19/04/2024 16:52Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bất tri thuỳ thị Trích Tiên tài
不知誰是摘仙才

Tác giả: Cao Bá Quát - 高伯适

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 23/03/2014 13:27

 

Nguyên tác

香國群仙會,
花場選佛期。
艷才凡劣輩,
小謫不知誰。
定有生花草,
裁成浣月思。
多年凡骨換,
九轉鍊丹遲。
金粟前身證,
青蓮入夢奇。
暫拋香案吏,
留譜蕊宮詞。
此日霓裳詠,
何人雁塔期?
鑾坡容我駐,
一曲奏瑤池。

Phiên âm

Hương quốc[1] quần tiên hội,
Hoa trường tuyển Phật kỳ.
Diễm tài phàm liệt bối,
Tiểu trích bất tri thuỳ.
Định hữu sinh hoa thảo,
Tài thành hoán nguyệt tư.
Đa niên phàm cốt[2] hoán,
Cửu chuyển[3] luyện đan trì.
Kim Túc[4] tiền thân chứng,
Thanh Liên[5] nhập mộng kỳ.
Tạm phao hương án lại[6],
Lưu phổ Nhị cung[7] từ.
Thử nhật “Nghê thường[8]” vịnh,
Hà nhân Nhạn tháp[9] kỳ?
Loan Pha[10] dung ngã trú,
Nhất khúc tấu Dao Trì[11].

Bản dịch của Phạm Vũ Toản

Nước Hương chư tiên bàn thảo
Mong tìm được Phật cõi trần
Sáng đẹp đức tài đông đảo
Trích tiên tìm chọn phân vân
Thứ cỏ sinh hoa hẳn có
Nhưng năng chăm tưới mới nên
Xương tục nhiều năm cải khó
Tiên đan chín luyện nên thiêng
Thóc vàng Phật là kiếp trước
Sen xanh vào mộng diệu huyền
Án thơm chối từ chức tước
Lưu lời phổ nhạc Cung Tiên
Ngày nay vịnh "Nghê thường" khúc
Ai mong tháp Nhạn tên ghi
Loan Pha nhận ta tá túc
Xin dâng tấu khúc Dao Trì
Trích Tiên tức Lý Bạch. Theo Đường thư, Lý Bạch tới Trường An, đến thăm Hạ Tri Chương. Chương xem thơ của ông xong khen “Anh là bậc trích tiên”.

[1] Tên một nước Phật có đức Phật tên là Hương Tích Như Lai, cũng có nghĩa là “hoa quốc”, nước của hoa đầy hương sắc, dựa trên câu thơ của Đặng Văn Lý trong bài Mua cúc: “Ngô gia mãn sơn chủng thu sắc, Hoang kim vi địa hương vi quốc” (Nhà ta khắp núi trồng cúc mùa thu; Hoàng kim là đất, hương thơm là nước).
[2] Đối lập với cốt cách thần tiên. Thơ Tô Thức: “Dục hoán phàm cốt vô tiên đan” (Muốn thay xương cốt phàm tục, không có thuốc tiên).
[3] Chín lần luyện chế, từ của Đạo gia chỉ việc luyện thuốc tiên trường sinh bất tử.
[4] Phật thóc vàng Kim Túc Như Lai, một vị Phật đã hoá thân vào cư sĩ Duy Ma sinh cùng thời với Phật Thích Ca. Để ủng hộ Phật pháp, Lý Bạch có câu thơ: “Kim Túc Như Lai thị hậu thân” (Ta là hậu thân của Phật tóc vàng).
[5] Tên làng nơi sinh của Lý Bạch, thuộc huyện Phiên Dương, Thiểm Tây. Lý Bạch lấy hiệu là Thanh Liên cư sĩ. Theo lời chú của Vương Lưu trong Lý Thái Bạch niên biểu, hoa sen xanh là gốc ở Tây Trúc, tiếng Phạn là Ưu-bát-la, hương thơm dịu mát, không vướng bụi bặm. Tên quê ông ngờ rằng có sau do lấy từ hiệu của ông.
[6] Dựa theo thơ của Nguyên Chẩn: “Ngã thị Ngọc Hoàng hương án lại, Trích cư do đắc cận Bồng Lai” (Ta giữ chức hương án thơm của Ngọc Hoàng; Do bị lỗi phải về đây nhưng được gần Bồng Lai). Hương án là bàn cao để đặt lư hương đèn nến, thường dùng trong thờ cúng.
[7] Gọi tắt của Nhị Châu cung, nơi ở của thần tiên.
[8] Tức Nghê thường vũ y khúc, tên khúc nhạc do Đường Minh Hoàng đặt cho một điệu múa Bà-la-môn từ Tân Cương đưa về mà ông cho là giống với điệu múa hát của các nàng tiên chính mình đã thấy khi được một đạo sĩ dẫn đi thăm cung Quảng Hàn trên mặt trăng.
[9] Tháp ở chùa Thừa Ân, tỉnh Thiểm Tây. Vi Triệu đời Đường mới đỗ tiến sĩ nhân đi qua đây đã ghi tên mình lên, sau nhiều tiễn sĩ cũng làm theo, nên thành ngữ “Nhạn tháp đề danh” chỉ việc đỗ tiến sĩ. Sở dĩ có câu này vì Lý Bạch và Đỗ Phủ là hai đại thi hào đời Đường đã làm quan nhưng không qua con đường khoa cử. Lý Bạch được Hạ Tri Chương mến tài tiến cử và được vào Hàn lâm viện.
[10] Đường Túc Tông đổi tên cho Viện hàn lâm là Kim Loan Pha, nên Viện hàn lâm thường được gọi là Loan Pha. Lý Bạch từng làm ở đây.
[11] Nơi ở của Tây Vương Mẫu, còn gọi là Dao Đài. Trong thời gian ở Viện hàn lâm, Lý Bạch từng theo lệnh Đường Huyền Tông làm ca khúc Thanh bình điệu, trong đó có câu “Hội thướng Dao Đài nguyệt hạ phùng” (Hẹn gặp dưới trăng chốn Dao Đài).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Cao Bá Quát » Bất tri thuỳ thị Trích Tiên tài