26/04/2024 10:51Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Học cầm ca

Tác giả: Đoàn Huyên - 段諠

Thể thơ: Thất ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 12/05/2015 13:01

 

Phiên âm

Quân bất kiến:
Uyên Minh[1] thường súc vô huyền cầm[2]
Thời thời phụ lộng ký hà tâm
Tự vị đãn thức cầm trung thú
Hà lao huyền thượng âm
Nhãn ngôn:
Cầm duy bất tục nãi nhập diệu
Cao sơn lưu thuỷ[3] vọng đăng lâm
An đắc tục nhân như Ngũ Liễu[4]
Nhiêu tha thượng nhập địa, hà xứ tầm
Ngô nhân cao nhân
Hung thôn vân căn tịnh nguyện quật
Xúc xứ càn khôn đô ngụ vật
Giao như đại âm thanh không hy[5]
Cá trung chân ý tại dương dật
Ngô kim đa hạ khủng đãi sinh
Bất hữu bác dịch tháo cầm minh
Nhất đàn tái cổ hà khúc điệu?
Túng thành khúc điệu hữu tình
Quân tùng tiếu ngã cầm thanh thanh
Bất kham thính
Ngã diệc tự tiếu do hữu thanh.

Dịch nghĩa

Bạn chẳng thấy
Uyên Minh từng gìn giữ cây đàn không dây
Thường thường gẩy đàn để gửi gắm tâm tình xa thẳm
Tự bảo: Chỉ cần hiểu cái thú trong ngón đàn
Việc gì phải mệt nhọc tìm tiếng nói con người qua âm thanh trên dây.
Người bảo rằng:
Chơi đàn, duy không tầm thường mới vào được chỗ diệu
Mong diễn tả được chí khí lên núi cao, khi ngắm dòng nước chảy
Người đời sau có thể được như ông Ngũ Liễu
Bao nhiêu năm rồi ông đã xuống đất còn đâu mà tìm
Chúng ta là bậc cao nhân
Lòng ôm ấp giấc mơ đi khắp chân mây, động nguyệt
Trong trời đất, nơi nào mình đến cũng đều là chỗ trú ngụ
Việc lễ nhạc giống như “âm lớn thì tiếng không còn phân rõ”
Nhưng chân ý trong tự thân nó lại tràn đầy
Nay ta sợ chơi nhiều sẽ sinh ra lười nhác
Chẳng có cờ, bạc đành gẩy đàn chơi
Đánh một tiếng đàn, lại gõ một tiếng trống, khúc điệu gì vậy?
Nếu thành khúc điệu có tình
Các bạn hẳn cười ta gẩy đàn từng tiếng, từng tiếng
Nghe không chịu nổi
Ta cũng tự cười mình còn chơi đàn “hữu thanh”.

Bản dịch của (Không rõ)

Anh chẳng thấy
Uyên Minh từng giữ đàn không dây
Ngụ tấm tình sâu, gẩy ngày ngày
Tự biết trong đàn có hứng thú
Cần gì thành tiếng mới là hay
Người bảo rằng:
Chơi đàn thần diệu cốt không tục
Thừa hứng lên cao, non với nước
Ngày nay ai được như ông Đào
Dưới đất, biết tìm ông nơi nào?
Bọn ta đều cao sĩ
Chân mây động nguyệt ôm kỳ chí
Đất trời đến đâu cũng là nhà
Tiếng đàn càng nhỏ, âm càng lớn
Ý hay trong đó tự tràn đầy
Ta nay nhàn hạ sợ sinh lười
Không cờ không bạc gẩy đàn chơi
Vừa đàn vừa trống, khúc gì vậy?
Khúc điệu hữu tình, như cố gẩy
Chỉ e "tưng tửng" các anh cười:
Tiếng đàn chẳng lọt tai!
Ta cũng tự cười mình
Chỉ mới biết gẩy đàn "hữu thanh".
[1] Đào Tiềm (365-427) tự Uyên Minh người đất Tầm Dương làm quan lệnh ở Bành Trạch vào thời Tấn. Ông rất yêu hoa cúc, tính tình khảng khái, gét luồn cúi. Một hôm có tên Đốc bưu do quan trên sai xuống, nha lại khuyên ông nên mũ áo chỉnh tề ra đón, ông đáp: “Ngô bất năng vị ngũ đấu mễ chiết yêu, quyền quyền sự hương lý tiểu nhân” (Ta không thể vì năm đấu gạo mà khom lưng khúm núm thờ bọn tiểu nhân trong làng được). Rồi ông treo ấn từ quan, trở về quê trồng liễu, cúc làm vui. Trước khi ra về, ông có bài Quy khứ lai từ.
[2] Đàn không dây. Theo Đào Tĩnh Tiết truyện Thái Tử chiêu Minh nhà Lương thì Đào Tiềm là người thông thạo âm luật, nhưng lại có một cây đàn không dây, mỗi khi say rượu thì đem ra ôm, vỗ vào để ký thác nỗi lòng.
[3] Nước chảy non cao, chỉ người tri âm theo tích Chung Tử Kỳ nghe Bá Nha đánh đàn mà biết khi nào Bá Nha nghĩ đến nước chảy, khi nào nghĩ đến non cao.
[4] Tức Đào Tiềm.
[5] Câu này lấy điển từ sách Đạo đức kinh của Lão Tử: “Đại âm hy thanh”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đoàn Huyên » Học cầm ca