28/03/2024 20:30Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Truy điệu năm Ất Dậu

Tác giả: Nguyễn Trọng Cẩn

Thể thơ: Phú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi Vanachi vào 27/10/2008 10:50

 

Hỡi anh em đồng bào ta ơi!
Bừng con mắt nhìn xem nước mới: “Việt Nam độc lập”, khắp ba kỳ chung một ngọn cờ vàng[1];
Chạnh tấm lòng sực nhớ ngày xưa: “chí sĩ hy sinh”, nơi chín suối biết bao người mệnh bạc.

Hồn tổ quốc bơ vơ trong trời đất, trở về đây mà nghe tiếng hoan hô;
Khí anh hùng un đúc giữa non sông, quây quần lại mà nếm mùi cộng lạc[2].

Nhớ đấng tiên linh xưa:
Nhân cách hào hùng;
Thiên tư lỗi lạc!

Giống Bách Việt đầu đen máu đỏ, trải Đinh, Lê qua Lý Trần cho đến Hậu Lê, Hoàng Nguyễn, phá quân Mường, bươn giặc Mọi, dong ruổi rừng tên bãi đạn, đúc xương đồng mà chống đỡ non vàng;
Cõi Viêm bang[3] rốn cắt nhau chôn, từ Bắc Hà vào Thanh Nghệ lần vô Thuận Quảng, Đồng Nai, tuông đất Lạp, đạp thành Chiêm, xông pha nón gió tơi mưa, phơi gan sắt mà lấp vùi bể bạc.

Giang sơn sinh tuấn kiệt đã đành;
Thời thế tạo anh hùng là khác.

Rong ngựa sắt Đổng thiên vương[4] phá giặc, khói anh linh mây phủ núi Châu Sơn;
Phất khăn hồng Trưng nữ tướng[5] hưng binh, gương tiết liệt trăng in hồ Lãng Bạc[6].

Dòng máu đỏ sông Bạch Đằng còn gợn, nào những trận phá Hán - Ngô Vương Quyền, cầm Hồ[7] - Trần Hưng Đạo, oai danh kia muôn thuở vang lừng;
Đống xương tàn thành Long đổ còn đây, nào những trận bình Ngô - Lê Thái Tổ, tảo Mãn[8] - Nguyễn Quang Trung, công đức ấy nghìn thu ghi tạc.

Huân lao lịch đại đã rõ ràng;
Sự nghiệp quốc triều càng to tát.

Rưới mưa móc thấm miền Thuận Quảng, áo dày cơm nặng, khúc Hoài Nam còn ngấm đức tài bồi;
Phách chông gai mở cõi Nam Kỳ, tấc đất ngọn rau, bia kỷ niệm vẫn ghi công khai thác.

Cơ đồ nhờ đó mà vững bền;
Tộc loại ngày càng thêm phát đạt!

Không may!
Lòng trời dun dủi, cõi Á Đông gặp lúc truân chuyên;
Quả đất vần xoay, miền Nam thổ[9] vào hồi truỵ lạc.

Oai cường bạo như hùm beo có cánh: nào Đức, nào Nga, nào Anh, nào Pháp... hăm hở mài nanh chuốt vuốt, rượt luồng mây mà nhả độc sài lang;
Phận yếu hèn như tôm tép không vây: kìa Ba, kìa Ấn, kìa Diến, kìa Xiêm... rụng rời lạc vía xiêu hồn, theo làn sóng mà vào hàm kình ngạc.

Một tiếng súng nổ vang ngoài Thuận Hải, nước non nhà cùng chung kiếp điêu linh;
Ba sắc cờ phấp phới giữa Hoành Sơn, cây cỏ cũ đà thấy màu xơ xác.

Chén thuốc độc, ô hô Phan Thanh Giản, đất Nam Kỳ sáu tỉnh tiêu hao;
Bát trà suông, kết liễu Nguyễn Tri Phương, thành Hà Nội bốn bề tan tác.

