05/10/2024 02:50Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 01/05/2020 22:54
Nguyên tác
經營樓閣攬江湖,
達旦酣歌興不孤。
當日月花臨結綺,
何時麋鹿到姑蘇?
長江頃刻人飛渡,
故國淒涼景已殊。
可恨一身眢井去,
詞章俠客肯從無。
Phiên âm
Kinh doanh lâu các lãm giang hồ,
Đạt đán hàm ca hứng bất cô.
Đương nhật nguyệt hoa lâm Kết Ỷ,
Hà thời mi lộc đáo Cô Tô[1]?
Trường Giang[2] khoảnh khắc nhân phi độ,
Cố quốc thê lương cảnh dĩ thù.
Khả hận nhất thân oan tỉnh khứ[3],
Từ chương hiệp khách khẳng tòng vô.Dịch nghĩa
Xây dựng lầu gác muốn thâu tóm cả cảnh sông hồ,
Rượu hát say sưa thâu đêm suốt sáng không chán.
Ngày đó trăng hoa lên lầu Kết Ý,
Bao giờ hươu nai đến được đài Cô Tô?
Sông Trường Giang, quân giặc đã “bay” qua trong chốc lát,
Nước cũ, cảnh vật đã biến đổi thành thê lương.
Đáng giận một thân bị vùi dưới giếng khô,
Nào bậc hiệp khách, nào bạn văn chương, có ai chịu theo không?Bản dịch của Trần Văn Nhĩ
Lầu cao thâu tóm cảnh non hồ,
Tiệc rượu đàn ca đến sáng mờ.
Ngày đó trăng hoa lên Kết Ỷ,
Bao giờ nai hoẵng đến Cô Tô?
Trường Giang khoảnh khắc quân tràn ngập,
Non nước thê lương vẻ xác xơ.
Đáng giận một thân vùi giếng cạn,
Văn nhân, hiệp khách bặt, đâu ngờ!
Rút từ Quế Sơn thi tập (A.469).
Trần Hậu Chủ là vua cuối đời Trần của Trung Quốc, nổi tiếng tửu sắc. Ông cho xây ba toà lầu rất nguy nga: lầu Lâm Xuân cho mình, lầu Kết Ỷ cho Trương quý phi, lầu Vọng Tiên cho hai phi tần khác. Lầu trang trí bằng vàng bạc châu báu, dưới hồ có núi giả. Hằng ngày hai văn nhân vào hầu tiệc gọi là hiệp khách.
[1] Nơi ở của Ngô vương Phù Sai thời Chiến Quốc, bị Việt vương Câu Tiễn đánh phá. Khi quân Tuỳ sắp vượt Trường Giang đánh Trần, một triều thần đã lấy lời của Ngũ Tử Tư nói với Phù Sai mà khuyên Trần Hậu Chủ: “Nếu bệ hạ không mau hối cải thì tôi sợ hươu nai kéo vào đài Cô Tô mất”.
[2] Trần Hậu Chủ thường nói: Sông Trường Giang là cái hào của trời ngăn chia nam bắc, quân địch làm gì có cánh mà bay sang.
[3] Khi quân Tuỳ đánh đến, Hậu Chủ chạy xuống giếng khô. Quân Tuỳ lấp giếng, nghe tiếng kêu ở dưới mới thả dây xuống kéo lên thì là Hậu Chỉ và hai phi tần nữa.