21/04/2024 05:43Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tiễn dặn người yêu
โสงหชอุ โสนสาโ

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 08/08/2017 19:36

 

Bản dịch của Mạc Phi

1. Lớn bởi rau nhiều giỏ

Nay hãy kể từ trước đến sau
Kể chuyện qua về bù chuyện tới[1]
Kể từ thời ấy ngày xưa...

Kể từ thuở đôi ta nằm lòng mẹ bên phải
5. Ở lòng mẹ bên trái[2]
Mẹ em yêu và mẹ anh yêu
Thèm ăn gỏi cá chua[3]
Bé xinh vào lòng mẹ hai tháng
Mẹ yêu thèm ăn dở chua me
10. Bé xinh vào lòng mẹ ba tháng
Mẹ yêu thèm ăn ăn gỏi cá diếc
Bé xinh vào lòng mẹ bốn tháng
Mẹ yêu thèm ăn gỏi cá trắm
Bé xinh vào lòng mẹ năm tháng
15. Mẹ yêu thèm ăn gỏi cá pộc[4]
Bé xinh vào lòng mẹ sáu tháng
Mẹ yêu thèm ăn gỏi cá chày
Bé xinh vào lòng mẹ bảy tháng
Mẹ yêu thèm ăn gỏi cá mương[5]
20. Bé xinh vào lòng mẹ tám tháng
Mẹ yêu thèm ăn gỏi cá vũ
Bé xinh vào lòng mẹ chín tháng
Đã qua mười tháng chờ
Đã đủ chín tháng đợi
25. Mười tháng chờ đôi ta ra đời ăn cơm
Chín tháng đợi đôi ta ra đời bú mẹ
Rơi sấp thành bé trai
Rơi ngửa em yêu thành bé gái[6]
Ba tháng biết ngồi vịn
30. Sáu tháng biết ngồi vững
Con giẫy đạp trên nôi khóc oa
Con giật mình trong chăn khóc thét
Tuổi còn thơ ôm cổ mẹ chăn gà
Bám vai mẹ chăn lợn
35. Đeo cổ bác ăn cơm
Đòi hái dâu theo mẹ
Biết lẫy sợ rơi thang
Biết chững e ngã sàn
Biết đi lo trâu húc
40. Kể từ thuở đôi ta lẫm chẫm
Còn bé dại thơ ngây
Đi một mình nhớ mẹ
Cạnh dây trâu[7] khóc dòng
Cõng dưa bở thay em
45. Dây leo căng cột nhà làm vải
Vải đứt kêu mẹ xem
Rồi đôi ta đào đất san nền
Cưỡi bông lau phi ngựa
Quấy mẹ vòi nằm bên
50. Thuở đôi ta còn vầy cá trên mâm
Còn bắt cá trong chậu
Đuôi cá đập tay trái ta rủ nhau cười
Đuôi cá đập tay phải ta đua nhau khóc
Áo đen bọc cát mềm
55. Áo trắng bọc cát mịn
Trông tả tơi nhuốc nhem
Thấy người áo vắt lưng chạy liền
Bố mẹ sai ra quản[8] quên thưa
Sai ra sàn thụt ngã
60. Sai từ bếp vào buồng[9] quên lời
Kể từ khi con người xách chùm quả qua mắt
Xách giỏ cá qua mặt
Bố mẹ mong người giúp mong phí
Đợi người cho đợi uổng
65. Bố yêu và mẹ yêu mới nói:
- “Con mẹ lớn bởi rau nhiều giỏ
Khoẻ bởi măng nhiều ngọn
Con người lớn bởi vạn đùi trâu
Lớn bởi triệu đùi voi”
70. Mười tuổi em đang lớn thành gái
Anh cũng lớn thành trai
Mười ba tuổi em biết bắt cá suối[10]
Mười bốn biết nhuộm răng đen làm duyên[11]
Biết may áo che vú
75. Biết dành tóc làm độn[12]
Óng ả lên sàn[13] nhóm lửa
Anh mười ba biết cắt sáo
Mười bốn biết cắt đàn môi[14]
Đàn môi đồng hai mươi bốn chiếc
80. Sáo vui réo rắt được hai mươi hai
Đôi ta như gốc cải xanh, như tàu dong mượt[15]
Công mẹ cha nuôi lớn cùng thời
Yêu nhau như thuở mới ra đời
Trao duyên gửi nghĩa từ hồi còn thơ
85. Anh đi áo chùm đầu ra sàn
Áo vắt vai xuống thang[16]
Vung tay bước qua rào[17] tìm bạn
Đôi ta gặp nhau nơi sàn hoa[18]
Tâm tình bên bếp lửa[19]
90. Chuyện nối chuyện mau qua
Đêm tiếp đêm mặn mà
Đôi ta ngồi khuống[20] tận khi gà gáy
Đeo mộng về nhà lúc xế vầng trăng
Bốn phía sa mù dâng
95. Mịt mùng sương buông lấp mái


2. Lời hẹn hò bền chắc, tình đôi ta nhuyễn chặt

Lời hẹn hò bền chắc
Tình đôi ta nhuyễn chặt[21]
Chung trái tim không thể sẻ đôi!
Chỉ sợ đẵn cây không thuận hướng
100. Ngả cây không xuôi chiều
Đan sọt còn lo lỗi mắt
Yêu nhau sợ Then[22] không thương
Then thương sợ trời cao không giúp[23]
Trời giúp sợ mẹ cha không ưng
105. Cây không ngả sợ cha em cứ bắt phải ngả
Lòng không yêu sợ mẹ em cứ bắt phải yêu
Thương thay chim thô lốc[24] ngực nâu
Chim gõ kiến ngực vằn
Gà lôi ngực lốm đốm
110. Đi đằng sau ngóng đợi không đợi
Đi ngả trước mong dừng chẳng dừng
Càng mong dừng càng vun vút bay xa
Ước sao anh mọc cánh
Như rồng thiêng bay tung
115. Lượn khắp trời tìm đến sàn hoa
Ta nhác trông nhau mắt liếc lệ sa
Anh ước cùng em dựng nhà
Nhưng e làm nhà rách người mắng
Dựng nhà hoang người chê
120. Người qua trước ngõ người cười
Mẹ yêu anh mới nói:
- “Áo thuở nhỏ đưa đây mẹ bói
Quẻ bói này hai bốn một năm[25]
Lấy được nhau thuận vợ thuận chồng!”
125. Yêu em, anh quyết được
Đã thương nhau quyết lấy
Anh mới đi kiếm lúa ngoài đồng
Đi kiếm cá ngoài sông
Chài ba sải[26], anh buông xuống hồ
130. Lưới muôn mắt, anh giăng xuống nước
Đứng mũi thuyền anh liệng chài tơ
Ngồi lái thuyền anh so lưới sợi[27]
Số may được trắm chiên chép đỏ
Được cá to cá nhỏ từng đàn
135. Đẹp lòng anh quay về bản
Cá to đưa mẹ thái ướp chua
Cá nhỏ sấy khô xát muối[28]
Cá giàn trên[29] đã đủ, thừa đủ
Gà vịt kia đã nhiều thực nhiều
140. Anh mới đi Tà Bú[30] mua đĩa
Đi Tà Hè[31] mua tơ
Đi Tà Sại[32] mua cau
Mua cau cau cả buồng sai quả
Mua trầu muôn lá gói mang về
145. Dạm người yêu thay lời thương nhớ
Anh chạy tìm ông mối bà mai
Kẻ khéo giúp gói cau không úa
Người khéo hỏi lời thương không phai
Giỏi mối mai cho đôi ta đẹp lứa em ơi!
150. Anh chặt giang về đan lồng gà
Chặt mai về đan giỏ cá
Cắt dong muôn lá gói trầu
Kịp đến ngày lành và bữa tốt
Năm đi và tháng trôi
155. Gói trầu nhỏ anh mang tới gửi
Gói cau con tới dạm
Dây trầu không xin được cuốn leo[33]
Gói cau lên quản trước tưng bừng
Muôn tiếng đến sàn sau[34] rộn rã
160. Búi tóc mượt, anh trải ra giữa quản
Búi tóc dài anh buông xuống giữa nhà[35]
Anh lạy cha em bốn lạy
Nộp mẹ em bốn lễ
Xin làm gà gô, cun cút[36] cổ trơn
165. Làm rể quý, rể yêu nằm quản[37]
Cha em trên giường cao[38] không đáp
Mẹ em nơi giường thấp[39] làm thinh
Rồi cha em và mẹ em mới bảo:
- “Người như kia và mặt như vậy
170. Chẳng đáng đội nón giấy Mường Púa[40] ven sông
Không đáng ở nhà ta ngồi quản đan chài[41]
Quay về với họ nội họ ngoại
Quay về nhà cũ đi đi!”
Anh đã tính mà tính không đủ
175. Anh đã lo mà lo chẳng tròn
Tay trái cầm gói cau lau mắt
Tay phải xách giỏ cá thẹn thùng
Anh bẽn lẽn quay về nhà cũ
Cúi mặt nước mắt rỏ
180. Ngẩng lên hàng lệ rưng
Nước mắt rơi đầm gối
Hàng lệ rơi thấm đệm
Ngày rồi đêm héo hắt khóc ròng

      *

Khi ấy con người đi kiếm lúa ngoài đồng
185. Đi kiếm cá ven sông
Cá ven sông được toàn cá chết
Người mạng về lạng thái ướp chua[42]
Mổ mổ moi moi đổ chĩnh
Con người đi Tà Bú mua đĩa
190. Đi Tà Hè mua tơ
Đi Tà Sại mua cau
Cau Mường Sại[43] úa héo lìa buồng
Trầu Mường Trai[44] rụng buông khỏi cuống
Mua cau cau rời buồng héo quắt
195. Trầu rơi vàng, trăm lá gói ôm đi
Con người cắt lá chuối gói gừng[45]
Cắt lá dong gói xôi
Cắt lá tạu[46] gói thuốc lào khô
Ngày lành và bữa tốt
200. Năm đi và tháng trôi
Giữa mùa khắp nơi dạm cưới
Gói trầu nhỏ người mang tới gửi
Gói cau con tới dạm
Dây trầu không xin được cuốn leo
205. Gói cau lên cửa trước rầm rầm
Muôn tiếng đến sàn sau hối hả
Mối lái ngược xuôi vội vã
Búi tóc mượt người trải ra giữa quản
Búi tóc dài người rũ xuống giữa nhà
210. Rằng người đẹp tóc buông thấm gót
Phắt đắn lên đầu trơn trọc lốc[47]
Con người búi tóc nhỏ không thành
Búi tóc to không nổi
Người lạy cha em bốn lạy
215. Lễ mẹ cha em vô hồi
Xin là gà gô cun cút cổ trơn
Làm rể quý rể yêu nằm quản
Cha em ngồi giường trên ưng ý
Mẹ em ngồi giường dưới đáp lời
220. Lời nên lời chắc tựa tấm chiên[48]
Lời liền như chiếc chiếu[49]
Lời chắc đanh như dao sắc chặt dong[50].


3. Gói cau con tới dạm

Mẹ cha ưng gả khi em còn trên nương
Khi em đang ngoài ruộng
225. Chiều tới khi mặt trời rụng
Mặt trời rơi xuống thấp
Mặt trời sát mặt phai[51]
Mặt trời qua sàn ngoài người thương
Mặt trời quấn ngọn giang sắp lặn
230. Mặt trời quấn ngọn tre, ngọn bương sắp tắt
Mặt trời lặn mặt trời không gọi
Mặt trời đi mặt trời không chờ
Mặt trời khuất mây mờ sập tối
Em tuốt dao chặt củi
235. Chặt củi, chặt củi dâu[52]
Sắp củi sắp cho bõ gánh
Kiếm củi kiếm hai bó
Kiếm củi kiếm ba bó
Một bó để mẹ yêu ninh xôi
240. Một bó cho mẹ yêu nấu rượu
Một bó dành nhen lửa sàn hoa
Lửa sàn hoa để bạn trai xa hơ áo
Em chẻ đóm chờ mồi thuốc anh yêu
Em trở về em gọi:
245. - “Về nhà thôi vía hỡi!
Về với cây sào giang vắt khăn
Về với cây sào lăn[53] vắt áo
Về giã gạo hai cối bữa chiều
Về giã gạo thêm cơm bữa sáng
250. Về nằm đệm mẹp đen
Về nằm đệm mẹp đỏ
Về nằm bên mẹ hiền[54]
Vía anh yêu đừng nằm nơi gốc lau
Đừng ngủ sau gốc sậy
255. Hỡi vía anh yêu về nhà theo nhau!”
Em khoác lẵng em gánh củi
Vừa đeo dưa vừa xách bầu
Về tới bản thấy lạ sao!
Em hạ củi xuống gầm
260. Em bỏ đòn dưới sàn
Em đặt bước lên thang gỗ lát[55]
Vào thẳng nơi mẹ ngủ buồng trong
Em cởi dao để buồng giữa
Tháo piêu[56] vứt buồng ngoài
265. Ra sàn sau nhấc đòn
Ra sàn ngoài tìm ống[57]
Cúi mặt đi xuống bến
Ngoảnh mặt về vực lớn xanh trong
Xuống bến tìm đá nháp không thấy
270. Xuống nước tìm đá kỳ[58] không được
Về nhà tìm kẻ thân bàn bạc không xong
Ống nước tròn vục nửa
Ống nước muột múc lưng[59]
Cánh tay thon sắp gánh nâng đòn
275. Chân trái em bước đi
Chân phải em bước tới
Về nhà em bước về
Đặt gánh giữa sàn sau
Để đòn nơi sàn ngoài
280. Rồi em yêu mới hỏi:
- “Con mẹ nay bụng đói
Ăn còn phần cơm canh?
Bữa sớm bữa chiều có để dành cho con không mẹ?”
Mẹ yêu em bèn đáp:
285. - “Canh gà để trên giàn[60]
Canh cá phần con trong chạn
Còn giỏ cơm[61] treo trên móc[62] đằng kia!”
Em thấy gói dong chen gói cá
Gói dong kín gói gà
290. Gói trầu không bắt chéo
Gói dong dày gói xôi
Và thuốc lào khô gói bằng lá tạu
Em yêu bèn hỏi:
- “Xá Núi Chíp[63] mang bán?
295. Người Xá Xăm Cằm[64] đem đổi phải không?”
Mẹ yêu em đáp:
- “Người Xá Núi Chíp không mang tới bán
Người Xá Xăm Cằm không mang tới đổi
Đây gói trầu nhỏ người mang tới gửi
300. Gói cau con tới dạm
Dây trầu không ràng cuốn[65] tình con
Con mẹ có chồng đừng làm nũng
Đẹp lứa đôi đừng vòi quấy mẹ hiền
Con mẹ chớ nghe lời vịt
305. Nghe lời vịt mất trứng
Nghe lời gà mất vườn[66]
Nghe lời gièm pha mất anh mất em
Chớ nghe ông xui dại với bà xui khôn
Lời ông xui dại không đủ bữa
310. Lời bà xui khôn không đủ làn[67]
Người không xui nên cửa rộng nhà sang
Con hãy xem gốc cải mọc tươi xanh giữa chuôm[68]
Lũ bướm con lượn tìm cành đậu[69]
Châu chấu chết gì bông lúa không buông[70]
315. Cha già không khoẻ nữa
Mẹ cũng yếu sức rồi
Mẹ cha đợi ăn giỏ rau xanh
Đợi ăn sức rể út[71]
Chờ ăn giỏ cá trắm rể yêu
320. Bằng ấy điều con gái quý mẹ ơi hãy nghĩ!”
Em đã nghĩ mà nghĩ không đủ
Em đã lo mà lo chẳng tròn
Em lập cập chạy ra sàn
Mâm cơm chiều dọn vội
325. Nghĩ đến anh mà nát ruột gan
Như nặn nến sáp[72] không nên
Như ôm cây to không xuể
Em lập cập chạy vào đằng quản
Cất tiếng xa gần trách chú:
330. - “Giúp cháu với bác trai gái nhà trên
Giúp cháu với ơi chú ơi thím nhà dưới!”
- “Chúng ta không giúp nổi cháu ơi!
Ta đã ăn gói trầu nhỏ người mang tới gửi
Gói cau con người mang tới dạm
335. Dây trầu không người đã tới cuốn leo!”
Em yêu lại kêu:
- “Giúp tôi với hỡi chị em dâu rể trong nhà!”
Chị em dâu rể trong nhà cũng đáp:
- “Không giúp được em ơi!
340. Ta cũng ăn gói trầu nhỏ người mang tới
Gói cau con người mang tới dạm
Dây trầu không người đã tới cuốn leo!
Nghe chim cu[73] trên ngọn cây cúc cu
Cũng đừng khóc cô ơi!
345. Cây tre nó thành giấy[74]
Cây nứa nó thành ống[75]
Con gái thành nàng dâu
Bố gả chồng cho đừng chối cô à!
Kiếp gà cỏ chớ chọn cành đậu
350. Chọn cành sẽ được cành giang[76]
Gái đến thời chẳng nên kén chồng
Kén chồng kén phải chồng Xá[77]
Lựa dao lựa phải dao quằn
Ngẩng mặt lên e người cũ cười chê
355. Chi bằng nghe cha nghe mẹ
Nón đẹp che đầu sớm hôm thong thả
Không nghe lời mẹ lời cha
Cào cỏ nương xa đầu be lá chuối
Lời nhân tình bao giờ chả bùi
360. Máng nghiêng nước rỏ giọt
Đường đổ khe khẽ vun[78]
Cô út ơi hãy lắng cơn buồn nghĩ kỹ
Cô út đứng nghe lời chim chim can co cán có[79]
Mà lỡ mùa gieo mạ
365. Nghe lời tình lỡ vụ làm ăn
Phải chuyện đau lòng chớ khóc
Bố gả chồng cho rồi sẽ cửa cao nhà rộng cô ơi!”
Lời đã trao lời liền như chiếc chiếu
Lời chắc đanh như dao sắc chặt dong
370. Như lá dong kia đã lót ủ men nồng
Dẫu van xin cha cũng không buông không thả
Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa
Bằng con chẫu chuộc thôi
Như cơn mưa giông ngoài trời
375. Như nước ngập núi đồi khó lội
Như nước dâng tràn bờ khó bơi
Em đã tính mà tính không đủ
Em đã lo mà lo chẳng tròn
Đành liều mượn dao người chặt cây
380. Mượn rựa người đẵn củi
Mượn sức người ta cấy cày[80]
Lúa đầy bịch mới đuổi nó ra
Thóc đổ bồ mới hất nó về
Đuổi không về sợi chỉ rối không cho vướng
385. Vải đẹp trơn khổ tám không chia
Trơ một mảnh khăn từ nhà nó mang tới
Trần manh áo mới từ mẹ nó may cho
Chuyện dang dở người ta thích nói cứ nói
Duyên không thành người ta thích chê cứ chê
390. Hàm răng sít ai muốn mắng cứ mắng
Hàm răng đen ai muốn nhe cứ nhe
Người mắng suốt tối người khấn hộ
Người nhiếc suốt ngày người cầu cho!

