難追。

原其初心,非欲占人土地,特以情義為重,得失為輕,故不許安業妄為。一諾千金,盡挈四省以還我。四省如此,六省可知,其國君大臣元帥皆素有此好意。

加以近來敦睦親切,有無相助,利同樂共,盡釋前非。若早還之,非惟義聲著于四海,令聞垂于千秋,而且有開商多入之益,無遠運不償之損。室家相慶,疾苦甚瘳,想已籌之熟矣,無待煩言。惟不知何意,姑少緩耳。然而緩一日,則增一日勞費疾苦之虞,曷若斷然早還之為盡善盡美矣。

智者不或,不使失歡。仁者不忍,不使失所既自得之,必自還之,方為仁智信義無間。若必待求始應,則亦晚矣,何足貴哉!

士君子懷抱有素,經濟為心,學古以入官,生才必有用。其悉意敷陳,毋詳古而畧今,毋挂一而漏萬。事必有徵,言必可用,以無負朕好問好察之至意,朕將垂覽而采用焉。

臣對:

臣聞,天運有循還之不一,斯世運有盛衰之不同。

古今異變,世大有殊。然統而觀之,一治必有一亂,一亂復有一治,此盛者彼衰,彼盛者此衰,乃必然之理也。故當夫氣運之盛者,固可以人而合天,當夫氣之衰者,尤當思以人而回天,則善言治者,夫亦曰要審夫世道昇降之機,而善為幹回焉斯可矣。

欽惟:皇帝陛下,聰明作則,愷悌為綱,奉自臨御以來,孜孜圖治,固已事為之防,曲為之制。其於防患知機之要,籌之熟矣,猶且講求治道,深惟救偏補弊之方,粉飾增修,厪求上理。當此事幾之會,不廢求言之科,召進臣等於庭,降賜綸音,策之以古今之事變,世代之隆汚,與夫當今修好交隣之道。

臣於此有以仰見,皇上好問之誠,求言之益,每欲酙酌古今,以求制治保邦之要也。

以臣淺見末學,曷足以上稱明問。顧當對腸伊始,敢不殫述所聞,以為拜獻之先資乎?

臣伏讀制策有曰:『天運既有常變,世運豈無隆汚。上古渺茫,固無可論,而因就夫可考者,則有征誅禪讓之不同,治亂分合之有異。夷狄,中國,盛衰不同,泰西諸國規模日盛,與夫富人之與我和好有素,六省之交還早晚』,以問臣等。

臣誠有以見:皇上宵肝之懷,有未嘗一日置也。

臣竊惟:盈虛消息,氣數不齊。天運既有常變也,則當夫天運之常者,世運隆盛;當夫天運之變者,世運亦隨而汙下。上古之世,載籍未詳,固無可論。乃端愨之後,世質民醇而征榆罔,擒蚩尤以有版泉,涿鹿之戰。是放伐之事,帝世固已有之,似非湯武始也。然世道方隆,沕穆之風猶未變也,故繼此而堯舜禹之授受,卻更有禪讓之公。

夫大同之世,選賢與能,講信修睦,猶以為非。夏之世,猶近乎古,其治尚忠。殷之世,未漓乎中,其治尚質。周則風氣既開,人文大著,其治尚文。然忠之敝,則失之野,質之敝則失之蠢,文之敝則失之巧,所尚各殊,不能無敝。自是之後,漢之揭竿以誅秦,唐之秉鉞而滅隋,宋則受周之禪,元之伐宋,明之繼元。

以及我越,丁先皇之定十二使君,李道蘊之平一區宇,陳受昭皇之禪,黎平北國之冦,或治或否,或合或分,雖變故多端,亦不出斯二者。

就中觀之,漢唐之得國則正矣,而宋則以謀,元之以外夷亂中國,則悖矣,而明得正統。

我越丁先皇為綱紀之首,則正矣,而李則有虧。黎太祖立萬世之功則正矣而陳更以色,其間異同邪正,豈不能陳,亦有循襲一般,而運祚長短不同,亦視乎正與否耳。

帝王伯之道何如?以德化民者,帝也,即黎民之於變,比屋之可封,非以德之效乎?以功勸民者,王也,即兆民之彰信,群黎之徧德,非以功之效乎?以力帥民者,伯,則假之之徒也,即歡虞之效不能常俱孚畢至之人心。帝王伯之道不同者如此,而其效亦因之有異也。觀此則世之言治者,所當貴王道而賤伯術也。

彼仁厚而致委靡,以紀綱之不振耳,然仁厚之入人者深,不可為強而可為久,周遂有八百年之長。富強而致兼并,以法制之把持耳,然而富強之毒民既甚,人心嗟怨,國勢土崩,秦遂致促二世之短。

反坫,塞門,管仲之器小也,其佐桓公而能一匡者,詭遇而獲禽耳,然原其器小,即紏合三十年,而功烈如彼其卑,卒不能以成攘楚尊周之烈。

伯仲伊呂,孔明王佐之才也,其輔先主,而不能一統者,運移難恢復耳,然原有王佐之才,即馳驅二十載,而大名垂于宇宙,能成撑吳抗魏之功。

觀此則委靡而終不害仁厚之治體,兼并而適以見富強之近功。

能一匡也,而器小,終流於伯術;不能一統也,而王佐益顯其為真儒,則『眾定』之說有可必,而理勢之分有可持也。

夷狄之入中國也,始於周之獫狁,終於宋之契丹,方晉之徙羌於塞下則尚術也,逮元之代宋有天下則極盛也。

泰西諸國,如佛蘭西,意大里,米利堅,荷蘭等國,立國已久,從人生以來,既同有之,無論至明始見,即為書之西旅底貢厥熬,禮王制之始云西戎,與明堂所亭四夷之位,其諸前代非盡無聞也。其規模所以駸駸日盛者,蓋泰西諸國,地居乾戌,獨得金氣之正,其人智慧有術,至於治國尤精於富強之計,即如火船火車,行殿行城有以極其巧妙,而可以制服乎人,此所以有日盛之漸也。

然亦不過窃襲乎人之知以為知,而善於用知耳。即觀於作砲一事,明皇武年間,有西國人投入撒馬完罕部下,因竊礮機以回,遂研精殫思,有以極其巧,則較諸往事,亦未必果襢奇也。究竟其歸,亦未必其全取勝,如射既及遠,礮之利也,而沙垣濕絮可以制之;瞬即千里,無風自行,船之利也,而腐草巨筏可以制之。又況功於船礮,不知技擊,此尤其短者乎?則亦未必其無可制之者。

所謂『修內者王,修外者伯』,彼之所為近乎伯矣。『修內者逸,修外者勞』,彼之所為處乎勞矣。其說亦可信矣。

今東方諸國,論者皆欲去我舊習,以效人新途,而致富強之近效,是亦見日本之效他所為,遂致一時盛強,固有此論耳。安有乎百年之法度,一旦棄之,而謀其新乎?急於近利,而近利未必可得,即使得之,亦免變夷之笑也。

且富人與我國本有舊好,素相往來,豪無怨激,中間特以山川之遊遠,封域之阻長,稍睽音問。富人欲修舊好,不遠千萬里,這海而來,非有他意,無奈言語不通,難陳玉帛,袁及干戈,始於茶山,繼而関口。本非耀武,欲申前好耳。此誠有甚不得已處。

奉我皇上以社稷為重,以生民為念,不欲使赤子邊氓重詈鋒銷,遂割六省之地,姑與行成,為一時權宜之計,於以休兵息民。

原其富人之初心,寔不欲占人之土地,蓋以情義為重,得失為輕,故不許安業妄為。霍道生一與我使偕來,即四省之土地人民,盡挈而歸於我,一諾千金,毫不靳惜。

其國君,大臣,元帥皆素有此好意,加以近來介使之往來,砲船之贈好,敦睦親切,有無相助,利同樂共,盡釋前非。若早交還六省則聲聞之美,育運之益,想已籌之熟矣。

然而猶少緩者,亦必有其說焉。一曰以固和約,夫富人之於我,雖有舊好,而千里遠來,彼亦未其其『我無爾詐,爾無我占』,故必以此為安住之地,所以壯彼之勢,而固我之和也。二曰以資地利,夫嘉定六省,其地肥饒,粟米之所出勝於諸轄,故彼亦未必無遲廻觀望之心。兼以南圻六省與北圻四省,事勢寔有不同:南圻六省,取於和約初定之日,若北圻四省,則是和約既定,安業妄為,彼之理曲,故亦不得不早還,故六省則猶有少緩,亦有所人也。

茲請我,皇上至誠以待之,儀文以接之。內既不廢自治之索,而外又廣夫及人之信,使彼樂觀朝庭意德,潛消疑貳之心。昔孔子相魯,齊人歸其侵疆,無非至誠感動得他耳。且圖大事者,不計小費,古人之所以克早濟事也。

請微觀其事,若稍有利心,則或以関津之稅易之可也,或約増賠銀,俟後清還可也。又且申和好之約,使之曉然於情理之曲直,事勢之利害,則彼將來六省之地早歸朝庭,又何至動煩我皇上宵旰之懷哉!

