19/04/2024 18:01Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Năm canh mối tình

Tác giả: Tản Đà - 傘沱

Thể thơ: Thể loại khác (thơ); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi karizebato vào 18/10/2009 06:36

 

Hành vân
Nghiệp phong trần, nghiệp phong trần, kén mặt tài nhân.
Sầu ôm gối, gối chiếc đêm xuân,
chăn đơn sương lạnh, ngùi thương bóng đôi mình,
đem tâm sự cùng ai, trông ngọn đèn canh tàn hiu hắt.
Người trong mộng, niềm nguyện mong, giục xui lòng;
rõ ràng đôi lứa phụng, thành song thành song.
Mừng tạo hoá, chắp mối tơ hồng.
Tỉnh giấc cô phòng, dậy, thành không thành không.
Sự sắt cầm chiêm bao thành không.
Cô phòng u uất, ấy ai là bạn tri âm!

Nam thương
Tri âm cách nẻo phương trời, ai người nhủ hộ.
Gió đông chệnh rèm tây, đưa gửi mấy câu.
Ai say ngủ một mình đâu, giấc nồng chẳng hử tìm nhau?
Xa mấy dặm ngàn dâu, nghe nhạn sầu thêm sầu.
Song thưa gió thoảng bên màn, ôm đàn tưởng vọng.
Bóng trăng lại kề hiên, luống những đón tin.
Thôi chi nói mơ mòng, tiếng thần phong nhắc gọi trời đông;
cái oanh, cái oanh vàng, mi đậu lại trêu ai, nhắn chi đặng đôi lời.
Tương tư trọng, chè nhường khan giọng.
Ai biết nỗi sầu manh; mướn đưa mình, lên hỏi trời xanh:
sao ông nguyệt lão mần thinh? Năm canh mối tình!
Điệu ca lý này là âm khúc Xiêm Thành, mà lấy tiếng ta đặt ép vào, cho nên sự phải chẳng cũng không dám tự định. Duy, cả hai bài này bắt luôn nhau, là kể tình tự trong một đêm, cho nên gói lại 4 chữ (năm canh mối tình). Nhưng nói rút lại nữa, thời chỉ là một chữ tình, cho nên từ đầu không dám dùng, mà một chữ “tình” phải để dành lại đứng kết. Nghề văn chương lắm lúc khổ tâm, chắc các nhà tri âm cũng lượng xét.

Tản Đà bình văn, thích nghĩa trong Bình Khang tân thanh, cuốn sách tập hợp các bài hát nói của Tản Đà và được chính tác giả thích nghĩa để cô đầu nhớ và hiểu nghĩa nhưng chưa được in ấn:
Giảng nghĩa:
Bài hát này tả cái tình tự của một người hồng nhan từ đêm đến sáng, mong tưởng bạn tri âm, cho nên câu cuối là năm canh mối tình mà nhân biểu lên làm đầu bài vậy. Nghĩa rằng: Cái mặt phong trần sao mà khéo kén mặt những người tài tình như thế. Khiến cho mình đêm xuân không biết đem tâm sự cùng ai! Chỉ có trông ngọn đèn hiu hắt lúc canh tàn mà tự ngùi thương cho số phận vậy.

Cái người mà mình mong tưởng đó, chỉ là ở trong giấc mộng, mà như xui giục lòng ta, thấy trong mộng thành đôi thành lứa như đôi chim phượng hoàng, đến lúc tỉnh giấc trong buồng không thời té ra không có gì cả. Những sự sắt cầm chỉ là chiêm bao rồi lại thành không, như thế, buồng không u uất biết lấy ai làm bạn tri âm.

Người tri âm của ta khi cách nẻo ở ngoài phương trời, ai là người nhắn nhủ hộ mình bây giờ. Chỉ thấy cơn gió đông lay chệch cánh rèm hiên tây mà ta nay muốn nhắn nhủ mấy câu.

Này hỡi ai say ngủ một mình ở đâu? Trong giấc mộng biết có tìm nhau chăng hử? Từ đây đến chỗ ai đó, xa nhau biết mất dặm ngàn dâu, chỉ cứ nghe tiếng nhạn lại thêm sầu mà thôi.

Ở chỗ cửa sổ thưa, cơn gió thoảng vào bên màn, trở dậy ôm đàn mà ngồi để mong tưởng. Trông ra thì thấy bóng trăng soi lại kề hiên, khiến cho mình như đón tin của ai.

Thôi! Nhưng mà nói mơ mòng làm chi. Nghe tiếng con chim thần phong nó đã nhắc gọi vừng đông rồi. Trời đã sáng rồi. Con chim oanh vàng, mày ở đâu bay lại chỉ trêu ta làm gì, nào có nhắn được lời gì đâu. Cái khối tương tư nặng nề cho nên uống chén chè như cũng khan giọng vậy.

Có ai biết cái nỗi sầu riêng của ta, thời xin mượn đưa ta lên hỏi tận trời xanh xem rằng sao mà cái ông Nguyệt lão cứ làm thinh, không nói đến chuyện se dây gì, để cho mình cứ năm canh vương mối tình hoài.

Thích nghĩa:
“Cô phòng” nghĩa là buồng không, trong cái buồng nằm có một mình.

“Thần phong” - là tên một thứ chim, cứ đến sáng thì nó kêu. “Thần” là buổi sớm, “phong” là gió.

Bàn văn:
Bài hát này đặc sắc ở chỗ tinh tế. Suốt hai bài tiếp nhau, tả cái tình hoài của người hồng nhan trong lúc đêm xuân, từ đêm đến sáng, mới mà “sầu ôm gối, gối chiếc chăn đơn, trông đèn hiu hắt”, ấy là phần nửa đêm về trước, cái tình hoài trong lúc chưa ngủ mà trằn trọc không yên. Từ chỗ “người trong mộng” cho đến “thành không, thành không”, ấy là phần giữa đêm, cái tình hoài trong lúc thức ngủ mà chập chờn chẳng định. Từ chỗ “sự sắt cầm” cho đến là “bạn tri âm” ấy là phần sau lúc giữa đêm. Cái tình hoài sau khi trở dậy mà cám cảnh buồn u uất. Trở lên đó là bài ca Hành vân sang bài Nam ai, từ chỗ “tri âm cách nẻo” cho đến “luống những đón tin” nào là “gửi gió đưa tin nghe chim nhạn sầu, gió thoảng song thưa”, mà “trở dậy ôm đàn, trăng lại kề hiên”, “mà đón tin dưới bóng”, ấy là phần nửa đêm về sau, chuyển gần về sáng, cái tình hoài sau lúc không ngủ được mà tưởng vọng càng thêm. Từ “thôi chỉ nói mơ mòng” cho đến “chè nhường khan giọng, nghe tiếng thần phong… thấy cái oanh vàng”, ấy là phần trời đã chuyển sáng, cái tình hoài sau lúc hết hy vọng mà chỉ có than thân giận trời. Bốn chữ “năm canh mối tình” ở câu kết, thời là gói cả cái tình hoài từ đêm đến sáng. Chữ “năm canh” là kết. Chữ “tình” lại là kết. Hợp hai bài xem suốt, nhân sầu cảm thành tưởng vọng, nhân tưởng vọng thành ảo mộng, thành thất vọng, nhân thất vọng lại hy vọng, lại sầu cảm, sóng tình lớp lớp, như mặt nước hồ xuân theo làn gió gợn, văn tả tình đến thế là hay.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tản Đà » Năm canh mối tình