      *

Em bỗng thành vợ người nghĩa nặng
395. Bỗng thành dâu của người nghĩa dày!
Phút giây pí pặp[81] chồng giắt lên đầu gianh
Pí lão[82] gài trong kẽ mái
Móc nón đeo lên vách giữa
Kèn la[83] treo gần cửa sồ
400. Rồi vác rựa đi phạt cây đeo dao đi phát vườn
Thành rể lớn trong nhà nuôi bố
Em đã tính mà tính không đủ
Em đã lo mà lo chẳng tròn
405. Làm không nổi, sống coi như chết
Như ăn lá ngón[84] lìa đời
Như nậy đá to đá sập
Vần đá tảng đè tay
Đè tay đè tay phải ngón út
410. Máu không rớt mà đau tận ruột
Máu không rơi mà buốt tận tim
Đau trong ruột không người đoái hoài
Buốt trong tim thăm hỏi nào ai?
Xót xa em chùm trăn thầm khóc
415. Cúi mặt nước mắt rỏ
Ngẩng lên hàng lệ rưng
Nước mắt rỏ hai dòng
Rỏ ba dòng
Dòng rơi đằng trước đủ rửa rau muôn rỏ
420. Dòng rơi đằng sau đủ rửa rau muôn vườn.

      *

Thương ngón tay thon lá hành
Đuôi mắt đẹp dài như lá trầu xanh
Anh yêu em lời ước nguyền kia vẫn nhớ
Nhớ chắc chắn như gà con nhặt tấm
425. Nhớ khăng khăng tình son sắt còn đeo
Như xôi bỏng[85] bọc lá tươi
Lá tươi bọc lá tươi càng nóng
Ước mong tha thiết càng nồng
Mong ở đó người ta thả trôi
430. Mong ở đơm, người ta trút nhẵn
Mong ở bạn tình người tranh lấy mất rồi
Anh đã tính mà tính không đủ
Anh đã lo mà lo chẳng tròn
Hai núm một chài[86] khó liệng
435. Mười đêm[87], cá lượn đàn cuối thác chài buông không tròn
Một kẻ đoi lòng khó nghĩ
Một mình nghĩ không tới
Một mình suy không cùng
Chưa được một với đã mất một sải
440. Than ôi! Anh muốn ăn gạo bịch to cố chữa
Muốn ăn dưa vườn lớn cố rào[88]
Ngờ đâu em ngả vào phía khác phụ nhau!
Bạn tình hỡi người yêu anh ơi!
Khác nào hoa tươi đỉnh núi
445. Mắt nhìn, tay vươn chẳng tới
Ta ước tay ngắn như tay vượn
Mà tay ta lại dài như tay cóc[89]
Ta ước phép lớn như phép rồng[90]
Phép cả như phép trời
450. Phép cao như phép Mạnh Tông[91]
Phép nhổ cây đỉnh núi
Cây giữa rừng mang trồng giữa bản
Biến em yêu thành vợ quý trong nhà
Thoả lòng ta mong mỏi bấy nay
455. Ta ước mọc cánh bay cánh quạ
Mắt tinh tường mắt én
Lượn khắp vòm trời đỗ ngọn cây thơm[92]
Ta ước cánh ta như cánh ve đen vàng
Bay muôn phương tìm xem thử mệnh[93] nàng
460. Mệnh nàng xa ta một với hay xa ta một sải?
Xa một sải ta kéo gần một với
Xa một với ta kéo gần một gang
Xa một gang đoi mệnh gắn liền
Em ơi anh đã tính mà tính không đủ
465. Anh đã lo mà lo chẳng tròn
Người ta trầu vàng cau rụng
Gừng già quắt gói lá dong thô
Trèo lên quản cha mẹ em vui mừng hớn hở
Còn anh cau cả buồng sai quả
470. Trầu xanh tươi muôn lá gói mang về
Bước lên quản cha mẹ em hất xuống
Cha mẹ em mới nói:
- “Giống me rừng[94] đất người chín nẫu cành thấp
Còn quả me nhà[95] chín rực cành cao
475. Con gái yêu tao phải giá bằng voi mới gả!”
Giá bằng voi thôi đành lảng xa
Nếu giá bằng trâu còn có nổi may ra
Thu vét cửa nhà cố khi cũng đủ
Than ôi! Số đua số không cùng
480. Phận thi phận không nổi
Cây ganh cây gãy ngọn ngang chừng[96]
Đâu phải quả trong rừng ngắt trộm
Rau trong núi tranh nhau[97]
Bạc không nặng bằng người giành em yêu được sao?
485. Đôi ta tình sâu dày nỡ rời?
Khi ốm đau phải được cầm tay nhau săn sóc em ơi!


4. Đi buôn lấy tiền về cưới người tình

Anh thấy tủi mới đi Lào
Anh cầm sào[98] bởi nghĩ đau lòng phận khó
Mới đeo túi xuống nhà đi buôn
490. Đi buôn, buôn sắt Lào
Đi bán, bán lưỡi mai
Quanh khắp trời tìm sắt Tông Puỗn[99]
Tìm sắt được sắt Tông Puỗn bền sắc
Chọn mai, được mai lòng máng[100] tốt của Lào
495. Anh đi buôn sẽ đi tận mường Tông Tênh trời vằn
Mường Tông Lang trời trũng[101]
Mường chật chội giơ lá chuối che đầu
Có khi được thấy trời mở cửa xuống sàn
Trời ra cửa sổ ngó xem
500. Phân bạc được bốn muôn con ngựa
Lưỡi dao mẻ được bốn vạn con trâu
Nhờ phúc lành em yêu còn được lãi hơn lãi nữa biết đâu!
Buổi anh sắp đi anh còn tìm ngày
Tìm ngày được ngày huộng[102]
505. Mái gà kêu tao tác anh quay...
Anh quay về tìm ngày được ngày tấu[103]
Đầu gối va khuôn cửa anh quay...
Anh quay về tìm ngày được ngày cá[104]
Gấu quần vướng búi riềng anh quay...
510. Anh quay về tìm ngày được ngày cáp[105]
Mới đeo gươm khoác túi xuống nhà
Anh đi thấy cáo mặt trắng[106] biết gật gù khấn.
Bìm bịp[107] biết đâm chày nhún nhảy
Chim tực tữ[108] kêu rừng sâu khe núi
515. Chim chót bóp[109] kêu bạn đường sánh đôi
Mới thấy trời mở cửa xuống sàn
Trời ra cửa sổ ngó xem
Phân bạc được bốn muôn con ngựa
Lưỡi dao anh đổi được bốn vạn con trâu
520. Nhờ phúc lành em yêu còn được lãi nhiều nữa
Nhờ phúc đẹp em thương còn được lãi nhiều hơn
Anh đuổi trâu về thong dong
Cưỡi ngựa về rầm rầm
Núi tiếp núi trập trùng
525. Khe tiếp khe gập ghềnh đá dựng
Kẽ mắt đứt vì tuôn lệ nhớ
Nhớ em yêu đằng đẵng xa xôi...
Nghe hổ báo rừng sâu gầm thét
Chim chót bóp kêu bạn đường sánh đôi
530. Dạ bồn chồn như làm ruộng cuối vụ
Cấy ngày kia mà gieo mạ bữa mai
Anh nhớ mong em không cạn không nguôi
Vào đồi rậm rừng quang hú gọi:
- “Vía em yêu hỡi!”

      *

Em vẫn ngồi cạnh thang em đợi
535. Em vẫn ngồi đầu cối em mong
Đợi anh về vò võ ngóng trông
Anh ngỡ tưởng vườn gừng đã thành vườn nghệ[110]
Bạn tình xưa đã về nhà chồng
Nhưng trái tim lớn em còn treo đó
540. Trái tim con còn bện chỉ xe đôi
Người đi xa nhưng vía quấn không rời
Dây trầu không đã vượt cỏ leo giàn
Khoai năm qua đã lên quá ngọn giang
Lời hẹn thương đôi lứa không lay không chuyển
545. Không rớt rơi dù một dây tơ nhện em ởi!
Anh dồn bò buộc nơi cột trước
Anh dồn trâu buộc nơi cột ngoài
Anh lùa ngựa buộc nơi cột trong
Yêu em anh dặn em hết nhẽ
550. Thương em anh dặn em hết lời
- “Em cố khoẻ cố vui
Yên lòng đợi
Đợi anh vài tháng thôi
Vào rừng thấy nõn sẹ[111] sa nhân đừng nhổ
555. Đừng phạt mầm măng nứa măng tre[112]
Gặp trai lạ đừng đùa bỡn nhắn nhe
Trai quan kệ gái quan nô giỡn
Trai quan mặc gái quan ngồi kề
Trai bản ta để gái bản bên trò chuyện
560. Lìa anh, em đừng ngủ chạ
Xa anh, em đừng nằm đôi
Đợi anh về nằm đôi
Đợi anh về ta chung chăn gối
Anh đi bán bò tận nguồn tơ[113]
565. Đến tận So, Là[114] bán ngựa
Có khi một con bò được nén bạc hơn
Một con trâu được nén bạc rưỡi
Con ngựa đen được hai mươi bốn nén tròn
Bạc mười nén anh sẽ chuộc em về
570. Vải năm trăm[115] anh sẽ cởi em ra
Dù thành vợ người ta cứ xẻ lòng chờ em ạ!
Mùa hoa bưởi, ngắt hoa bưởi ngồi mong
Mùa hoa vông, ngắt hoa vông ngồi đợi
Mùa hoa mạ, ngắt hoa mạ[116] ngồi chờ
575. Hoa sắp héo, sương mai em nhúng
Hoa sắp tàn, nước rượu em ngâm
Hoa sắp úa, khăn đào[117] em gói
Hoa gói khăn đào hai mươi năm không phai
Mười chín đời tạo quan[118] vẫn thắm
580. Đôi ta yêu nhau lấy gì gửi mặt?
Gửi vải sợ vải sờn
Gửi đàn sợ đàn gãy
Gửi bạc vụn sợ không đáng lòng
Gửi bạc nén? Nhưng anh của khó nhà không!
585. Gửi vật tre mây sợ hóp
Đôi ta yêu nhau anh gửi em chiếc đàn môi đồng
Còn thương anh đàn môi đồng nhớ mãi
Duyên mai sau đàn môi đây hãy lấy nhận người
Cất kỹ trong lòng em ơi đừng nhầm lẫn nhận sai!
590. Con khóc giơ đàn môi dỗ nín
Ngày về trời treo trên cổ ngựa bay[119]
Đàn bay lên thành một cánh bướm vàng
Lời thương đặt trong lòng đừng phai
Trầu têm đặt trong giỏ đừng úa
595. Lạc phương trời đừng buồn
Vòng bảy cõi mường xa đừng đổi thay!”
Em yêu mới nói:
- “Anh lên đường í liễng[120] của em ơi đừng ốm
Vượt rừng cây đừng mỏi đừng đau
600. Đừng đi xa quá dãi dầu
Đi xa dầu dãi biết đâu mà lường
Thuốc độc người trộn trong cơm
Đi buôn chớ lâu ngày đằng đẵng
Lúa nên đồ[121] cha sẽ ngắt về đồ
605. Em nên cho cha sẽ thuận đem cho?
Gạo chưa hết hãy làm cho hết
Gạo đang còn hãy vãi theo thuyền
Muối không hết hãy rải theo sông
Chẵn bảy hôm rủ nhau quay lại
610. Đủ chín ngày anh gọi bạn quay về!”

      *

Vừa đi vừa ngoảnh lại
Vừa đi vừa ngoái trông
Chân bước xa lòng càng đau nhớ
Anh dồn bò lên ngọn Khau Vai[122]
615. Lùa trâu lên ngọn Khau Cả[123]
Cưỡi ngựa lên Khau Dướng[124] cao vời
Chân bò vướng cành mây
Trâu bước vướng cành si
Ngựa đi vướng cành móc
620. Trâu anh sao không dậy ăn sớm?
Ngựa ô chê lá nõn thơm tươi?
Anh ngắt lá xanh anh ngồi
Bẻ cây giữa đèo anh bói[125]
Quẻ bói này hai bốn một năm
625. Những tưởng ma trên trời muốn ăn cỗ trâu
Hồn ông bà đòi ăn lợn cúng
Hồn tổ tiên thèm bữa rượu đôi gà
Hay đâu vía em yêu theo bước chân ngựa
Vía em thương dõi vết chân trâu
630. - “Em yêu đang ở nhà mong nhớ!
Quả cau vân bổ mười
Quả cau tươi bổ năm
Ném đằng sau vía đeo bước ngựa về ăn
Ném đằng trước vía bám bước trâu về nhận
635. Em yêu đang ở nhà mong nhớ
Xin hãy nán lòng chờ!”
Trâu anh liền chồm dậy ăn cỏ
Ngựa ô vơ lá nõn thơm tươi
Anh dồn trâu đi rầm rầm
640. Cưỡi ngựa đi băng băng
Núi tiếp núi mịt mùng
Gò tiếp gò khúc khuỷu
Bãi tiếp bãi trập trùng
Từng chục trăm núi thấp dài cao
645. Rời em lên Mường Lay[126]
Biệt em lên Mường So
Đường vòng đường lượn khúc quanh co
Đường cheo leo mép vực
Cá dưới vực túm đen như cát
650. Hàng đàn đông cuối thác lượn lờ
Áo anh rách xơ bảy tấm
Nhưng trâu mang bán chưa lời
Hụt vốn chồng em sẽ cười
Ngựa tốt chưa ngang bạc mười nén
655. Vải năm trăm trâu khoẻ chưa bằng
Anh còn đi đằng đẵng xa em!


5. Người tình ở nhà bị ép gả chồng

Năm tiếp năm, năm trôi
Tháng tiếp tháng, tháng hết,
Măng đắng xanh[127] đã nẩy lộc đâm chồi,
660. Cha đã dăng màn chia khoang dành chỗ[128],
Mẹ sắp xách tay em canh gà gáy khuya,
Lưỡi dao sắc mẹ sắp chặt cây tươi nhuộm vải,
Ngón tay kia thoăn thoắt sắp nhồi,
Nhồi lông vịt[129] thêm chăn,
665. Nhồi hoa gianh[130] thêm đệm,
Thành đệm êm đưa cô,
Thành chăn ấm đưa em,
Thành đồ cưới đẹp đưa dâu[131],
Cha em cầm gói cau tìm tháng,
670. Cầm gói trầu tìm ngày,
Tìm ngày, ngày cẩu coong,
Ngày hõong phữm và ngày hặp xảy[132],
Cha em mới nói:
- “Ngày hặp xảy đông gái nhiều trai,
675. Ngày hặp tai lắm trâu nhiều bò,
Mẹ em mới dịch đệm liền bên,
Kéo chăn em liền mép,
Em đã tính mà tính không đủ
Em đã lo mà lo không tròn
680. Làm chẳng nổi, sống coi như chết,
Như ăn lá ngón lìa đời”
Chồng em mới nói:
- “Trời cho thành lứa đôi,
Kết hai ta thành chồng thành vợ,
685. Ta lấy nhau, đệm nhỏ bằng lá gianh cũng mặc,
Chăn hẹp bằng lá cỏ cũng đành,
Được nhau rồi, đắp ngang nằm ngang,
Chồng kéo lại vợ co,
Con nhỏ khóc hai bên, dầu chết rét mặc nó!”
690. Chồng em lại nói:
- “Ta chắn suối to làm đập,
Chặn nước lớn bắt cá,
Ta cày ruộng để cha mẹ mình ấm no!”
Em đã tính mà tính không đủ
695. Em đã lo mà lo chẳng tròn,
Khóc vùi giữa bản không nên,
Gào giữa ban ngày sượng mặt,
Sẽ khóc ư? cười ư?
Khóc, người trong bản sẽ cười,
700. Cười, người trong mường sẽ nói,
Người sẽ qua dưới mái mỉa mai,
Năm tiếp năm, năm trôi, anh ơi!
Tháng tiếp tháng, tháng hết, anh ơi!
Đã sáu mùa lúa ruộng qua rồi,
705. Đã bảy mùa cá lũ trôi xuôi[133],
Cha em và mẹ em mới nói:
- “Cốm dẻo không thay cơm chiều,
Cốm thơm không thay cơm sáng,
Rể chẳng nuôi cha mẹ vợ đến già,
710. Sẽ đưa con gái yêu lên nhà rộng[134],
Cha mẹ cho con về nhà chồng, con ạ!”
Chồng em đi kiếm lúa ngoài đồng,
Đi kiếm cá ven sông,
Được cá chiên đem mổ,
715. Được cá trắm ướp chua;
Cá ướp chua lâu ngày đã chua,
Ngày lành và bữa tốt,
Năm đi và tháng trôi,
Cha em và mẹ em mới nói:
720. - “Năm nay năm đưa vịt tía[135] về phủ[136],
Năm đưa gái lớn về nhà chồng,
Đưa dâu đưa tháng giêng[137]
Em yêu vội đáp:
- “Tháng giêng là tháng kiêng,
725. Gieo nương kê, chim chích đến nhặt,
Gieo nương bắp, khỉ đỏ về phá,
Vừa đặt nơm, con rãi cá đã cào,
Không đi, con không đến,
Không đến, con không lên,
730. Không phải tháng đưa vịt tía về phủ,
Không phải tháng dưa gái về nhà chồng!”
Rồi mẹ yêu em nói:
- “Thế đưa dâu tháng mấy?
Đưa dâu đưa tháng hai....”
735. Em yêu vội đáp:
- “Tháng hai càng kiêng kỹ,
Sợ mệnh treo trên cao xanh không lành,
Khuôn đúc[138] trên mường trời[139] không để sống dai,
Phải đeo lếp[140] quay về nhà ngoại,
740. Phải đeo sọt quay về nhà xưa[141],
Không đi, không, không đến,
Không đến, không, không lên,
Không phải tháng đưa vịt tía về phủ,
Không phải tháng đưa gái về nhà chồng!”
745. Rồi mẹ yêu em nói:
- “Thế đưa dâu tháng mấy?
Hay đưa dâu tháng ba....”
Em yêu vội đáp:
- “Tháng ba ruộng đang làm,
750. Nương đang cỏ,
Lại đang cắt vườn chàm,
Không đi, không, không đến,
Không đến, không, không lên,
Không phải tháng đưa vịt tía về phủ,
755. Không phải tháng đưa gái về nhà chồng!”
Rồi mẹ em yêu nói:
- “Thế đưa dâu tháng mấy?
Hay đưa dâu tháng tư...”
Em yêu vội đáp:
760. - “Tháng tư bốn chân cửi còn lệch,
Đan sọt hay lỗi mắt,
Chuyện sắt son mà chẳng hợp đường tình,
Sợ thêm điều thiên hạ cười khinh,
Không đi, không, không đến,
765. Không đến, không, không lên,
Không phải tháng đưa vịt tía về phủ,
Không phải tháng đưa gái về nhà chồng!”
Rồi mẹ yêu em nói:
- “Thế đưa dâu tháng mấy?
770. Hay đưa dâu tháng năm...”
Em yêu vội đáp:
- “Tháng năm mặt chiêng to lặng tiếng,
Buồng thờ tạo So, Là lên nấm giữa sàn[142],
Nàng dâu thăm bản đi không trở lại[143],
775. Không đi, không, không đến,
Không đến, không, không lên,
Không phải tháng đưa vịt tía về phủ,
Không phải tháng đưa gái về nhà chồng!”
Mẹ em yêu bèn nói:
780. - “Đưa dâu con mẹ sẽ đưa tháng sáu...”
Em yêu vội đáp:
- “Tháng sáu nước trăm dòng đổ ruộng,
Dòng trăm thác[144] reo vang
Sóng tung sóng dâng tràn,
785. Bàn hết nghìn ngày cũng không thanh thản,
Không đi, không, không đến,
Không đến, không, không lên,
Không phải tháng đưa vịt tía về phủ
Không phải tháng đưa gái về nhà chồng!”
790. Mẹ em yêu bèn nói:
- “Đưa dâu con mẹ sẽ đưa tháng bảy!”
Em yêu vội đáp:
- “Tháng bảy vịt quý của con đang ấp,
Ngỗng quý của con đang nở;
795. Sợ con diều hâu nó lượn và con quạ nó bay,
Nó lượn nó bay, cắp vịt quý vịt thương đi mất,
Không đi, không, không đến,
Không đến, không, không lên,
Không phải tháng đưa vịt tía về phủ,
800. Không phải tháng đưa gái về nhà chồng!”
Mẹ em yêu bèn nói:
- “Đưa dâu con mẹ sẽ đưa tháng tám!”
Em yêu vội đáp:
- “Tháng tám nắng thiêu cùng gió thổi,
805. Gió thổi rùng tim gan,
Mang con theo, sợ gió ốm xanh vàng,
Thân gái dặm trường biếng bứơc,
Đành bỏ con khóc lả sao đang?
Không đi, không, không đến,
810. Không đến, không, không lên,
Không phải tháng đưa vịt tía về phủ,
Không phải tháng đưa gái về nhà chồng!”
Mẹ em yêu bèn nói:
- “Đưa dâu ta sẽ đưa tháng chín!”
815. Em yêu vội đáp:
- “Tháng chín trời nóng nực, âm u,
Hùm beo rống trong rừng sâu kinh lạ,
Chóp bóp kêu trong khe núi mịt mù[145],
Không đi, không, không đến,
820. Không đến, không, không lên,
Không phải tháng đưa vịt tía về phủ,
Không phải tháng đưa gái về nhà chồng!”
Mẹ em yêu bèn nói:
- “Đưa dâu đưa tháng mười!”
825. - “Tháng mười lũ đỏ ngầu chảy xiết,
Ngập hết bãi hết bờ,
Thác dồn thác cuồn cuộn,
Sóng tiếp sóng lô xô,
Cát sỏi bồi bãi giữa,
830. E sớm thành gái goá bơ vơ,
Không đi, không, không đến,
Không đến, không, không lên,
Không phải tháng đưa vịt tía về phủ,
Không phải tháng đưa gái về nhà chồng!”
835. Mẹ em yêu bèn nói:
- “Đưa dâu đưa tháng một!”
- “Tháng một nấm bùi héo trên thân gỗ dút
Nấm dai khô trên vỏ gỗ vông,
Mẹ chồng chọn miếng ăn nghiệt ngã,
840. Cha chồng tính của nả chi ly,
Không đi, không, không đến,
Không đến, không, không lên,
Không phải tháng đưa vịt tía về phủ,
Không phải tháng đưa gái về nhà chồng!”
845. Mẹ em yêu mới nói:
- Đưa dâu con mẹ đưa tháng chạp vậy thôi!
Tháng chạp gốc cải già lá toả đuôi voi,
Bố chồng ngừng đan chài đón cháu,
Mẹ chồng buông tay cửi đón dâu[146]...
850. Em biết lấy lời đâu chối nữa!
Ngày lành và bữa tốt,
Năm đi và tháng trôi,
Khắp nơi rập rìu reo, cười,
Tháng này tháng đưa vịt tía về phủ,
855. Tháng em phải về nhà chồng, anh ơi!
Chồng em đã gánh rượu tới bến
Đã quầy cau lên nhà,
Dọn bữa ăn to để cưới em đi,
Dọn bữa ăn nhỏ để cưới em về
860. Bạc mỏ Lay, chồng em mang đến,
Bạc mỏ So, mỏ Là chồng em mang lại,[147]
Bảo mười nén đúng cân Lào
Rằng hai mươi nén, cân Kinh,
Ngờ đâu khi cân lại,
cha em chỉ được bốn nén chẵn!