且智者不惑,不使失歡,仁者不忍,不使失所。彼既感朝廷交接之厚,禮意之勤,必不肯以不智不仁自處,固不待求而始應矣。

臣伏讀,制策何等諄切,孝問孝察之誠,古之虞舜殆無以過。

臣初學新進,罔知政要,掇拾常譚,干冒宸嚴不勝。

Phiên âm

Tự Đức tam thập niên tứ nguyệt nhị thập cửu nhật phụng.

Phúc thí:

Chế sách viết: Thiên vận ký hữu thường biến, thế vận khỉ vô long ô. Thượng cổ diểu mang cố vô khả luận, nãi đoan xác bất tranh chi thế, dĩ cự hữu Bản Tuyền[1], Trác Lộc[2] chi chiến, chinh tru chi hậu khước cánh hữu thiện nhượng chi công[3]. Đại đồng[4] chi mỹ, do dĩ vi phi. Sở thượng các thù, bất năng vô tệ. Tự thị hất Minh, cập ngã Việt Đinh, Lý, Trần, Lê, hoặc trị hoặc loạn, hoặc hợp hoặc phân, tuy biến cố đa đoan, yếu bất xuất tư nhị giả. Kỳ gian dị đồng tà chính, khỉ bất năng trần? Hựu hữu tuần tập nhất ban, nhi vận tộ trường đoản bất đồng, kỳ cố an tại?

Đế, vương, bá chi đạo[5], kỳ biệt hà như? Kỳ hiệu hà tự? Nhân hậu hà trí uỷ mị? Phú cường hà trí kiêm tính?

Dĩ khí tiểu[6] nhi năng nhất khuông, dĩ vương tá[7] nhi bất năng nhất thống?

Chúng định[8] chi thuyết như hà khả tất, lý thế chi phân như hà khả thị?

Di Địch nhập Trung Quốc, hà thuỷ hà chung, hà vi hà cực?

Thái Tây chư quốc, lập quốc nhật cửu, tòng nhân sinh dĩ lai, dĩ cố hữu chi. Vô luận chí Minh thuỷ kiến, kỳ chư tiền đại, khỉ tận vô văn? Cứu kỳ quy mô, hà dĩ xâm xâm nhật thịnh? Giảo chư vãng sự, quả phủ thiện kỳ? Cứu cánh kỳ quy, khỉ vô khả chế?

Tu nội giả vương, tu ngoại giả bá; tu nội giả dật, tu ngoại giả lao, kỳ thuyết quả năng tín phủ?

Kim Đông phương chư quốc, giai dục khử ngã cựu tập, hiệu nhân tân đồ, dĩ trí phú cường, thẩm tư thị phủ?

Thả Phú nhân dữ ngã hữu cựu, tố tương vãng lai, hào vô oán khích, đặc dĩ trung gian, sảo khuê âm vấn. Dục tu cựu hảo, bất viễn nhi lai, vô nại ngôn ngữ văn tự bất thông, ngọc bạch nan trần, can qua viên cập. Thành trẫm hữu bất đắc dĩ xứ, niên khinh thức thiển, nhất ngộ nan truy.

Nguyên kỳ sơ tâm, phi dục chiếm nhân thổ địa, đặc dĩ tình nghĩa vi trọng, đắc thất vi khinh, cố bất hứa An Nghiệp[9] vọng vi. Nhất nặc thiên kim, tận khiết tứ tỉnh dĩ hoàn ngã. Tứ tỉnh[10] như thử, lục tỉnh khả tri, kỳ quốc quân đại thần nguyên soái giai tố hữu thử hảo ý.

Gia dĩ cận lai đôn mục thân thiết, hữu vô tương trợ, lợi đồng lạc cộng, tận thích tiền phi. Nhược tảo hoàn chi, phi duy nghĩa thanh trứ vu tứ hải, lệnh văn thuỳ vu thiên thu, nhi thả hữu khai thương đa nhập chi ích, vô viễn vận bất thường chi tổn. Thất gia tương khánh[11], tật khổ thậm sưu, tưởng dĩ trù chi thục hĩ, vô đãi phiền ngôn. Duy bất tri hà ý, cô thiểu hoãn nhĩ. Nhiên nhi hoãn nhất nhật, tắc tăng nhất nhật lao phí tật khổ chi ngu, hạt nhược đoạn nhiên tảo hoàn chi vi tận thiện tận mỹ hĩ.

Trí giả bất hoặc, bất sử thất hoan. Nhân giả bất nhẫn, bất sử thất sở ký tự đắc chi, tất tự hoàn chi, phương vi nhân trí tín nghĩa vô gián. Nhược tất đãi cầu thuỷ ứng, tắc diệc vãn hĩ, hà túc quý tai!

Sĩ quân tử hoài bão hữu tố, kinh tế vi tâm, học cổ dĩ nhập quan, sinh tài tất hữu dụng. Kỳ tất ý phu trần, vô tường cổ nhi lược kim, vô quải nhất nhi lậu vạn. Sự tất hữu trưng, ngôn tất khả dụng, dĩ vô phụ trẫm hiếu vấn hiếu sát chi chí ý, trẫm tương thuỳ lãm nhi thái dụng yên.

Thần đối:

Thần văn, thiên vận hữu tuần hoàn chi bất nhất, tư thế vận hữu thịnh suy chi bất đồng.

Cổ kim dị biến, thế đại hữu thù. Nhiên thống nhi quan chi, nhất trị tất hữu nhất loạn, nhất loạn phục hữu nhất trị, thử thịnh giả bỉ suy, bỉ thịnh giả thử suy, nãi tất nhiên chi lý dã. Cố đương phù khí vận chi thịnh giả, cố khả dĩ nhân nhi hợp thiên, đương phù khí chi suy giả, vưu đương tư dĩ nhân nhi hồi thiên, tắc thiện ngôn trị giả, phù diệc viết yếu thẩm phù thế đạo thăng giáng chi cơ, nhi thiện vi cán hồi yên tư khả hĩ.

Khâm duy: Hoàng đế bệ hạ, thông minh tác tắc, khải đễ vi cương, phụng tự lâm ngự dĩ lai, tư tư đồ trị, cố dĩ sự vị chi phòng, khúc vị chi chế. Kỳ ư phòng hoạn tri cơ chi yếu, trù chi thục hĩ, do thả giảng cầu trị đạo, thâm duy cứu thiên bổ tệ chi phương, phấn sức tăng tu, cẩn cầu thượng lý. Đương thử sự cơ chi hội, bất phế cầu ngôn chi khoa, triệu tiến thần đẳng ư đình, giáng tứ luân âm, sách chi dĩ cổ kim chi sự biến, thế đại chi long ô, dữ phù đương kim tu hảo giao lân chi đạo.

Thần ư thử hữu dĩ ngưỡng kiến, hoàng thượng hiếu vấn chi thành, cầu ngôn chi ích, mỗi dục châm chước cổ kim, dĩ cầu chế trị bảo bang chi yếu dã.

Dĩ thần thiển kiến mạt học, hạt túc dĩ thượng xứng minh vấn. Cố đương đối trường y thuỷ, cảm bất đạn thuật sở văn, dĩ vi bái hiến chi tiên tư hồ?

Thần phục độc chế sách hữu viết: “Thiên vận ký hữu thường biến, thế vận khải vô long ô. Thượng cổ diểu mang, cố vô khả luận, nhi nhân tựu phù khả khảo giả, tắc hữu chinh tru thiện nhượng[12] chi bất đồng, trị loạn phân hợp chi hữu dị. Di Địch, Trung Quốc, thịnh suy bất đồng, Thái Tây chư quốc quy mô nhật thịnh, dữ phù Phú nhân chi dữ ngã hoà hảo hữu tố, lục tỉnh chi giao hoàn tảo vãn”, dĩ vấn thần đẳng.

Thần thành hữu dĩ kiến: Hoàng thượng tiêu cán chi hoài, hữu vị thường nhất nhật trí dã.

Thần thiết duy: Doanh hư tiêu tức, khí số bất tề. Thiên vận ký hữu thường biến dã, tắc đương phù thiên vận chi thường giả, thế vận long thịnh; đương phù thiên vận chi biến giả, thế vận diệc tuỳ nhi ô hạ. Thượng cổ chi thế, tải tịch vị tường, cố vô khả luận. Nãi đoan xác chi hậu, thế chất dân thuần nhi chinh Du Vọng, cầm Xuy Vưu dĩ hữu Bản Tuyền, Trác Lộc chi chiến. Thị phóng phạt chi sự, đế thế cố dĩ hữu chi, tự phi Thang Vũ[13] thuỷ dã. Nhiên thế đạo phương long, vật mục chi phong do vị biến dã, cố kế thử nhi Nghiêu Thuấn Vũ chi thụ thụ, khước cánh hữu thiện nhượng chi công.

Phù Đại đồng chi thế, tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục, do dĩ vi phi. Hạ[14] chi thế, do cận hồ cổ, kỳ trị thượng trung. Ân[15] chi thế, vị ly hồ trung, kỳ trị thượng chất. Chu[16] tắc phong khí ký khai, nhân văn đại trứ, kỳ trị thượng văn. Nhiên trung chi tệ, tắc thất chi dã, chất chi tệ tắc thất chi xuẩn, văn chi tệ tắc thất chi xảo, sở thượng các thù, bất năng vô tệ. Tự thị chi hậu, Hán chi yết can dĩ tru Tần, Đường chi bỉnh việt nhi diệt Tuỳ, Tống tắc thụ Chu[17] chi thiện, Nguyên chi phạt Tống, Minh chi kế Nguyên.

