23/04/2024 15:54Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hoạ Nguyễn Quang Bích thi
和阮光碧詩

Tác giả: Tôn Thất Thuyết - 尊室說

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 12/06/2016 15:03

 

Nguyên tác

精忠不忍棄西州,
制勝洮沱自古優。
獨挽孤軍馳遠塞,
共懷尺劍斬東流。
依稀北地遊鴻雁,
仿佛南風助馬牛。
報國丹心河岳在,
艱難相見鬢霜秋。

Phiên âm

Tinh trung bất nhẫn khí Tây Châu[1],
Chế thắng Thao Đà[2] tự cổ ưu.
Độc vãn cô quân trì viễn tái,
Cộng hoài xích kiếm trảm đông lưu.
Y hy bắc địa[3] du hồng nhạn,
Phảng phất nam phong trợ mã ngưu[4].
Báo quốc đan tâm hà nhạc tại,
Gian nan tương kiến[5] mấn sương thu.

Dịch nghĩa

Lòng trung nghĩa không nỡ bỏ Tây Châu
Đóng giữ để đánh thắng giặc từ xưa vẫn không đâu bằng vùng Thao Đà
Một mình đem đám quân đơn độc rong ruổi nơi ải xa
Cùng muốn đem thước gươm chém dòng nước xuôi về đông
Lẻ loi chim hồng nhạn chơi vơi nơi đất bắc
Phảng phất gió nam giúp cho ngựa trâu tìm được nhau
Lòng son lo báo nước có sông núi làm chứng
Khó khăn vất vả khi gặp nhau mái tóc đã nhuộm màu sương thu

Bản dịch của Chu Thiên

Lòng trung không nỡ bỏ Tây Châu,
Giữ đất Thao Đà thắng bấy lâu.
Đem đám quân cô ngăn ải vắng,
Cầm ba thước kiếm chém dòng sâu.
Lẻ loi đất bắc chơi hồng nhạn,
Phảng phất nồm nam giúp ngựa trâu.
Báo nước lòng son sông núi rõ,
Gặp nhau sương nhuộm bạc phơ đầu.
[1] Vùng đất gồm cả miền Tuyên Quang và khu Tây Bắc hiện nay.
[2] Miền giữa sông Đà và sông Thao, nơi địa bàn hoạt động của Nguyễn Quang Bích.
[3] Đất Bắc, câu này ý nói tác giả đang long đong ở bên Trung Quốc.
[4] Ngựa trâu. Tả truyện có câu: “Phong mã ngưu, bất tương cập” (Vì ở cách xa nên loài trâu loài ngựa, con đực con cái không đến với nhau được), người ta thường dùng điển này để chỉ những việc không quan hệ với nhau. Ở đây dùng với ý nghĩa ngược lại: Tuy ở cách xa nhau nhưng vì cùng chung một chí cứu nước nên vẫn là chỗ thanh khí.
[5] Chỉ sự gặp nhau trong công việc và chí lớn phụng sự đất nước của tác giả và Nguyễn Quang Bích. Năm 1875, triều đình mở doanh điền Hưng Hoá (tức tỉnh Phú Thọ ngày nay), vừa khai hoang vừa phòng vệ vùng núi rừng Tây Bắc, Nguyễn Quang Bích được cử làm Chánh sơn phòng sứ. Đến năm sau (1876) ông kiêm thêm chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hoá. Tại đây, Nguyễn Quang Bích phối hợp với Tôn Thất Thuyết, Hoàng Tá Viêm vừa đánh dẹp vừa lôi kéo phân hoá các đội quân người Trung Quốc mà sử cũ gọi là “giặc khách” (tàn dư của các cuộc chống Thanh, nhưng đã biến chất). Đặc biệt, trong số người mà Nguyễn Quang Bích cảm hoá được có Lưu Vĩnh Phúc, thủ lĩnh đội quân Cờ Đen (dư đảng của Thái Bình thiên quốc). Năm 1885, dưới sự phò tá của Tôn Thất Thuyết, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Cam Lộ (Quảng Trị), ban bố dụ Cần Vương. Biết Nguyễn Quang Bích là người có chí và có tài đức, vua phong ông làm Lễ bộ thượng thư, sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần Trung hầu, lãnh nhiệm vụ tổ chức kháng chiến chống Pháp ở vùng Tây Bắc cho đến năm 1890 khi ông mất. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Quang Bích có gặp nhau nhiều lần ở căn cứ Tây Bắc và Trung Quốc để hoạch định kế sách cho cuộc kháng chiến.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tôn Thất Thuyết » Hoạ Nguyễn Quang Bích thi