6. Đi buôn lâu ngày chưa về

865. Ngày huộng một bữa rượu ra mắt,
Ngày hài tiếp bữa rượu đưa dâu,[148]
Nhưng anh yêu còn mãi tận nguồn tơ bán trâu,
Tận mỏ So, mỏ Là bán ngựa,
Con bò đực, nén hơn,
870. Con trâu mộng, nén rưỡi,
Con ngựa ô, hai mươi nén tròn,
Bạc mười nén sẽ chuộc em về,
Vải năm trăm sẽ cởi em ra,
Bạc ba lạng, ta đúc chiếc sáo[149],
875. Bạc bốn lạng, ta đúc chiếc nhị,
Anh về nhà, quay về!
Một búi cây anh từng ngủ đậu,
Một bãi gò đều đã trải bàn cơm,[150]
Lốc soái trộn cát buông thên muối,
880. Anh thấy vợ chồng nai nối đuôi nhau ăn cỏ đồi than[151],
Gặm cỏ gianh non mới mọc,
Súng đẹp, súng bền chắc,
Nỏ đẹp, tên thuốc nhọn, bước lên,
Nai sợ ngã, sợ chết[152],
885. - “Xin van người, người hỡi!
Xin chàng tài giỏi tha cho,
Gái má hồng đang chờ,
Gái thanh xuân đang đợi, chàng ơi!”
Anh bỗng rời cò súng không bắn,
890. Buông lẫy nỏ không bật,
Rẽ đi và qua đi,
Vòng đi và thẳng tới,
Anh thấy vợ chồng chim phượng đang ăn quả si,
Con đậu cành dưới chúi xuống ăn quả cành trên,
895. Con đậu cành trên chui lên ăn quả cành dưới[153],
Súng đẹp, súng bền chắc,
Nỏ đẹp, tên thuốc nhọn, bước lên,
Chim sợ ngã, sợ chết:
- “Xin van người, người hỡi!
900. Xin chàng tài giỏi tha cho,
Gái má hồng đang chờ,
Gái thanh xuân đang đợi, chàng ơi!”
Anh rẽ đi, qua đi,
Vòng đi và thẳng tới,
905. Anh thấy gà rừng ăn lúa đống[154],
Lợn cỏ ăn thóc phơi,
Súng đẹp, súng bền chắc,
Nỏ đẹp, tên thuốc nhọn, bước lên,
Chúng sợ ngã, sợ chết,
910. - “Xin van người, người hỡi,
Xin chàng tài giỏi tha cho,
Gái má hồng đang chờ,
Gái thanh xuân đang đợi, chàng ơi!”
Anh lại rời cò súng không bắn,
915. Buông lẫy nỏ không bật,
Rẽ đi và qua đi,
Vòng đi và thẳng tới,
Núi tiếp núi trập trùng,
Khe tiếp khe gập ghềnh đá đựng
920. Kẽ mắt đứt vì tuôn lệ nhớ,
Mấy chục trăm ngọn núi dài, cao!
Nai không lách, anh lách,
Nhím không chui, anh chui,
Don[155] không vượt, anh vượt,
925. Rẽ rừng cỏ phăng phăng,
Mở rừng gai rào rào,
Đầy đầu trắng hoa móc,
Sàn đỉnh núi, sàn cô gái Xá,
Sàn cuối ghềnh, sàn của gái ma[156],
930. Gái ma ngắt chanh ném,
Anh không ngoái, không nhìn,
Rẽ đi và qua đi,
Vòng đi và thẳng tới,
Tới hiên trước nhà quan,
935. Tới sàn sau bạn tình,
Nhà bạn tình, tiếng nói nhốn nháo,
Nhà người yêu, tiếng cười nhao nhao,
Ngỡ tưởng chim reo ngọn quả,
Vàng anh mừng cánh hoa,
940. Còn tươi non như vừa hé bông đào,
Nhưng búi tóc mượt gái phương nào[157] đã tới,
Anh vừa dò vừa hỏi:
- “Này, khách Mường Lay đâu tới
Khách Mường So Mường Là đâu lại, mẹ ơi?”
945. Mẹ anh yêu mới đáp:
- “Không, khách Mường Lay không tới,
Khách So, Là không lại, con ơi!
Chẳng qua tháng năm người khoét cối,
Tháng sáu người khoét máng[158],
950. Người gả chồng cho con gái đó thôi!”
Khi anh ra đi, cải chia cánh bướm[159],
Khi anh trở về, cải già đơm hoa;
Lâu ngày, em đã quen hơi hết lạ?
Lâu ngày, khăn piêu đen em còn vắt sào ngang,
955. Khi anh trở về, áo con nhỏ đã dăng dăng đầy sàn,
Dây trầu không cũng xạc xào rụng cuống,
Sâu khoét trong lòng, cây tươi được chăng?
Bạn lứa đều nên duyên may mắn,
Thiệt riêng anh ở vắng một mình.
960. Khi yêu em, anh nhủ em hết tình,
Khi quen em, anh hỏi em hết nhẽ,
Mà nay, lời thương của ta rơi trong bản đã úa,
Tờ chữ của ta rơi trong mường đã nhoà,
Trồng chuối thành buồng nhiều quả,
965. Trồng mây thành búi nhiều cành,
Dựng một mối tình sao nghiêng ngửa nát tan?
Than ôi! anh muốn ăn gạo bịch lớn cố chữa,
Muốn ăn dưa vườn to cố rào,
Ngờ đâu em lại đổi lòng thương yêu kẻ khác, em ơi!

      *

970. Anh đã tính mà tính không đủ,
Anh đã lo mà lo chẳng tròn,
Như trèo cây cao lộn cổ,
Dẫu tiếc thương đời cũng lỡ,
Đành nhìn em yêu bước về nhà chồng,
975. Nhà em, tiệc rượu đang nồng gian trong,
Mé hiên ngoài, tíu tít gánh bem[160] đã đợi,
Dõi nhìn em yêu đến chào cô chú,
- “Chào bác trai, bác gái nhà trên,
Chú cùng thím nhà dưới”
980. - “Chào chị em dâu rể trong nhà,
Dầu năm qua tháng qua cũng nhớ lại thăm em với nhé!”
- “Con chào, cha của con ơi, mẹ yêu dấu hỡi!
Xin đau đừng đâu luôn,
Xin ốm đừng ốm nặng,
985. Nóng lạnh bất kỳ xin gửi lời nhắn gọi con hay!”
- “Xin chào vườn gừng nhỏ bên kia bờ xuối,
Vườn riềng xinh trước ngõ ta chăm!”
- “Chào gái cùng trai đang thời xen ngó!”
- “Chào bốn mặt đan mau sàn khuống nhỏ[161],
990. Đan mau như đan cót,
Dặp dìu trai gái cười,
Gái đến thời phải đắp chăn chung cùng mẹ[162]
Gái lớn rồi phải đắp chăn chung cùng chồng,
Còn đây lứa tuổi bầy em đang tươi,
995. Mới chiều qua ngắm vuốt xuống sàn
Mưa không rơi đừng nỡ bỏ không sàn buồn,
Trời không buồn đừng nỡ bỏ không sàn quạnh, em ơi!
Hãy khiến mười ngày[163] bạn trai xa đến gẩy đàn môi vây khuống,
Thóc đổ bồ chẳng mang xuống gặt,
1000. Gái lên nhà chồng không thể lại về đua vui!”
- “Xin chào cột cái đuôi cá thon,
Cột con đuôi nhạn xoè[164],
Lượt chân gianh xén bằng,
Hàng dui theo hàng mè san sát;
1005. Tấm gianh kia phủ trùm kín mái nhà thân!”
- “Xin chào quân với quan ngồi sắp theo hàng uống rượu;
Bầu nước trong nhà mẹ mát lành!”
- “Xin chào khung cửi, guồng xa, con thoi cái suốt!”
- “Chào trâu, chào ngựa, chào bò, mùa tết vui gặm cỏ non xanh!”
1010. - “Xin chào đàn vịt thương mắn đẻ,
Đàn gà thương chăm gáy ta ơi!
Mười ngày ta chẳng được nắm gạo trắng xuống vãi,
Vốc gạo vương xuống rơi!”
- “Chào nơi nền cối ta nêm chày,
1015. Lòng máng nơi hằng đâm giã!
Nái lợn đen dưới thang,
Nái lợn lang gầm sàn
Mười ngày ta chẳng được xách dậu[165] thóc xuống giã,
Xách dậu cám xuống chăn!”
1020. - “Xin chào nơi gốc chạn đặt cuộn lá chuối;
Giàn cao[166] nơi đặt chậu gạo ngâm;
Đầu gác bếp[167], nơi treo cơm dẻo, cơm nguội, ổ tằm dăng tơ[168] mọt đục,
Nùi đạt tết bướm[169] tơ nhện vương!
1025. - “Xin chào lòng bếp khói cuộn,
Hòn đầu rau khói vờn,
Chĩnh, hũ đựng rau, dưa, muối,
Bậc cửa lớn đi qua,
Khuôn cửa rộng đi lại,
1030. Đầu thang đường bước lên,
Hỡi nơi gầm sàn thường hay chui cúi!
Đằng đẵng tháng năm, ngươi sẽ chẳng gặp ta,
Ta bỏ bạn tình, lìa mẹ lìa cha,
Sớm tối không xuống nữa;
1035. Cũng không còn thay áo mới lượn qua!”
- “Xin chào khóm rau nhỏ vườn to;
Gốc rau xanh thoạt vừa đâm lá,
Vừa đâm lá đã ngắt lá về đồ!”
- “Xin chào anh cả cùng anh hai em hỡi!
1040. Anh bán em xuống dưới như người Hán[170] bán trâu,
Anh bán em lên trên như người Lào bán ngựa, anh ơi!”
Anh trai em đáp:
- “Không phải bán xuống dưới như Hán bán trâu,
Không phải bán lên trên như người Lào bán ngựa,
1045. Gả em xuống dưới làm kho muối,
Gả em lên trên làm nhà buôn,[171]
Gả làm dâu nhà người cho em sung sướng, em ơi!”


7. Về đến nhà đúng ngày người yêu đi nhà chồng

Nhà em tiệc đã nồng gian trong,
Mé hiên ngoài tíu tít gánh bem vẫn đợi,
1050. Piêu đen em trùm đầu phất phới,
Tà áo anh khoác vội bay lơi,
Tiễn bạn tình, ta ơi[172]!
Tiến người yêu, ta hỡi!
Tiễn bạn tình lên nhà chú[173],
1055. Dặn người yêu lên nhà chồng khỏi lạ,
Yêu em, anh tiễn đưa em đến tận đầu đường
Đến tận nhà chồng, em với anh hẹn ước nên duyên,
Nhưng phép cả có gốc tùng,
Phép thiêng có gốc quế,
1060. Phép lớn mẹ hiền anh thôi giữ trong tim[174],
Anh đi, mẹ hiền ngăn anh hai bận,
Giữ anh ba lần,
Ôm chặt cổ con níu lại:
- “Không đi, không, không đi,
1065. Không đến, không, không đén, con ơi!
Sợ gươm sắc con người sẽ kề đùi,
Gươm bén con người sẽ chặt cổ,
Bát canh người sẽ bỏ bùa mê,
Bát cơm người sẽ trộn thuốc chết,
1070. Không đi, không, không đi,
Không đến, không, không đến!”
Anh yêu mới nói:
- “Không sợ, không, không lo,
Gan óc liền đây đầu nối cổ[175],
1075. Việc bấy nhiêu con tính đủ rồi,
Gươm con người, gươm mỏng, gươm tồi,
Chặt tàu chuối mà quằn,
Phạt bãi phân khô mà mẻ,
Gươm con đây, gươm sắc, gươm thép Kinh[176],
1080. Mũi đến chuôi một lưỡi sáng loè!
Ta chém đứa kia giành lại vợ;
Không lấy được nàng ta làm giặc giữa phủ,
Không lấy được em, anh làm loạn giữa mường,
Cha mẹ ngăn, dây tình dằng dặc,
1085. Cha mẹ giữ, đường tình không nghe,
Chết trong lòng người đẹp,
Chết trong lòng người yêu,
Được chết cùng em không hề tiếc hận,
Mất bạc nén xem bằng đồng vụn
1090. Vải năm trăm coi như chỉ thừa[177],
Há quên ư, lời thề ước năm xưa!
Đá tảng giữa trời ta chém băng,
Rồi sẽ ra sao mặc lòng,
Dù khăn trắng bay lên ngọn móc,
1095. Dù khăn đen quấn chặt ngọn gươm;
Chuôi gươm gẫy gầm sàn thành củi,
Dù đầu, mình, chín khúc phanh phui,
Nhai miếng cơm, xin nghĩ giúp, mẹ ơi!
Chết giữa ngày xem bằng sưởi nắng,
1100. Chết giữa rừng cỏ lặng coi như ngủ ngày!”
Không nói dối mẹ anh không thả,
Không nói quanh, mẹ hiền không buông,
Anh yêu lại nói:
- “Không đi, con không đến,
1105. Không đến, con không đi,
Con mẹ nay bụng đói rã rời,
Hãy nấu cháo con ăn khỏi đói,
Hãy nấu canh làm thuốc lại người,
Dù cơm thừa của cô vẫn tốt,
1110. Cá em bỏ mứa càng ngon,
Xôi lạnh queo đáy giỏ càng bùi,
Súng đẹp, súng bền chắc,
Nỏ đẹp, tên thuốc nhọn, bước lên,
Con sẽ đi nhắm ngọn bồ quân, bắn sóc,
1115. Nhắm ngọn dâu da, bắn chuột,
Nhắm ngọn tre xanh bắn náy[178],
Nhắm ngọn sấu, bắn rơi con sóc truyền cành”
Và dối mẹ, anh đi, đưa tiễn bạn tình!