Dĩ cập ngã Việt, Đinh Tiên Hoàng[18] chi định thập nhị sứ quân, Lý Đạo Uẩn[19] chi bình nhất khu vũ, Trần[20] thụ Chiêu Hoàng chi thiện, Lê[21] bình Bắc quốc chi khấu, hoặc trị hoặc phủ, hoặc hợp hoặc phân, tuy biến cố đa đoan, diệc bất xuất tư nhị giả[22].

Tựu trung quan chi, Hán Đường[23] chi đắc quốc tắc chính hĩ, nhi Tống[24] tắc dĩ mưu, Nguyên[25] chi dĩ ngoại di loạn Trung Quốc, tắc bội hĩ, nhi Minh[26] đắc chính thống.

Ngã Việt Đinh Tiên Hoàng vi cương kỷ chi thủ, tắc chính hĩ, nhi Lý tắc hữu khuy. Lê Thái Tổ lập vạn thế chi công tắc chính hĩ nhi Trần cánh dĩ sắc, kỳ gian dị đồng tà chính, khí bất năng trần, diệc hữu tuần tập nhất ban, nhi vận tộ trường đoản bất đồng, diệc thị hồ chính dữ phủ nhĩ.

Đế vương bá chi đạo hà như? Dĩ đức hoá dân giả, đế dã, tức lê dân chi ư biến, tị ốc chi khả phong[27], phi dĩ đức chi hiệu hồ? Dĩ công khuyến dân giả, Vương dã, tức triệu dân chi chương tín[28], quần lê chi biến đức, phi dĩ công chi hiệu hồ? Dĩ lực soái dân giả, bá, tắc giả chi chi đồ dã, tức hoan ngu chi hiệu[29] bất năng thường câu phu tất chí chi nhân tâm. Đế vương bá chi đạo bất đồng giả như thử, nhi kỳ hiệu diệc nhân chi hữu dị dã. Quan thử tắc thế chi ngôn trị giả, sở đương quý vương đạo nhi tiện bá thuật dã.

Bỉ nhân hậu nhi trí uỷ mị, dĩ kỷ cương chi bất chấn nhĩ, nhiên nhân hậu chi nhập nhân giả thâm, bất khả vi cường nhi khả vi cửu, Chu toại hữu bát bách niên chi trường. Phú cường nhi trí kiêm tính, dĩ pháp chế chi bả trì nhĩ, nhiên nhi phú cường chi độc dân ký thậm, nhân tâm ta oán, quốc thế thổ băng, Tần toại trí xúc nhị thế chi đoản.

Phản điếm[30], tắc môn[31], Quản Trọng chi khí tiểu dã, kỳ tá Hoàn Công nhi năng nhất khuông giả, quỷ ngộ nhi hoạch cầm nhĩ, nhiên nguyên kỳ khí tiểu, tức củ hợp tam thập niên, nhi công liệt như bỉ kỳ ti, tốt bất năng dĩ thành nhương Sở tôn Chu chi liệt.

Bá trọng Y Lã[32], Khổng Minh[33] vương tá chi tài[34] dã, kỳ phụ Tiên Chủ[35], nhi bất năng nhất thống giả, vận di nan khôi phục nhĩ, nhiên nguyên hữu vương tá chi tài, tức trì khu nhị thập tải, nhi đại danh thuỳ vu vũ trụ, năng thành xanh Ngô kháng Nguỵ chi công.

Quan thử tắc uỷ mị nhi chung bất hại nhân hậu chi trị thể, kiêm tính nhi thích dĩ kiến phú cường chi cận công.

Năng nhất khuông dã, nhi khí tiểu, chung lưu ư bá thuật; bất năng nhất thống dã, nhi vương tá ích hiển kỳ vi chân nho, tắc Chúng định chi thuyết hữu khả tất, nhi lý thế chi phân hữu khả trì dã.

Di Địch chi nhập Trung Quốc dã, thuỷ ư Chu chi Hiểm Doãn, chung ư Tống chi Khiết Đan, phương Tấn[36] chi tỷ Khương ư tái hạ tắc thượng thuật dã, đãi Nguyên chi đại Tống hữu thiên hạ tắc cực thịnh dã.

Thái Tây chư quốc, như Phật Lan Tây, Ý Đại Lý, Mễ Lợi Kiên, Hà Lan đẳng quốc, lập quốc dĩ cửu, tòng nhân sinh dĩ lai, kí đồng hữu chi, vô luận chí Minh thuỷ kiến, tức vi Thư chi Tây Lữ để cống quyết ngao, Lễ Vương chế chi thuỷ vân Tây Nhung, dữ minh đường[37] sở đình tứ Di chi vị, kỳ chư tiền đại phi tận vô văn dã. Kỳ quy mô sở dĩ xâm xâm nhật thịnh giả, cái Thái tây chư quốc, địa cư Càn tuất, độc đắc kim khí chi chính, kỳ nhân trí tuệ hữu thuật, chí ư trị quốc vưu tinh ư phú cường chi kế, tức như hoả thuyền hoả xa, hành điện hành thành hữu dĩ cực kỳ xảo diệu, nhi khả dĩ chế phục hồ nhân, thử sở dĩ hữu nhật thịnh chi tiệm dã.

Nhiên diệc bất quá thiết tập hồ nhân chi tri dĩ vi tri, nhi thiện ư dụng tri nhĩ. Tức quan ư tác pháo nhất sự, Minh Hoàng Vũ[38] niên gian, hữu Tây quốc nhân đầu nhập Tát Mã Hoàn hãn bộ hạ, nhân thiết bác cơ dĩ hồi, toại nghiên tinh đạn tư, hữu dĩ cực kỳ xảo, tắc giảo chư vãng sự, diệc vị tất quả thiện kỳ dã. Cứu cánh kỳ quy, diệc vị tất kỳ toàn thủ thắng, như xạ ký cập viễn, bác chi lợi dã, nhi sa viên thấp nhự khả dĩ chế chi; thuấn tức thiên lý, vô phong tự hành, thuyền chi lợi dã, nhi hủ thảo cự phạt khả dĩ chế chi. Hựu huống công ư thuyền bác, bất tri kỹ kích, thử vưu kỳ đoản giả hồ? Tắc diệc vị tất kỳ vô khả chế chi giả.

Sở vị “Tu nội giả vương, tu ngoại giả bá”, bỉ chi sở vi cận hồ bá hĩ. “Tu nội giả dật, tu ngoại giả lao”, bỉ chi sở vi xử hồ lao hĩ. Kỳ thuyết diệc khả tín hĩ.

Kim Đông phương chư quốc, luận giả giai dục khử ngã cựu tập, dĩ hiệu nhân tân đồ, nhi trí phú cường chi cận hiệu, thị diệc kiến Nhật Bản chi hiệu tha sở vi, toại trí nhất thời thịnh cường, cố hữu thử luận nhĩ. An hữu hồ bách niên chi pháp độ, nhất đán khí chi, nhi mưu kỳ tân hồ? Cấp ư cận lợi, nhi cận lợi vị tất khả đắc, tức sử đắc chi, diệc miễn biến di chi tiêu dã.

Thả Phú nhân dữ ngã quốc bản hữu cựu hảo, tố tương vãng lai, hào vô oán khích, trung gian đặc dĩ sơn xuyên chi du viễn, phong vực chi trở trường, sảo khuê âm vấn. Phú nhân dục tu cựu hảo, bất viễn thiên vạn lý, giá hải nhi lai, phi hữu tha ý, vô nại ngôn ngữ bất thông, nan trần ngọc bạch, viên cập can qua, thuỷ ư Trà Sơn, kế nhi quan khẩu. Bản phi diệu võ, dục thân tiền hảo nhĩ. Thử thành hữu thậm bất đắc dĩ xứ.

Phụng ngã hoàng thượng dĩ xã tắc vi trọng, dĩ sinh dân vi niệm, bất dục sử xích tử biên manh trùng lị phong tiêu, toại cát lục tỉnh chi địa, cô dữ hành thành, vi nhất thời quyền nghi chi kế, ư dĩ hưu binh tức dân.

Nguyên kỳ Phú nhân chi sơ tâm, thực bất dục chiếm nhân chi thổ địa, cái dĩ tình nghĩa vi trọng, đắc thất vi khinh, cố bất hứa An Nghiệp vọng vi. Hoắc Đạo Sinh[39] nhất dữ ngã sứ giai lai, tức tứ tỉnh chi thổ địa nhân dân, tận khiết nhi quy ư ngã, nhất nặc thiên kim, hào bất cận tích.

Kỳ quốc quân, đại thần, nguyên soái giai tố hữu thử hảo ý, gia dĩ cận lai giới sứ chi vãng lai, pháo thuyền chi tặng hảo, đôn mục thân thiết, hữu vô tương trợ, lợi đồng lạc cộng, tận thích tiền phi. Nhược tảo giao hoàn lục tỉnh tắc thanh văn chi mỹ, dục vận chi ích, tưởng dĩ trù chi thục hĩ.

