25/04/2024 10:33Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Vũ Hầu miếu
武侯廟

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 03/02/2014 19:20

 

Nguyên tác

遺廟丹青落,
空山草木長。
猶聞辭後主,
不復臥南陽。

Phiên âm

Di miếu đan thanh lạc,
Không sơn thảo mộc trường.
Do văn từ Hậu Chủ[1],
Bất phục ngoạ Nam Dương[2].

Dịch nghĩa

Miếu xưa nét vẽ xanh đỏ đã phai lạt,
Núi hoang vu cây cỏ mọc um tùm.
Còn nghe vẳng biểu xuất sư từ biệt Hậu Chủ,
Chẳng còn dịp trở về Nam Dương nằm khểnh.

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Ngôi đền cũ nhạt màu xanh đỏ,
Núi quạnh hiu còn đó cỏ cây.
Biểu từ lời vẳng bên tai,
Không còn trở lại nằm dài Nam Dương.
(Năm 766)

Nguyên chú: “Miếu tại Bạch Đế tây giao” 廟在白帝西郊 (Miếu ở phía tây thành Bạch Đế).

Vũ Hầu là tước do Thục đế Lưu Bị phong cho Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, hiệu Ngoạ Long, người đất Dương Đô (quận Lang Nha, tỉnh Sơn Đông). Ông tị nạn về Kinh Châu, được Lưu Bị ba lần tới nhà tranh cầu cứu mới ra giúp, là người lắm mưu nhiều kế, giúp Lưu Bị khôi phục cơ đồ nhà Thục Hán. Khi Lưu Bị qua đời, ông hết lòng giúp Hậu Chủ là Lưu Thiện 劉禪, được phong tước Vũ Hương hầu 武鄉侯.

[1] Người kế vị Thục đế Lưu Bị, tên Lưu Thiện.
[2] Tên đất, thuộc huyện Triệu, tỉnh Hồ Bắc, nơi Vũ Hầu thuở hàn vi còn ở ẩn nơi nhà tranh vách đất. Ông từng nguyện khi công thành sẽ về lại Nam Dương nhàn nhã, nhưng mất khi chưa kịp thực hiện.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Vũ Hầu miếu