      *

Phút giây, một lát nhanh,
1120. Lên tràn ruộng thang, chồng quẩy gánh;
Quẩy gánh qua đồng rộng,
Người đẹp anh yêu cất bước theo chồng,
Vừa đi vừa ngoảnh lại,
Vừa đi vừa ngoái trông,
1125. Chân bước xa lòng càng đau nhớ,
Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ
Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi,
Tới rừng lá ngón ngóng trông,
Anh tới nơi, em bẻ lá xanh em ngồi;
1130. Được nhủ đôi câu, anh mới đành lòng quay lại,
Được dặn đôi lời, anh yêu em mới chịu quay đi,
Không quay đi, sợ chồng em sẽ pha thuốc chết,
Không quay lại, sợ chồng em sẽ bỏ thuốc mê,
Trâu ăn cỏ đầm sen,
1135. Bò vừa gặm, nai vàng[179] đến phá,
Hun hút trên đường, vẻ trắng trong một đoá hồng tươi!
Xin hãy cho anh kề vóc mảnh,
Quấn quanh vai ủ lấy hương người,
Cho mai sau lửa xác[180] đượm hơi,
1140. Một lát bên em thay lời tiễn dặn!
Con nhỏ hãy đưa anh ẵm,
Bé xinh hãy đưa anh bồng,
Cho anh bế con dòng đừng ngượng,
Nựng con rồng, con phượng đừng buồn,
1145. Bé ngoang giống bố không?
Hay là bé giống chú?
Giống bên họ mẹ trắng hồng?
Hay má lúm như người tình cũ?
Hãy đưa tay cho anh đeo nhẵn,
1150. Nâng cánh tay cho anh tra vòng;
Tra vòng này vòng nén[181], bé ơi!
Mà nay, tre sậy ngả vàng lá rụng;
Đám trứng sâu đã nở bướm rồi;
Bướm nở rồi, bướm lượn bướm bay,
1155. Anh yêu em, lẽ tiễn đưa em đến tận nhà chồng,
Nhưng chim chích trên cao lượn vòng gọi anh quay lại, anh quay lại
Chim nhạn dưới thấp bay quanh nhủ anh quay đi, anh quay đi
- “Chào chốn rừng xanh nơi thường lui tới,
Nước dập bè chìm,
1160. Sóng xô bè vỡ,
Bè chìm trôi ba suối[182] mất rồi,
Đôi ta yêu nhau chưa trọn một ngày,
Chưa đầy một khắc,
Của không mua lẽ đau được giữ liền tay
1165. Chỉ cá liền với nước,
Chỉ lúa liền với ruộng,
Tiễn đưa em, thôi anh quay lại, em ơi!”
Em yêu bèn nói:
- “Đừng vội anh, đừng vội,
1170. Sao Khun Lù[183] trên trời còn đợi,
Áng mây kia vương vấn còn chờ,
Đôi ta xa nhau dằng dặc nỗi niềm tưởng nhớ,
Mưa sắp rơi ào đồng cỏ,
Đừng bỏ em trơ trọi giữa rừng,
1175. Đừng bỏ em giữa dòng sóng thác trào dâng!”
- “Thác trào dâng, ngang dòng củi vướng,
Gặp nhau đây thoắt bỗng chia lìa,
Đôi ta yêu nhau đợi tới tháng năm lau nở,
Đợi mùa nước đỏ[184] cá về,
1180. Đợi chim táng lo[185] hót gọi hè,
Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông,
Không lấy được nhau thời trẻ, ta lấy nhau khi goá bụa về già,
Goá hai lần, goá ba lần,
Goá cổ cao thêm mấy ngấn,
1185. Goá vẫn tươi giòn đỏ đắn,
Goá đẹp hơn hồi con gái trắng ngần,
Goá đẫy đà hơn thiếu nữ đang xuân”
Lời tình tự lắng sâu trong dạ,
Yêu em, anh tiễn đưa em về tới tận nhà,
1190. Đôi ta đập gót đường dài,
Rào gót đường xa;
Đi tới rừng lá ráy úa vàng,
Bước tới gốc tơ hồng[186] đầu bản,
Cây sổ[187] bên đường nẩy lộc khai hoa,
1195. Quấn quýt vợ chồng chim nhạn;
Đôi uyên ương ngấp nghé cửa hang,
Hoa áy[188] giập giờn trôi ngang sông Mã[189],
Còn thương nhau xin sắp gối riêng chờ,
Duyên phận mai sau,hoặc sẽ có ngày thoả nguyện,
1200. Đôi ta yêu nhau, duyên bản duyên đừng úa,
Tình mường tình chớ phai,
Rẽ đi và qua đi,
Cùng sánh vai vòng đi và thẳng tới,
Núi tiếp núi trập trùng,
1205. Bãi tiếp bãi gặp ghềnh,
Tới gốc muỗm xanh đỉnh đèo trâu cọ,
Con cọ, con vươn sừng dài quanh quắt,
Con quẩn quanh níu gọi anh về;
Nhưng anh không về! Yêu em, anh đưa em tận bản,
1210. Thương em, anh tiễn em thẳng tới tận nhà!

      *

Đồn về xuôi, tiếng đồn bằng thuyền,
Đồn lên ngược, tiếng đồn bằng voi,[190]
Đồn đến anh tiếng bằng núi đá,
Rằng nhà chồng em:
1215. Hoa nhà[191] vẽ hoa sen,
Cột kèo đẽo đuôi én,
Mép gianh bằng chằn chặn;
Buồng thờ một gian riêng[192],
Đồn mười voi lên mà lạc,
1220. Còn bạc nén sờ đau cũng thấy,
Bao nhiêu gỗ đều dát bạc,
Bấy nhiêu lạt đều vót trơn[193],
Cột nhà phải voi kéo,
Vách nhà phải voi khiêng,
1225. Khung bếp[194] đủ trồng rau muôn vườn,
Còn trong nhà thả sức voi lượn,
Nhà rộng mười muôn cửa,
Bồ cau bay không tìm nổi lối ra,
Đười ươi chạy chục ngày đêm chẳng suốt,
1230. Kịp khi đếm xem;
Dựng ba thân cột lau,
Dựng bốn chân cột sậy,
Dựng nghiêng bên vũng trâu,
Dựng trống bên bãi cỏ,
1235. Dựng tám gian[195], vợ chồng chui vừa đủ,
Chim chích đậu mà xiêu,
Chim ri đậu mà đổ,
Gà nhảy sàn uống nước mà rung,
Chó lọt đầu hở đuôi,
1240. Xuyên ngọn giáo thừa cán,
Em yêu ở sao nổi?
Người đẹp của anh ở thế sao đành?
Lên sàn rách sợ gẫy,
Trèo sàn mọt sợ sụp,
1245. Anh mới giả làm chuột lên đằng cửa sổ,
Giả làm chim én chui qua kẽ mái,[196]
Vụt bay vào giữa nhà,
Em leo lên thang sậy,
Xệp ngồi lạy bố chồng trên đầu
1250. Nhờ chồng thương, dọn cơm cho ăn;
Hai đĩa, tưởng đĩa cá,
Cúi xuống, hai đĩa rau,
Lòng chỏng một bàn lớn,
Không ăn đói cào ruột,
1255. Ăn vào tắc họng không trôi,
Vừa ăn vừa ngứa cổ rát lưỡi,
Nuốt xuống như tên độc trúng nai,
Anh dặn em, dặn cho hết lời,
Nhủ lòng thương, nhủ cho hết nhẽ,
1260. Bậc thang cuối nhà chồng, chớ ngồi,
Ghế chị chồng ngồi, chớ đụng,
Anh chồng đẹp, đừng lả lơi,
Không phải bạn tình, đừng ngấp nghé,
Giã gạo đừng chửi lợn
1265. Chăn lợn đừng chửi gà,
Con khóc đừng rủa con chết,
Con chết bù đâu ra,
Con khóc phải khẽ dỗ,
ẵm con lên khẽ nựng,
1270. Gõ cột nhè nhẹ ru,
Đi nương đừng gỡ cháy,
Về nhà đừng ngắm bóng trong nồi,
Dỗ con đừng vội ngủ,
Trái tim đừng quên tình cũ,
1275. Đi nương đừng nói xấu em cô,
Đi ruộng đừng nói xấu bà bác,
Nhổ mạ đừng oán trách anh chồng,
Trèo núi cao đừng nói xấu bố,
Ở nhà đừng nói xấu em,
1280. Bởi sàn sau có nhà bác,
Đầu quản có ông anh,
Giường cao có bố chồng ngồi,
Trái phép ngươi, lấy gì mà xin?
Phạm luật người, lấy gì mà đền?[197]
1285. Cúng gà người không thèm
Cúng lợn người khẽ liếc,
Mổ voi người mới ngoảnh mặt xem,
Mà em tủi cực lấy đâu có?
Nhưng em nghèo khó kiếm đâu ra?


8. Tiễn dặn người yêu cố làm dâu tốt

1290. Rồi khách Mường Lay tới,
Khách Mường So, Mường Là đã lại,
Vịt đầy đồng mai đợi người bắt, không bắt,
Gà chặt lồng nứa rằng ai biết giết con nào?
Còn mỗi nái gà họ hàng em tiễn,
1295. Em đành nắm gạo trắng xuống vãi,
Vốc gạo vương xuống rơi,
Gà xoè cánh chạy lại,
Cắm cổ rung mào tươi,
Em se lòng chộp vội,
1300. Con gà kêu cục te, nước mắt hờn em ứa,
Con gà kêu cục tắc, nước mắt buồn chảy ròng,
Giơ gậy đập gà thương,
Gậy trúng đầu, gà chết,
Nhúng gà vào nồi gang,
1305. Dầm gà trong chảo vạc,
Vặt lông gà chỗ nào?
Cạnh thang sợ người mắng,
Mép sàn sợ người rầy,
Em lẻn lên vặt ngoài xó cửa,
1310. Ngón trỏ vặt lông măng,
Ngón giữa vặt lông nõn,
Lông măng bay đầy vườn,
Lông nõn bay khắp bản,
Bỏ gà vào giỏ mai đứt cạp,
1315. Treo đầu đòn em ra bến trong,
Rồi mổ, rồi pha, rắc muối,
Canh gà sôi rào rào,
Canh cá sôi lục sục,
Bỗng nghe vịt đang phá ruộng dưới,
1320. Nhà đầy người, không giúp với!
Ai dâu mới, nấy đuổi,
Em là dâu mới, em đi!
Đuổi ruộng dưới nháo nhác,
Lùa ruộng trên hớt hải
1325. Ruộng tiếp ruộng liền bờ,
Bờ tiếp bờ quanh co,
Biết mấy chục trăm cao thấp ruộng bờ!
- “Về nhà mau, ba đàn vịt cáo tha,
Cho đi xa, cáo bắt!
1330. Vịt nhà bác, chẳng giúp cùng,
Vịt bà thím, sao không đỡ với!”
Mặt trời giữa đầu, em chưa ăn cơm,
Mặt trời đứng trưa, em chưa ăn sáng,
Dồn vịt khắp gần xa về bản,
1335. Chuồng vịt che bốn bề,
Em dồn về đóng lại,
Nhón gót trèo lên nhà,
Aó ướt không chỗ phơi,
Sàn trên sàn bà bác,
1340. Sàn dưới, sàn ông anh
Sàn cao, sàn bố chồng;
Em đành mặc áo ướt rỏ ròng,
Em đi cơm chưa dọn,
Canh cá ngon đầy nồi,
1345. Em về cơm xong rồi,
Miếng nhai thừa bỏ lại,
May chồng thương để phần,
Phần cơm, phần cả canh,
Canh lỏng tỏng dính bát,
1350. Canh tôm còn lại đuôi,
Canh cá, phần đầu, vẩy,
Canh gà, phần cánh, chân,
Phần cánh, chỗ cánh dầm xương[198],
Phần chân, chỗ chân bới rác[199],
1355. Chấm ư?... đừng nên chan![200]
Chấm thì sợ.... nhà quan,
Chan lại ngượng với khách,[201]
Ôi, khác xa nơi nhà cũ mẹ hiền!
Thuở xa kia em ở nhà em,
1360. Cá mương cuối dòng còn chê tanh,
Mà bây giờ em phải mớm con em bằng nhện[202],
Khi chưa lấy được, người vồ vập,
Khi chưa đón về, người xun xoe;
Lấy được rồi, người nhử
- Dâu ơi, xuống sàn ăn cám!
1365. Người xui con trai xuống đòn,
Chồng lòng rộng không nỡ,
Dạ bao dong còn thương,
Con không đánh, bố bỏ cơm, không dạy,
Chồng em liền trợn mắt ra tay,
1370. Mình, lưng em vụt tới tấp,
Em ngã lăn chiêng cạnh miệng cối lợn dũi,
Em ngã lăn đùng liền bên máng lợn vầy,
Ngã không kịp chống kịp ngượng,
- “Cơ khổ thân em bụi lẫm chôn vùi!”


9. Hẹn hò không quên nhau

1375. Anh ngỡ tưởng em mảng vui quên dạy!
- “Dạy đi em, dạy đi em ơi!
Dạy rũ áo kẻo bọ,
Dạy phủi áo kẻo lấm!
Đầu bù anh chải cho,
1380. Tóc rối đưa anh búi hộ!”
Anh chặt tre về đốt gióng đầu,
Chặt tre dày, anh hun giõng giữa,
Lam[203] ống thuốc này em uống khỏi đau,
Tơ rối đôi ta cùng gỡ,
1385. Tơ vò ta vuốt lại quay guồng;
Quay lại nguồng gỗ tốt cán thuôn,
Về với người ta thương thuở cũ,
Chết ba năm hình còn treo đó;
Chết thành sông, vực nước uống mát lòng,
1390. Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,
Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung[204],
Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát,
Chết thành hồn, chung một mái, song song,
Hỡi gốc dưa yêu mọc ngoài cồn cát,
1395. Nước ngập gốc đáng lụi, đừng lụi,
Nước ngập rễ đánh bềnh, đừng bềnh,
Đôi ta yêu nhau, tình Lù Ủa[205] mặn mồng,
Lời đã trao thương không lạc mất,
Như bán trâu ngoài chợ[206],
1400. Như thu lúa muôn bông[207],
Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng,
Bền chắc như vàng, như đá,
Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng,
Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già,
1405. Ta yêu nhau tàn đời gió[208], không rung không chuyển,
Người xiểm xui không ngoảnh, không nghe,
Yêu em anh dặn em hết lời,
Nhủ lòng thương nhủ cho hết nhẽ,
Ngày em sinh[209] em đừng đi rừng,
1410. Ngày kỵ giỗ[210] em đừng đi cá,
Cứ nhặt rác giữa sàn mà đun[211],
Cứ bẻ ngọn chàm mà đốt;
Nước chấm chua em cứ bỏ gừng già,
Giồng dưa leo cột nhà um tùm,
1415. Giồng khoai leo cột gian thờ[212] xanh um,
Rửa ốc rửa từng con,
Rửa bát sóc cả rổ
Rửa muôi gõ miệng nồi,
Em khôn ngoan nhớ lời anh dặn,
1420. Làm ra ương bướng cho chồng em giận
Làm ngơ ngẩn để chồng em chê,
Chồng giận, chồng sẽ bỏ,
Chồng bỏ, may đẹp duyên đôi ta,
Đôi ta lấy nhau không nề chi phần lỡ,
1425. Không quản chi tình ế duyên ôi,
Em của anh đây vẫn mãi đẹp tươi!
Không chết, không quên tình cũ,
Hồn không khuất mây vẫn nhó tình xưa,
Chín sắp quên và mười sắp quên[213],
1430. Đừng quên põng pi[214] hoa đỏ,
Đừng quên gừng quắt[215] nương cao
Đừng quên người yêu thương say đắm thuở nào,
Ngăn dòng chớ quên mất đập,
Đắp nước đừng quên mương phai,
1435. Còn sống đừng quên lời thiết tha anh dặn[216]
Gà cỏ gáy rừng sặt[217] chớ quên,
Cuốc gọi hè nương bông[218] chớ quên,
Búi tóc ngược lấy chồng, chớ quên,
Gạo vào cối quên chày, chớ quên,
1440. Cơm vào miệng quên nuốt, chớ quên,
Tóc trên đầu quên búi, chớ quên,
Đầu sào hoá ngọn dang, chớ quên,
Lá môn[219] thành mặt trời, chớ quên,
Cầy hương thành ngựa lang, chớ quên,
1445. Trồng khoai thành rừng bon, chớ quên,
Trồng dâu thành rừng rút, chớ quên,
Gieo kê biến thành bãi cát, chớ quên
Trâu chết thành đống mối, chớ quên,
Chào mào biết nhổ mạ xuống cấy, chớ quên,
1450. Gạc nai thành sừng tê giác, chớ quên,
Chẫu chàng trèo đỉnh núi, chớ quên,
Quạ biết đeo túi phát nương, chớ quên
Gà rừng biết vuốt tóc chải đầu, chớ quên,
Thua láng[220] biết nhuộm răng đen, chớ quên,
1455. Dế biết vót que xâu tai, chớ quên,
Cua biết vờn nơm bắt cá, chớ quên,
Cá sấy[221] biết ru con ngủ ngày, chớ quên,
Bói cá biềt đâm đó nuôi con, chớ quên,
Nhái trong nồi biết đá chân đẩy củi, chớ quên,
1460. Rau trong chõ nẩy chồi, chớ quên,
Cột gỗ nhỏ biết mọc lá xum xuê, chớ quên,
Hoa chuối rừng biết mọc rủ xuống, chớ quên,
Quả ấng ca[222] biết mọc dựng lên, chớ quên,
Ống nước lại mọc lá, chớ quên,
1465. Mạng nhện dăng sừng trâu chằng chịt,
Chớ quên bạn tình, chớ quên anh yêu,
Chín sắp quên và mười sắp quên,
Đợi cỏ tóc tiên trổ cành, hãy quên,
Đợi gốc sả đâm hoa, hãy quên,
Đợi cào cào biết trẩy kinh chầu vua, hãy quên,
1470. Tóc trên đầu quên búi ngược[223] hãy quên bạn tình, hãy quên anh yêu,
Chín sắp quên và mười sắp quên,
Sông Mã cạn bằng đĩa, hãy quên
Sông Đà[224] cạn bằng chiếc đũa, hãy quên,
Cá bỗng văng mình đớp sao, hãy quên
1475. Cát trắng nhảy tung hớp sao, hãy quên,
Vàng anh ăn hết nửa vườn mía, hãy quên
Nay chim chích trên cao lượn vòng, gọi anh quay lại, anh quay lại
Chim nhạn dưới thấp bay quanh, nhủ anh quay đi, anh quay đi,
Xin chào gốc mía xanh anh hỡi!
1480. Đẵn mía chi anh ơi!
Voi non ngà trắng hỡi!
Sống lẻ bên đàn chớ tủi
Vòng bảy kiếp chồng đừng quên mất tình xưa!
Hãy nhờn lên, hỡi mơ,
1485. Hãy cao lên, hỡi muỗm,
Ba chục voi đừng để phá bao giờ,
Sáu chục voi đừng để chúng tung vòi cuốn ngọn!
Hãy trổ lá đâm cành,
Hãy xanh cây chặt gốc,
1490. Hãy đời đời bền chắc,
Đừng vùi sâu bảy lớp lìa anh,
Vườn gừng héo đôi ta không lỗi,
Vườn riềng vàng đôi ta không lầm,[225]
Anh thề chết cùng chép đỏ đuôi rách,
1495. Thề chết cùng cá chát đuôi cong,
Thề chết cùng em yêu lận đận,
Tình thương dặn Thao, Đà[226] xuôi dòng,
Cá lớn lìa đàn quẫy lượn,
Anh lìa em trở về nẻo cũ, em ơi!
1500. Rồi em yêu mới nói:
- “Í liễng anh ơi, đi cho đến nơi,
Ngọn quý trên trời[227] xin đừng lạc lỗi,
Nhà em khó tầu dong xấu héo,
Phận em nghèo khói lạnh giàn treo[228],
1505. Tiễn anh yêu, chẳng lấy đâu gà béo,
Chỉ nắm xôi không gửi nhớ theo.”

