19/04/2024 15:42Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thiên đô chiếu
遷都詔

Tác giả: Lý Thái Tổ - 李太祖

Thể thơ: Thể loại khác (ngoài thơ); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Lý
Đăng bởi Vanachi vào 27/05/2006 04:54

 

Nguyên tác

昔商家至盤庚五遷,周室迨成王三徙。豈三代之數君徇于己私,妄自遷徙。以其圖大宅中,為億萬世子孫之計,上謹天命,下因民志,苟有便輒改。故國祚延長,風俗富阜。而丁黎二家,乃徇己私,忽天命,罔蹈商周之跡,常安厥邑于茲,致世代弗長,算數短促,百姓耗損,萬物失宜。朕甚痛之,不得不徙。

況高王故都大羅城,宅天地區域之中,得龍蟠虎踞之勢。正南北東西之位,便江山向背之宜。其地廣而坦平,厥土高而爽塏。民居蔑昏墊之困,萬物極繁阜之丰。遍覽越邦,斯為勝地。誠四方輻輳之要會,為萬世帝王之上都。

朕欲因此地利以定厥居,卿等如何?

Phiên âm

Tích Thương gia chí Bàn Canh[1] ngũ thiên[2], Chu thất đãi Thành Vương[3] tam tỉ[4]. Khởi Tam Đại[5] chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp[6] vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ.

Huống Cao Vương[7] cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bội chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.

Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà?

Bản dịch của (Không rõ)

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô. Há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện di dời. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?
Chiếu dời đô do vua Lý Thái Tổ tự tay viết và ban hành vào mùa xuân năm 1010 để chuyển kinh đô của nước Đại Việt từ Hoa Lư (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay) ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Tương truyền khi thuyền vua đến dưới thành thì có điềm tốt: con rồng vàng bay lên, vua nhân đó đổi tên thành ra Thăng Long.


Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
[1] Vua thứ mười bảy của nhà Thương, một triều đại rất xưa trong lịch sử Trung Quốc; năm lần dời đô nói việc các vua nhà Thương dời đô từ đất Bặc (Thương Khâu, Hà Nam) sang đất Hiêu (Huỳnh Trạch, Hà Nam), đất Tương (An Dương, Hà Nam), đất Cảnh (Hà Tân, Sơn Tây), đất Hình (Hình Đài, Hà Bắc), rồi đất ân (Yển Sư, Hà Nam).
[2] Năm lần dời đô: Vua Thang (Thành Thang) đóng đô ở phía đông nam huyện Thương Khâu (thuộc tỉnh Hà Nam bây giờ). Trọng Đinh dời đô đến huyện Thành Cao (thuộc tỉnh Hà Nam). Hà Đản Giáp đời đô đến phủ Chương Đức (cũng thuộc tỉnh Hà Nam).Tổ Ất dời đô đến phủ Thuận Đức (tỉnh Hà Đông bây giờ). Bàn Canh dời đô đến huyện Yên Sư (hay Ân Sư thuộc tỉnh Hà Nam).
[3] Vua thứ ba nhà Chu, triều đại cổ tiếp nối nhà Thương; ba lần dời đô nhắc đến việc Chu Văn Vương dựng nghiệp ở đất Kỳ (Thiểm Tây), Chu Vũ Vương dời đô đến Trường Yên (cũng Thiểm Tây), và Chu Thành Vương lại dời đô sang Lạc Ấp (Hà Nam). Thật ra, phải nói hai lần dời đô mới đúng!
[4] Ba lần dời đô: Chu Văn Vương đóng đô ở phía đông tỉnh Thiểm Tây. Chu Vũ Vương dời đô đến huyện Tương Yên (tỉnh Thiểm Tây). Chu Thành Vương dời đô đến huyện Lạc Dương (tỉnh Hà Nam).
[5] Ba nhà Hạ, Thương, Chu trong lịch sử Trung Quốc.
[6] Nơi đây, ý chỉ Hoa Lư, kinh đô của nhà Đinh do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập và nhà Tiền Lê do Lê Hoàn sáng lập. Lúc Lý Công Uẩn mới lên ngôi, kinh đô của nhà Lý vẫn còn ở đó.
[7] Tức Cao Biền, quan đô hộ Giao Châu của nhà Đường vào khoảng các năm 864-875. Cao Biền đắp thêm thành Đại La vào khoảng năm 866.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lý Thái Tổ » Thiên đô chiếu