18/04/2024 15:58Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phong tật chu trung phục chẩm thư hoài tam thập lục vận, phụng trình Hồ Nam thân hữu
風疾舟中伏枕書懷三十六韻,奉呈湖南親友

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi Vanachi vào 27/10/2005 12:33

 

Nguyên tác

軒轅休制律,
虞舜罷彈琴。
尚錯雄鳴管,
猶傷半死心。
聖賢名古邈,
羈旅病年侵。
舟泊常依震,
湖平早見參。
如聞馬融笛,
若倚仲宣襟。
故國悲寒望,
群雲慘歲陰。
水鄉霾白屋,
楓岸疊青岑。
郁郁冬炎瘴,
蒙蒙雨滯淫。
鼓迎非祭鬼,
彈落似鴞禽。
興盡才無悶,
愁來遽不禁。
生涯相汩沒,
時物自蕭森。
疑惑尊中弩,
淹留冠上簪。
牽裾驚魏帝,
投閣為劉歆。
狂走終奚适,
微才謝所欽。
吾安藜不糝,
汝貴玉為賝。
烏幾重重縛,
鶉衣寸寸針。
哀傷同庾信,
述作異陳琳。
十暑岷山葛,
三霜楚戶碪。
叨陪錦帳座,
久放白頭吟。
返樸時難遇,
忘機陸易沈。
應過數粒食,
得近四知金。
春草封歸恨,
源花費獨尋。
轉蓬懮悄悄,
行葯病涔涔。
瘞夭追潘岳,
持危覓鄧林。
蹉跎翻學步,
感激在知音。
卻假蘇張舌,
高夸周宋鐔。
納流迷浩汗,
峻址得嶔崟。
城府開清旭,
松筠起碧潯。
披顏爭倩倩,
逸足競駸駸。
朗鑒存愚直,
皇天實照臨。
公孫仍恃嶮,
侯景未生擒。
書信中原闊,
幹戈北斗深。
畏人千里井,
問俗九州箴。
戰血流依舊,
軍聲動至今。
葛洪屍定解,
許靖力還任。
家事丹砂訣,
無成洟作霖。

Phiên âm

Hiên Viên[1] hưu chế luật,
Ngu Thuấn[2] bãi đàn cầm.
Thượng thố hùng minh quản[3],
Do thương bán tử tâm[4].
Thánh hiền danh cổ mạc,
Cơ lữ bệnh niêm xâm.
Chu bạc thường y chấn,
Hồ bình tảo kiến sâm.
Như văn Mã Dung[5] địch,
Nhược ỷ Trọng Tuyên[6] khâm.
Cố quốc bi hàn vọng,
Quần vân thảm tuế âm.
Thuỷ hương mai bạch ốc,
Phong ngạn điệp thanh sầm.
Uất uất đông viêm chướng,
Mông mông vũ trệ dâm.
Cổ nghinh phương tế quỷ,
Đạn lạc tự hào cầm.
Hứng tận tài vô muộn,
Sầu lai cự bất câm.
Sinh nhai tương cốt một,
Thì vật tự tiêu sâm.
Nghi hoặc tôn trung nỗ[7],
Yêm lựu quan thượng trâm.
Khiên cứ kinh Nguỵ đế[8],
Đấu các vị Lưu Hâm[9].
Cuồng tẩu chung hề thích.
Vì tài ta sở khâm.
Ngô an lê bất tảm,
Nhữ quý ngọc vi sâm.
Ô kỷ trùng trung phọc,
Thuần y thốn thốn châm.
Ai thương đồng Dữu Tín[10],
Thuật tác dị Trần Lâm[11].
Thập thử Dân Sơn cát,
Tam sương Sở hộ châm.
Thao bồi cẩm trướng toạ[12],
Cửu phóng "Bạch đầu ngâm[13]".
Phản phác[14] thì nan ngộ,
Vong cơ lục di trầm.
Ưng qua sổ lạp thực,
Đắc cận tứ tri câm (kim)[15].
Xuân thảo phong quy hận,
Nguyên hoa phí độc tâm.
Chuyển bồng ưu tiễu tiễu,
Hành dược bệnh sầm sầm.
Ế yểu truy Phan Nhạc[16],
Trì nguy mịch Đặng Lâm[17].
Sa đà phiên học bộ,
Cảm kích tại tri âm.
Khước giả Tô, Trương[18] thiệt,
Cao khoa Chu, Tống[19] đàm.
Nạp lưu mê hạo hãn,
Tuấn chỉ đắc khâm câm.
Thành phủ khai thanh húc,
Tùng quân khởi bích tầm.
Phi nhan tranh thiến thiến,
Dật túc cạnh xâm xâm.
Lãng giám tồn ngu trực,
Hoàng thiên thực chiếu lâm.
Công Tôn[20] nhưng thị hiểm,
Hầu Cảnh[21] vị sinh cầm.
Thu tín Trung Nguyên khoát,
Can qua Bắc Đẩu thâm.
Uý nhân thiên lý tỉnh[22],
Vấn tục cửu châu trâm.
Chiến huyết lưu y cựu,
Quân thanh động chí câm.
Cát Hồng[23] thi định giải,
Hứa Tĩnh[24] lực nan nhâm.
Gia sự đan sa quyết,
Vô thành thế tác lâm.