      *

Bước xuống nhà em, qua bản,
Rời bản em, ra dường,
Nghe vang tiếng kêu khóc
1510. Nghe tiếng em giận chồng,
Vừa đi, đã tới núi,
Tai chẳng còn nghe giọng em yêu nói,
Thương thay, khóm rau nhỏ vườn to,
Gốc rau xanh thoạt vừa đâm lá,
1515. Vừa đâm lá đã ngắt lá về đồ!
Cây gạo nở hoa chen rực rỡ,
Em một mình một bóng khổ đau,
Núi tiếp núi trập trùng,
Rừng tiếp rừng thăm thẳm,
1520. Nghìn tháng nghìn năm, đã yêu nhau xin đừng chán nhau,
Chán nhau nhựa dướng[229] quyện nhựa sung,
Đôi mắt vời đầu vai quyện cùng[230],
Một cánh chim trời khát nước,
Bay về cuối dập mát trong;
1525. Yêu em, anh thăm em trong mộng,
Người đẹp phương xa đừng sầu muộn,
Bảy cõi mường ngoài đừng quên anh!
Trái bí đỏ sọc trắng,
Trái bí ngô sọc vàng,
1530. Gốc tơ hồng giữa bản đâm bông,
Hoa sao hoa thắm lạ lùng,
Anh ước thành voi ngà bạc ngà vàng[231] đan lượn quanh hoa
Hoa áy hương lừng Sông Mã,
Gấu áo cánh cam[232] lấp loá,
1535. Mải miết băng qua đồng rộng bãi dài,
Anh bẻ cây đất người nghỉ mệt,
Bẻ cây còn vết tay in dấu,
Không thư từ thấy mặt nhau đâu,
Chỉ thấy dao sắc, dao chuôi đỏ,
1540. Chặt tầu dong mẹp đỏ cuống nâu[233]
Dẫu hoà trăm buồng chuối ngự,
Trồng khoai mà hoá dây bầu,[234]
Em lấy chồng rồi, ta đã tiễn nhau,
Tháng chín rau bầu già ăn đắng[235],
1545. Nghĩ dùm ta, hỡi gái lịch trai thanh!
Duyên xe duyên lỡ dở không thành,
Gió thốc Sông Đà quằn quại,
Chúc gã trai buôn[236] mạnh khoẻ yên lành,
Tầu dong nhỏ nghiêng xuôi dốc núi,
1550. Anh ngắt dong đắp suối ba dòng[237],
Yêu một đằng, thương nhớ một đằng![238]
Xa bạn tình, ngủ theo đất lạ,
Đời người yêu, nằm lều chuối vàng[239],
Nằm trên rơm rạ phơi sương[240],
1555. Anh bước rảo quay về nhà cũ,
Gượng sống bằng miếng cơm đầu tên,
Gượng nuốt miếng cơm đầu đũa,[241]
Ma du đẩy trở mình,
Ma không đẩy, anh nằm thẳng im,
1560. Nhớ em, anh ngồi đầu sàn giả ốm,
Ngồi cuối sàn giả điên,
Giả ốm, gà ngầm sàn cũng rủ
Giả điên, mẹ hốt hoảng buồn lo,
Giả đau bụng, mẹ yêu dầu rĩ,
1565. Đôi ta yêu nhau, bao giờ gặp nhau?
Mây mù bay sao trôi trên đầu;
Khói quyện trời sương nghi ngút,
Ước xẻ đôi người, ta lấy nhau!

      *

Năm tiếp năm, năm tới,
1570. Tháng tiếp tháng, tháng hết;
Đã ba mùa lúa ruộng qua rồi,
Đã bốn mùa cá lũ trôi xuôi,
Cha mẹ ngăn đường tình không rời,
Cha mẹ mắng đường tình không sợ,
1575. Cha mẹ răn đường chồng, chỉ cười,
Cha em và mẹ em mới nói:
- “Cây tre nó thành giấy,
Cây nứa nó thành ống,
Con gái thành nàng dâu;
1580. Gả làm dâu nhà người cũng tốt rồi đấy!”
Cha người và mẹ người thì nói:
- “Người dâu kiếm rau không đủ đĩa,
Nấu canh không đầy bát,
Thái gỏi thái không xong,
1585. Tiếng như trời đánh choang choang;
Xe sợi dệt vải khổ năm[242] không đáng,
Không đáng bưng cơm cúng nhà quan,
Không đáng ba sợi bạc,
Không đáng ba dây vàng,
1590. Nói ra thì cửa nhà tan hoang!”
Nhưng bạc mười năm người ta chưa nộp,
Bạc mười sáu người chưa trả thêm,
Người chưa đủ nhẵn, vòng, bạc trắng mua em,
Chưa đủ vải năm trăm đổi đứt giá người[243],
1595. Chồng em mới nói:
- “Nước chảy từ nguồn khe,
Người chẳng nên, ta phú nó về!”
Người sắp đuổi em về nhà cũ!
Gỡ sao gỡ chẳng được,
1600. Cúi mặt nước mắt rỏ
Ngẩng lên, hàng lệ rưng,
Nước mắt rỏ hai dòng,
Rỏ ba dòng,
Dòng rơi đằng trước đủ tràn năm máng[244],
1605. Dòng rơi đằng sau đủ cho em rửa mặt ăn cơm
Một dòng đủ rửa trâu to mang luộc,
Dòng rơi xuống đất đủ đắp đập,
Dòng vào hốc đá đủ bắc lên ruộng bậc thang,
Chưa được em, người bảo sẽ đắp phai to em tắm,
1610. Được em rồi, người đuổi em sắp gánh đi đi,
Em van người, em nói:
- “Lỗi cha con xin khuất,
Lỗi mẹ con xin đền”
Nhưng cúng gà người chẳng thèm,
1615. Cúng lợn người khẽ liếc,
Phải cúng voi người mới ngoảnh mặt xem,
Nhưng em tủi cực lấy đâu có,
Phận em nghèo khó kiếm đâu ra!
Người mới bảo chồng em vác gậy to xuống đánh,
1620. Cầm gậy dài xuống phang,
Đánh em khi chập tối,
Nện em hồi nửa đêm,
Nện em như nện bịch,
Như chúa mường nện chiêng,
1625. Không quay về, người vứt dao em xuống sàn,
Quẳng dao em xuống thang,
Con sợi guồng xa, người giậm chân giẵm tan,
Em phải trở về nhà ngoại,
Trở về nhà cũ mẹ yêu”
1630. Em mới than:
- “Khi bước đi, còn bác mẹ đưa chân đến bản,
Khi lộn về, bỏ chơ vơ như kẻ lạc loài,
Nắng thiêu mong nổi gió, không gió,
Chờ người thương qua, không qua,
1635. Mong người yêu lại, không lại,
Ngăn nước rồi quên đập,
Đắp nước rồi quên nơm,
Người đi xa quên áo,
Quen thịt da kẻ khác quên nhau rồi chăng!”
1640. Em yêu lại nói:
- “Đã tàn mùa hoa sung[245]
Qua thời hò hẹn người thương quên rồi!”


10. Bố mẹ chồng không ưng, trả về nhà

Cha em yêu và mẹ em yêu mới nói:
- “Ai gánh gồng tất tả ruộng dưới?
1650. Trông xa ngỡ áo đen,
Nhìn gần hoá áo sẵm,
Ngẵm kỹ hoá ra con gái quý mẹ hiền!
Bởi vì sao, bởi tại sao?
Voi về núi chẳng quên nơi xưa ăn dở,
1650. Voi vào rừng chẳng quên búa cũ người chăn?
Hay tại lòng con yêu chẳng quên mẹ hiền,
Chẳng quên bạn tình thuở xưa?”
Em yêu mới nói:
- “Quá sức con, kiệt sức rồi, mẹ hỡi!
1655. Làm được, người mới chuộng,
Làm đến rách áo cho nhà “ông[246]”,
Làm bằng trời, không mảnh cói lót lưng,
Ăn cơm như ăn cát,
Nuốt vào như nuốt cám;
1660. Không ăn đói cào ruột,
Ăn thì rát lưỡi không trôi,
Làm không nên, người xô người chửi
Làm không giỏi, người xô vào chê,
Người ùa đến mắng,
1665. Người đi qua cửa, mỉa mai!”
Đồn về xuôi, tiếng đồn bằng thuyền,
Đồn ngược, tiếng bằng voi,
Rằng chẳng goá chồng mà lại chia đôi,
Gái bỏ chồng rồi, gái quay về nhà!
1670. Người biết người cầm gói cau đến hỏi,
Cầm gói cá đến chào,
Cha em và mẹ em mới nói:
- “Suối hẹp phải dồn bớt chài,
Canh chẳng ngon phải vợi bớt nước,
1675. Gái lỡ bước giá tiền hạ thôi!”
Người gánh tiệc gà chạm mặt,
Rồi khiêng tiệc lợn cưới về[247],
Ngày huộng một bữa rượu ra mắt,
Ngày hài tiếp bữa rượu đưa dâu,
1680. Đầu quản, nâng chén rượu nồng nàn,
Cuối sàn, sắp gánh gồng kĩu kịp,
Tíu tít như bướm đuổi,
Mặt trời đã xế trưa chếch núi,
Người đỡ buồng cau đặt vào trong giỏ,
1685. Rồi cưới em đi,
Gồng gánh lên nhà người tất tưởi,
Em búi tóc mượt theo về nhà chồng mới,
Nhưng trái tim lớn em còn đeo đó,
Trái tin con còn bện chỉ xe đôi,
1690. Người đi xa nhưng vía quấn không rời.

      *

Em giã gạo quăng chày,
Phơi thóc chửi sàn mắng cối
Chồng làm quan, gắt giữa mặt khách.
Ra sàn, nói xấu bà bác,
1695. Ra quản, nói xấu ông anh,
Trèo núi cao, nói xấu bố,
Khi ở nhà, nói xấu mẹ,
Xuống bến buông ống trôi,
Về nhà, khoằng chân đẩy củi[248] đồ nồi,
1700. Dỡ sôi, quật mâm vỡ,
Khách tới, để vú hở,
Vú dài cuộn cột sàn bảy vòng,
Quấn quanh bảy chiếc nong,
Đêm ngủ những chê đệm,
1705. Tỉnh dạy lại mắng chồng,
Chải tóc thì chải ngược,
Ngồi ghế, lật ngửa ghế,
Cha người và mẹ người mới nói:
- “Nuôi đứa gầy toi cơm
1710. Nuoi quân mặt sưng xúi quẩy!”
Bạc mười lăm người ta đưa rồi,
Bạc mười sáu người ta trả đứt,[249]
Người mới đem em ra chợ dưới đổi muối,
Lên chợ trên đổi gạo,
1715. Đổi gạo, chẳng ai màng,
Đổi muối chẳng ai buồn ngó,
Trời dựng năm sắc tươi,
Trời đùn mây đỏ rực,
Bán em nghìn lần không đắt,
1720. Bán em chín chợ không trôi;
Một cuộn dong đổi lấy người,
Đổi em cho bạn tình cũ,
Mang em về nhà người em yêu năm xưa,
Mang em về để em ngoài nền cối nơi nêm chày,
1725. Lòng máng nơi hằng đâm giã,
Chồng em[250] đưa dao đưa cả rau,
Đưa rau đưa cả giỏ,
Đưa dựa đưa cả củi,
Giao thức ăn giao cả rượu nồng,
1730. Giao thóc giao cả bồ,
Giao guồng giao cả tơ,
Giao vải cả rá may, kim, chỉ,
Giao nước giao cả máng,
Giao chày cả giần, sàng
1735. Chăn lợn giao cả cho em giã cám[251],
Em ủ ê tủi buồn,
Ruột tơ rối, lòng đau,
Em giã gạo, thở than cùng lợn,
Em chăn lợn, thở than cùng gà,
1740. Em than thở bên chày gỗ cạ[252],
Em thở than cùng chày gỗ mư[253]
Mong đợi người thương hoài công em rồi!
Mong thành vợ quý nằm bên anh,
Mong thành vợ yêu nằm cạnh mình,
1745. Mà nay, anh bỏ em dưới gầm chạn nước rỏ,
Dưới giàn bếp khói tụ;
Đuôi tóc em yêu phủ trắng gio,
Mắt trộm ngó bạn tình xưa ấp ôm kẻ khác, than ôi!


11. Thương nhau còn nhớ đàn môi

Em yêu mới nói:
1750. - “Đôi ta yêu nhau còn gửi vật tin,
Đàn môi đồng anh gửi em đây thay mặt...”
Em rút đàn môi em gẩy,
“Bạn tình ơi còn nhớ hay quên?”
Chồng em yêu mới nói:
1755. - “Kẻ khó sao đàn môi thánh thót,
Người nghèo hèn sao réo rắt đàn đồng?
Sáo ngân rung như tiếng đàn người cũ,
Sao thoảng chừng như giọng nhớ người thương?”
Rồi chồng em hồi tưởng lại,
1760. Những ngày xưa đang tuổi gái trai,
Nhận ra em, mừng vui dựng nhà,
Gặp bạn tình, ăn làm thoả dạ,
Không vấn vương bằng sợi tơ nhện,
Mười đêm[254] chuyện nhỏ to êm đềm,
1765. Như đôi uyên ương cửa hang ngấp nghé,
Hoa khẳm[255] cuối dòng nẩy lá non tươi,
Chỉ vàng, đỏ, lụa là lại vây quanh cô gái quá thời[256],
Lại như hoa sớm ngậm sương,
Như cô gái Kinh vẩy khăn thêu hình chim yểng,
1770. Đã nên duyên xin chớ phụ tình,
Đôi ta yêu nhau, yêu đến khi tóc ngả hoa râm,
Yêu đến khi đầu bạc,
Không mắng em vụn về,
Không bảo em lười mà chê,
1775. Muối dưa không che chua,
Ủ rượu, không chê đắng,
Dưa lâu chua bởi lá rau dày,
Rượu lâu đắng bởi hú to bảy người khiêng nặng,
Nhờ phúc em yêu trời độ,
1780. Được sống bên nhau mong ước thoả lòng,
Nhưng còn người vợ cũ bên chồng?
Chồng em sắp của và mười hai tấm khăn,
Đồ lạc trong nhà chia đều hai phần,
Chia ngựa chia cả yên lẫn nhạc,
1785. Đã thương nhau lụa là, vải vóc chia đôi,
Aó mặc vào người xẻ nửa,
En yêu mới nói:
- “Têm trầu đừng têm chặt[257],
Têm chặt e vôi loãng, trầu non;
1790. Vôi loãng vôi chạy đồn,
Yêu nhau đừng yêu nóng,
Yêu nóng không được lâu
Cốt tình yêu bền chắc về sau,
Hãy đợi con dúi và con tê tê đào lỗ
1795. Đào lỗ sâu mười sải, hai mươi sải quay ra[258]
Đừng cho người cũ kêu ca!”
Vợ anh yêu mới nói:
- “Đừng giũ em như giũ chỉ
Đừng vứt em như khách vứt tầu dong!
1800. Xin giã gạo đổi chày[259],
Xin phơi thóc đỡ tay;
Anh đã có kiềng, xin làm gạch cạnh,
Anh gặp lại người yêu, em xin được làm vợ lẽ!
Xin làm vợ lẽ đỡ đầu voi,
1805. Con đòi đỡ chuôi kiếm[260],
Làm đầy tớ gánh cám,
Làm đứa ở gánh rượu,
Làm kẻ hầu núc nước rửa chân cho vợ anh;
Sẩy thóc xin ăn nhờ,
1810. Dầu phận thiếp nằm rìa cũng cam!”
Chồng em yêu mới nói:
- “Nhà rếch bởi măng sặt[261]
Lời ra tiếng vào vì vợ lẽ!”
Hết lời van xin, chồng em không nghe,
1815. Người vợ cũ mới tìm lời êm ái dặn chồng:
- “Xin chào chồng yêu gối ấp tay kề,
Chào con nhỏ quấn bên mình mẹ hỡi!
Ta quay về họ hàng nhà ngoại,
Quay về nơi mái cũ mẹ hiền!”
1820. Trông ra thấy hoa đào búi tóc.
Mặt gối thêu hoa bợ[262],
Tà áo mổ đuôi cá,
Khăn piêu đen phất toả đuôi voi;
Người đi rồi, chẳng bao giờ còn quay lại nữa,
1825. Chồng em mới nói:
- “Lòng thương em, ta đưa em đến tận đầu đường,
Ta tiễn theo người vợ bỏ;
Xin chúc bình an nẹp áo trong viền xanh viền đỏ[263]
Thu vén giữ gìn đừng để cho đầu dãi mưa sương;
1830. Người đẹp ta thương, em hãy quay về khoẻ mạnh,
Chúc em về nhà mẹ yên lành!”
Ngoài xa mưa rơi núi trám,
Trời chớp nhoáng đồi dong,
Thần linh muốn đôi ta nên vợ nên chồng, em nhỉ!
1835. Vừa đúng như giương nỏ trúng đích,
Chỉ về guồng nên đôi lứa hằng mong,
Thành vợ thành chồng, ta hằng ước từ bao ngày cũ!
Còn như phận người thuở trước[264],
Tơ không đỏ dần dần nhuộm đỏ[265],
1840. Sức không nhiều chăm chỉ làm ăn,
Rồi cũng có ngày được quyền cao chức trọng;
Còn như phận người vợ bỏ,
Trở về nhà cũ mẹ cha,
Lấy được chồng êm ấm thuận hoà,
1845. Sau cũng được quyền to chức lớn;
Cùng sánh vai nhau nhà nhà vui vẻ, bạn ơi!
Sử thi Songchu sonsao (Xống chụ xon xao) là một tác phẩm dân gian của người Thái tại Việt Nam kể về bi tình của đôi trai gái ở bản Panh và bản Sái (thuộc xã Tranh Đấu, huyện Thuận Châu, tức Mường Muổi, Sơn La ngày nay) yêu nhau tha thiết nhưng bị cha mẹ rẽ duyên.

Đây là đỉnh cao của văn học Thái đen (ở vùng Tây Bắc) biểu trưng cho ngôn ngữ Thuận Châu, Mường La. Ra đời trong xã hội thịnh trị của thế kỷ XVII ở vùng Tây Bắc Đại Việt, ngôn ngữ thơ đã đạt đến trình độ điêu luyện, hầu hết các thể thơ Thái thông dụng đã được sử dụng trong Xống chụ xon xao, từ thể “Khắp bắc” câu dài 11, 12 chữ, đến thể “Khống khái” câu ngắn 5, 6 chữ. Các thể thơ này được dùng xen kẽ với nhau khá nhuần nhuyễn.

Sử thi này được truyền miệng nên có nhiều dị bản sưu tầm được với độ dài ngắn cũng khác nhau. Đây cũng là truyện thơ dân gian các dân tộc thiểu số đầu tiên của Việt Nam được công bố. Năm 1957, bản dịch truyện thơ này do Điêu Chính Ngâu thực hiện được xuất bản ở Hà Nội. Năm sau, cũng tác phẩm này, được Sở Văn hoá Khu tự trị Thái Mèo xuất bản, do Điêu Chính Ngâu, Hà Hem, Cầm Biêu khảo đính. Theo lời của nhà văn Mạc Phi, bản tiếng Việt do Sở Văn hoá Khu tự trị Thái Mèo xuất bản dài hơn bản do NXB Hội Nhà văn công bố là 30 câu. Cả hai lần công bố đều là bản dịch tiếng Việt. Như thế, lần đầu tiên truyện thơ của dân tộc Thái được đến với bạn đọc cả nước. Cũng theo lời nhà văn Mạc Phi, tác phẩm này chưa hề được nói đến trên sách báo thời Pháp thuộc. Năm 1960, Hà Hem, Lò Văn Cậy, Mạc Phi khảo đính, biên soạn một bản Xống chụ son sao (tiếng Thái). Bản này dài hơn các bản tiếng Việt đã công bố năm 1957 (tại Hà Nội), 1958 (tại Tây Bắc); diễn biến của cốt truyện và của tâm trạng nhân vật có sự nhất quán rõ rệt, tất cả những chỗ lầm lẫn đã phát hiện đều được so sánh, sửa lại. Năm 1961, NXB Văn hoá (thuộc Viện Văn học, Hà Nội) công bố bản dịch tiếng Việt dựa trên bản tiếng Thái năm 1960. Trong bản dịch này, nhà văn Mạc Phi đã thực hiện công việc khảo dị, chú thích hết sức kĩ lưỡng và cẩn thận. Còn nguyên bản tiếng Thái Xống chụ xon xao được Sở Văn hoá Khu tự trị Thái Mèo xuất bản năm 1962 (không in phần dịch tiếng Việt).