Nhiên nhi do thiểu hoãn giả, diệc tất hữu kỳ thuyết yên. Nhất viết dĩ cố Hoà ước, phù Phú nhân chi ư ngã, tuy hữu cựu hảo, nhi thiên lý viễn lai, bỉ diệc vị kỳ kỳ “ngã vô nhĩ trá, nhĩ vô ngã chiếm”, cố tất dĩ thử vi an trú chi địa, sở dĩ tráng bỉ chi thế, nhi cố ngã chi hoà dã. Nhị viết dĩ tư địa lợi, phù Gia Định lục tỉnh, kỳ địa phì nhiêu, túc mễ chi sở xuất thắng ư chư hạt, cố bỉ diệc vị tất vô trì hồi quan vọng chi tâm. Kiêm dĩ Nam Kỳ lục tỉnh dữ Bắc Kỳ tứ tỉnh, sự thế thực hữu bất đồng: Nam Kỳ lục tỉnh, thủ ư Hoà ước sơ định chi nhật, nhược Bắc Kỳ tứ tỉnh, tắc thị Hoà ước ký định, An Nghiệp vọng vi, bỉ chi lý khúc, cố diệc bất đắc bất tảo hoàn, cố lục tỉnh tắc do hữu thiểu hoãn, diệc hữu sở nhân dã.

Tư thỉnh ngã, hoàng thượng chí thành dĩ đãi chi, nghi văn dĩ tiếp chi. Nội ký bất phế tự trị chi sách, nhi ngoại hựu quảng phù cập nhân chi tín, sử bỉ lạc quan triều đình ý đức, tiềm tiêu nghi nhị chi tâm. Tích Khổng Tử tướng Lỗ, Tề nhân quy kỳ xâm cương, vô phi chí thành cảm động đắc tha nhĩ. Thả đồ đại sự giả, bất kế tiểu phí, cổ nhân chi sở dĩ khắc tảo tế sự dã.

Thỉnh vi quan kỳ sự, nhược sảo hữu lợi tâm, tắc hoặc dĩ quan tân chi thuế dịch chi khả dã, hoặc ước tăng bồi ngân, sĩ hậu thanh hoàn khả dã. Hựu thả thân hoà hảo chi ước, sử chi hiểu nhiên ư tình lý chi khúc trực, sự thế chi lợi hại, tắc bỉ tương lai lục tỉnh chi địa tảo quy triều đình, hựu hà chí động phiền ngã hoàng thượng tiêu cán chi hoài tai!

Thả trí giả bất hoặc, bất sử thất hoan, nhân giả bất nhẫn, bất sử thất sở. Bỉ ký cảm triều đình giao tiếp chi hậu, lễ ý chi cần, tất bất khẳng dĩ bất trí bất nhân tự xử, cố bất đãi cầu nhi thuỷ ứng hĩ.

Thần phục độc, chế sách hà đẳng truân thiết, hiếu vấn hiếu sát chi thành, cổ chi Ngu Thuấn đãi vô dĩ quá.

Thần sơ học tân tiến, võng tri chính yếu, xuyết thập thường đàm, can mạo thần nghiêm bất thăng.

Bản dịch của Phạm Thị Kim, Chương Thâu

Ngày 29 tháng 4 năm Tự Đức thứ ba mươi.

Chế sách hỏi:

Vận trời đã có lúc thường lúc biến. Vận đời há chẳng có khi thịnh, khi suy? Đời thượng cổ xa xưa không thể bình luận, nhưng trong thời đại con người còn chất phác thật thà, không tranh giành lẫn nhau mà đã có sớm những trận giao tranh ở Bản Tuyền, Trác Lộc, và sau thời gian chinh phạt, chém giết như thế, lại còn có chuyện coi thiên hạ là của công mà truyền ngôi cho người hiền. Thời Đại đồng tốt đẹp cũng còn có người cho là trái lẽ. Mỗi đời chuộng một khác, không thể tránh được cái hỏng. Từ đó đến nhà Minh vì các triều Đinh, Lý, Trần, Lê ở nước ta, khi bình trị, khi loạn ly, khi hợp nhất, khi phân chia, tuy biến cố đa đoan nhưng cũng không ra ngoài hai sự việc ấy. Trong đó các chuyện dị đồng và tà chính thế nào, người há không thể trình bày? Lại còn có nhiều truyền gia mỗi phép của nhau mà vận nước dài ngắn không đều, lý do tại sao?

Các đạo đế, vương, bá khác nhau những gì, hiệu quả giống nhau chỗ nào? Nhân hậu sao đến nỗi yếu hèn; giàu mạnh sao dẫn đến thôn tính?

Người khí độ nhỏ nhen mà không được thiên hạ về chính thống, người có tài vương bá lại không thể thống nhất được non sông.

Thuyết “chúng định” làm thế nào mà tin chắc được, sự phân biệt giữa lý và thế và làm sao tin cậy được?

Quân Di Địch vào Trung Quốc bắt đầu và kết thúc từ bao giờ? Lúc nhỏ yếu và lúc cùng cực, mạnh nhất thì như thế nào?

Các nước Thái Tây lập nước đã lâu, từ khi con người sinh ra vốn đã có. Không kể chuyện mới thấy họ trong đời nhà Minh, các đời trước há phải hoàn toàn không biết? Xét về quy mô của họ, tại sao mà ngày càng thịnh vượng? So sánh với các việc cũ, có thật họ giỏi về kỹ xảo hay không? Xét đến cùng, há không thể chế ngự được sao?

Sửa sang việc nội trị là vương, đi chinh phục nước người là bá, có thuyết nói sửa việc nội trị thì nhàn, đi chinh phục nước người thì vất vả, có tin được không?

Nay các nước Đông phương đều muốn bỏ tập tục cũ, bắt chước người mà mưu toan cái mới để được giàu mạnh. Xét xem như thế có đúng hay không?

Người Pháp vốn có tình cũ với ta, thường vẫn đi lại. Không hề có chuyện hiềm khích, chỉ có thời gian gần đây, việc thăm hỏi hơi thưa. Họ muốn nối lại tình thân cũ, không ngại đường xa mà đến, chỉ vì ngôn ngữ, chữ nghĩa không truyền đạt được mà khó đặt quan hệ bang giao, đến nỗi sinh việc can qua. Thật trẫm xét có chỗ bất đắc dĩ, tuổi trẻ hiểu biết nông cạn, đã sai thì khó kéo lại.

Bản tâm họ chẳng phải muốn chiếm đất đai của người, chỉ nặng về tình nghĩa mà coi nhẹ chuyện thiệt hơn, nên mới không cho phép An Nghiệp làm càn. Một lời hứa giá ngàn vàng, họ đã đem cả bốn tỉnh trả lại cho ta. Bốn tỉnh đã như thế thì sáu tỉnh có thể biết là quốc vương đại thần nguyên soái nước họ vẫn có lòng tốt.

Hơn nữa, gần đây hai nước hoà thuận thân thiết, giúp đỡ bổ sung lẫn cho nhau, có lợi cùng chung có vui cùng hưởng, bỏ hết chuyện sai trái cũ. Nếu họ sớm trả lại đất cho ta thì không những tiếng nghĩa của họ sáng người bốn bể, tiếng hay truyền lại nghìn năm, mà còn lại được nhiều trong việc thông thương, không có phí tổn vận chuyển xa nào mà không được bồi thường. (Được như thế thì) nhà nhà chúc mừng nhau, đau khổ tiêu tan, chắc họ cũng tính hết rồi, chẳng đợi phải nói. Chỉ có không biết ý họ thế nào mà họ còn tạm hoãn ít lâu. Hiềm vì nỗi hoãn một ngày thì thêm một ngày vất vả, tốn phí, đau khổ. Sao bằng họ quyết định sớm trả, có phải rất hay, rất đẹp hay không?

Người trí giả không nên hoãn, không làm cho người mất vui. Người có nhân không tàn nhẫn, không làm người mất chỗ nương tựa đã lập được, trả được mới không trái với các điều nhân, trí, tín, nghĩa. Nếu cứ đợi yêu cầu rồi mới đáp ứng thì đã muộn, còn quý nỗi gì.

Kẻ sĩ quân tử các người sẵn hoài bão trị nước, giúp đời, học xưa để làm quan, ôm chí hướng. Trời sinh người tài ắt có chỗ dùng. Hãy trình bày hết ý đừng tường tận chuyện cổ mà sơ lược chuyện nay, đừng chăm chú một vật mà để sót vạn vật. Sự việc phải nêu điều nên, lời nói phải dùng được. Đừng phụ trẫm ham hỏi, ham nói. Trẫm sẽ xem và chọn dùng.

Thần xin đối:

Thần nghe nói, vận trời có tuần hoàn đổi thay, vận đời có thịnh suy khác biệt.

