16/09/2024 01:14Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thể loại khác (thơ); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi karizebato vào 23/06/2009 19:55
1.
Tiếng hát ngư ông giữa sông Bành Lệ
Tiếng kêu hàn nhạn giữa ánh Hoành Dương
Một mình em đứng giữa sông Hương
Tiếng ca du nữ đoạn trường ai nghe
2.
Ước áo xanh luỵ tình Tư mã[1]
Khách Thiên nhai vẫn lạ mà quen
Nước non ai kẻ bạn hiền
Biết ai ly phụ giữa miền sông Hương
3.
Nước chảy xuôi con cá buôi[2] lội ngược
Nước chảy ngược con cá vược lội ngang
Thuyền em xuống bến Thuận An[3]
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn anh ơi!
4.
Biết ở đâu là cầu Ô Thước
Mênh mông nguyện ước, dưới nước trên trời
Đêm khuya ngớt tạnh mù khơi
Khúc sông quạnh vắng có người sầu riêng
5.
Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn
Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long
Sương sa gió thổi lạnh lùng
Sóng xao trăng lặn gây lòng nhớ thương
6.
Bên chợ Đông Ba tiếng gà gáy sáng
Bên làng Thọ Lộc tiếng trống sang canh
Giữa sông Hương tiếng sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền tình ngửa nghiêng
7.
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non
8.
Đục với trong mười hai bến nước
Gió xuôi rồi ngược chèo chẳng đến nơi
Động đào cũng muốn vô chơi
Biết đâu cho gặp ông chài hỏi thăm
9.
Thương thời thương, chẳng thương thời chớ
Làm chi lở dở như hẹn nợ thêm buồn
Bên chùa đã dộng tiếng chuông
Gà Thượng Thôn đã gáy, chim nguồn đã kêu
10.
Một vũng nước trong, mười dòng nước đục
Một trăm người tục, một chục người thanh
Biết đâu gan ruột gửi mình
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân[4]
[1] Theo câu thơ của Bạch Cư Dị trong Tỳ bà hành: “Giang Châu tư mã thanh sam thấp” (Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh - Phan Huy Thực dịch).
[2] Theo Huỳnh Tịnh Của, trong Đại Nam quốc âm tự vị cá buôi là “thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ”. Trong kho tàng ca dao dân gian, đề cập đến những món ngon xứ Đồng Nai “cá buôi, sò huyết Phước An” được xếp đầu danh sách.
Ông Tư Nhu (Hồ Văn Nhu), chủ tịch Hội nông dân xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) năm nay 56 tuổi là dân cố cựu, có gia đình sống mấy đời ở ấp Vũng Gấm nói một cách quả quyết: “Cá buôi chính là con cá đối sống lâu năm trở thành, con cá phải bằng cườm chân trở lên, tức phải cỡ trên nửa kg. Hồi trước dân hạ bạc Phước An này đánh được những con cá buôi nặng từ 2kg đến 2,5kg là chuyện thường. Nhưng bây giờ đỏ con mắt mới kiếm được con cá buôi nặng 1kg!” Cũng theo ông Tư Nhu thì cá đối vùng mặn, lợ Phước An này có tập tính là sống thành bầy đàn lên đến 500-700 hoặc hàng ngàn con, mỗi khi có người đi ngang “nghe dậy cái ào”. Nhưng khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Và vì cá buôi không ăn mồi nên người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
Một số sách do nhầm lẫn ghi rằng bốn câu thơ này là ca dao khuyết danh.
[3] Thuộc Thừa Thiên.
[4] Bình Nguyên Quân 平原君 (?-253 trước CN) tên thật là Triệu Thắng 趙勝, là công tử nước Triệu, một trong Tứ công tử Chiến Quốc. Trong hàng công tử nước Triệu, ông được coi là người hiền hơn cả. Cũng như Mạnh Thường Quân (người nước Tề), Tín Lăng Quân (người nước Nguỵ), Bình Nguyên Quân là người rất hiếu khách, nuôi tân khách trong phủ được đến mấy nghìn người. Ông làm tể tướng cho nước Triệu dưới 3 đời vua, được phong đất Bình Nguyên nên thường gọi là Bình Nguyên Quân. Ông mất năm 253 trước CN, con cháu ông nối dõi đời đời mãi khi Tần diệt Triệu mới hết.
Sau khi thực hiện được cuộc liên minh với Sở, Bình Nguyên Quân trở về nước Triệu, nói rằng: “Thôi, ta không còn dám xét đoán người nữa. Xưa nay ta đã từng xét thiên hạ, kể số nhiều thì đến hàng ngàn người, mà ít thì cũng hàng trăm, vẫn tự hào rằng chưa hề bỏ sót ai cả. Thế mà đến nay tự biết mình trước kia đã không nhận rõ đặc tài của Mao tiên sinh (Mao Toại). Khi sang nước Sở, Mao tiên sinh đã làm cho nước Triệu được vô cùng tôn kính. Mới biết tiên sinh đã khéo dùng ba tấc lưỡi mạnh hơn trăm vạn quân. Thôi, từ đây ta không dám xét người nữa”.
Trong Truyện Kiều có đoạn Từ Hải nói với Thuý Kiều: “Từ rằng: Lời nói hữu tình, Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân”. Lời lẽ và ý tứ mượn lời ở hai câu trong bài Hàm Đan thiếu niên hành của Cao Tứ đời Đường: “Vị tri can đảm hướng thuỳ thị, Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân” (Biết ai gan ruột như mình, Khiến người lại nhớ đến Bình Nguyên Quân).