Năm 2000, NXB Văn hoá dân tộc cho ra mắt cuốn Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao) do Nguyễn Khôi biên soạn. Trong sách này, ngoài nguyên tác tiếng Thái, hai bản dịch của Điêu Chính Ngâu và Mạc Phi, Nguyễn Khôi cũng công bố một bản thơ tiếng Việt của mình nhưng không dịch bám sát câu chữ mà rút gọn thành 1024 câu song thất lục bát.

Như vậy, hiện nay đã có 3 bản dịch sang tiếng Việt được lưu truyền:
- Bản dịch của Điêu Chính Ngâu (Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu), NXB Hội Nhà văn, 1957, 1960)
- Bản dịch của Mạc Phi (Xống trụ xon xao, NXB Văn hoá, 1961; NXB Văn học, 1973; NXB Văn hoá dân tộc, 1977)
- Bản dịch của Nguyễn Khôi (Sống chụ son sao: truyện thơ dân tộc Thái, NXB Văn hoá dân tộc, 2000)
Văn bản này và các văn bản khác được biết đều chép đến đây là hết. Năm 1961, ông Cầm Biêu - một nhà thơ Thái am hiểu vốn cũ dân tộc - có nói chuyện rằng ông được nghe một người bạn ở Sông Mã, tỉnh Sơn La kể lại là Tiễn dặn người yêu còn có thêm một đoạn nữa, nói riêng về người chồng thứ nhất của chị. Anh này nghèo khó, cũng bất đắc dĩ phải đến nhà chị xin thóc ăn. Vợ chồng chị cho anh ta một gánh thóc nặng mang về. Khi qua cầu, chẳng may anh ta đánh tuột một bên gánh xuống suối. Về nhà bà con chế giễu anh ta rằng "vợ cũ mà chỉ cho một bên gánh thôi ư?" Anh ta rất xấu hổ. Sau khi chết, anh ta biến thành con chim từ quy kêu cả đêm "háp háp... khon khon..." (háp là gánh, khon là một bên gánh). Theo chúng tôi và theo cả ông Cầm Biêu thì đoạn thêm vào này có vẻ lạc lõng. Cho đến nay, theo chỗ chúng tôi biết, cũng chưa phát hiện được văn bản nào có chép đoạn kết ấy.