Tổng đốc Diệu[10] trải bao phen chống cự, hết lòng vì nước, quyết tồn vong thề với cô thành;
Phò mã Lâm[11] sau mấy trận xông pha, giữ tiết cùng cha, thề sinh tử phó cho đại bác.

Thảm thương cho vận nước ngửa nghiêng;
Xa xót bấy lòng người ngơ ngác!

Đoàn ứng nghĩa Cần Vương ra đứng trước: nào Phan Đình Phùng, nào Hoàng Hoa Thám, len lỏi trong miền sơn cước, đạn vô tình cam thịt nát xương tan;
Đảng xuất dương cách mạng nối theo sau: nào Tăng Bạt Hổ, nào Phan Bội Châu, lênh đênh ngoài cõi trùng dương, thân vô định mặc bèo trôi sóng dạt.

Hươi ngọn bút kêu gào đất khách, đến chết không quên nước cũ, bên chùa Kim Lĩnh, Nguyễn Thượng Hiền khí cốt vẫn thanh cao;
Ném quả bom rầm rộ quê người, dù chưa giết được kẻ thù, trước mộ Hoàng Cương, Phạm Hồng Thái thanh danh còn hách trạc.

Xin sưu thuế Nghĩa Hoà trong Đại Lộc, sôi nổi biết bao thân sĩ, vì đồng bào mà chịu phận thiệt thòi;
Xướng dân quyền Quý Cáp[12] với Chu Trinh[13], chứa chan một tấm nhiệt thành, vì tổ quốc mà đem thân gánh vác.

Nào những thuở Duy Tân xướng nghĩa, đem tính mệnh đền ơn minh chúa, Trần Cao Vân khẳng khái dưới gươm đao;
Nào những khi Yên Bái đồ mưu, lấy đầu lâu mà trả nợ quốc dân, Nguyễn Thái Học thung dung trên đỉnh hoạt.

Cổ Am nọ là huyệt sào Quốc Đảng[14], lá trung can đốt cháy dưới than hồng;
Côn Lôn kia là địa ngục dương gian, đống hiệp cốt lấp vùi trên bãi cát.

Chồng trước mặt quỷ cường quyền lên án, công chẳng có tội đành phải có: tội vì nước, tội vì dân, tội vì giang sơn xã tắc... phận cô thần bao quản nỗi trầm oan;
Nặng trên đầu thần công lý cầm cân, sống như không mà chết cũng như không: chết vì gươm, chết vì súng, chết vì lam chướng ba đào... hồn chiến sĩ biết đâu miền mênh mạc.

Ôi!
Bên mồ trung nghĩa, gió thổi lạnh lùng;
Giọt máu oan cừu, mây tuôn man mác.

Chết đã thiệt, sống biết làm sao được; cũng tai, cũng mắt, cũng mặt, cũng mày, cũng can trường tâm huyết, lệ tân đình khô ráo giọng quyên;
Trước đã qua, sau dù có thế nào; này cỏ, này cây, này non, này nước, này thành quách nhân dân, trăng hoa biểu mơ màng bóng hạc.

Lẽ tuần hoàn trời đất há vô tình;
Vòng đào thải bể dâu đâu đã chắc.

Trận Âu chiến đùng đùng sấm dậy, thành Ba Lê[15] một phút tan tành;
Hội Á Liên cuồn cuộn sóng tràn, vùng quần đảo bốn bề rân rác.

Ất Dậu trước[16] kinh thành thất thủ;
Ất Dậu này[17] kinh thành khôi phục.

Cơ luân chuyển khéo vào năm Ất Dậu, cuộc hưng vong thay đổi bỗng hai lần;
Việc binh cơ vẫn nhờ sức Hoàng quân, cờ báo tiệp lẹ làng trong một lát.

Ách kiềm toả thoát ngay người Pháp, mối sơn hà đất cũ gồm thâu;
Quyền chủ trương trả lại vua ta, vầng nhật nguyệt trời Nam vằng vặc.

Reo mừng một tiếng, miền Bắc miền Nam;
Thoả hận nghìn thu, phần hồn phần xác.