Dịch nghĩa

Hiên Viên đã thôi đặt ra âm luật,
Ngu Thuấn không còn gảy đàn cầm.
Nhưng ta vẫn bày ống nghe phụng hót,
Thương tiếc cây vông đồng chết một nửa.
Tên tuổi các thánh hiền đã xa xưa rồi,
Ta lại ốm đau nơi quê người suốt năm
Thuyền thường đậu giữa bãi đông.
Mặt hồ phẳng lặng, buổi sớm thấy sao sâm.
Như nghe tiếng sáo Mã Dung,
Như nương vạt áo Trọng Tuyên.
Nước cứ lạnh lùng buồn rầu trông ngóng.
Những đám mây ủ dột suốt năm u ám,
Ngôi nhà nghèo bên xóm sông mờ mịt
Bên bến Phong, núi xanh trùng điệp.
Khí nóng nực mùa đông bốc lên ngùn ngụt,
Mưa dầm rơi man mác
Trống tế thần vang vang,
Cú bị đạn rơi xuống
Hứng hết rồi mới không lo phiền nữa,
Sầu đến không sao ngăn được!
Cách sinh nhai trở nên cùng quẫn,
Thời thế cảnh vật tiêu điều tàn tạ.
Vẫn ngờ sợ dây cung trong chén rượu,
Còn cài chiếc trâm từ lâu trên mũ
Níu vạt áo làm Nguỵ Văn Đế hoảng hốt.
Bắt chước Lưu Hàm nhảy xuống gác,
Chạy nhăng mãi chẳng được gì,
Tài hèn xin tạ lòng kính trọng,
Tôi yên phận với canh rau không gạo,
Các người sang quý như ngọc sâm
Chiếc ghế da đen chằng buộc lung tung,
Cái áo rách bươm mỗi tấc một miếng vá!
Thương nhớ quê nhà như Dữu Tín,
Làm văn thì khác hẳn Trần Lâm.
Suốt mười mùa nắng mặc áo mỏng núi Dân,
Trải ba mùa sương nghe chày xóm Sở
Cũng được dự chỗ ngồi nơi trướng gấm,
Từ lâu bắt chước khúc hát đầu bạc,
Muốn "phản phác" nhưng khó gặp thời.
Toan "vong cơ", e dễ chết đuối trên cạn.
Thôi đành ăn dăm ba hạt gạo.
Mà gần được vàng "bốn biết"
Cỏ thơm gói kín mối hận trở về
Hoa nguồn đào uổng công một mình tìm kiếm.
Cỏ bồng xê dịch, lo buồn chan chứa,
Đi để dẫn thuốc, mồ hôi bệnh toát dầm dề
Chôn con chết non đi theo Phan Nhạc,
Dìu đỡ lúc ngã nghiêng nhờ đến Đặng Lâm.
Chập chững trong khi học bước.
Cảm kích vì bạn tri âm
Tạm mượn lưỡi của Tô, Trương,
Khoe mũi gươm bén của Chu, Tống
Muôn dòng đều tuôn vào biển cả,
Nền móng cao như núi chót vót.
Cửa thành phủ mờ lúc vừa tảng sáng,
Thông tre vươn mình bên dòng nước biếc
Phô hình dung tranh vẽ xanh tươi.
Thả gót chân dun bước rong ruỗi
Gương sáng còn soi niềm ngay thẳng
Xin trời cao xét thấu tấm lòng thành thực.
Công Tôn Thuật vẫn đang cậy thế hiểm.
Hầu Cảnh cũng chưa bị bắt sống.
Trung Nguyên bao la chẳng có tin tức gì.
Chốn kinh đô vẫn còn loạn lạc.
Giếng nghìn dặm đã khiến người e sợ.
Bài chăm ghi phong tục chín câu
Máu chiến tranh vẫn chảy như cũ,
Tiếng quân lính còn rộn đến nay.
Xác Cát Hồng sắp cởi bỏ ra,
Sức Hứa Tĩnh khó mà gánh vác.
Đem lòng son viết về việc nhà,
Chưa xong, nước mắt đã tuôn ướt đầm.

