25/04/2024 15:29Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đề Ngô Khê tự
題浯溪寺

Tác giả: Lê Quang Định - 黎光定

Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 27/04/2016 21:10

 

Nguyên tác

薰風引纜過浯溪,
水秀山青入品題。
鏡石可光千古跡,
越南從此認菩提。

Phiên âm

Huân phong[1] dẫn lãm quá Ngô Khê[2],
Thuỷ tú sơn thanh nhập phẩm đề.
Kính thạch khả quang thiên cổ tích,
Việt Nam tòng thử nhận bồ đề[3].

Dịch nghĩa

Gió huân dẫn dây lèo tới Ngô Khê,
Nước đẹp non xanh đi vào thơ đề vịnh.
Đá gương có thể soi sáng dấu tích ngàn năm,
Việt Nam từ đấy nhận bồ đề.

Bản dịch của Hoài Anh

Gió huân dẫn dắt tới Ngô khê
Cảnh vật vào thơ đẹp bốn bề
Ngàn thuở đá gương soi dấu cổ
Việt Nam từ đấy nhận bồ đề
Nguyên chú: Núi ở bên khe có đá có thể soi gương cho nên có tên là Kính Thạch sơn.
[1] Gió hoà mát. Vua Thuấn làm đàn cầm năm dây để gảy khúc gió Nam, trong có câu: “Nam phong chi huân hề. Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề” (Gió Nam hoà mát chừ. Có thể giải nỗi giận của dân ta chừ).
[2] Ngô Khê nằm ở phía Nam huyện Kỳ Dương 祁陽, tỉnh Hồ Nam 湖南. Vốn trước chỉ là một khe nhỏ vô danh hẻo lánh, đến đời Đường nhà thơ Nguyên Kết 元結 thấy khe này phát nguyên từ hai giếng của Tam Tuyền lĩnh quanh co chảy vào sông Tương, chỗ hội hợp đầm sâu sóng biếc, quái thạch lởm chởm, bèn lợp nhà xây đình ở đấy. Ông gọi cái khe ấy là Ngô Khê, gọi một ngọn núi đá cao chừng 30 mét ở gần đấy là Ngô Đài 峿台 và viết bài Ngô khê minh 浯溪銘, Ngô Đài minh 峿臺銘, mời nhà thư pháp dùng chữ triện không giống nhau viết, chia ra khắc trên vách đá. Sau đó có Nhan Chân Khanh 顏真卿 đem bài Đại Đường trung hưng tụng 大唐中興頌 của Nguyên Kết viết trên vách đá lớn, văn bia tổng cộng 263 chữ, mỗi chữ đường kính chừng 22mm, nét chữ già dặn cứng cáp. Từ đời Đường đến nay, rất nhiều danh sĩ và sứ thần ngoại quốc đến đây du lãm làm thơ khắc trên vách đá, khiến nơi này được gọi là Bi lâm thi hải 碑林詩海 (Rừng bia biển nhớ). thành thắng cảnh du lịch nổi tiếng (Hoài Anh).
[3] Theo truyền thuyết là cây ở cõi Phật cao trăm thước, cũng có sách nói là cây bồ đề mà Thích Ca ngồi dưới gốc trước kia giác ngộ. Nhưng theo kinh điển thì bồ đề phiên âm từ chữ Phạn “Boudhi”, có nghĩa là chính giác, do chữ này mà Pháp ngữ gọi Phật là Boudhi. Ở ngoài đời cũng có thứ cây gọi là cây bồ đề, cây to cao chừng 10, 12 mét, lá hình quả trứng, quả tròn có vỏ cứng. Người ta dùng quả cây bồ đề làm chuỗi hạt để niệm Phật.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lê Quang Định » Đề Ngô Khê tự