Xưa và nay đổi khác, mỗi đời một vẻ. Nhưng nhìn chung thì thấy rằng một thời bình ắt có một thời loạn, một thời loạn lại có một thời bình, thời này thịnh thì thời kia suy, thời kia thịnh thì thời này suy, đó là lẽ tất nhiên. Cho nên người giỏi việc bình trị, gặp thời thịnh mà dùng được sức người để làm hợp ý trời, thì khi vận suy lại càng lo tính dùng sức người để lấy lại lòng trời; đó cũng có nghĩa là cần phải thấy được mầm mống thăng trầm của đường đời mà khéo mưu toan xoay chuyển thời vận.

Thần kính cảm nghĩ rằng: Hoàng đế bệ hạ (vốn người) thông minh nên phép tắc, đức độ bậc mối giường, từ khi lên trị vì đến nay chăm chăm mưu việc bình trị, nên đã phòng xa sự việc, ngăn chặn cái hại. Cái điều trọng yếu đề phòng tai hoạ liệu trước thời cơ, người đã trù tính kỹ càng, lại còn nghiên cứu đường lối bình trị, suy nghĩ sâu sắc phương pháp sửa cái lệch chữa cái hỏng, tỏ vẻ sửa sang cốt sao tìm thấy đạo lý hay nhất. Gặp khi có sự thể này mà người chẳng bỏ khoa thi cầu lời nói, vời bọn thần đến sân chầu, ban hỏi việc biến đổi từ xưa đến nay, sự thịnh suy của các triều đại và đường lối hoà hảo trong việc bang giao hiện tại.

Do đó, thần ngẩng trông thấy hoàng thượng chân thành ham hỏi mong cầu lời nói có ích. Người muốn châm chước việc cổ kim để thấy được điểm trọng yếu trong việc bình trị, giữ gìn đất nước.

Thần kiến thức nông cạn, học tập kém cỏi, sao xứng đáng ơn trên ban hỏi. Nhưng nghĩ lại buổi đầu được ứng đối, đám đâu chẳng nói hết những điều nghe biết để hiến dâng.

Thần cúi đọc chế sách ban rằng: “Vận trời đã có lúc thường lúc biến, vận đời há chẳng có khi thịnh, khi suy. Đời thượng cổ xa xăm vốn không thể bàn, nhân hỏi đến những điều có thể khảo cứu như sự bất đồng giữa chinh phạt và thiên nhượng, những chỗ khác nhau giữa bình trị và loạn lạc, giữa phân chia và hợp nhất. Di Địch, Trung Quốc, thịnh suy bất đồng, các nước Thái Tây quy mô ngày càng thịnh và việc người Pháp với ta vốn vẫn hoà hiếu, việc trả lại sáu tỉnh, sớm muộn thế nào?”

Thần thật thấy rằng: Hoàng thượng thức khuya, dậy sớm, lo lắng không một ngày nào thôi.

Thần thiết nghĩ: Khí số so le, lúc đầy, lúc vơi, khi suy, khi thịnh. Vận trời đã lúc thường lúc biến, thì khi vận trời thường át vận đời thịnh vượng, gặp khi vận trời biến thì vận đời cũng thế mà suy. Đời thượng cổ, sách chép chưa rõ, cố nhiên không thể bàn. Nhưng sau thời đại (cổ xưa) thành thực, thế tục chất phác, nhân dân thuần hậu mà đã có các trận giao tranh ở Bản Tuyền, Trác Lộc để đánh Du Vọng, bắt Suy Vưu. Như thế thì những chuyện đánh dẹp đã có từ các đời Đế, chứ không phải đến các triều Thang, Vũ mới mở đầu Nhưng đạo đời đang thịnh, phong tục thuần hậu chưa biến đổi, cho nên kế tiếp sau là Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, Thuấn nhường ngôi cho Vũ, thành ra lại có chuyện coi thiên hạ là của công mà nhường ngôi cho người hiền.

Thời Đại đồng, tuyển người hiền, dùng người giỏi, dạy điều tín, ăn ở hoà thuận, còn cho là trái (chữ phê bên cạnh: chưa rõ). Đời nhà Hạ còn gần thời cổ, nên việc trị nước chuộng trung thực. Đời Ân chưa xa rời đức trung thực nên chuộng tính chất phác. Đời Chu phong tục đã mở, văn hoá rực rỡ nên chuộng văn vẻ. Nhưng cái hỏng của sự trung thực là mắc tính quê kệch, chất phác thì hay mắc tính ngu xuẩn. Cái hỏng của cái văn vẻ là hay mắc tính xảo trá, điều ưa chuộng khác nhau đều không tránh được cái hỏng. Từ đó về sau: nhà Hán giương gậy giết Tần, nhà Đường cầm búa diệt Tuỳ, Tống nhận ngôi nhường của nhà Chu, Nguyên đánh chiếm nhà Tống, Minh nối tiếp nhà Nguyên.

Đến chuyện nước Việt ta thì Đinh Tiên Hoàng dẹp mười hai sứ quân, Lý Công Uẩn trị bình một cõi. Trần nhân sự nhường ngôi của Chiêu Hoàng, Lê đánh tan quân giặc phương Bắc. Hoặc bình trị, hoặc loạn lạc, hoặc hợp nhất, hoặc phân chia, tuy biết có nhiều việc cũng không ngoài hai điều ấy.

Trong đó: Hán Đường được nước là chính đáng, nhà Tống thì dùng mưu, Nguyên, rợ ngoài làm loạn Trung Quốc là trái lẽ, nhưng nhà Minh thì được coi là chính thống.

Nước Việt ta, Đinh Tiên Hoàng mở đầu đặt kỷ cương là chính đáng, nhưng nhà Lý thì có thiếu sót. Lê Thái Tổ lập công muốn đời là chính đáng, nhưng mầm mống thì dùng sắc đẹp. Các điều dị đồng, tà chính của các triều đại đó, há đâu không thể trình bày. Tuy có những đời noi theo phép của nhau mà vận nước dài ngắn khác nhau (có chữ phê bên cạnh: chưa rõ) nên cần nhìn xem có chính đáng hay không.

Các đạo của đế vương bá như thế nào? Lấy đức để giáo hoá dân là đế, dân do đó mà biến đổi, nhà nhà đều có người hiền thế chẳng phải là hiệu quả của đức sao? Lấy công lao để khuyến khích dân là vương, như việc đưa muôn dân tin theo toàn dân có đức, thế chẳng phải là hiệu quả của việc lấy công lao để khuyến khích sao? Lấy sức mạnh để đứng đầu mọi người là bá, đấy là bọn chuyên mượn danh nghĩa nên hiệu quả của sự vui vẻ cũng không còn mãi được. Sự bất đồng giữa các đạo đế, vương, bá là như thế, do đó hiệu quả của các đạo ấy cũng khác nhau. Xem đấy thì người bàn việc bình trị phải quý vương đạo mà khinh bá thuật.

Nhân hậu mà đi đến suy đồi vì không làm cho kỷ cương đẩy lên được, nhưng nhân hậu vào sâu lòng người, không thể mạnh, nhưng có thể lâu nên nhà Chu mới có tám trăm năm lâu dài. Giàu mạnh mà đi đến thôn tính là vì chuyện dùng pháp chế để nắm giữ chính quyền nhưng giàu mạnh là hại dân quá lắm, lòng người oán giận, thế nước như đất lở, nhà Tần rút lại chỉ có hai đời ngắn ngủi.

Lạm dụng phản điếm, tắc môn Quản Trọng khí độ nhỏ nhen phò Hoàn Công mà khuôn được thiên hạ về chính thống là chuyện đi đường cong gặp may, nhưng vốn người khí độ nhỏ nhen, nên ba mươi năm tập hợp chư hầu mà sự nghiệp thấp như thế, cuối cùng không hoàn thành sự nghiệp đánh Sở tôn Chu.

Sánh ngang tầm Y Lã, Khổng Minh có tài vương tá, phò Tiên Chủ mà không nhất thống được, vì thời vận suy thì không thể khôi phục được nữa, nhưng vốn người có tài vương tá, nên chỉ hai mươi năm ruổi rong vó ngựa mà tiếng lớn lưu truyền vũ trụ làm nên công trạng giữ Ngô chống Nguỵ.

Xem thế thì thấy uỷ mị nhưng kết quả không hại thể chế, trị nước bằng nhân hậu mà thôn tính thì thấy ngay cái công nghiệp ngắn ngủi của sự phú cường.

Khuôn được thiên hạ, nhưng vì khí độ nhỏ nhen nên cuối cùng lại rơi vào “bá thuật”, không thống nhất được, nhưng tài vương tá nên càng thể hiện rõ tính cách “chân nho” như thế thì thuyết “chúng định” có thể tin chắc việc phân biệt giữa “lý” và “thế” có thể tin cậy.

Quân Nhung Địch vào Trung Quốc bắt đầu từ Hiểm Doãn đời nhà Chu, sau cùng là Khiết Đan đời Tống. Khi nhà Tấn đưa rợ Chương đến dưới quan ải thì thế rợ còn nhỏ, đến khi quân Nguyên đánh đổ triều Tống mà có thiên hạ thì đấy là thời kỳ cực thịnh.