[1] Ý nói lấy việc trước làm kinh nghiệm, soi sáng (bù đắp) cho việc tương lai.
[2] Từ xưa nhiều người tin rằng hễ cái thai nằm bên phải sẽ sinh con trai, nằm bên trái sinh con gái. Truyện bắt đầu kể từ lúc đôi bạn còn là hai cái bào thai.
[3] Cá ướp chua, một món ăn quý, có thể ăn không cần nấu chín.
[4] Một loại cá ngon, thường thấy nhiều ở sông Đà, sông Mã.
[5] Cũng như cá giếc (câu 11) không phải là thứ cá để ăn gỏi. Nói như thế cốt để nhấn mạnh cái ý thèm ăn của chua.
[6] Từ xưa có tập quán đẻ ngồi. Người ta cho rằng hễ là con trai thì đứa bé rơi sấp, là con gái thì đứa bé rơi ngửa.
[7] Dây buộc trâu tròng sẵn ở cột gầm sàn, chỗ nhốt trâu.
[8] Gian đầu giành riêng để tiếp khách đàn ông.
[9] Từ bếp chỗ nấu nướng, vào buồng, buồng thờ cúng, tức là cuối nhà đến đầu nhà.
[10] Ý nói đã hết tuổi chơi nghịch, bắt đầu có ý thức đỡ đần cha mẹ.
[11] Người Thái đen có tục nhuộm răng đen cho đẹp khi vừa đến tuổi thành gái, thành trai.
[12] Phong tục Thái đen, khi có chồng thì búi tóc ngược lên đỉnh đầu. Muốn búi tóc được to, đẹp phải dùng độn tóc, ý nói đã biết lo tính đến chuyện gia đình, hạnh phúc mai sau.
[13] Sàn khuống.
[14] Đàn nhỏ làm bằng một miếng đồng lá dài như chiếc lá tre; ngậm đàn trong miệng, tay gảy cho miếng đồng rung, dùng hơi tạo nên những bồi âm để diễn tả tình cảm. Đàn môi là đàn của tình yêu, của lòng trong trắng. Tục lệ cũ, con trai đến thăm bạn gái đêm khuya, trước hết phải gẩy đàn môi đánh tiếng, nếu không sẽ bị nghi ngờ là có dụng tâm xấu.
[15] Ý nói đang thời niên thiếu khoẻ mạnh, xinh đẹp; lại hàm ý cả hai đều là những người bình thường. (Tàu cải và lá dong là thức ăn, thức dùng bình thường hàng ngày).
[16] Áo mới, áo đẹp thường trùm lên đầu thay khăn hoặc vắt lên vai, đến nơi mới mặc vào người.
[17] Rào cao bao quanh nhà để đề phòng thú dữ.
[18] Sàn khuống đẹp.
[19] Bếp lửa trên hạn khuống dùng để soi sáng, sưởi ấm.
[20] Hạn khuống, sàn nửa lộ thiên dựng ở một địa điểm trung tâm bản. Sàn hình vuông cao khoảng một mét rưỡi, rộng khoảng 20, 30 mét vuông, xung quanh rào chấn song hoặc phên mắt cáo, để một cửa lên xuống có bắc một chiếc thang ba bậc, giữa sàn đặt một bếp lửa sưởi. Mùa đông xuân khô ráo, trăng sáng, trai gái trong bản tụ tập lên hạn khuống đốt lửa, quay xa, ca hát, thổi sáo.... vừa học hỏi, vui chơi, vừa tìm hiểu nhau. Phong trào hạn khuống trước kia rất thịnh, đặc biệt trong đồng bào Thái đen, từ 1919 trở lại đây do bị đế quốc Pháp xâm phạm, nhũng nhiễu mới tiêu điều dần.
[21] Tình yêu khăng khít gắn bó như những hạt xôi trong một nắm xôi bóp nhuyễn.
[22] Vua, chúa trên “cõi trời”.
[23] Then và trời theo quan niệm thông thường của nhân dân Thái, không có sự phân biệt, đều cùng một lực lượng huyền bí siêu tự nhiên, có sức mạnh vô hạn. Câu thơ ý nhấn mạnh nỗi lo sợ, Then hoặc trời đã thương lại sợ thương không trót, đã giúp lại sợ không vượt qua được ý muốn của cha mẹ, một nỗi lo sợ loanh quanh, bề nào cũng vẫn thấp thỏm.
[24] Một giống chim xanh trên rừng, kêu về mùa hạ.
[25] Từ xưa có tục bói áo khi ốm đau và để xem đường hậu vận hay dở. Hai bốn một năm: tên gọi quẻ của ông thầy, hai bốn là hai lần được quẻ hay, một năm là một lần gặp quẻ dở. Câu thơ nói hay nhiều hơn dở.
[26] Nguyên văn là chài ba khuỷ tay, cũng như lưỡi muôn mắt ở câu dưới chỉ là cách nói cho đẹp lời chứ không có ý chỉ thuộc tính của từng cái.
[27] Lưới bện bằng sợi tơ tằm. Ngày xưa, chài lưới đều bện bằng tơ tằm, không dùng gai như ngày nay, song thường gọi là chài tơ, lưới sợi (he lải, mõng may) chứ không gọi đích hẳn chài tơ, lưới tơ.
[28] Phong tục cưới hỏi cũ: cá chua đựng trong ống, cá sấy dựng vào sọt, nhà dân thường cũng phải từ 12 ống, 12 sọt trở lên để làm đồ sinh lễ, nhà quan từ 120 ống, 120 sọt trở lên.
[29] Chỉ cá đã sấy khô trên giang bếp.
[30] Bến sông Đà, thuộc xã Mường Bú, huyện Mường La tỉnh Sơn La, khu tự trị Tây Bắc ngày nay. Tà Bú cũng như Tà Hè, Tà Sại (câu 141. 142) trước kia là bến buôn bán sầm uất có tiếng. Theo gia phả họ Cầm (Thuận Châu) Mường Bú bắt đầu thành mường từ khi tướng Song Khuôn về chiếm cứ, dưới thời chúa Ta Ngần, khoảng thế kỷ XV sau công nguyên.
[31] Bến sông Đà, thuộc xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La ngày nay.
[32] Bến sông Đà thuộc xã Mường Sại, huyện Ouỳnh Nhai tỉnh Sơn La ngày nay.
[33] Ý nói xin được kết tình thông gia.
[34] Nhà sàn, đầu nhà gọi là quản, cuối nhà gọi là sàn sau hoặc gọi tắt là sàn (chãn). Thang lên chính ở quản, thang lên phụ ở sàn sau. Thang quản và gian quản dành riêng cho khách đàn ông, thang sàn và gian cuối. gian bếp nấu ăn. dành cho khách đàn bà. Tục lệ chia hai loại khách này, trước kia rất được tôn trọng, nay đã dần dần bãi bỏ.
[35] Có lẽ đã có một thời kỳ thịnh hành tục lạy chào người sống phải cởi búi tóc. Khoảng 50 năm trở lại đây, người ta chỉ cởi búi tóc khi làm lễ vĩnh biệt người chết.
[36] Gà gô, cun cút đều giỏi luồn lách, trốn lẩn, ý nói xin làm một chàng rể ngoan ngoãn, chịu khó, biết khiêm nhường, nhẵn nhục, không xấc lấc, ương bướng.
[37] Nằm riêng ở gian ngoài, gian nhà khách. Tục ở rể trước khi cưới vợ về nhà, người con trai phải ở rể từ 6 đến 12 năm. Thời gian ở rể đầu tiên (từ 3 tháng đến 3 năm) gọi là ở rể quản không được tính vào công ở rể chính thức. Người rể quản ăn riêng một mâm ở gian ngoài, ngủ riêng một màn ở gian ngoài, coi như khách ở chơi. Sau thời gian thử thách này mới được làm lễ chung chăn, chính thức thành rể. Cũng lúc đó, người con gái mới búi tóc ngược thành gái có chồng.
[38] Phản gỗ hẹp kê trước bếp tiếp khách, phía chỗ ngủ, dành riêng cho chủ nhà ngồi chơi, tiếp chuyện.
[39] Khoảng tre đặt sát mặt sàn, cạnh bếp, ngay phía cửa vào, nơi để tiếp khách; khi khách tới chơi thì trải chiếu cót lên trên để khách ngồi sưởi.
[40] Chỉ miền xuôi, người Kinh. Nón giấy Mường Púa có lẽ là loại nón bài thơ, mỏng và đẹp, mang từ dưới xuôi lên. Từ đây trở xuống, chúng tôi sẽ dịch là nón đẹp cho thoát nghĩa theo cách hiểu chủ quan của chúng tôi. Cả câu thơ ý nói không đáng được hưởng sự phú quý nhàn nhã, đội nón đẹp đi dạo chơi ven sông.
[41] Theo quan niệm cũ, con rể có ba nhiệm vụ: làm ruộng, đánh cá và đi săn. Đánh cá (đan chài) là nhiệm vụ thứ hai, sau việc làm ruộng.
[42] Theo tục cũ, ướp cá chua nhất là cá chua để đi hỏi vợ là công việc trang trọng không thể dối trá, cẩu thả. So sánh từ đây xuống, ta thấy rõ hai thái độ hỏi vợ trái ngược hẳn nhau.
[43] Xã Mường Sại, thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La ngày nay.
[44] Xã Mường Trai, thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La ngày nay.
[45] Gừng là món gia vị thường dùng cũng nằm trong các khoảng sinh lễ cần thiết.
[46] Một thứ lá dày, thường dùng để lót sọt mạ, sọt muối. Lá tạu chỉ dùng để gói trong tang lễ.
[47] Khi còn tục búi tóc, tóc dài mượt là là một trong những tiêu chuẩn đẹp. “Con người” nói ở đây phải đội tóc giả, khi quỳ lạy đứng lên thì tóc tuột, lộ ra một cái đầu trọc, không có tóc.
[48] Thành tấm chiên, to, sợi bện vào nhau bền chắc.
[49] Thành chiếc chiếu, cói, xe đan nhau nối liền; lời nói trao qua trao lại cũng chắc cũng liền như thế.
[50] Dao sắc chặt dong: một nhát là đứt băng, lời hẹn ước cũng chỉ một câu là thành, không thay đổi được nữa.
[51] Mương dẫn nước về ruộng.
[52] Củi gỗ dâu. Củi dâu không phải là thứ củi tốt nhưng có lẽ vì cây dâu gắn liền với nghề tằm tang, dệt cửi nên ở đây cho củi dâu một vị trí gần như đặc biệt.
[53] Sào bằng cây lăn, một thứ cây thuộc loại trúc, nhỏ và dẻo hơn trúc.
[54] Từ đây trở lên đến câu 245 là người con gái tự gọi vía mình, trở xuống câu 255 là gọi vía người yêu. Quan niệm mê tín xưa cho rằng mỗi một con người có năm chục vía đằng trước và ba chục vía đằng sau. Vía đằng sau thường hay bị lạc, nếu đã có người yêu thì vía thường hay tìm đến, phiêu du cùng vía bạn.
[55] Thang sàn thường làm bằng gỗ lát. Chỉ khác nhà quan thì làm thang hòm, nhà dân làm thang bậc, trống giữa.
[56] Khăn trùm đầu của phụ nữ, mầu chàm sẵm, hai đầu khăn piêu thêu xanh đỏ, đính hạt vải tròn.
[57] Ống tre bương dùng để múc nước, đựng nước. có đục lỗ để tra đòn gánh.
[58] Đá nháp, đá kỳ dùng để kỳ cọ cho chân tay sạch sẽ. Hai câu thơ ý nói không tìm được cách nào để gọt rửa nỗi lo lắng, vướng vít trong lòng.
[59] Hai câu thơ ý nói băn khoăn, thắc mắc không còn có thể để tâm trí vào việc mình làm.
[60] Giàn tre nhỏ có dây treo dùng để cất thức ăn.
[61] Giỏ đựng cơm xôi, có nắp đậy và dây treo, đan bằng mây hoặc mạy ỏ (một loại sậy mọc ở ven sông, ven ao).
[62] Móc bằng chạc cây vót nhẵn, dùng riêng để treo giỏ cơm.
[63] Danh từ riêng, chỉ một chi Xá ở vùng núi cao phía bắc khu tự trị Tây Bắc ngày nay.
[64] Người Xá xưa có tục xăm cằm. Tục xăm cằm dần dần mất. Danh từ xăm cằm thành danh từ riêng chỉ một chi người Xá Cẩu ở vùng Mường Tè (tỉnh Lai châu, khu tự trị Tây Bắc) vần còn giữ lại tục cũ.
[65] Ràng buộc, cuốn leo.
[66] Vịt không biết ấp trứng nên nghe lời vịt mất trứng; gà không tha bới vườn nên nghe lời gà mất vườn.
[67] Làn tre nhỏ, như chiếc cơi trầu dưới xuôi, phụ nữ Thái thường dùng để đựng con chỉ, suốt sợi. Làn là đồ dùng tuỳ thân của phụ nữ. Câu thơ ý nói người ngoài không khuyên bảo chuyện làm ăn chăm chỉ.
[68] Câu thơ ý ví người con gái khôn lớn, xinh đẹp trong sự chăm sóc, trìu mến của cha mẹ và của bản mường.
[69] Câu thơ ý nói con gái khôn lớn phải chọn chỗ nương tựa ví như đàn bươm bướm ra khỏi kén là phải bay tìm chỗ đậu.
[70] Câu thơ ý nói cha mẹ chỉ còn biết trông nhờ vào con cái khôn lớn, không thể nào khác. Những câu thơ dưới nói rõ thêm ý này.
[71] Rể yêu, rể quý. Tiếng út (lả, lũn) cũng như tiếng nhỏ (nọi) trong ngôn ngữ Thái, thường dùng để tỏ sự yêu thương, trìu mến.
[72] Ngày xưa, người ta thắp sáng bằng nến. Người ta lấy sáp ong hơ dẻo, bọc ruột sợi vào giữa rồi nặn, chuốt cho tròn, thẳng. Nặn nến sáp phải khéo léo, kiên nhẵn. Câu thơ ý nói nóng lòng sốt ruột, rối trí, luống cuống chân tay.
[73] Chim cu bay từng đôi, khi kiếm ăn luôn luôn gọi nhau. Câu thơ ý nói thấy cảnh hạnh phúc êm ấm diễn ra chung quanh cũng đừng nên chạnh lòng tủi phận.
[74] Ngày xưa, người ta làm giấy để dùng trong gia đình, nguyên liệu chính là tre và dướng, thường gọi là giấy vỏ dướng (chỉa năng xa) hoặc giấy dướng.
[75] Nguyên văn: mạy hịa xuấn pên tĩnh. Tĩnh một thứ ống múc nước, đựng nước dài vác trên vai, khác với bẳng cũng là ống múc nước, đựng nước, nhưng nhỏ và ngắn, có khoét lỗ để đòn gánh, một người có thể gánh tới tám bẳng. Người Thái đen thường hay dùng bẳng, người Thái trắng thường hay dùng tĩnh.
[76] Cành giang vừa thấp vừa ít lá, không phải chỗ trú tốt cùa gà cỏ. Gà cỏ đậu cành giang là tự phơi mình hứng lấy mũi tên của người đi săn.
[77] Đồng nghĩa với chồng hèn, chồng đần. Theo gia phả các tạo Thái và theo kết quả nghiên cứu của một số nhà sử học phương tây và Trung Quốc như Máparo, Pontalis, Aymonie... và Giang Ưng Lương thì dân tộc Thái từ vùng Síp Song Păn Na ở Vân Nam (Trung Quốc) di cư vào Tây Bắc Việt Nam từ thế kỷ thứ VII, thứ VIII sau công nguyên. Họ chiến thắng người Xá, nguyên ở Tây Bắc từ trước, và trở thành chủ nhân vùng đất đai rộng lớn. Người Xá ở địa vị kẻ chiến bại, bị khinh rẻ, áp bức, hắt hủi tù đầy. Cách chia người Xá theo quan điểm của giai cấp thống trị Thái có ảnh hưởng khá sâu tới các tầng lớp nhân dân lao động Thái. Tác phẩm cũng chịu ảnh hưởng ấy. Sự so sánh trong câu thơ này, ngày nay là sai lầm có hại.
[78] Câu thơ ý nói nên từ từ, bình tĩnh mà suy nghĩ, như nước máng rỏ từng giọt, như đường lỡ đổ, dù có tiếc mấy cũng phải kiên nhẵn, nhẹ nhàng vun vén, may ra còn lấy được chút ít, nếu vội vã thì đất cát sẽ lẫn hết vào đường
[79] Tên gọi theo tiếng kêu của chim. Giống chim này thường được gọi là chim bắt cô chói cột. Câu thơ ý nói đừng đợi hết mùa hè rồi mới chuẩn bị làm ruộng mùa, đừng để qua thời thanh xuân mới tính liệu đến chuyện gia đình.
[80] Câu thơ ý nói tạm cứ để người đến ở rể một thời gian để đỡ đần cha mẹ.
[81] Một loại sáo nổi tiếng ở Tây Bắc làm bằng ống nứa nhỏ có đóng lưỡi đồng; người thổi, đặc biệt chỉ dùng bồi âm diễn tả. Pí pặp là ống sáo riêng của tình yêu. Có truyền thuyết: Ngày xưa, có một đôi trai gái rất yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Họ đau đớn, khóc than với nhau bên một khóm nứa; khóm nứa đang xanh tốt bỗng héo khô vì thương cảm cho cảnh ngộ họ. Họ liền lấy khóm nứa nhân ái ấy làm thành ống sáo, đó là ống pí pặp.
[82] Một loại sáo cũng làm bằng ống nứa nhỏ, giống pí pặp, nhưng đóng lưỡi nứa. Người thổi làm một lúc hàng chục chiếc, luôn luôn thay đổi ống sáo mới, đôi khi gặp được chiếc hay, vừa ý, người ta cũng cất giữ khoảng một hai tháng, khoảng thời gian ống sáo chưa héo.
[83] Một loại kèn miệng loa bằng gỗ hoặc bằng đồng, hình dáng phảng phất như kèn bầu dưới xuôi, kèn la đặc biệt được dùng nhiều ở vùng Thái trắng phía bắc, nhất là huyện Phong Thổ (Lai Châu) tiếp giáp Trung Quốc. Tiếng pí pặp dịu dàng tha thiết, tiếng kèn la thì hùng tráng, sôi nổi.
[84] Một thứ lá độc, màu xanh bóng, vị rất đắng.
[85] Xôi nóng bỏng chưa quạt cho bay bớt hơi. Lá tươi giữ sức nóng được lâu. Lá tươi bọc xôi bỏng, xôi càng nóng lâu, càng dính. Lá tươi bọc lá tươi ở câu dưới cũng cùng ý ấy (xôi nóng bọc nhiều lượt lá tươi).
[86] Ví với người con gái, ngụ ý trách móc, nghĩa giống như thành ngữ Việt “một gái hai chồng”.
[87, 254] Rất nhiều đêm, đêm đêm.
[88] Tục ngữ: “Muốn ăn gạo, chữa bịch; muốn ăn dưa, chữa rào”, ý muốn nói làm việc gì cho có kết quả thì phải vun vén, chuẩn bị, tính liệu kỹ càng.
[89] Đáng lẽ phải là tay dài như tay vượn, tay ngắn như tay cóc. Hai câu thơ ví trái ngược để ngụ ý chua chát, tự mai mỉa.
[90] Theo quan niệm xưa của người Thái, rồng là một loại vật truyền thuyết thời cổ đại, tượng trưng cho mọi sự linh thiêng, tài giỏi, đẹp đẽ... Dân ca:
Mặt em như cô gái Kinh,
Lưng mình như cô gái Lự,
Điểm trang dáng đẹp như rồng.
Thành ngữ nói: "giỏi bằng rồng", "sướng bằng rồng". Trong tác phẩm này, câu 113. 114. cũng nhắc tới rồng với ý trên.
[91] Mạnh Tông hoặc Chàng Tông, nhân vật chính trong một truyện thần thoại. Mạnh Tông, cùng với Tử Vi, Tử Tư, Minh Hối là học trò của đạo sỹ Lâm Khan. Mạnh Tông học được nhiều phép giỏi, có thể biến cây thành người, gọi gió, gọi mưa, làm ra sông cạn, nước lụt. Đã có lần Mạnh Tông cưỡi mây lên che mặt trời. Sau Mạnh Tông cậy giỏi, làm hại bản mường nhiều quá nên bị thầy Lâm Khan thu phép về.
[92] Ngọn cây thiêng quý, khác những ngọn cây thường.
[93] Theo quan niệm mê tín xưa, người ta cho rằng mỗi người sinh ra đời đều do then đúc nên, có sẵn một sợi dây hoặc một cái móc, móc số mệnh treo trên trời. Chung liền một mệnh thì sẽ lấy được nhau, hoà hợp đến già. Con người ở dưới đất, bao nhiêu may rủi, hoạ phúc, đều do mệnh của người ấy treo trên mường trời quyết định trước. Mệnh không thể thay đổi, xê dịch, chỉ khi chết mệnh đứt.
[94] Me dại, quả tròn, khi chín vỏ ngoài vẫn xanh, lấy ăn thường bị quá nẫu.
[95] Me trồng ở cạnh nhà, cạnh bản, quả dài, khi chín vỏ màu nâu sẫm, dùng làm thức ăn chua.
[96] Câu thơ ý nói cây nọ ganh với cây kia, mọc cao, mọc cao mãi, cây cứ cao mà rễ không đủ bền thì tất sẽ bị gió đánh gẫy.
[97] Dưới chế độ phong kiến chúa đất, của cải đều là của phìa, của tạo, nên phải ngắt trộm, tranh nhau.
[98] Cầm sào đẩy thuyền. Trước kia phương tiện thông thương giữa các vùng chủ yếu là bằng đường thuỷ dọc theo sông Đà, sông Mã, sông Nặm Mức.
[99] Một vùng mỏ sắt thuộc Thượng Lào, có thể là ở khoảng gần Mường Sinh ngày nay.
[100] Một kiểu mai Lào, lòng mai hơi uấn theo hình lòng máng, ngậm rất chắc lưỡi gỗ.
[101] Ý chỉ những nơi xa lạ tận chân trời, cuối mây. Trong quãm tỗ mưỡng, đoạn kể về chúa Ta Ngần mở rộng đất đai có nhắc đến Mường Tênh: "thời gian sau, có hai chúa đất tên là An Nha, An Păn ở Mường Tênh, Mường Khem đã mang quân đến đánh phá đất Mường Lay, Pét Lam So mơi sợ hãi, phải chạy trốn về Mường Muổi" và "Cầm Len Sa làm sứ giả Mường Tênh..." và "Tạo Dẻ ở Mường Huốt, Chiềng giao thu được vật lễ của Mường Tang, Mường Luông". Những tên đất kể trên nay chưa rõ thuộc về đâu.
[102, 103, 104, 105] Danh hiệu chỉ ngày. Lịch Thái cũng theo can, chi, có mười danh hiệu thuộc về trời và mười danh hiệu thuộc về đất, hợp lại với nhau để chỉ ngày, giờ, năm, tháng. Mười danh hiệu thuộc về trời là: cáp, hặp, hãi, mỡng, pớk, cắt, khốt, huộng, tấu, cá, tương đương với thập can: giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý. Ý nói các câu thơ từ 503 đến 511 nói về việc đi phải chọn ngày, chọn mãi mới được ngày cáp là ngày tốt.
[106] Một giống cày hương, lông mặt sắc trắng bạc, đêm đi ăn, ngày ngồi nhắm mắt ngủ gật.
[107] Bìm bịp không bao giờ đứng im, mình đu đưa, nhún nhảy như người giã gạo.
[108] Một giống chim rừng, tên gọi theo tiếng kêu của chim.
[109] Một giống chim tiếng kêu vang xa, có nhiều về mùa hạ, đi đâu cũng thường nghe thấy tiếng chót bóp. Do đấy, có quan niệm chót bóp thích gần người, biết theo người.
[110] Khóm gừng và khóm nghệ trông giống nhau, dễ bị lầm. Câu thơ ý nói đã tưởng bị lầm trong việc chọn bạn, người yêu đã thay lòng đổi dạ, không phải con người thuỷ chung đáng quý như mình vần nghĩ.
[111] Loại cây sậy, có thể dùng để đan chiếu nằm.
[112] Câu thơ ý nói đừng ăn ở như con người tàn nhẵn, phũ phàng.
[113] Nơi sản xuất ra nhiều tơ, nơi đời sông yên vui thịnh vượng.
[114] So: Mường So, tên địa phương của huyện Phong Thổ, thuộc tỉnh Lai Châu ngày nay. Là: Mường Là, một Mường Thái thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Xưa ở phía nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cũng có một nơi gọi là Chi phủ So Là, nay không rõ ở đâu.
[115] Vải năm trăm chầu, mỗi chầu dài 4 sải (khoảng 3000 thước).
[116] Một thứ hoa vàng thắm rất đẹp, nổi tiếng sau hoa ban, thường được dùng để ví với sự cao quý, đẹp đẽ, đôi khi cũng dùng để ví với một nhan sắc lộng lẫy. Truyền thuyết về hoa mạ: Ngày xưa tướng Khun Chương đánh giặc, chết trên lưng ngựa, thân hình nát tan thành đất. Ngựa của ông cũng nát tan theo. Riêng bờm ngựa và hàm ngựa hoá thành hoa mạ (mạ: ngựa). Tới mùa hoa mạ nở lại có riêng một giống ve kêu, tiếng ròn rã như nhạc rung người ta thường bảo đó là ve nhạc ngựa Khun Chương (mãnh mák hính mạ Khun Chương).
[117] Khăn màu hoa đào, cũng có thể "đào"chỉ là một tiếng làm đẹp thêm lời thơ như "chài ba sải, lưới muôn mắt".
[118] Danh từ gọi chung giai cấp phong kiến thống trị. Mười chín đời tạo quan: mười chín đời quan thế tập, mười chín đời người (ngụ ý dài lâu không kể xiết).
[119] Nguyên văn là ngựa có cánh. Khi có người chết, người ta đẽo ngựa gỗ có cánh, trang trí xanh đỏ, treo trên cây tang (co heo) cạnh mộ để ngựa đưa hồn người chết về trời. Trên cổ ngựa gỗ, đeo những kỷ vật mà lúc sinh thời người chết quý nhất.
[120] Một loại ve rừng tiếng kêu rất hay, người ta thường ví với người tài hoa, có giọng tốt.
[121] Lúa đồ (khẩu hãng): lúa non nhưng đã quá độ làm cốm, lấy về đồ lên sau đó mới đem phơi, giã; khi ăn cũng ngâm và đồ chín như những thứ gạo khác. Tục ăn lúa đồ cũng tương tự như tục ăn cơm mới dưới xuôi.
[122, 123, 124] Tên những trái núi lớn thuộc các huyện Than Uyên, Mường La, miền nam khu tự trị Tây Bắc ngày nay, phía tả ngạn sông Đà.
[125] Bói cây. Có nhiều cách bói, hoặc bẻ một nắm cây nhỏ, tách ra từng bó đan vào giữa các kẽ tay, vừa cầu nguyện vừa thu may rủi, hoặc chọn một gióng cây có đốt, bẻ gập khúc rồi đo xem có thuận ý cầu nguyện không.
[126] Huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu.
[127] Một loại măng đắng rất được ưa chuộng.
[128] Theo tục ở rể, phải qua thời kỳ rể ngoài (nằm quản), bố mẹ vợ thử thách đã vừa ý mới cho nhập phòng, làm lễ chung chăn (sú phả). Tới lúc đó, bố mẹ vợ mới chia chỗ nằm cho đôi vợ chồng.
[129] Nhà nghèo không có bông mới phải góp nhặt lông vịt làm chăn. Nhồi lông vịt thêm chăn: nhồi lông vịt thêm vào chiếc chăn cũ thành chiếc chăn mới.
[130] Cỏ gianh già cũng mọc hoa như hoa lâu, làm đệm hoa gianh cũng là cảnh của người nghèo.
