24/04/2024 20:03Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tiễn Lê Trung Lượng thăng thụ Bình Thuận án sát chi lỵ
餞黎忠亮陞授平順按察之莅

Tác giả: Nguyễn Xuân Ôn - 阮春溫

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 10/06/2016 20:38

 

Nguyên tác

藩閫封章達五雲,
大邦有命簡能臣。
靈州那得資元昊,
穎郡猶思借寇君。
持節建旌臨此地,
枕戈擊楫讓何人。
須知幽薊中原物,
雪夜君王下錦裀。

Phiên âm

Phiên khổn phong chương[1] đạt ngũ vân[2],
Đại bang hữu mệnh giản năng thần.
Linh Châu na đắc tư Nguyên Hiếu[3],
Dĩnh quận do tư tá Khấu quân[4].
Trì tiết kiến tinh lâm thử địa,
Chẩm qua[5] kích tiếp[6] nhượng hà nhân.
Tu tri U Kế[7] trung nguyên vật,
Tuyết dạ quân vương hạ cẩm nhân[8].

Dịch nghĩa

Tờ sớ chốn biên thành dâng lên nhà vua
Nước lớn có mệnh lệnh, chọn ông quan có tài năng
Đất Linh Châu sao được đưa cho Nguyên Hiếu
Quận Dĩnh Xuyên còn lo mượn tài Khấu Tuân
Cầm gậy tiết, dựng ngọn cờ, tới cõi đất ấy
Gối cây giáo, gõ mái chèo, có nhường ai đâu
Phải biết rằng châu U, châu Kế là đất trung nguyên
Đêmk tuyết nhà vua xuống ngồi nơi nệm gấm

Bản dịch của Nguyễn Văn Bách

Chương tấu thành xa sớm gửi lên,
Nước nhà có lệnh chọn tôi hiền.
Châu Linh chi để cho Nguyên Hiếu,
Họ Khấu còn nên trị Dĩnh Xuyên.
Cầm tiết dựng cờ qua đất ấy,
Gõ chèo gối giáo nhượng ai hơn.
Kế, U đất cũ ta nên biết,
Đêm tuyết nhà vua chớ ngại phiền.
[1] Sớ chốn biên thành. Câu này ý nói tỉnh Bình Thuận làm giấy xin bổ ông Lê Trung Lượng làm Án sát tỉnh ấy.
[2] Năm mây, người xưa dùng để chỉ chỗ vua ở.
[3] Tức Lý Nguyên Hạo (1038-1048), vị vua lập ra nhà Tây Hạ (1038-1227), tồn tại trước sau tổng cộng 189 năm. Tây Hạ truyền nối được 10 đời mà ông là đời thứ nhất. Lý Nguyên Hạo là người Đảng-hạng (một chi của tộc người Khương). Thân sinh là Lý Đức Minh trước từng được Đại Liêu phong làm Đại Hạ Quốc Vương, sau lại được Tống Nhân Tông (Triệu Trinh) của nhà Bắc Tống phong làm Hạ Quốc Vương, tức là đã đường đường làm vua một cõi. Thân mẫu của Lý Nguyên Hạo là người thuộc họ Mộ Dung (là dòng họ đã lập ra nước Nam Yên thời Thập Lục Quốc, thân mẫu của Lý Nguyên Hạo là hậu duệ của dòng họ này). Năm 1032, thân sinh của Lý Nguyên Hạo là Lý Đức Minh qua đời, khi ấy Lý Nguyên Hạo đang là Hoàng thái tử nên được lên nối ngôi, ông ở ngôi Vương 6 năm (1032-1038). Năm 1038, Lý Nguyên Hạo xưng là Hoàng đế. Tây Hạ chính thức được khai sinh kể từ đây. Kinh đô của Tây Hạ là phủ Hưng Khánh (nay là thành phố Ngân Xuyên thuộc Ninh Hạ). Lý Nguyên Hạo ở ngôi Hoàng đế 10 năm (1038-1048). Trong thời gian trị vì, Lý Nguyên Hạo định đánh lấy đất Linh Châu của Bắc Tống, quan nhà Bắc Tống nhiều người bàn cắt đất cho Tây Hạ. Lý Nguyên Hạo hưởng dương 45 tuổi và được chôn ở Thái Lăng, miếu hiệu là Cảnh Tông Vũ Liệt Hoàng đế nhưng thường được gọi tắt là Cảnh Tông. Trong 6 năm ở ngôi Vương và 10 năm ở ngôi Hoàng đế, Hạ Cảnh Tông đã sử dụng 5 niên hiệu khác nhau, đó là: Hiển Đạo (1032-1034), Khai Vận (1034), Quảng Vận (1034-1036), Đại Khánh (1036-1038), Thiên Thụ Lễ Pháp Diên Tộ (1038-1048).
[4] Người đời Hán, đất Dĩnh Xuyên có nhiều giặc nổi lên, nhân dân Dĩnh Xuyên đón đường xin với vua cho mượn ông ta làm thái thú ở Dĩnh Xuyên một năm. Đây ví Lê Trung Lượng như Khấu Tuân.
[6] Gõ mái chèo. Tổ Địch đời Tấn qua sông gõ vào mái chèo mà thề rằng hễ không dẹp yên được Trung nguyên thì không qua sông nữa.
[7] Hai châu của Trung Quốc. Thạch Kính Đường 石敬瑭 (936-942), vị vua khai sinh nhà Hậu Tấn đời Ngũ đại, đã cắt đất nhường cho Khiết Đan. Đây ý nói đất Nam Kỳ đã bị giặc Pháp chiếm đóng.
[5] Gối giáo. Lưu Côn đời Tấn có chí đánh giặc, đêm nằm gối giáo nghe gà gáy dậy múa gươm, ý nói sốt sắng việc đánh giặc.
[8] Tống Thái tổ Triệu Khuông Dận 趙匡胤 (960-976), vị vua khai sinh nhà Tống, một đêm mưa tuyết lớn, đến nhà ông Triệu Phố ngồi trên nệm gấm, uống rượu cùng bàn chuyện bình định thiên hạ. Đây ý nói vua tôi cần lo lắng đến việc lấy lại Nam Kỳ đã bị mất.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Xuân Ôn » Tiễn Lê Trung Lượng thăng thụ Bình Thuận án sát chi lỵ