Các nước Thái Tây như Pháp, Ý, Mỹ, Hà Lan lập nước đã lâu, từ khi sinh ra người thì họ đều đã có cả rồi, không bàn đến việc đời Minh mới thấy họ, xem trong sách Kinh Thư viết chuyện người “Tây Lũ” đem cống chó ngao, hay trong chương “Vương chế” sách Kinh Lễ kể chuyện Tây Nhung và việc ở nhà “Minh đường” có đặt vị trí cho bốn Di, như thế thì các đời trước không phải hoàn toàn không biết (họ). Quy mô của họ thịnh vượng nhanh chóng, vì các nước Thái Tây ở vào hướng “Càn thất”, được ngôi chính của khí “Kim” nên người nước họ khôn ngoan khéo léo, chuyện trị nước thì họ càng giỏi về mưu toan sự nghiệp phú cường, như có thuyền máy, xe lửa, điện di, thành di đã rất tinh xảo kỳ diệu, lại có thể khuất phục được người, do đó họ ngày càng thịnh.

Nhưng đấy chẳng qua là chuyện lấy trộm cái biết của người làm cái biết của mình, mà lại giỏi dùng cái biết. Hãy xem một việc chế tạo súng, vào thời kỳ những năm Hoàng Vũ triều Minh có người Tây đến làm bộ ba hầu Tát Mã Hoàn, nhân đó lấy trộm súng mang về, nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng, đạt được đến mức rất tinh xảo, so sánh với các chuyện cũ như thế, thì thấy chưa chắc họ đã một mình nắm được những cái kỳ lạ. Nói cho cùng, chưa chắc họ đã giành được mọi thắng lợi, ví như súng có lợi thế bắn được xa, nhưng mà tường cát, bông ướt có thể chế ngự được, không có gió mà trong nháy mắt đi được ngàn dặm là cái lợi hại của tàu thuỷ, nhưng mà cỏ mục, bè lớn có thể chế ngự được. Hơn nữa, họ giỏi về tàu thuỷ về súng ống nhưng không biết võ nghệ thì chẳng phải là cái rất kém của họ sao? Vì thế cho nên cũng chưa phải là không chế ngự được họ.

Câu nói “Sửa sang việc nội trị là vương, đi chinh phục nước ngoài là bá” (chứng minh) việc của chúng làm thuộc loại “bá thuật”. “Sửa việc nội trị thì nhàn, đi chinh phục thì vất vả”, thế là họ ở vào chỗ làm vất vả, thuyết đó có thể tin được.

Những nhà bình luận ở các nước phương Đông hiện nay đều muốn bỏ cái học cũ của mình, bắt chước người mưu toan cái mới, để đạt đến hiệu quả trước mắt của sự giàu mạnh, đấy là vì họ trông thế nước Nhật Bản đã bắt chước người mà được cường thịnh nhất đời, nên mới có những ý kiến bình luận ấy. Nhưng làm sao lại có thể bỗng nhiên vứt bỏ pháp độ hàng trăm năm để mưu làm cái mới. Vội tìm cái lợi trước mắt, những cái lợi trước mắt chưa chắc đã được, dù có được chăng nữa, cũng không tránh được tiếng chê cười là biến thành rợ mọi!

Vả lại người Pháp đối với ta vốn có tính hoà hiếu cũ, vẫn còn đi lại không hề có hiềm khích, gần đây vì đất nước xa xôi, biên cương cách trở mà phải thưa việc thăm hỏi. Họ muốn nối lại tình hoà hiếu cũ, nên đã không ngại xa ngàn vạn dặm, vượt biển mà đến, chẳng có ý gì khác, chỉ vì ngôn ngữ không thông, khó đặt quan hệ bang giao mà sinh chuyện can qua, mở đầu từ Trà Sơn, tiếp đến Cửa Cấm. Họ vốn không phải khoe võ lực mà chỉ muốn lập lại tình cũ, thật tình có chỗ rất bất đắc dĩ.

Hoàng thượng vì lấy non sông làm trọng, và lo cho sinh mạng của nhân dân. Người không muốn để con dân nơi biên cương lại mắc chuyện binh đao, nên đã cắt đất sáu tỉnh để tạm giảng hoà với chúng, cốt làm sao để hoãn binh nhất thời cho binh nghỉ dân yên.

Bản thân người Pháp thực không muốn chiếm nước người, vì lấy tình nghĩa làm trọng, coi thường sự thiệt hơn, nên họ đã không cho phép An Nghiệp làm càn. Hoắc Đạo Sinh vừa đến cùng với sứ thắn của ta là lập tức đem cả đất đai, nhân dân bốn tỉnh trả lại cho ta, một lời hứa giá ngàn vàng, không tơ hào nuối tiếc.

Quốc quân, đại thần, nguyên soái nước họ vốn vẫn có ý tốt ấy. Hơn nữa gần đây sứ thần đi lại, tặng biếu pháo thuyền, hoà hảo thân thiết, giúp đỡ lẫn nhau, vui lợi cùng hưởng, bỏ hết chuyện sai trái cũ. Nếu họ sớm trả sáu tỉnh thì được tiếng hay, được lợi về thông thương, vận chuyển, chắc họ đã tính kỹ rồi.

Nhưng nay họ còn hoãn lại ít lâu, chắc cũng có lý do. Một là để củng cố Hoà ước, vì người Pháp tuy có tình hoà hiếu cũ đối với ta, nhưng họ từ nghìn dặm xa mà tới, vị tất không có sự lo lắng “Tôi không lừa anh, anh không hại tôi”, nên họ phải lấy đất ấy làm chỗ ở yên để làm mạnh cái thế của họ và làm vững cái hoà của ta. Hai là để thu địa lợi, vì đất đai sáu tỉnh Gia Định màu mỡ, sản xuất lúa gạo nhiều hơn các hạt khác, nên vị tất họ không có ý lần lữa trông chờ. Hơn nữa, sự thế sáu tỉnh Nam Kỳ và bốn tỉnh Bắc Kỳ thật không giống nhau, sáu tỉnh Nam Kỳ bị lấy từ ngày Hoà ước mới bắt đầu quy định, còn bốn tỉnh Bắc Kỳ thì ở vào thời gian Hoà ước đã quyết định rồi. An Nghiệp làm càn, lý của họ trái, nên không thể không trả sớm, còn sáu tỉnh tạm hoãn ít lâu cũng là có nguyên nhân vậy.

Xin hoàng thượng hết lòng thành thực, đối xử với họ, dùng nghi thức văn chương trang trọng để tiếp đãi họ. Đối nội đã không bỏ chính sách tự trị, đối ngoại lại mở rộng chữ tín đối với người, khiến họ vui vẻ thấy được ý tốt của triều đình mà thôi, không bụng ngờ vực nữa. Xưa đức Khổng Tử làm tể tướng nước Lỗ, nước Tề trả lại đất đã xâm chiếm chỉ vì người hết lòng thành thực nên đã cảm động được họ. Vả lại đã mưu việc lớn thì không tiếc tốn nhỏ, do đó mà người xưa đã chóng giải quyết xong việc.

Xin hoàng thượng cho xem xét kỹ sự thể, nếu họ hám lợi thì lấy thuế quan, thuế bến mà đổi cho họ, hoặc giao ước tăng tiền bồi thường đợi sau thanh toán lại kéo dài điều ước hoà hiếu khiến cho họ nhận thấy lẽ phải trái trong tình lý và sự lợi hại trong sự thể, ắt họ phải đem sáu tỉnh sớm trả lại cho triều đình, đâu đến nỗi phiền hoàng thượng phải lo lắng vất vả.

Vả lại bậc trí giả không mê hoặc, không làm người mất vui; bậc nhân giả không tàn nhẫn, không làm người mất nơi nương tựa. Họ đã cảm động về sự hậu đãi và sự ân cần trân trọng của triều đình thì tất nhiên chẳng chịu ở vào vị trí của kẻ bất trí, bất nhân, do đó, họ chẳng đợi ta yêu cầu mới đáp ứng.

Thần cúi đọc chế sách biết bao ân cần tha thiết, thành khẩn ham hỏi, ham xét, Nghiêu Thuấn khi xưa hầu như chẳng hơn.

Thần sơ hoạ mới tiến, không biết việc trọng yếu của chính sự, nhặt nhạnh những điều bình luận tầm thường, mạo phạm đức chí tôn.
Đây là bài đối sách do Phan Đình Phùng làm trong cuộc thi đình khoa Đinh Sửu niên hiệu Tự Đức thứ 30 (1877), được lưu giữ trong Hội đình văn tuyển tờ 13-20, bản in khắc Liễu Chàng tàng bản xếp ở cuối tập Hương thí văn tuyển (kí hiệu A.3173, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Bản phiên âm của Phan Văn Các.

