20/04/2024 09:54Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Chế thày đồ cắt nghĩa sách sai

Tác giả: Bùi Mai Điểm - 裴梅點

Thể thơ: Ca trù (hát nói); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 02/02/2020 15:55

 

Từ khi có “Tân thư[1]” xuất hiện,
Nghĩa giảng ra phô diễn nực cười thay.
Kìa như người ít dễ hay[2],
Ăn càng đói, học rầy càng tổ dốt[3].
Ngươi Phạn Đại[4] xưa nay có một,
Thày Tử Tư[5] báo đức lại còn hơn.
Nấu đậu mà vác cả thúng đun[6],
Còn thêm bác Đồ Cùn[7] là bạn học.
Tộ quá kỳ văn kinh chúng mục,
Mông phàm quý hiệu kháng nhân nhan.[8]
Làm thày mà có lịch với ban[9],
Tháng đủ ngày ba mươi[10] gần nghĩa xác.
So với truyện tiếu lâm[11] thuở trước,
Hỏi ông Công nhà Tử Cạc ở nơi nao.
Án đạc chung luận thứ[12] ấy luật nào,
Tội đạo tịch cớ sao mà luận tử[13].
Kể văn tự thày đồ như thử,
Kiếp sau làm mẫu cẩu[14] dễ không oan.
Thực là kim cổ kỳ quan[15].
[1] Cuối đời Thành Thái, Nam triều và chính phủ Pháp muốn đổi lại phép học phép thi, mới cử các ông Dương Lâm, Đoàn Triển, Đỗ Văn Tâm, Bùi Hướng Thành vào ban Tu thư, làm ra các sách mới để dạy học trò thi. Trong những sách mới, có bộ Tân thư dạy từ sơ học tới trung học. Tân thư đặt câu theo lối mới, lời văn giản dị, ít dùng điển tích, chia làm 4 quyển.
[2] Tân thư có câu “Nhân thiếu dị hiểu” 人少易曉 (Người trẻ tuổi học dễ hiểu biết). Thày đồ nhận nhầm chữ “thiếu” ra chữ “thiểu” nên giải nghĩa: Người ít dễ hay.
[3] Tân thư có câu “Thực dĩ dũ cơ, học dĩ dũ ngu” 食以愈饑,學以愈愚 (Ăn để khỏi đói, học để khỏi dốt). Thày đồ nhận nhầm chữ “dũ” là càng, nên giảng nghĩa: Ăn càng lấy đói, học càng lấy ngu.
[4] Tân thư có câu “Phạn đại vô tri” 飯袋無知 (Hạng người túi cơm không biết gì). Thày đồ nhận nhầm chữ Phạn Đại là tên người, nên giảng là: Ngươi Phạn Đại không biết gì.
[5] Tân thư có câu “Tử tư báo phụ mẫu chi đức” 子思報父母之德 (Con nhớ báo đức của cha mẹ). Thày đồ nhận nhầm Tử Tư là tên người, nên giảng là: Thày Tử Tư báo đức cha mẹ.
[6] Tân thư có câu “Chử đậu nhiên đậu ky” 煮豆燃豆萁 (Nấu đậu đun bằng cành đậu). Thày đồ nhận nhầm chữ “ky” 萁 thành 箕 là cái thúng, nên giảng nghĩa là: Nấu đậu đun cả thúng đi.
[7] Xưa chê các thày đồ cổ văn cùn gỉ, gọi là Đồ Cùn, ví như con dao cùn.
[8] Chữ Hán: 祚過奇文驚眾目,蒙凡貴號抗人顏. Nghĩa: Văn quái lạ chữ tộ chữ quá kinh mắt mọi người, Quý hiệu ông Mông ông Phàm dám ngang nhiên ở trước mặt người. Tục ngữ có câu “Chữ tác 作 đánh ra chữ tộ 祚, chứ ngộ 遇 đánh ra chữ quá 過” chế nhạo những người nhận lầm mặt chữ. Xưa có thầy đồ dạy học sách Tam tự kinh, trong sách có câu “Phàm huấn mông” người chấm trước khuyên vào bên cạnh ba chữ ba cái khuyên, thày đồ nhận lầm là tên người nên giảng nghĩa là ông Phàm, ông Huấn, ông Mông. Người con gái nhà bên nghe thấy liền hát ru em rằng “Ai trồng cây bất 芣 bể đông, Hay là ông Huấn, ông Mông, ông Phàm”.
[9] Lệ xưa, Khâm thiên giám in lịch, rồi ban các ty, các sở và các hàng, mỗi nơi một quyển gọi là lịch ban.
[10] Tân thư có câu “Nguyệt đại tam thập nhật, nguyệt tiểu nhị thập cửu nhật” 月大三十日,月小二十九日 (Tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày). Thày đồ lại cắt nghĩa ngược lên là: Tháng đủ ngày 30, tháng thiếu ngày 29.
[11] Xưa có tên Quỷ Sứ đi qua nhà thày Tử Lộ, thấy có hai chữ Tử Lộ 子路 để ở ngoài cổng, chữ “lộ” viết bên tả là “túc”, bên hữu là “các”, Quỷ Sứ nhận nhầm là chữ “cạc”, hỏi Thổ Công có phải nhà ông Tử Cạc không. Thổ Công nói là nhà ông Tử Lộ chứ không phải nhà ông Tử Cạc. Quỷ Sứ nói: Lộ là cò, con cò chả kêu cạc cạc thì là gì.
[12] Sách Luận ngữ, Tăng Tử nói: “Phu tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ hĩ” 夫子之道,忠恕而已矣 (Đạo nhà thày ta, có trung với thứ mà thôi vậy). Thày đồ dốt chấm câu sai thành “Phu tử chi đạo chung, thứ nhi dĩ hĩ” nên giảng thành: Ôi con người ta ăn trộm chuông, nên tha mà thôi vậy. Vì thày tưởng chữ “phu” ra “phù” là ôi, “đạo” 盜 là ăn trộm, “trung” ra “chung” 鐘 là chuông, “thứ” là tha thứ.
[13] Sách Luận ngữ, Khổng Tử nói: “Triêu văn đạo tịch tử khả dã” 朝聞道夕死可也 (Buổi sáng nghe đạo, dẫu buổi chiều mà chết cũng được). Thày đồ dốt chấm câu sai thành “Triều văn đạo tịch, tử khả dã” nên giảng là: Trong triều nghe thấy kẻ ăn trộm chiếu, tôi chết là đáng lắm. Vì thày tưởng lầm “triêu” là “triều”, “đạo” 盜 là ăn trộm, “tịch” 席 là chiếu.
[14] Sách Kinh lễ: “Lâm tài vô cẩu đắc, lâm nạn vô cẩu miễn” 臨財毋苟得,臨難毋苟免 (Lâm đến của cải, đừng tham được một cách cẩu thả; lâm đến nạn, đừng mong tránh một cách cẩu thả). Thày đồ nhận nhầm chữ “vô” ra chữ “mẫu” 母 là mẹ, và “cẩu” 狗 là chó, nên giảng là: Lâm đến của cải chó cái được, lâm đến nạn chó cái tránh. Câu này ý nói dốt như thế, kiếp sau làm chó cái là đáng lắm.
[15] Tên một cuốn sách chép những chuyện lạ xưa nay.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Bùi Mai Điểm » Chế thày đồ cắt nghĩa sách sai