Bản dịch của mailang

Hiên Viên thôi chế luật,
Ngu Thuấn ngưng đàn cầm.
Hùng điệu sáo còn đặt,
Nửa tim như chết dần.
Thánh hiền tên đã cũ,
Đói bệnh khắp quanh năm.
Thuyền bến tránh giông chớp,
Phẳng hồ sao sớm thăm.
Như nghe sáo Mã thổi,
Áo Trọng Tuyên vin cầm.
Quê cũ lạnh buồn ngóng,
Mây sầu mãi toả râm.
Nước làng mờ móc trắng,
Trên bến phong xanh thâm.
Buồn bực khí đông độc,
Lê thê mưa đổ dầm.
Trống rền vừa cúng quỷ,
Đạn lạc tựa chim cầm.
Vừa hết hứng chưa nản,
Buồn về e khó ngăn.
Sinh nhai chìm lĩm hết,
Thời vật đều mờ câm.
Rượu tưởng có cung nỏ,
Mũ quan giắt chiếc trâm.
Níu tà kinh Vũ Đế,
Lầu nhảy ấy Lưu Hâm.
Quanh quẩn chẳng về đích,
Tài hèn đành phải cam.
Ta yên cảnh cháo rác,
Họ quí ngọc vàng mâm.
Chiếc ghế đen chằng buộc,
Áo thô tấc tấc chằm.
Lòng đau như Dữu Tín,
Sáng tác khác Trần Lâm.
Chày Sở ba sương nhịp,
Mười năm khổ núi Dân.
Lạm ngồi nơi trướng gấm,
Khúc Bạc Đầu thường ngâm.
Khó gặp lại thời cũ,
Quên đời chìm cạn dần.
Đơn sơ bữa mấy hạt,
Vàng biết bốn bên gần.
Làng cũ cỏ xuân khuất,
Nguồn hoa, tìm một thân.
Thuốc xong nên dạo bộ,
Bồng thổi luống thương tâm.
Chết yểu phú Phan Nhạc,
Nghiêng dìu cậy Đặng Lâm.
Ngã sa mới tập bước,
Cảm kích kẻ tri âm.
Tâng bốc gươm Chu, Tống,
Tô, Trương lưỡi lạm đàm.
Tụ trôi về biển rộng,
Nể phục gốc cao thâm.
Thành phủ mở trong sáng,
Biếc dòng tùng trúc râm.
Dáng khoe tranh sắc thắm,
Thoát vượt, chạy hà rầm.
Gương sáng, lòng ngu rọi,
Trời cao, thấu thực tâm.
Công Tôn nhờ thế hiểm,
Hầu cảnh vẫn chưa cầm.
Phương bắc giặc còn đánh,
Trung Nguyên thư bặc tăm.
Dặm ngàn sợ cỏ giếng,
Hỏi lại khúc Châu Trâm.
Máu trận hôi như cũ,
Gio còn lảnh tiếng quân.
Cát Hồng, tính giải xác,
Hứa Tĩnh, bất tòng tâm.
Lòng đỏ, việt nhà viết,
chưa xong, mực ướt dầm.
(Năm 770)