[131] Ý câu thơ nói thành của hồi môn dành sẵn khi chồng hết hạn ở rể thì về nhà chồng.
[132] Ba ngày rất xấu. Theo phép bói ngày, ngày cẩu cong là ngày thất đức, trúng ngày này, cha mẹ hoặc những người thân yêu nhất sẽ chết; ngày hõng phữm là ngày thất tài, làm ăn không việc gì nên; ngày hặp xảy, hặp tai còn xấu hơn nữa, đó là ngày thất lộc, chính bản thân sẽ gặp tai hoạ không tránh thoát.
[133] Theo tục ở rể, nếu lấy con gái nhà thường dân thì phải ở rể từ sáu đến tám năm, nếu lấy con gái nhà quý tộc thì phải ở rể từ mười hai đến mười ba năm. Thời hạn ở rể của chàng rể này là vào khoảng từ sáu đến bảy năm.
[134] Lời nói tôn lên cho sang trọng cũng như “sàn hoa” trong câu 115.
[135] Vịt lông biếc tía, vừa tầm béo ngon.
[136] Nguyên văn cũng viết là phủ, tên chỉ một đơn vị hành chính trên huyện hoặc châu. Danh từ chi phủ có thể bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XV thời Lê Quang Thuận (1460-1470) sau việc triều Lê đổi châu Phục Lễ thành phủ Yên Tây và Lộ Gia Hưng thành phủ Gia Hưng lệ vào thừa tuyên Hưng Hoá. Từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ XIX, phủ vẫn giữ nguyên chỉ thêm bớt một số châu bên dưới. Năm Thiệu Trị thứ nhất truyền Nguyễn (1841) lại đặt thêm phủ Điện Biên, cắt các châu Tuần Giáo, Lai Châu vào. Sau năm 1895, giặc Pháp hoàn thành việc xâm lược Tây Bắc, phủ bị bãi bỏ, các châu Thái trực thuộc vào hai tỉnh Sơn La, Lai Châu. Ngày nay danh từ phủ vẫn còn hoạ hoằn thấy dùng với ý nghĩa là một nơi cửa quyền uy nghiêm lộng lẫy.
[137] Từ đây trở đi, so tháng kể với những đoạn tả thời tiết và công việc làm trong tháng, thấy không thật chính xác và có khi trái ngược. Có lẽ tháng ở đây tính lẫn lộn, khi theo âm dương lịch (lịch Tây) khi theo lịch Thái chăng? Dù sao chúng tôi cũng thấy không quan hệ lắm. Người đọc vẫn hiểu rằng người con gái đã khôn khéo thoái thác, lẩn lừa, chưa muốn về nhà chồng vội, cố đợi người yêu về kịp để giải phóng cho mình. Lịch Thái đại khái cũng tính một năm là 12 tháng, nhưng chệch với âm dương lịch khoảng 6 tháng, ví dụ tháng 12 lịch Thái là tương đương với tháng 6 âm dương lịch. Trừ tháng giêng lịch Thái cũng gọi là tháng giêng (bươn chiêng), các tháng Thái đều gọi theo số cho đến tháng 12; ở đây chúng tôi dịch tháng mười một, mười hai là tháng một tháng chạp cho tiện.
[138] Theo quan niệm mê tín xưa, mỗi người sinh ra đời đều do then đúc nên; con người ta quý tiện, khoẻ yếu khác nhau là do mỗi người đã được rập theo một khuôn đúc khác nhau. Khuôn đúc lưu lại trên trời, có ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh con người nó đã đúc ra.
[139] Thiên đường.
[140] Lẵng đan bằng tre có dây đeo qua vai, phụ nữ bước ra khỏi nhà là đều đeo lếp theo.
[141] Đoạn thơ nói:sợ gặp rủi ro chồng chết sớm, phải chịu cành goá bụa, quay về ở với cha mẹ đẻ.
[142] Hai câu thơ ý nói: sẽ gặp cảnh bản mường điêu tàn; đến nỗi bật cả tiếng chiêng, tiếng trống, mất cả tục lệ cầu cúng, lễ bái.
[143] Ý nói gặp điều rủi ro, bất trắc giữa đường.
[144] Nước trên núi chảy xuống, dồn từng bậc ruộng này xuống bậc ruộng khác, hợp thành hình ảnh trăm ngọn thác nhỏ reo vang.
[145] Ý nói tháng chín trời giông bão, nhiều tai hoạ động rừng động bản.
[146] Hai câu thơ nói bố mẹ chồng sẽ đón tiếp dâu con một cách mừng rỡ, quý trọng đặc biệt. Tục lệ cũ, các bậc già cả chỉ ngừng tay chài, tay cửi khi có khách quý tới nhà.
[147] Tây Bắc trước đây vần có tiếng đồn là sản xuất nhiều bạc tốt.
[148] Ngày huộng và ngày hài cách nhau 5 ngày.
[149] Ý nói nay đã trở nên giàu có, phong lưu.
[150] Hai câu thơ ý nói đường đi ròng rã gian khổ, tối đâu ngủ đấy, đói đâu ăn đấy.
[151] Đồi nương mới đốt, trên mặt đất còn nhiều dấu tro than.
[152] Theo truyền thuyết lịch sử Thái: Vào buổi khai thiên lập địa, trên trần gian muôn vật đều biết nói. Rái cá biết trả lời, Nai, hoẵng biết kêu than. Cú vọ, chim ưng biết kể chuyện. Lợn chó biết cáo xin. (Quãm tỗ mưỡng bản dịch của Cầm Trọng, Cầm Quynh, nhà xuất bản Sử Học, Hà Nội, 1960). Truyền thuyết này được phát triển trong nhiều truyện cổ tích và nhiều tác phẩm văn học cổ điển khác.
[153] Hai câu thơ cố ý tạo nên một hình ảnh trái lẽ. Theo Điêu Chính Ngâu thì đó là tỏ ý gặp điểm gở, xấu (Xống chụ xon xao, Điêu Chính Ngâu sưu tầm và dịch, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 1957, trang 40, dòng chú thích).
[154] Lúa gặt xong, chưa mang về nhà ngay, đánh đống ở giữa ruộng.
[155] Một loại sóc nhanh và tài nhảy cao, người Thái Tây Bắc gọi là hon, người Tày Việt Bắc gọi don, trong kháng chiến, người Kinh cũng gọi theo người Tày là don.
[156] Ý khinh bỉ, chê bai. thành ngữ "xấu như ma", "bẩn như ma". Lại có ý là tai quái, bịp bợm, thành ngữ "gian ác như ma".
[157] Chỉ những chị em nhà chồng tới đón dâu.
[158] Máng gỗ dài khoét bằng nguyên một khúc gỗ dùng để giã gạo bằng tay. Nay ở một số vùng Thái trắng và vùng Mường, huyện Phù Yên (Sơn La) vần còn thấy dùng xen với cối giã bằng chân để tuốt lúa, giã cốm, hoặc khua vui ngày tết, ngày cúng. Hai câu thơ ý nói: người ta đang chuẩn bị tiệc tùng, ăn uống.
[159] Cải reo vừa mọc, nảy hai lá non xoè hai bên như hai cánh bướm. ý nói: khi ra đi mọi việc còn đang êm đẹp, đầy hy vọng.
[160] Một thứ hòm đan bằng mây hoặc dang, hình bầu dục. Khi người thiếu phụ về nhà chồng, trừ rượn là dùng dậu, sọt để gánh còn quần áo, chăn đệm, của hồi môn đều xếp vào trong bem hoặc đặt lên nắp bem gánh đi.
[161] Sàn khuống quen thuộc thân yêu. Nhỏ có nghĩa trìu mến, yêu thương, không có nghĩa đối lại với to.
[162] Thông thường khi con gái đến thời, có nhiều nỗi riêng tây thầm kín, đều được cha mẹ cho đắp "chăn riêng", nghĩa là ngủ riêng một màn một đệm. ở đây. câu thơ nói lên một sự trái lẽ thường với với một giọng như là thuận lẽ, hợp với câu sau hàm một ý chua chát, cay đắng.
[163] Ý nói nhiều ngày, ngày ngày.
[164] Cột cái, cột con đẽo thon bên trên thành hình đuôi cá, đuôi nhạn.
[165] Sọt nhỏ đan bằng mây hoặc dang, dùng để đựng thóc, có hai quai đan liền để tra đòn gánh.
[166] Một thứ giàn hình ống, cao, dùng đặt chậu gạo nếp ngâm lên trên để súc vật khỏi ăn vụng.
[167] Một thứ giàn tre hình mặt phẳng, treo bên trên bếp lửa để dặt các thứ lặt vặt và để sấy khô thức ăn.
[168] Ổ hình tròn hoặc bầu dục, nhỏ, tết bằng lạt, để tằm bám vào đấy dăng tơ làm kén.
[169] Nùi lạt buộc khéo, hai đầu lạt gài tách ra như hai cánh bướm.
[170] Người Trung Quốc.
[171] Kho muối và nhà buôn tượng trưng cho sự sung túc, giàu có.
[172] Ta ơi, ta hỡi: tự mình gọi mình, một cách nói tự ý than thở đau đớn.
[173] Chỉ nhà họ hàng bên chồng. Phong tục cũ, người thiếu phụ về nhà chồng phải đi lạy chào suốt lượt họ hàng nhà chồng, chú chồng, bác chồng... để nhận lời chúc và đồ mừng. Cuyộc lễ ra mắt ấy nhiều khi kéo dài hàng tháng nhất là các dòng họ giàu, họ đông.
[174] Tục lệ, phép và luật cản trở, sừng sững như gốc tùng, uy nghiêm như gốc quế. Dù vậy, cả đến phép tắc trong gia đình (phép của mẹ hiền) được coi là phép lớn giữ liền trong tim cũng vẫn vì tình yêu mà gác bỏ ra ngoài. Phép lớn chỉ phép tắc trong gia đình. Phép cả, phép thiêng chỉ luật pháp, lệ tục ngoài xã hội.
[175] Ý nói hãy còn sống đây, còn đủ mưu trí, dũng cảm.
[176] Thép do người Kinh đúc.
[177] Ý nói dù có bị lệ làng, phép quan phạt vạ nặng nề bao nhiêu cũng không coi ra gì.
[178] Một giống chuột rừng nhỏ, lông xám nâu, có một sọc vàng giữa mình.
[179] Nai quý. Phải chăng câu này có ý tự ty, ví mình như bò vừa gặm bị kẻ tình địch như nai vàng đến phá.
[180] Người Thái đen có tục hoả táng (thiêu xác). Muốn xác cháy đượm, cần có hơi hương của người thân yêu nhất. Người ta đốt cùng với xác chết khăn, vải, áo lót hoặc hai ba sợi tóc của người thân, coi như thêm dầu cho giàn hoả. Người ta tin rằng kẻ cô đơn, không người thân thiết, xác thiêu không cháy hết, còng quèo, dang dở, vong hồn không siêu thoát. Câu thơ ý nói không lấy được nhau coi như suốt đời không còn có ai thân yêu, đành mượn hơi hương da thịt người yêu ngay từ lúc này để mai sau có chết cũng không đến nỗi thành kẻ cô quạnh, lửa xác được nhờ hơi hương ngày nay mà cháy đượm, vong hồn được siêu thoát.
[181] Vòng nặng một nén, cũng có thể có ý nói vòng đúc bằng bạc nguyên nên, bằng bạc tinh, không lẫn tạp chất.
[182] Ba nhánh của một dòng suối. Câu thơ ngụ ý nói tình thế đã trở nên tuyệt vọng.
[183] Do tích truyện cổ Khun Lù, Nàng Ủa (Chàng Lù, Nàng Ủa) của dân tộc Xá. Chàng Lù và Nàng ủa yêu nhau tha thiết từ nhỏ, lớn lên nàng ủa bị mẹ cha cưỡng gả cho một tù trưởng có thế lực.Cả hai cùng tự vấn, kiện lên trời. Nhưng chính trời lại là kẻ chủ mưu trong câu truyện oan trái này. Họ bị đầy thành hai ngôi sao, mỗi ngôi sao đứng ở một góc trời, mãi mãi trông đợi nhau mà không được gần nhau. Một ngôi sao là sao Khun Lù, một ngôi sao là sao Nàng ủa. Hai ngôi sao này người Kinh cũng thường quen gọi là sao Hôm, sao Mai nhưng thực ra chỉ là một hành tinh (Vệ Nữ) trông thấy vào lúc đầu đêm, cuối đêm (hành tinh Vệ Nữ còn được gọi là sao Kim).
[184] Mùa nước lũ.
[185] Tên gọi theo tiếng kêu của chim, một thứ chim đẹp lông màu xanh, hót vào mùa hạ, tiếng hót cao và buồm.
[186] Tạm dịch theo nghĩa chữ “tổn khương cẵm”, một thứ cây leo hay mọc ở gần bản, thân vàng óng đỏ, rất đẹp.
[187] Một loại cây to, có quả vị chua,ăn được, thường mọc ở ven đường, ven suối.
[188] Một thứ hoa nhẹ như hoa lâu, nở và rụng khoảng đầu mùa đông, lúc nhiều gió mạnh.
[189] Một trong hai con sông lớn ở Tây Bắc, phát nguyên từ vùng Bản Xẻ, Mường Lói huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên, chảy dọc huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) qua một phần đất thượng Lào, rồi qua Hồi Xuân, Thanh Hoá ra biển. Câu thơ ý nói hoa nhẹ nổi trên mặt nước trôi xuôi theo dòng nhưng lại nổi một trận gió to đưa hoa trôi ngang qua sông rộng lớn; ngụ ý dầu khó khăn nhưng không phải là đã tuyệt vọng, vần có thể xảy ra những chuyện may mắn đặc biệt. ý này được tỏ rõ thêm ở hai câu liên tiếp (1198-1199).
[190] Hai câu thơ ý nói về xuôi, tiếng đồn lớn như thuyền; lên ngược tiếng đồn lớn như voi. Dân ca cũng có hai câu cùng một ý ấy: Đồn về xuôi tiếng đồn bằng thuyền; đồn lên ngược tiếng đồn bằng em (Tản chụ xiết xương).
[191] Hai miếng gỗ bắt chéo, đẽo thành cành hoa, sơn trắng, cắm ở hai đầu nóc nhà. Tục truyền khi người Thái ở phương bắc di cư xuống, họ đi vào lúc trăng khuyết. Để sau này còn tập hợp nhau được, họ hẹn nhau rằng hễ đi đâu, ở đâu thì đẽo hình trăng khuyết cắm chéo trên nóc nhà và sơn trắng để làm dấu hiệu, đêm trăng tờ mờ vẫn dễ tìm và nhận ra nhau. Người Thái trổ cửa sổ theo hình cong lưỡi liềm cũng là trên ý nghĩa ấy.
[192] Chỉ có những nhà thuộc dòng tạo (quý tộc) mới được ngăn riêng một gian đầu quản để làm buồng thờ. Nhà thường dân giành một khoảng hẹp cạnh chỗ ngủ của chủ nhà để làm chỗ thờ, không dược phép ngăn riêng thành một gian.
[193] Nhà giang, nứa buộc bằng lạt. Bao nhiêu lạt buộc trong nhà đều vót kỹ cho trơn nhẵn phải là giàu sang, thừa thãi công sức lao động.
[194] Khung đất nện bốn xung quanh đóng khung gỗ đặt lên sàn, trên khung đất trải tro bắc kiềng đun nấu.
[195] Một cách nói mỉa.
[196] Hai câu thơ có thể có ý khinh miệt, nhà rách mới chặt hẹp chỉ đáng cho chuột rúc, chim chui, không đáng để người bước vào. Nhưng việc anh ở lại với chị một thời gian sau khi chị đã về nhà chồng là một việc được chứng thực trong những đoạn tới. Ở đây, không thể hình dung rõ việc anh lên nhà chồng chị như thế nào, bằng cách nào?
[197] Tục lệ cũ con dâu con rể làm điều gì phạm đến các phép kiêng kỵ hoặc phong tục tập quán, nhà chồng, nhà vợ phải soạn lễ cúng để xin lỗi, đền tội. Cúng to, cúng nhỏ tuỳ lượng cha mẹ và một phần tuỳ theo tội lỗi. Cả đoạn, từ câu 1260 xuống đến 1282, anh dặn dò chị trong cách ăn ở phải giữ gìn đúng với lệ tục để tránh bị vạ phạt, chỉ riêng "trái tim" thì "đừng quên tình cũ".
[198] Chỗ đầu cánh nhọn ngoài cùng.
[199] Chỗ móng chân gà.
[200] Ý nói canh để phần ít quá, chấm không được, chan không được.
[201] Hai câu thơ ý nói không ăn thì đói, ăn thì tủi thẹn nuốt xuống không trôi. Nhà quan và khách ở đây chỉ có ý chỉ chung quanh người ngoài, hàng xóm.
[202] Thành ngữ Thái: "nuôi con bằng nhện" có nghĩa là không có gì để nuôi con cả.
[203] Đun sôi hoặc nấu chín không dùng bằng nồi bằng siêu mà dùng bằng gióng tre, gióng nứa tươi. Cơm lam: cơm nấu chín bằng gióng tre nứa (đúc gạo nếp ngâm sẵn vào gióng nứa, đổ nước xâm xấp, nút chặt, đốt ống nứa tươi đến khi cháy hết lượt vỏ dày bên ngoài thì cơm chín).
[204] Câu này, hình ảnh nguyên văn là chết thành cây ấu, dây ấu bồng bềnh trong nước, cùng chung một ao. Xét không hại đến ý câu thơ, thay bằng hình ảnh bèo trôi nổi ao chung.
[205] Xem lại chú thích sao Khun Lù ở trước.
[206] Bán xong không thu lại được.
[207] Sau khi thu về không còn biết đám nào gặt ở ruộng nào.
[208] Suốt từ lúc gió nổi đến lúc gió lặng là một đời gió (trận gió). Tàn đời gió tức hết một trận gió. Cũng có ý là gió thổi mãi mãi vẫn không rung chuyển, bao giờ hết gió, không có gió nữa mới là tàn đời gió.
[209] Ngày sinh nhật, chỉ tính theo ngày mà không kể tháng. Tính ngày như cách tính theo thập can, chưa hết một vòng lại quay lại danh hiệu cũ tức là cứ hết mười ngày lại tới ngày sinh một lần. Trong ngày sinh chỉ kiêng những việc đặc biệt quan trọng như đi chơi xa, bắt đầu xuống cày, xuống cấy, bắt đầu gieo nương, hoặc đi vay mượn tiền bạc. Đi rừng hái củi và mọi việc hàng ngày thì không kiêng. Tục kiêng này cũng chỉ áp dụng vào ngày sinh của những người đứng đầu gia đình mà thôi (xem lại chú thích trên).
[210] Theo tục lệ, tới ngày kỵ giỗ tổ tiên, con cái trong nhà phải chia nhau lên rừng, xuống suối kiếm cá, kiếm măng về góp cúng. Con dâu phải đi kiếm cá mới là dâu hiền.
[211] Bắt đầu từ hai câu này trở xuống, anh lại dặn chị ngược lại với những lời dặn trong đoạn trên. Đã giữ gìn mà vẫn cứ bị hành hạ, đánh đập thì hãy làm tất cả mọi điều mà người ta cho là "chướng tai gai mắt", những điều từ xưa vẫn phải kiêng tránh.
[212] (Sau hóng) cột sàn chỗ dành làm buồng thờ.
[213] Có hai nghĩa: (1) đã lâu lắm rồi, đã tới lúc đáng phải quên đi; (2) lúc sắp hấp hối, trí nhớ lẫn lộn, sắp sửa quên hết mọi sự, mọi việc ở đời.
[214] Một thứ hoa rừng đẹp, màu đỏ, trẻ con thường hay ngắt chơi. Ngụ ý đừng quên thời thơ ấu.
[215] Một giống gừng dại, củ nhỏ, ít vị thơm cay. Ngụ ý đừng quên khi hèn khó.
[216] Từ câu này trở xuống tới câu 1476 nêu lên những chuyện chưa từng có, nếu những việc không xảy ra được mà vẫn xảy ra thì cũng đừng quên. Chớ quên, hoặc đợi đến khi xảy ra chuyện lạ chưa từng có thì hãy quên (hai cách nói).
[217] Rừng nhỏ, rừng thưa, gà rừng không ở.
[218] Mùa bông nương tháng chín, tháng mười (mùa thu. đông) cuốc không thể gọi hè vào mùa thu đông được.
[219] Một loại cây có củ ăn được, cũng giống với khoai sọ.
[220] Một giống chim rừng mình nâu, đầu trắng không hay đậu, bay luôn, kêu thì kêu cả đàn, tiếng to vang động như tiếng loài thú. Dưới xuôi, có nơi gọi là chim láo đáo hoặc liếu điếu.
[221] Cá sấy khô trên gác bếp.
[222] Quả núc nác, một thứ quả bao giờ cũng rủ xuống cũng như hoa chuối rừng bao giờ cũng mọc dựng ngược.
[223] Phụ nữ Thái đen có tục lấy chồng thì búi tóc ngược lên trtên đỉnh đầu. Khi đã có chồng cho đến lúc chết, không ai có thể quên búi tóc ngược lên đỉnh đầu vì không thể quên rằng mình đã có chồng.
[224] Chỉ lưu hữu ngạn của sông Hồng, phát nguyên từ huyện Cảnh Đông, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào Việt Nam qua Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình rồi chảy vào sông Hồng, khúc sông ở Trung Quốc gọi là Bả Biên Giang.
[225] Ý nói từ xưa chưa hề có lỗi lầm gì với nhau, dù là rất nhỏ.
[226] Sông Thao, sông Đà. Sông Thao là tên gọi một đoạn sông Hồng từ Việt Trì lên phía trên.
[227] Ngọn cây ngọc của "nhà trời", ví với người yêu, tỏ ý yêu quý.
[228] Giàn treo trên gác bếp nấu, không được khói lửa sưởi ấm, chỉ cảnh nghèo hèn và cảnh cô đơn lạnh lẽo.
[229] Loại cây thuốc họ dâu tằm, vỏ dùng làm giấy, làm thừng, nhựa cây rất dính, trẻ em thường dùng nhựa dướng để bẫy chuòn chuồn.
[230] Con mắt liếc ngang thấy qua đầu vai, đuôi mắt như quyện, như gắn vào đầu vai vậy. Ý nói sắp chán nhau lại yêu nhau thắm thiết trở lại. Cũng có thể có ý vì đôi tình nhân như đuôi mắt với đầu vai gắn với nhau.
[231] Voi quý, ngà bọc vàng, bọc bạc! Truyền thuyết lich sử Thái có ghi: "Hơn nữa, họ (vua Lào ở Luông Pha Bang) lại muốn hoà hoãn để bản mường yên ổn nên phải mang voi có ngà bọc bạc, bọc vàng đến biếu Ta Ngần. Con voi ấy, Chúa đã mang xuống xuôi để tiến vua Kinh nhưng voi đến giữa đường cứ quay về chủ cũ" (Quãm tỗ mương). Câu thơ có ý nghĩa ước như voi quý xưa lại được quay về quấn quýt với người cũ.
[232] Áo nhuộm màu chàm biếc, nắng chiếu lấp loá đẹp như màu cánh con cánh cam.
[233] Một loại lá dong xấu.
[234] Hai câu thơ ý nói dù có phép lạ lùng biến cái nọ thành cái kia.
[235] Ý nói đã mất thời cơ, việc đã lỡ rồi.
[236] Người con trai tự chỉ mình, ngụ ý đâu xót, đã thành một gã trai buôn, đã phong lưu nhưng vẫn mất người yêu.
[237] Đắp suối (chắn suối) để bắt cá kiếm thức ăn trên dọc đường về nhà; suối ba dòng: ba nhánh của một con suối.
[238] Câu thơ chỉ có thể hiểu theo nghĩa than thở, trách móc người yêu.
[239] Lều dựng tạm, lợp bằng lá chuối rừng, khi lá úa vàng lại thay lá mới.
[240] Tức là nằm giữa cánh đồng.
[241] Miếng cơm nhỏ bằng đầu tên, bằng đầu chiếc đũa.
[242] Vải hẹp khổ, dệt thưa, bằng loại sợi xấu. Khổ vải trung bình là vải khổ tám.
[243] Phong tục cũ, ngoài công ở rể và tiền sinh lễ, người chồng còn phải nộp cho cha mẹ vợ một món tiền đền công sinh dưỡng gọi là giá người (“ca hua” hoặc “ca cỗn”). Món tiền này có thể trả dần. Chưa trả được giá người thì chưa có đủ toàn quyền về sinh mệnh người vợ, không thể đem bán hoặc đem đổi, chỉ có một cách là đuổi về nhà ngoại. Đó chính là trường hợp trong chuyện này.
[244] Đủ chảy tràn theo năm máng nước lần (lần là máng dẫn nước).
[245] Cây sung ít khi nở hoa, mùa hoa sung nở là một điểm may mắn hiếm thấy. Câu thơ ý nói đã hết thời may mắn, sung sướng.
[246] Nhà quan, tiếng gọi tôn kính.
[247] Tục lệ cũ, lấy người đã qua một đời chồng thì được cưới về nhà ngay, không phải ở rể trong trường hợp người chồng trước đã đủ hạn ở rể rồi.
[248] Theo tục Thái, đó là điều kỵ nhất.
[249] Ở đây người chồng mới. người chồng thứ hai. đã trả đủ “giá người” nên có toàn quyền về sinh mệnh người vợ.
[250] Chỉ người chồng thứ ba túc người tình nhân cũ.
[251] Đoạn thơ từ câu 1726 đến câu này là nói người yêu cũ khoán giao mọi việc to nhỏ trong nhà bắt làm, không nên lầm với ý phó mặc, tin cậy.
[252, 253] Gỗ cặt, gỗ mữ là hai thứ gỗ chắc và nhẹ.
[87, 254] Đêm đêm.
[255] Tên một thứ hoa được nói tới nhiều trong dân ca nhưng trong đời thực rất ít người thấy. Theo nghĩa chữ thì đó là thứ hoa muôn màu, muôn sắc.
[256] Con gái đến tuổi dạy thì thường thu góp chỉ màu, vải đẹp để thêu thùa, may mặc, chuẩn bị cho ngày lấy chồng. Câu thơ ý nói lại sống lại những ngày vui sướng,rạo tực của thời thanh xuân.
[257] Ý nói đừng làm cái gì thái quá, làm thái quá có hại.
[258] Con dúi và con tê tê chạy trốn, đào lỗ sâu vào trong đất rồi cuối cùng cũng vẫn phải chui ra. Ý nói cứ từ từ, bình tĩnh, rồi cũng sẽ được như nguyện.
[259] Đổi tay cầm chầy, ý nói xin giã gạo đỡ.
[260] Ý nói xin hầu hạ, phục dịch. Đỡ đầu roi, chuôi kiếm: thành ngữ tượng tự như thành ngữ Việt “nâng khăn sửa túi”.
[261] Măng nhỏ, măng vụn, lẫn nhiều rác.
[262] Hoa nhỏ lấm tấm. Cây bợ mọc bò ở những chỗ ẩm, lá gồm bốn lá kép xếp thành hình chữ thập, dùng làm rau ăn được. Tục ngữ Việt: rau bợ là vợ canh cua.
[263] Áo dài của phụ nữ Thái đen màu chàm sẵm, gấu áo bên trong và các đường viền tả bên trong đính vải xanh, đỏ, vàng... khi lật tà áo buộc ngang thắt lưng trông như dải nhiều màu.
[264] Ý chỉ người chồng thứ nhất của chị.
[265] Ý nói hãy biến tình duyên không may mắn (phải bỏ vợ) thành tình duyên may mắn.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Tiễn dặn người yêu