25/04/2024 15:16Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Khúc giang
曲江

Tác giả: Lý Thương Ẩn - 李商隱

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi hoanggiapton vào 07/11/2009 20:45

 

Nguyên tác

望斷平時翠輦過,
空聞子夜鬼悲歌。
金輿不返傾城色,
玉殿猶分下菀波。
死億華亭聞唳鶴,
老優王室泣銅駝。
天荒地變心雖折,
若比傷春意未多。

Phiên âm

Vọng đoạn bình thời thuý liễn qua,
Không văn tý dạ quỷ bi ca.
Kim dư[1] bất phản khuynh thành sắc,
Ngọc điện do phân hạ uyển[2] ba.
Tử ức Hoa Đình[3] văn lệ hạc,
Lão ưu vương thất khấp đồng đà[4].
Thiên hoang địa biến[5] tâm tuy chiết,
Nhược tỉ thương xuân ý vị đa.

Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn

Nào đâu cờ kiệu vua qua,
Nửa đêm không tiếng quỷ ma khóc sầu.
Xe vàng khuynh sắc về đâu,
Còn dòng sóng nước bên lầu hoàng cung.
Hoa Đình nghe hạc thác chung?
Lạc đà Lão Sách tượng đồng khóc than!
Trời hoang, đất biến, lòng tan,
Thương xuân tiếc ngọc cũng tàn ích chi!
Bài thơ này sáng tác hai năm sau sự biến Cam Lộ, mượn chuyện hưng phế của Khúc Giang. Khúc Giang, cũng gọi là Khúc Giang trì, Khúc Trì, nằm ở phía đông nam thành Trường An, là khu danh thắng nổi tiếng thời nhà Đường. Bị bỏ hoang sau loạn An Sử. Đường Văn Tông đã định tu bổ để điểm xuyết cho cảnh phục hưng giả tạo. Tháng 2, năm thứ 9 niên hiệu Đại Hoà, lệnh cho Thần sách quân khởi công. Tháng 10, ban yến quần thần ở Khúc Giang đình. Sau đó không lâu, sự biến Cam Lộ xảy ra, không cần xuống chiếu, nhưng công trình cũng bị bỏ.

[1] Xe có trang điểm châu ngọc. Đời Đường chia các xe ra làm 6 loại. Kim dư là xe của hoàng đế và quý phi.
[2] Tức Khúc Giang. Bởi cấm uyển là thượng uyển, nên Khúc Giang được gọi là hạ uyển. Các ngòi nước của Khúc Giang nối liền với ngòi nước của hoàng cung, nhưng địa thế cao hơn, nước chảy vào ngòi của hoàng cung, nên nói là phân ba.
[3] Thời nhà Tấn, Lục Cơ bị bọn hoạn quan Mạnh Cửu sàm tấu, nên bị giết, lâm tử. Lục Cơ than: “Hoa đình hạc lệ, khởi khả phục văn hồ” 華亭鶴唳,豈可復聞乎 (Tiếng chim hạc kêu ở Hoa Đình, há còn được nghe lại nữa sao?) Hoa Đình, tên ngôi nhà cũ của Lục Cơ nằm gần Sơn Cốc, nay là vùng Tùng Giang, Thượng Hải. Tác giả mượn điển này để nói về sự biến Cam Lộ, hoạn quan sát hại quần thần.
[4] Trước khi Tây Tấn diệt vong, Sách Tĩnh dự đoán thiên hạ đại loạn, chỉ con lạc đà bằng đồng, trước cung Lạc Dương mà than rằng: “Cuối cùng rồi sẽ thấy mày sa vào giữa đám cỏ cây gai góc rồi!” Mượn điển này, nhà thơ nói đến nỗi lo lắng của mình trước vận mệnh nhà Đường!
[5] Thành ngữ, thiên thương hoang lão, đại địa cải biến, chỉ sau sự biến Cam Lộ, Khúc Giang bị bỏ phế, và xa hơn nữa là cả cơ nghiệp nhà Đường lâm nguy.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lý Thương Ẩn » Khúc giang