Lệ thi văn sách có từ đời Trần, vào năm Quang Thái 9 (1396) triều vua Thuận Tông có ban chiếu định cách thức thi cử nhân. Cứ năm trước thi hương thì năm sau thi hội, ai đỗ hội thì nhà vua ra một thi một đề văn sách để định thứ tự. Buổi đầu đời Trần, thi Thái học sinh chia ra thượng trại, hạ trại và thi đình chia ra kinh và trại, lấy đỗ có tam khôi nhưng văn thể không nhất định. Đến đây theo phép thi của nhà Nguyên, dùng văn thể bốn trường, bỏ bài ám tả cổ văn. Trường nhất thi một bài kinh nghĩa, có những đoạn phá, tiếp ngữ, tiểu giảng, nguyên đề, đại giảng, kết thúc, bài làm hạn 500 chữ trở lên; trường nhì thi một bài thơ dùng Đường luật, một bài phú dùng cổ thể, hoặc thể ly tao, hoặc thể văn tuyển, cũng hạn 500 chữ trở lên; trường ba thi một bài chiếu dùng thể đời Hán, chế biểu mỗi thứ một bài, dùng thể tứ lục đời Đường, trường tư thi văn sách một bài, ra đề về kinh sử, thời vụ, 1000 chữ trở lên.

Văn sách thực chất là một bài văn nghị luận trình bày kiến giải riêng của thí sinh về vấn đề được nêu ra hỏi trong đầu bài. Sách ở đây nghĩa là kế sách, mưu hoạch; phần câu hỏi của đề bài được gọi là Sách vấn; phần trả lời của sĩ tử được gọi là Đối sách. Cũng như kinh nghĩa, văn sách có thể được viết bằng văn xuôi hay biền ngẫu, nhưng phải tuân theo những công thức nhất định. Mở đầu phải có ba chữ “Đối sĩ văn” (xin thưa kẻ sĩ này nghe) nếu là ở khoa thi Hương; “Đối sinh văn” (xin thưa kẻ nho sinh này nghe) nếu là ở khoa thi hội; “Thần đối thần văn” (thần xin thưa thần nghe) nếu là ở khoa thì đình. Thân bài phải bắt đầu bằng câu “Tư thừa sách vấn nhi nhược trần chi” (Nay vâng lời sách hỏi mà bày tỏ qua như sau). Mở đầu một câu trả lời lại có mấy chữ “Thiết vị” (trộm nghĩ rằng) tỏ ý khiêm tốn. Kết thúc bao giờ cũng có một câu “Sĩ giả hạnh phùng thịnh thế, tòng sự văn trường, quản kiến như tư, vị tri khả phủ, nguyện chấp sự kì trạch nhi tiên chi, sĩ cẩn đối” (Kẻ sĩ này may gặp đời thịnh, theo việc văn trường, kiến giải hẹp hòi như vậy, chưa biết có được hay không, xin quan trường chọn lựa mà cân nhắc cho. Kẻ sĩ này kính cẩn thưa). Nếu đề do vua ra (ngự đề, chế sách) thì bài làm phải kết thúc bằng câu “Thần cẩn đối [cẩn luận]” (kẻ hạ thần kính cẩn thưa, hoặc kính cẩn bàn). Nội dung bài văn sách thường gồm hai phần: phần đầu lấy kinh điển để trả lời câu hỏi, và phần sau nêu kiến giải của mình về vấn đề mà đề bài nêu ra, đồng thời phải vận dụng tình hình thực tế.

Kế thừa chế độ thời Trần, ở các khoa thi hương và thi hội thời Lê, văn sách vẫn được xếp ở trường thứ tư; đến thi Đình thì chỉ thi một bài văn sách, gọi là Văn sách đình đối. Văn sách trong thi hương và thi hội giống nhau về bố cục, chỉ khác nhau về độ dài quy định của bài thi và độ khó của câu hỏi. Thời Lê sơ, văn sách thi hương dài nhất là 1000 chữ, văn sách thi hội khoảng 2000 chữ. Văn sách thi hương và thi hội đều được chú ý cả ở nội dung lẫn nghệ thuật, thường thì nghệ thuật được chú ý hơn, nên nói chung văn sách mang nặng tính từ chương. Riêng văn sách trong kỳ thi đình chỉ dùng để xếp hạng các tiến sĩ, nên phần nội dung được coi trọng hơn hẳn, vì đây là lúc và là chỗ để các cống sĩ hiến kế sách với vua và triều đình. Văn sách đình đối là loại bài nghị luận ít bị gò bó về các quy cách đối ngẫu và tu từ, ít nhiều được tương đối tự do về tư tưởng.

Tại kì thi đình khoa Đinh Sửu, năm Tự Đức 30 (1877) này, chế sách của nhà vua xuất phát từ tiền đề “Vận trời đã có lúc thường lúc biến, vận đời há chẳng có khi thịnh khi suy”. Câu hỏi trọng tâm của chế sách đặt vào vấn đề cốt lõi nóng bỏng của thời sự đất nước lúc bấy giờ là vấn đề quan hệ với người Pháp. Nhà vua yêu cầu các sĩ tử sẵn có hoài bão kinh bang tế thế hãy trình bày hết ý kiến để “trẫm sẽ xem và chọn dùng”, “đừng phụ lòng trẫm ham hỏi ham xét”.

Bản dịch của Phạm Thị Kim (nghiên cứu viên Viện Thông tin Khoa học xã hội), Chương Thâu. Đặng Thai Mai hiệu đính.
[1] Tên một con suối, nay gọi là suối Hoàng Đế, thuộc huyện Bản An, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Tục truyền đấy là nơi Hoàng Đế đã giao chiến với Viêm Đế (khoảng 2700-2640 tr.CN).
[2] Tên một ngọn núi, ở đông nam huyện Trác Lộc, tỉnh Sát Cáp Nhĩ, Trung Quốc. Tục truyền đấy là nơi Hoàng Đế đã chém Suy Vưu (khoảng 2660-2600 tr.CN).
[3] Triều đại của vua Nghiêu, Thuấn truyền ngôi vua cho người hiền (khoảng 2855-2205 tr.CN).
[4] Chữ trích ở thiên Lễ vận trong Kinh lễ: “Đạo lớn được thi hành, thiên hạ là của công, những người hiền thì được dùng, mọi người ăn ở với nhau thành thực và thuận hoà, cho nên người ta không chỉ thương yêu riêng cha mẹ và con cái mình, về của thì ghét của rơi, nên không nhặt để cất giấu cho mình, về sức thì ghét sức làm ra không phải do mình và làm không phải chỉ vì mình, cho nên không có chuyện âm mưu, không có trộm cướp, cửa người không phải đóng, đấy là Đại đồng.”
[5] Đế đạo: Đường lối chính trị dùng đức để trị dân, khiến cho thiên hạ coi nhau như một nhà, không có cày cấy và dệt vải riêng, mọi người cùng chịu chung đói rét của Ngũ Đế (Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, và Đế Thuấn) hoặc theo ý kiến khác, lại cho là: Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Kim Thiên, Chuyên Húc trong truyền thuyết Trung Quốc. Theo lịch sử Trung Quốc thì là hậu kỳ chế độ Công xã nguyên thuỷ (khoảng 2910-2205 tr.CN).

Vương đạo: Đường lối chính trị dựa vào đạo đức để mưu hạnh phúc cho nhân dân.

Bá đạo: Đường lối chính trị dựa vào vũ lực và luật pháp nghiêm minh để làm cho nước giàu mạnh, coi thường nhân nghĩa của nhà Nho chính thống.
[6] Chỉ Quản Trọng phò Tề Hoàn Công, mượn danh nghĩa “tân chủ” mà làm hại chư hầu.
[7] Chỉ Khổng Minh (Gia Cát Lượng) phò Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán.
[8] Ngũ Tử Tư thì quyết diệt nước Sở để báo thù cho cha, bảo đảm chữ Trung. Nguyên văn hai câu là “Nhân chúng giả thắng thiên” (người đông thì thắng trời) và “Thiên định diệc năng thắng nhân” (Trời định cũng có thể thắng người). Kết quả là cả hai người đều được thực hiện ý muốn của mình: Ngũ Tủ Tư đã dẫn quân nước Ngô đánh đến tận Kinh đô nước Sở năm 511 tr.CN, đốt phá tôn miếu của vua nước Sở, đào mả đánh nát thây, rồi chém đầu thi hài Sở Bình Vương là người đã giết cha và anh Ngũ Tử Tư.