Đành có kẻ vận trù quyết sách, phá tan quân địch, khác nào như trúc chẻ ngói tan;
Nhưng trong lúc xung đột giao phong, gẫm lại quân ta, cũng chẳng khỏi tên bay đạn lạc.

Cảm tạ bấy quân nhân Nhật Bản, giúp lân quốc cũng hết lòng như tổ quốc, tuốt gươm ra mà thí mạng lăn nhào;
Ngậm ngùi thay binh sĩ Việt Nam, vì đồng cừu mà ra sức với đồng bào, châu súng lại quyết liều thân xô xát.

Phận anh hùng dù không quản sống còn;
Lòng quốc sĩ lẽ nào quên báo đáp.

Mùi tân khổ xưa cùng nếm trải, muôn thuở tao phùng một hội, buồn chung buồn sao vui lại chẳng chung vui;
Mối oan cừu nay đã sạch sành, ba sinh thoả thích mười nguyền, sống phận sống mà thác cũng đành phận thác.

Anh em đồng bào ta ơi!
Nhân ngày quốc khánh, hoa nở tưng bừng;
Đứng trước tiềm linh, hương bay ngào ngạt.

Đem tiểu sử cá nhân ôn lại, kể sao cho xiết, mấy hàng chữ máu vẫn chưa phai.
Treo bức tranh liệt sĩ dòm chung, vẽ mấy cho cùng, một tấm lòng son đâu dễ lạt.

Nền tự trị hiện nay còn xốc nổi, biết bao việc nông, việc học, việc công, việc thương, việc quốc gia xã hội... nặng hai vai nợ nước ơn vua.
Chữ đồng bào gẫm lại vẫn đinh ninh, chẳng lựa là anh, là em, là tôi, là bác, là cố cựu thân bằng.. chung một giống con Hồng cháu Lạc.

Lòng ái quốc, kẻ mất còn cũng vậy, gọi chúng bạn trở về cố quận, dắt dìu nhau hợp lực đồng tâm;
Khí tự cường, người sống thác cũng là, khuyên anh em bước tới tiền đồ, gắng gổ lấy đồng lao cộng tác.

Thượng hưởng!

Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn phụng soạn.
Ngày 9-3 năm 1945 (Ất Dậu), Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương. Ngày 11, đại sứ Nhật tuyên bố trao lại quyền độc lập cho Việt Nam, và vua Bảo Đại đã tuyên bố độc lập và bãi bỏ hiệp ước ký kết quyền bảo hộ của Pháp. Bài văn truy điệu này được làm cho lễ mít-tinh chào mừng này.

[1] Tức cờ ba sọc vàng, do Trần Trọng Kim lấy hình từ quẻ ly trong Chu dịch để làm cho chính quyền vua Bảo Đại khi tuyên bố độc lập. Về sau lá cờ này tiếp tục được dùng trong chính quyền Việt Nam cộng hoà.
[2] Chung vui, cùng vui.
[3] Nghĩa là xứ nóng, chỉ Việt Nam.
[4] Tức Phù Đổng thiên vương, hay Tháng Gióng.
[5] Tức Trưng Trắc, hay Bà Trưng.
[6] Tên cũ của Hồ Tây ngày nay.
[7] Chỉ giặc Nguyên Mông.
[8] Chỉ giặc Mãn Thanh.
[9] Tức Việt Nam.
[10] Tức Hoàng Diệu, tử chiến giữ thành Hà Nội.
[11] Tức phò mã Nguyễn Lâm, tử chiến giữ thành Hà Nội cùng cha là Nguyễn Tri Phương.
[12] Tức Trần Quý Cáp.
[13] Tức Phan Chu Trinh.
[14] Tức Việt Nam Quốc Dân Đảng, do Nguyễn Thái Học thành lập năm 1928 và lấy căn cứ đầu tiên ở làng Cổ Am (Hải Phòng).
[15] Tức Paris, thủ đô của Pháp.
[16] Tức năm Ất Dậu 1885, kinh thành Huế thất thủ.
[17] Tức năm Ất Dậu 1945, kinh thành Huế lại được khôi phục.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trọng Cẩn » Truy điệu năm Ất Dậu