29/03/2024 20:57Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cầu sắt mà bắc ngang sông

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 05/10/2020 02:08

 

Cầu sắt mà bắc ngang sông,
Chàng ơi sang tỉnh mà trông chẳng lầm.
Hà Nội bắc sang Gia Lâm,
Tính cây lô mét[1] độ năm cây tròn[2].
Hoạ hình Tây bắc ống nhòm,
Ngắm đi ngắm lại xem còn cong không.
Giở về hội nghị cộng đồng,
Đến năm Mậu Tuất[3] khởi công bắc cầu.
Mộ phu[4] khắp cả đâu đâu,
Xây từ Ái Mộ[5] bắt đầu xây ra.
Bắc qua con sông Nhị Hà[6],
Chia khoang làm nhịp[7], mười ba cột vừa.
Lập mưu xây được bây giờ,
Chế ra cái chụp để mà bơm lên.
Bơm hết nước đến bùn đen,
Người chết như rạ vẫn phải len mình vào.
Vỡ bơm nước lại chảy vào,
Chết thì mặc chết ai nào biết không.[8]
Mỗi giờ thuê có một đồng,
Xi măng với đá, dây dòng xuống xây.
Đóng phà, đóng cột, cắm cây,
Xây trên buông xuống thành ngay chân cầu.

Bây giờ đục sắt bắc cầu,
Cột ngang, cột dọc, đường tàu song song.
Bắc từ Dốc Gạch[9] bắc sang,
Chính giữa đường sắt làm đường tàu đi.
Đôi bên nhịp sắt chữ chi[10],
Bên đi, bên lại chớ hề gặp nhau.
Còn hai bên cạnh rìa cầu,
Sắt chằng hoa thị[11] đi cầu không kinh.
Hai vì[12] đèn máy sáng tinh,
Ai đi đến đấy có xinh chăng là.
Kẻ đi người lại hằng hà[13],
Mưu kia nào kiệt tính đà cũng thông.
Bề khoát[14] tàu chạy bên trong,
Khoát vừa ba thước[15] đủ dùng không hơn.
Đường ô-tô chạy rập rờn,
Cũng khoát thước rưỡi đường trơn phẳng lì.
Còn đường của An Nam đi,
Khoát hơn nửa thước vậy thì tính sao.
Bây giờ kể đến bề cao,
Cao hơn mười thước ai nào biết không.
Làm xong Tây tính tiền công,
Lập mưu, lập kế trả công chẳng rành.
Chế ra giấy bạc dâu xanh,
Trừ tiền giấy bút hết toanh dăm đồng.
Tiền công chẳng đáng tiền công,
Kẻ còn, người mất mà lòng xót thay!
Hội cầu năm ấy vui vầy,
Nhớ ngày hăm mốt tháng hai, công hoàn.
Bài ca dao nói về việc xây dựng cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, được Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer cho xây dựng từ 1898 và hoàn thành năm 1902, là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.

[1] Tức kilomet.
[2] Có nhiều con số về chiều dài cầu Long Biên, nhưng cũng chỉ trên dưới 2km.
[3] Tức năm 1898, người Pháp cho khởi công cầu Long Biên.
[4] Tuyển mộ dân phu (những người làm công việc chân tay nặng nhọc).
[5] Thôn thuộc xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, Hà Nội, ở bờ bắc cầu Long Biên.
[6] Tức sông Hồng, còn gọi là sông Cái. Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà, hay Nhĩ Hà.
[7] Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
[8] Cầu Long Biên có 19 nhịp và 20 mố cầu. Toàn bộ những mố đá, trụ trong lòng sông đều phải thi công bằng phương pháp giếng chìm hơi ép. Những phu thợ người An Nam phải trực tiếp ngồi vào trong những “chuông sắt” lớn, đào đến đâu múc đất đá chuyển lên đến đấy, hoàn toàn không có các thiết bị hạ áp để giảm rủi ro như bây giờ. Căn buồng khí nén cứ dần sâu xuống lòng sông. Trụ cầu thiết kế cao 43,5m, trong đó phần chòi lên trung bình 13,5m. Như vậy phần chìm của trụ cầu phải đạt ít nhất 30m, có những chỗ như mố cầu 14 phải xuống đến 32m với áp suất khí cao. Khí áp đã khiến nhiều người không chịu nổi, máu mũi, máu tai túa ra. Nguy hiểm nhất là máu sủi bọt mà chết. Mỗi ca lao động như thế, thợ khoẻ nhất cũng chỉ kéo dài được chừng 4 tiếng đồng hồ.
[9] Tên một xóm cũ nằm phía bắc cầu Long Biên, thuộc thôn Ái Mộ, thị trấn Gia Lâm, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội. Dân gian trước vẫn gọi cầu Long Biên là cầu Dốc Gạch.
[10] Đường dích dắc, đường hình chữ Z, giống như hình chữ chi 之 trong tiếng Hán.
[11] Lan can cầu bằng sắt uốn thành những hoạ tiết để trang trí.
[12] Vài. Từ cổ là vì (kèo), kết cấu nối hai nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó.
[13] Rất nhiều không đếm được. Nguyên từ câu thành ngữ “Hằng hà sa số” trong Phật giáo, nghĩa là số lượng cát của sông Hằng (một con sông lớn ở Ấn Độ, có cát rất mịn).
[14] Bề ngang hay bề rộng nói chung (từ cũ).
[15] Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1m.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Cầu sắt mà bắc ngang sông