Thuyết “Chúng định” ở đây, Tự Đức đã chơi chữ bằng cách lấy hai chữ thứ hai của hai câu nói trong cuộc đàm thoại giữa Ngũ Tử Tư và Thân Bao Tư viết trong Ngũ Tử Tư truyệnSử ký của Tư Mã Thiên. Cả hai người: Ngũ Tử Tư đều là bề tôi nước Sở và là bạn thân với nhau, nhưng chủ trương khác nhau, Thân Bao Tư thì chạy sang cầu viện binh nước Tần, Tần Ai Công không cho quân đi, ông đã đứng kêu khóc trước sân chầu của nhà Tần suốt bảy ngày đêm, không ăn uống gì, làm vua Tần cảm động phải ra quân phục hồi được nước Sở khỏi bị quân Ngô tiêu diệt.
[9] Francis Garnier đem quân Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất, năm 1873.
[10] Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương. Quân Pháp đã chiếm được các tỉnh này trong cuộc xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất năm 1873. Pháp đã trả lại bốn tỉnh này vì Francis Garnier bị tử trận, tinh thần chưa giữ được nên tạm trả để ký Hiệp ước 1874 chiếm cả sáu tỉnh miền Nam và được chính thức công nhận để lại buôn bán khắp nước Việt Nam.
[11] Chữ trích trong thiên Trọng hưng chi cao, sách Kinh thư, nói lên sự vui mừng của nhân dân khi được vua Thành Thang đến giải thoát cho khỏi ách bạo ngược của nhà Kiệt.
[12] Đánh dẹp và truyền ngôi vua cho người hiền khác họ.
[13] Vua Thành Thang (1766-1752 tr.CN) đã đuổi vua Kiệt của triều đại Hạ, lập nên triều đại Thượng. Vũ Vương (1122-1115 tr.CN) đã đánh đổ triều đại Thương, khiến Trụ Vương phải tự thiêu, lập nên triều đại Chu.
[14] Từ vua Vũ đến Trụ Vương, gồm mười bảy đời vua, trải qua bốn trăm ba mươi chín năm (2205-1766 tr.CN).
[15] Còn gọi là Ân Thương, từ vua Thành Thang đến Trụ Vương gồm hai mươi tám đời vua, trải qua sáu trăm bốn mươi tư năm (1766-1122 tr.CN).
[16] Từ Vũ Vương đến Noãn Vương ba mươi bảy đời vua, trải qua tám trăm sáu mươi bảy năm (1122-255 tr.CN).
[17] Nhà Hậu Chu đời Ngũ Đại chỉ có chín năm (952-959) trải ba đời vua.
[18] Dẹp xong mười hai sứ quân năm 987.
[19] Con Lý Khánh Vân và Phạm thị, người làng Cổ Pháp tức Đình Bảng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ là chức võ tướng cao cấp, chỉ huy quân hậu cần của triều Tiền Lê. Ông có uy tín và thế lực trong triều, đồng thời là người thân cận của người Phật giáo. Vì vậy sau khi Lê Long Đĩnh chết (năm 1009) các quan trong triều và một số nhà sư đã ủng hộ và suy tôn ông lên làm vua, tức Lý Thái Tổ. Triều Lý bắt đầu từ Lý Công Uẩn đến Lý Chiêu Hoàng (1009-1225) trải qua hai trăm mười sáu năm, gồm chín đời vua.
[20] Vua cuối cùng của triều Lý là Huệ Tông bị bệnh cuồng và không có con trai, phải nhường ngôi cho công chúa Chiêu Khánh mới lên bảy tuổi (tức Lý Chiêu Hoàng, lúc bấy giờ họ Trần đã nắm giữ mọi chức vụ trọng yếu trong triều. Ngày 10 tháng 12 năm 1226 do sự bố trí của Trần Thủ Độ, người cầm đầu thế lực họ Trần lúc đó. Lý Chiêu Hoàng tuyên bố nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (cháu Trần Thủ Độ). Trần Cảnh lên ngôi (tức Trần Thái Tông) lập ra Triều Trần, gồm mười hai đời vua, trải qua 174 năm (1126-1400). Thời gian chống quân Minh xâm lược còn có hai vua nhà Hậu Trần là Hưng Khánh (tức Trần Ngỗi 1407-1409) và Trùng Quang (tức Trần Quý Khoáng 1400-1415).
[21] Lê Thái Tổ và Nguyễn Trãi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã chiến đấu mười năm gian khổ (1417-1427) mới giành được nước từ tay quân nhà Minh xâm lược.
[22] Chỉ hai điều thiên nhượng và chinh phạt.
[23] Lưu Bang diệt triều Tần của Thuỷ Hoàng bạo ngược lập nên triều Hán (từ 206 - đến năm 263 tr.CN). Lý Uyên diệt triều Tuỳ của Dạng Đế bạo ngược lập nên triều Đường (618-905).
[24] Tống Thái Tổ, vua mở đầu triều Tống (960-1279) tên là Triệu Khuông Dẫn, đã phục vụ ba triều Hậu Đường, Hậu Hán, Hậu Chu đời Ngũ Đại (907-960) và đã lập được nhiều chiến công. Đến đời Cung Đế nhà Mậu Chu, Triệu Khuông Dẫn làm Tiết độ sứ Quý Đức và Hiến Đức đem quân đi chống quân Khiết Đan xâm lược. Khi đó Cung Đế còn nhỏ, quân sĩ mưu lập Triệu Khuông Dẫn, ban đầu tập trung ở nơi đóng quân là Trần Kiều, họ khoác áo bào vàng cho Triệu Khuông Dẫn và tung hô “vạn tuế” rồi phò Triệu Khuông Dẫn về triều bắt Cung Đế phải nhường ngôi cho Triệu Khuông Dẫn (tháng 3 năm 960).
[25] Giai cấp chủ nô Mông Cổ đem quân xâm lược Trung Quốc, diệt triều Nam Tống lập nên triều Nguyên (1279-1368).
[26] Minh Thái Tổ là Chu Nguyên Chương đánh đuổi Nguyên Thuận Đế vua nhà Nguyên xâm lược về Thượng Đô và lập ra triều Minh (1368-1661).
[27] Chữ trích trong Nghiêu điển, sách Kinh thư: “Lê dân ư biến thời ưng” (Dân đen biến đổi, luôn sống hoà thuận), và còn trích trong Vương Mãng truyện, sách Hán thư: “Đường Ngu chi thời khả tị ốc nhi phong” (Các nhà Đường, Ngu nhà nào cũng đáng khen thưởng - vì đều có người hiền lập công trạng). Tác giả dẫn dụng để chứng minh hiệu quả của việc dùng đức đã thấm nhuần đến dân, trong các đời Đế.
[28] Chữ trích trong thiên Trọng thuỷ trị cáo ca ngợi vua Thành Thang: “Khắc khoan khắc nhân, chương tín triệu dân” (Vua khoan dung nhân hậu, nên đã được lòng tin của nhân dân). Tác giả dẫn dụng để chứng minh hiệu quả tốt của Vương Đạo đời Xuân Thu.
[29] Lấy ý trong chương Tận tâm thượng sách Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Bá giả chi dân hoan ngu như dã” (Dân đời Bá vui vẻ), và theo ý Trình Tử: “Hoan ngu hữu sở tạp nhi nhiên, khởi nang cữu dã” (Sự vui vẻ nhờ sức người mà có, làm sao bền lâu được).
[30] Bàn đắp đất, dùng để đặt chén không sau khi uống hết rượu, một dụng cụ có tính cách nghi thức bang giao khi hai vua chư hầu tiếp đãi nhau.
[31] Cổng chào dựng trên đường đi, một nghi thức bang giao có quy định thứ bậc: vua thì dựng cổng ngoài, chư hầu thì dựng cổng trong, quan đại thần thì dùng mành mành, kẻ sĩ thì dùng màn để khi giao tiếp phân biệt chỗ ngồi của chủ và khách. Trong thiên Bát dật, sách Luận ngữ có viết: “Thầy (Khổng Tử) nói: “Khí độ của Quản Trọng sao mà nhỏ nhen!” Có người hỏi (vì) Quản Trọng tiết kiệm ư? Trả lời: “Họ Quản có đài Tam quy gia thần làm quan không kiêm nhiều việc, sao gọi là tiết kiệm?” Hỏi: “Như thế thì Quản Trọng biết lễ chăng?” Trả lời: “Vua chư hầu dựng Tắc môn, họ Quản cũng dựng Tắc môn; vua chư hầu (hội họp) giao hữu có phản điếm, họ Quản cũng có phản điếm, họ Quản mà biết lễ thì ai không biết lễ?” Ở đây, ý Khổng Tử muốn nói Quản Trọng khí độ nhỏ nhen vì xa xỉ và phạm lễ (đã dùng các dụng cụ nghi lễ không đúng với cương vị của mình).
[32] Y Doãn phò vua Thành Thang nhà Thương; Lã Thượng phò vua Văn, vua Vũ nhà Chu, đều lập công khai sáng triều đại mới.
[33] Gia Cát Lượng đời Tam Quốc (220-265).
[34] Tài giúp vua làm nên sự nghiệp lớn.
[35] Lưu Bị vua Thục kế nghiệp nhà Hậu Hán đời Tam Quốc.
[36] Nhà Hậu Tấn đời Ngũ Đại. Thạch Kính Đường vua đầu nhà Hậu Tấn, nhờ dẫn quân Khiết Đan về diệt nhà Hậu Đường mà được Khiết Đan lập làm vua, do đó Thạch Kính Đường phụng sự Khiết Đan hết mức, nhưng cuối cùng chỉ được hai đời làm vua dài 10 năm, rồi lại bị Khiết Đan tiêu diệt.
[37] Nơi triều hội chư hầu.
[38] Triều Minh không có niên hiệu Hoàng Vũ mà chỉ có Hồng Vũ, niên hiệu của Triều Minh Thái Tổ (1368-1396). Có thể là in nhầm hoặc không kiêng tên của Tự Đức là Hồng Nhậm.
[39] Philastre thống soái của thực dân Pháp cùng với Nguyễn Văn Tường ra Bắc Kỳ để bàn về việc trả lại bốn tỉnh miền Bắc do Francis Garnier đánh chiếm trong cuộc xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất năm 1873.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Đình Phùng » Đình thí đối sách