28/04/2024 06:14Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cảm thuật kỳ 1
感述其一

Tác giả: Nguyễn Xuân Ôn - 阮春溫

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Nguyễn Đông Ngạn vào 11/09/2010 02:01

 

Nguyên tác

蟲章貂尾舊衣冠,
日與豺狼處此間。
我國山河蠶食去,
誰家門戶燕飛還。
吳牛月喘南郊暑,
胡馬風嘶北地寒。
物類且能知水土,
處堂燕雀獨安閒。

Phiên âm

Trùng chương điêu vĩ[1] cựu y quan,
Nhật dữ sài lang[2] xử thử gian.
Ngã quốc sơn hà tàm thực[3] khứ,
Thuỳ gia môn hộ yến phi hoàn[4]?
Ngô ngưu nguyệt suyễn[5] Nam giao thử,
Hồ mã phong tê[6] Bắc địa hàn.
Vật loại thả năng tri thuỷ thổ,
Xử đường yến tước độc an nhàn[7]!

Dịch nghĩa

Vẻ trùng và đuôi con điêu, phường áo mũ cũ,
Hằng ngày cùng loài sài lang ở chung chỗ này.
Giang sơn nước ta bị nó lấn dần như tằm ăn lá dâu,
Chim én bây giờ bay về nương vào nhà ai?
Trâu đất Ngô thấy trăng mà thở vì quen sợ nắng cõi Nam.
Ngựa xứ Hồ hí trước gió vì quen nhớ cái rét đất Bắc,
Loài vật còn hay hiểu biết khí hậu đất nước,
Mà người ta lại như chim én chim sẻ nương náu trong nhà cứ cho là yên.

Bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Hà Văn Đại

Nếp xưa áo mũ vẻ trùng điêu,
Chung sống ngày ngày với sói beo.
Sông núi nước ta tằm lấn mãi,
Cửa nhà ai đó én bay theo.
Trâu Nam thở rược khi trăng sáng,
Ngựa Bắc kêu dồn lúc gió heo.
Loài vật còn hay quen thuỷ thổ,
Riêng phần én sẻ cứ tiêu dao.
[1] Trùng 蟲 là tiếng gọi chung của các loài sinh vật. Áo vua quan đời xưa đều thêu các thứ chim muông, cho nên gọi là “trùng chương”. “Điêu” là một loài muông nhỏ, người xưa dùng đuôi nó để trang sức một thứ mũ của quan lại. Ở đây nói ăn mặc xiêm áo của mình.
[2] Ở đây chỉ vào người Pháp.
[3] Ví như tằm ăn lá dâu, cứ từ ngoài ăn dần vào cho hết lá.
[4] Thơ xưa có câu: “Cựu thời Vương, Tạ đình tiền yến; Cánh bạng thuỳ gia môn hộ phi?” (Những con chim yến ở trước sân nhà họ Vương, họ Tạ là các quý tộc đời Tấn ngày xưa, lại dựa vào nhà ai mà bay?) Ở đây ý nói, cựu thần mất nước, không có nơi nương thân.
[5] Mãn Phấn đời nhà Tấn nói: “Trâu đất Ngô, vì ở xứ nắng, thường thở mạnh, khi nó thấy trăng mọc, sợ là mặt trời nên cũng thở.“
[6] Cổ thi có câu: “Hồ mã tê Bắc phong” (Ngựa Hồ thấy gió Bắc thì hí, vì nó ở xứ rét quen). Hai câu này ý nói loài vật cũng biết nhớ xứ sở.
[7] Đời Chiến quốc, nước Tần đánh nước Triệu, vua tôi nước Nguỵ không lo gì. Khổng Tử Thuận nói: Triệu mất thì Nguỵ bị tai vạ đến nơi, cũng như chim én chim sẻ ở trong nhà, không biết nhà sắp bị cháy.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Xuân Ôn » Cảm thuật kỳ 1