03/10/2024 18:48Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Kỳ úc 3
淇奧 3

Tác giả: Khổng Tử - 孔子

Thể thơ: Kinh thi; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Chu
Đăng bởi Vanachi vào 30/09/2005 10:10

 

Nguyên tác

瞻彼淇奧,
綠竹如簀。
有匪君子,
如金如錫,
如圭如璧。
寬兮、綽兮,
猗重較兮。
善戲謔兮,
不為虐兮。

Phiên âm

Chiêm bỉ Kỳ úc,
Lục trúc như trích (trách).
Hữu phỉ quân tử.
Như kim như tích.
Như khuê như bích.
Khoan hề, xước hề!
Y trùng giác hề!
Thiện hý hước hề!
Bất vi ngược hề!

Dịch nghĩa

Trông kìa trên khúc quanh của sông Kỳ,
Tre xanh lớp lớp mọc chồng chất rườm rà.
Nước Vệ hôm nay có người quân tử văn nhã (chỉ Vũ Công).
(Đã rèn luyện tinh anh về học vấn) như vàng như thiếc.
(Đã trở nên ôn thuần về tính chất) như ngọc khuê ngọc bích.
Người lại rộng rãi hoà hoãn.
Ôi! Người ngồi trên xe của bậc quan to,
Người lại hay đùa cợt cho vui.
Chớ người không có ý châm biếm ai.

Bản dịch của Tạ Quang Phát

Khuỷu sông Kỳ hãy nhìn trông,
Hàng tre lớp lớp chập chồng lên cao.
Có vua văn nhã anh hào.
Như vàng như thiếc luyện trau tinh thuần.
Như khuê như bích ôn nhuần.
Xem người hoà hoãn thêm phần khoai thai.
Ôi! Trên xe lẫm lẫm ngồi.
Tính hay đùa cợt nói cười tự nhiên.
Không hề châm biếm gây phiền.
Chú giải của Chu Hy:

Chương này thuộc hứng.

trách (đọc trích cho hợp vận): chồng chất chung lại. Tre chen rậm như thế, thì đã chất chứa rất nhiều.
kim: tích, vàng và thiếc.
khuê, bích: ngọc khuê (trên tròn dưới vuông), và ngọc bích (tròn, có lỗ ở giữa), nói tính ôn hoà đằng thắm.
khoan: rộng rãi, nói về khí lượng.
xước: rộng rãi hoà hoãn (nói tính chất).
y: tiếng than khen.
trùng giác: xe của bậc khanh sĩ.
giác: miếng gỗ ngang đóng ló ra ở trên hai thành xe để ngồi mà dựa vào.
thiện hý hước bất vi ngược: người vui tính dễ dàng nhưng có tiết độ.

Lấy tre nhiều rườm rà để khởi hứng nói đức hạnh của Vũ Công đã thành tựu. Rồi lại nói người rộng rãi tự nhiên, hoà nhã có tiết độ. Rộng rãi là ý mình không kềm thúc, cợt đùa lúc mình hkông trang trọng, đều là việc thường tình hay sơ sót dễ đưa đến mức quá sai. Nhưng Vũ Công vẫn còn có chỗ khả quan, vẫn có tiết độ. Coi đó thì trong lúc ăn nói đi đứng không có điều gì trái lễ cũng có thể thấy được vậy.

Sách Lễ Lý nói: giương lên mãi mà không xếp lại, Văn Vương, Vũ Vương không thể làm được. Xếp lại mãi mà không giương lên, Văn Vương, Vũ Vương không làm. Có giương lên, có xếp lại, ấy là đạo của Văn Vương, Vũ Vương. Đấy là nói về việc đức hạnh của Vũ Công.

Theo sách Quốc Ngữ, Vũ Công tuổi 95 mà còn khuyên răn tướng sĩ trong nước: từ quan khanh trở xuống, đến quan sư, quan trưởng sĩ, nếu còn ở trong triều, chớ bảo ta là già mà bỏ ta, tất nhiên phải cung kính trong triều để khuyên răn ta. Người liền làm thơ ý Giới để tự giữ mình. Thiên Tân chi sơ diên cũng là do Vũ Công hối lỗi làm ra.

Vũ Công đã có văn chương mà lại chịu nghe lời can gián, lấy lễ để phòng giữ mình thì chúng ta có thể biết được vậy. Còn các vua khác của nước Vệ có lẽ không theo kịp Vũ Công, cho nên bài tự cho thiên thơ này là lời khen tặng Vũ Công, mà nay cũng theo đấy.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khổng Tử » Kỳ úc 3