28/04/2024 04:40Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Quê ta đẹp quất Tây Hồ

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 11/10/2020 01:00

 

Quê ta đẹp quất Tây Hồ[1],
Tơ vàng kén mượt đầy bồ Tứ Liên[2].
Hữu Hưng[3] dệt lụa hoa hiên,
Cò bay bướm lượn in trên lụa đào.
Cam Canh[4], bưởi Mỗ[5] ngọt ngào,
Mát lòng cải bắp, su hào Trung Kiên[6].
Mình về Nguyên Xá[7] mà xem,
Vườn hồng trĩu quả, chuối nêm kín làng.
Mễ Trì[8] thơm gạo tám xoan,
Dự hương, gié cánh thóc vàng như tơ.
Gửi người dệt bộ bài thơ,
Phùng Khoang[9] gấm đẹp còn chờ tay ta.
Cốm Vòng[10] nức tiếng gần xa,
Cau non Dịch Vọng[11], tiếng gà thôn Viên[12].
Đường vào Cổ Nhuế[13] vẫn quen,
Máy khâu rộn rã, mía chen vai người.
Hai Xuân[14] như đẻ sinh đôi,
Cánh diều chung sáo, mương khơi chung đào.
Trên mình xanh thắm bí đao,
Dưới ta lúa tốt khác nào rừng xanh.
Vải thiều đỏ rực đầu cành,
Thơm mùi cam Cáo[15], ngọt canh đậu Giàn[16].
Xuân La lợn béo bao đàn,
Trắng phau cá lội, dịu vàng khoai tây.
Mình về ta nắm lấy tay,
Ta dặn câu này mình chớ có quên:
Khoả chèo mình ngược bến Chèm[17],
Viếng Lý Ông Trọng, hoa chen mái đình.
Giò Chèm ai gói xinh xinh,
Nắm nem làng Vẽ[18] đậm tình quê hương.
Chuối Sù[19] mập quả trăm vườn,
Sang thu hương chuối quện hương cốm Vòng.
Hoa đào dệt lối Nhật Tân[20],
Yêu quê hoa nở đầy sân lụa đào.
Ở đâu hợp tác công cao,
Rẽ vào Quảng Bá[21] xem nào đâu hơn.
Rau xanh kín bãi kín vườn,
Hương sen thoang thoảng cho thơm tóc mình.
Tung tăng đàn cá lượn quanh,
Ta giăng lưới bạc rung rinh mặt hồ.
Quên sao giấy điệp Nghĩa Đô[22],
Tiếng chày nện sợi, câu hò nhặt khoan.
Ai xeo cho giấy mịn màng,
Đẹp màu tranh mới xuân sang quê nhà.
An Phú[23] dẻo kẹo mạch nha,
Lợn hồng da mượt như là trong tranh.
Ở đâu thơm húng thơm hành,
Có về làng Láng[24] cho anh theo cùng.
Theo ai vai gánh vai gồng,
Rau xanh níu gót bóng lồng sông Tô[25].
Trời cao lồng lộng sao cờ,
Phi lao vi vút đôi bờ Nhuệ Giang[26].
Trập trùng nhà máy công trường,
Đỏ tươi mái ngói, mây vờn khói bay.
Lòng ta như tỉnh như say,
Mình nghe! Kìa tiếng máy cày xa xa...
Quê ta đẹp lắm quê ta,
Trăm mầu nghìn sắc quê nhà: Từ Liêm[27].
[1] Phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, chuyên trồng hoa, nổi tiếng về quất cảnh, ở bán đảo nhô ra Hồ Tây, có Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu và đền Trâu Vàng, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
[2] Còn gọi Tứ Tổng, xã thuộc huyện Từ Liêm, nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội.
[3] Tên trước đây của xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
[4] Tên nôm chỉ hai làng Phương Canh (xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) và Vân Canh (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) ở liền nhau, cùng có giống cam ngon.
[5] Tên nôm làng Đại Mỗ (mỗ Chợ), làng thôn thuộc xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
[6] Tên thời kháng chiến chống Pháp của xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
[7] Thôn thuộc xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
[8] Tên một làng, nay thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây là vùng gạo tám xoan ngon thơm nổi tiếng, cũng là đất vỡ, vật tài ba.
[9] Làng giáp Hà Đông, nay thuộc xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
[10] Tên nôm gọi thôn Dịch Vọng, nơi có nghề làm cốm nổi tiếng, thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Tổng Dịch Vọng cũ cũng gọi tổng Vòng, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
[11] Xã thuộc huyện Từ Liêm, gồm 3 thôn Tiền, Trung, Hậu, nay là phường Quan Hoa và phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
[12] Thôn thuộc xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm.
[13] Tên nôm là Kẻ Noi, có nghề hót phân bón ruộng, nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội.
[14] Hai xã Xuân La và Xuân Đỉnh, thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội.
[15] Tên gọi tắt làng Cáo Đỉnh, còn gọi Kẻ Giàn, nay là một thôn thuộc xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nơi có nhiều thế đất quý.
[16] Kẻ Giàn, tức làng Kiêu, Cáo Đỉnh.
[17] Tên nôm xã Thuỵ Phương, thuộc huyện Từ Liêm, ở giáp sông Hồng, có bến đò Chèm (hay Trèm) qua sông, nay là đầu bờ nam cầu Thăng Long. Ở đây có đền thờ Lý Ông Trọng, hàng năm có hội bơi chải ngày 9 tháng giêng lịch âm.
[18] Tên nôm làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, đất văn học, nhiều người làm quan, buôn bán giỏi, đan giang.
[19] Tên nôm làng Phú Xá ở cạnh sông Hồng, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
[20] Phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận xưa, ở phía bắc Hồ Tây, Hà Nội. Đây là làng trồng đào nổi tiếng, nay là một phường của quận Tây Hồ.
[21] Còn gọi Quảng Bố, phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận xưa, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, có đền thờ Phùng Hưng.
[22] Làng giấy, làng dệt thuộc huyện Từ Liêm, nay là phường Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
[23] Làng của xã Nghĩa Đô, có nghề kẹo nha, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
[24] Tên nôm của làng Yên Lãng, gồm 3 thôn Thượng, Trung, Hạ. Đây là nơi trồng húng và hành hoa nổi tiếng, xưa là làng trại, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, sau thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội, rồi lại chuyển về huyện Từ Liêm (nay là 2 phường Láng Thượng, Láng Hạ, quận Đống Đa). Hội chùa Láng, thờ Từ Đạo Hạnh ngày 7 tháng 3 cùng với chùa Thày (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây cũ).
[25] Tô Lịch, sông gắn liền với kinh thành Thăng Long xưa, vốn là một chi của sông Hồng từ Chợ Gạo qua Ngõ Gạch, Hàng Lược rồi men theo hào thành cũ xuống Bưởi vòng sang Cầu Giấy, ngã Tư Sở, huyện Thanh Trì rồi nhập vào sông Nhuệ ở xã Hà Liễu.
[26] Sông từ huyện Từ Liêm chảy qua Hà Đông, huyện Thanh Trì.
[27] Tên huyện, đời Lê thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; đến 1831 lệ vào phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; nay là huyện ngoại thành Hà Nội.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Quê ta đẹp quất Tây Hồ