28/04/2024 04:20Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phân Mao lĩnh
分茅嶺

Tác giả: Ngô Thì Nhậm - 吳時任

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Tây Sơn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 28/03/2020 13:02

 

Nguyên tác

一帶青山楚粵交,
黃茅驛路認分茅。
天書不盡衡山界,
地氣還浮雁澤毛。
徵側劍芒開洞府,
尉陀桂蠹落山巢。
風來解慍西南利,
未許熊羆萬仞高。

Phiên âm

Nhất đới thanh sơn Sở Việt[1] giao,
Hoàng Mao[2] dịch lộ nhận Phân Mao.
Thiên thư bất tận Hành Sơn[3] giới,
Địa khí hoàn phù Nhạn Trạch[4] mao.
Trưng Trắc[5] kiếm mang khai động phủ,
Uý Đà[6] quế đố lạc sơn sào.
Phong lai giải uấn tây nam lợi,
Vị hứa Hùng Bi[7] vạn nhận cao.

Dịch nghĩa

Một dải núi xanh giao nhau với Sở, Việt,
Trên đường trạm Hoàng Mao nhận ra núi Phân Mao.
Ranh giới Hành Sơn, thiên thư không ghi hết,
Lông chim Nhạn Trạch, địa khí nổi vây.
Lưỡi gươm Trưng Trắc mở ra động phủ,
Mọt quế Uý Đà rơi vào hang núi sâu!
Gió tây nam thổi tan cơn oi bức,
Chưa hẳn núi Hùng Bi đã vạn nhận cao.

Bản dịch của Lâm Giang

Dải núi giáp ranh vùng Sở Việt,
Hoàng Mao đường trạm, nhận Phân Mao.
Hành Sơn ranh giới, trời không định,
Nhạn Trạch lông chim, đất giục treo.
Trưng Trắc lưỡi gươm khơi động phủ,
Uý Đà mọt quế rớt hang sâu.
Tây nam gió thổi tan oi bức,
Chưa hẳn Hùng Bi vạn nhận cao.
Nguyên chú: Núi Phân Mao ở địa giới Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, cỏ mao rẽ hai ngả nam bắc, trên đường có biển đề “Phân Mao lĩnh”.

Sách Phương dư kỷ yếu của Trung Quốc nói rằng đó là rặng núi phân chia ranh giới giữa đất Việt (Quảng Đông, Quảng Tây), với vùng Trung nguyên. Trên đỉnh núi có loại có tranh phân chia ranh giới hai vùng một cách tự nhiên, đất bên nào lá cỏ rẽ về bên ấy, nên có câu “Phân mao cỏ rẽ”.

[1] Sở chỉ miền Hồ Nam, Hồ Bắc. Việt chỉ vùng Quảng Đông, Quảng Tây.
[2] Đường sứ bộ phải đi qua núi Phân Mao rồi qua Hoàng Mao thuộc Tương Âm, tỉnh Hồ Nam mà lên Yên Kinh.
[3] Một trong năm rặng núi lớn (Ngũ nhạc) ở Trung Quốc.
[4] Rặng Hành Sơn có ngọn Hồi Nhạn phong, tương truyền chim nhạn trên đường di chuyển từ bắc xuống nam thường quay về đậu ở đó. Dưới chân núi có đầm, tương truyền nhạn bay về thường xuống tắm
ở đầm này, vì vậy mới có tên là đầm Nhạn.
[5] Ở vùng Tương Âm, tỉnh Hồ Nam gần hồ Động Đình, có miếu thờ Trưng Trắc, gọi là miếu Bà Trắc.
[6] Dã sử chép rằng Triệu Đà sau khi thôn tính nước Âu Lạc, bắt cà cuống ở Hồ Tây dâng cho Hán Văn Đế nói dối là “quế đổ” (con sâu ăn quế), Văn Đế biết là không phải bèn đặt tên là Đà cuống (Triệu Đà nói dối). Con sâu này chính là con cà cuống bây giờ. Câu này có lẽ ngụ ý chê việc Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc và muốn đồng hoá Âu Lạc, song những việc đó chỉ uổng công vô ích, người nước Nam dòng dõi của người Âu Lạc mãi mãi là người nước Nam cũng như con cà cuống là sản vật của nước Nam không bao giờ biến thành con “mọt quế” được.
[7] Ở địa phận huyện Kỳ Dương, là một dãy núi cao giáp giữa Hồ Nam và Quảng Tây.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Ngô Thì Nhậm » Phân Mao lĩnh