[1] Hoàng đế theo truyền thuyết, vị vua này ra lệnh cho Linh Luân sắp xếp âm luật cho ca nhạc.
[2] Hai vua trong truyền thuyết được cho là người chế ra đàn cầm. Hai vua này nổi tiếng về tài trị nước. Đỗ Phủ muốn nói đời nay loạn lạc, nên kỷ cương, âm luật xưa đã mất hết rồi.
[3] Tương truyền Linh Luân khi đặt ra luật, dùng 12 ống trúc để ghi tiếng chim kêu, 6 tiếng chim đực (hùng), 6 tiếng chim cái (thư).
[4] Theo thuyết cổ, đàn cầm làm bằng gỗ ngô đồng già.
[5] Tự Quý Trường, người đời Đông Hán, quê vùng Mậu Lăng (Hưng Bình, Thiểm Tây) tác giả bài Địch phú, có tài văn kiêm thổi sáo.
[6] Tự của Vương Xán 王粲, người nước Nguỵ thời Tam Quốc. Thời Đông Hán nương nhờ Lưu Biểu ở Kinh Châu, sau đó làm quan với nhà Nguỵ tới chức thị trung. Trong bài Đăng lâu phú của ông có câu "Hướng bắc phong nhi khai khâm". Đỗ Phủ dẫn hai người này vì họ có cùng cảnh ngộ, và vẫn than vãn về cảnh xa quê hương.
[7] Cung cong nhắc chuyện Đỗ Tuyên, uống rượu mà nhìn trong chén thấy cây như con rắn sau đó mà phát bệnh, chỉ sự ngờ vực quá đáng.
[8] Tân Tị can Nguỵ Văn Đế, Văn Đế không nghe, đứng lên đi vào trong nhà, Tân Tị nắm lấy áo vua giữ lại.
[9] Con Lưu Hướng. Hai cha con đã hoàn tất bộ sử có giá trị vào thời Hán. Lưu Hâm không nhảy lầu tự tử, mà là Lưu Phần, con ông. Khi Lưu Phần đang làm việc với Dương Hùng, một nhà viết phú nổi tiếng đời Hán, thì có kẻ tới đe doạ Lưu Phần, Lưu Phần vội chạy nhảy xuống lầu chết. Đây có thể là sự nhầm lẫn của Đỗ Phủ hoặc là vì cố ý viết như thế cho hợp vần.
[10] Tự Tử Sơn 子山, tên hồi nhỏ là Lan Thành 蘭成, người nước Lương thời Nam triều. Khi Lương Nguyên Đế 梁元帝 tức vị có phong ông làm Tả vệ tướng quân, đi sứ lập được nhiều công lao, cùng tột là chức khai phủ.
[11] Một trong Kiến An thất tử thời Tam Quốc, nổi danh với tài viết chương, biểu, kịch, loại văn chương kích động.
[12] Đỗ Phủ từng giữ chức thượng thư công bộ viên ngoại lang ở Thành Đô, cạnh Nghiêm Vũ.
[13] Khúc ca mà Trác Văn Quân ngâm để trách móc Tư Mã Tương Như có lòng tẻ nhạt với nàng. Đỗ Phủ ý nói mình có lòng oán hận kẻ không dùng tài của mình.
[14] Chữ từ Đạo đức kinh của Lão Tử.
[15] Thời Hán, Dương Chấn không chịu nhận vàng mà Vương Mật có ý hối lộ mình. Vương Mật nói "Xin ông nhận đi, không ai biết đâu. Dương Chấn đáp: trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết." Đỗ Phủ có ý nói tuy mình nghèo nhưng không có ý làm bậy.
[16] Nhà văn đời Tấn, viết bài Tây chinh phú than khóc cho đứa con chết trẻ. Đỗ Phủ cũng có cảnh ngộ tương tự.
[17] Khoa Phụ đuổi theo bắt bóng mặt trời, tới chỗ cùng cực, khát quá uống hết nước sông vẫn chưa đủ, còn muốn đi tiếp lên phương bắc để uống thêm. Giữa đường bị chết để lại cái gậy. Cái gậy này thấm nhuần da thịt Khoa Phụ mà thành cây, rồi thành rừng, đó là Đặng Lâm. Đặng Lâm chỉ cái gậy.
[18] Tô Tần và Trương Nghi, hai thuyết khách nổi tiếng thời Chiến Quốc.
[19] Mượn câu nói của Trang Chu 莊周 trong Nam Hoa kinh 南華經, ý nói tài cao tuyệt đỉnh. Cả ý hai câu này Đỗ Phủ muốn nói các bạn ở Hồ Nam, vốn có tài ăn nói, đã ca ngợi tài ba của Đỗ Phủ.
[20] Công Tôn Thuật.
[21] Tự Vạn Cảnh 萬景, người nước Lương thời Nam triều. Giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Lúc đầu làm quan với nhà Nguỵ sau theo hàng Lương Vũ Đế, được phong là Hà Nam vương. Sau cướp ngôi nhà Lương, tự xưng Hán đế, bị Vương Tăng Biện diệt. Đỗ Phủ dẫn hai thí dụ trong thời Tam Quốc và Nam Bắc triều để nói lên tình hình hiện tại: các anh hùng thường chiếm cứ một vùng đất để xây dựng quyền lực riêng, không chịu theo chính quyền trung ương, như Tang Giới, Thôi Hãn
[22] Chuyện một viên chức nhỏ, sau khi ngủ qua đêm tại một công quán trên đường xa, sáng hôm sau đem bỏ xuống giếng nước tất cả những cỏ khô dành cho ngựa. Bất ngờ là anh ta lại phải trở về quán này, múc nước giếng uống, bị cỏ đâm vào họng mà chết. Đỗ Phủ hàm ý mình không quay trở lại Hồ Nam.
[23] Người đời Tấn, vào núi La Phù, thuộc Quảng Đông, tu tiên, luyện thuốc. Đồn rằng khi ông chết, người ta liệm ông vào áo quan thì thấy nhẹ tênh, như chỉ có bộ áo không.
[24] Người đời Tam Quốc, dẫn người nhà đi chạy loạn, nhường ưu tiên cho người khác, riêng mình chịu mọi vất vả.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Phong tật chu trung phục chẩm thư hoài tam thập lục vận, phụng trình Hồ Nam thân hữu