26/04/2024 21:44Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Sonnet
Sonnet

Tác giả: Félix Arvers

Nước: Pháp
Đăng bởi Vanachi vào 19/08/2006 17:13

 

Nguyên tác

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère,
Un amour éternel en un moment conçu :
Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire,
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.

Hélas ! j’aurai passé près d’elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire.
Et j’aurai jusqu’au bout fait mon temps sur la terre,
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu.

Pour elle, quoique Dieu l’ait faite douce et tendre,
Elle ira son chemin, distraite et sans entendre
Ce murmure d’amour élevé sur ses pas.

À l’austère devoir pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle
« Quelle est donc cette femme ? » et ne comprendra pas.

Dịch nghĩa

Tâm hồn tôi có điều giấu kín, đời tôi mang điều bí mật.
Một tình yêu thiên thu đã chớm nở trong khoảnh khắc.
Nỗi đau này tuyệt vọng nên tôi đành câm nín
Và người gây ra không bao giờ hay biết.

Than ôi! Tôi đi qua gần nàng mà nàng không để ý.
Tôi luôn ở cạnh nàng mà tôi vẫn cô đơn.
Và tôi sẽ giữ kín cho đến cùng tận thời gian của mình trên cõi đời này
Không dám cầu xin điều gì và cũng không dám nhận điều gì.

Về nàng, dù trời có ban cho nàng vẻ dịu dàng quyến rũ.
Nàng sẽ chỉ đi trên con đường của mình, lơ đãng và không nghe được.
Lời thì thầm của tình yêu vọng lên theo mỗi bước chân.

Với bổn phận phải đoan trang, đức hạnh, chung thuỷ.
Khi đọc những câu thơ hoàn toàn viết về nàng, chắc nàng sẽ hỏi:
“Đây là người đàn bà nào?” và nàng cũng không hiểu gì hơn.

Bản dịch của Khái Hưng

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.

Hỡi ơi người đó, ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng đâu dám một lần hé môi.

Người dù ngọc thốt, hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen,
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình!

Một niềm tiết liệt, đoan trinh
Xem thơ nào biết là mình ở trong.
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây!
Bài này vốn không tên, viết theo thể thơ sonnet của Ý, thường được gọi là Sonnet d’Arvers (Bài sonnet của Arvers) hay Un secret (Điều bí mật). Một số sách ở Việt Nam có ghi tựa là Tình tuyệt vọng. Bài thơ được trích trong tập Mes heures perdues (Thời gian đánh mất, 1832). Đây là bài thơ nổi tiếng duy nhất của ông và văn học Pháp đã xem Arvers là “nhà thơ của một bài thơ duy nhất”.

Đầu thế kỷ 19, nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà nghệ thuật thuộc trào lưu lãng mạn ở Pháp tập trung trong hai văn đoàn: một văn đoàn do Charles Nodier (Viện sĩ Hàn lâm Pháp) đứng đầu và một văn đoàn do Victor Hugo đứng đầu. Félix Arvers tham gia chủ yếu ở văn đoàn Charles Nodier (1780-1844) thuộc trường phái lãng mạn. Dư luận thời ấy đã phỏng đoán người phụ nữ trong bài thơ là cô Marie Nordier, con của ông Charles Nodier. Ông này thường tổ chức bình thơ tại thư viện Arsenal, quy tụ nhiều nhà thơ nổi tiếng đương thời, trong đó có Félix Arvers. Cô Marie lại làm thư ký cho hội này. Cô có chồng vào năm 1833 và trở thành bà Marie Mennessier Nodier. Có lẽ Arvers đã quen và yêu cô với một mối tình đơn phương trong các thời gian kể trên.

Theo tạp chí Historia số 120 (năm 1956) thì năm 1948, Followell xuất bản cuốn Le sonnet de Félix Arvers et ses pastiches (Bài sonnet của Félix Arvers và những bài mô phỏng), trong đó ông kể được hơn 120 bài thơ hoặc mô phỏng hoặc hoạ lại danh phẩm đó, trong đó bài hoạ hay nhất là của Louis Aragon làm năm 1897, thay lời người phụ nữ trong thơ đáp tạ Arvers.

Bài thơ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Việt Nam, người dịch đầu tiên ra tiếng Việt là Khái Hưng, đăng trên báo Ngày nay trước năm 1940, bản dịch này có tiếng vang do có những chỗ “đạt” (dịch như sáng tác), nhưng ngay đương thời cũng đã có dư luận chê một số câu, chữ sáo mòn và “cổ”. Nhìn chung, đây là một bản dịch có nhiều chỗ không sát nghĩa, thậm chí có những chỗ sai nghĩa (so với nguyên bản). Nó giống như một bài thơ phóng tác hơn là một bài thơ dịch. Ngoài Khái Hưng, còn nhiều người khác nữa cũng dịch bài này.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Félix Arvers » Sonnet