29/03/2024 08:52Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đồng Tước đài
銅雀臺

Tác giả: Nguyễn Du - 阮攸

Thể thơ: Thất ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 18/12/2005 22:52

 

Nguyên tác

一世之雄安在哉,
古人去兮今人來。
不見鄴中魏武帝,
但見江邊銅雀臺。
臺基雖在已傾圮,
陰風怒號秋草靡。
玉龍金鳳盡茫茫,
何況臺中歌舞妓。
斯人盛時誰敢當,
眇視皇帝凌侯王。
只恨層臺空律屼,
小喬終老嫁周郎。
一朝大限有時至,
尚食奏歌圖悅鬼。
分香賣履苦叮嚀,
落落丈夫何爾爾。
奸雄別自有機心,
不是鳴哀兒女氣。
千機萬巧盡成空,
終古傷心漳江水。
我思古人傷我情,
徘徊俯仰悲浮生。
如此英雄且如此,
況乎寸功與薄名。
人間勳業若長在,
此地高臺應未傾。

Phiên âm

Nhất thế chi hùng an tại tai,
Cổ nhân khứ hề kim nhân lai.
Bất kiến Nghiệp trung Nguỵ Vũ Đế[1],
Đãn kiến giang biên Đồng Tước đài.
Đài cơ tuy tại dĩ khuynh bĩ,
Âm phong nộ hào thu thảo mĩ.
Ngọc Long[2], Kim Phượng[3] tận mang mang,
Hà huống đài trung ca vũ kỹ.
Tư nhân thịnh thời thuỳ cảm đương,
Miễu thị hoàng đế lăng hầu vương.
Chỉ hận tằng đài không luật ngột,
Tiểu Kiều[4] chung lão giá Chu Lang.
Nhất triêu đại hạn hữu thì chí,
Thượng thực tấu ca đồ duyệt quỷ[5].
Phân hương mại lí khổ đinh ninh,
Lạc lạc trượng phu hà nhĩ nhĩ.
Gian hùng biệt tự hữu cơ tâm,
Bất thị minh ai nhi nữ khí.
Thiên cơ vạn xảo tận thành không,
Chung cổ thương tâm Chương Giang[6] thuỷ.
Ngã tư cổ nhân thương ngã tình,
Bồi hồi phủ ngưỡng bi phù sinh.
Như thử anh hùng thả như thử,
Huống hồ thốn công dữ bạc danh.
Nhân gian huân nghiệp nhược trường tại,
Thử địa cao đài ưng vị khuynh.

Dịch nghĩa

Anh hùng một thuở nay ở đâu ?
Người xưa đã qua, ôi! người nay tới
Chẳng thấy Nguỵ Vũ đế trong thành Nghiệp
Chỉ thấy đài Đồng Tước ở bên sông
Nền đài tuy còn, nhưng đã nghiêng đổ
Gió lạnh thét gào, cỏ thu tàn úa
Lầu Ngọc Long, Kim Phụng cũng mịt mờ dấu vết
Huống chi ca nhi, vũ nữ trong đài
Người ấy lúc thịnh, ai dám chống lại?
Coi thường vua, lấn lướt vương hầu
Chỉ hận mấy tầng lầu cao sừng sững
Mà nàng Tiểu Kiều đến già vẫn là vợ Chu Lang
Một sớm mai hạn lớn xảy đến
Dâng thức ăn, đàn hát mong làm vui hồn ma
Chia hương, bán giày, khổ tâm dặn dò
Bậc trượng phu tài ba lỗi lạc mà sao như thế ?
Kẻ gian hùng riêng có mưu kế trong lòng
Chẳng phải kêu thương uỷ mị như tính khí đàn bà ?
Rốt cuộc muôn khéo nghìn khôn cũng thành không tất cả
Từ ngàn xưa đau lòng nước sông Chương
Ta nghĩ đến người xưa mà xót nỗi mình
Bồi hồi ngẩng lên cúi xuống, thương kiếp phù sinh
Anh hùng đến như thế mà như thế
Huống chi những kẻ có chút công nhỏ mọn, danh vọng mỏng manh
Nghiệp lớn ở đời nếu còn mãi
Thì toà đài cao ở đất này đã chưa đổ

Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Một thuở anh hùng nay ở đâu?
Người xưa qua mất, đến người sau
Trong thành Nguỵ đế không còn nữa
Chỉ thấy đài xưa bến nước sâu
Còn đây dấu cũ nền nghiêng đổ
Gió lạnh gào kêu, thu cỏ úa
Lầu rồng, gác phụng thảy tiêu tan
Nói đến làm chi người hát múa
Thịnh thời người ấy, ai đương đầu?
Coi thường vua chúa, lấn vương hầu
Chỉ hận mấy tầng cao sững sững
Tiểu Kiều già vẫn vợ chàng Chu
Hạn lớn một mai bỗng xảy ra
Dâng ăn, đàn hát vui hồn ma
Hương chia, giày bán dặn dò mãi
Lỗi lạc trượng phu như thế a!
Gian hùng mưu kế lạ trong lòng
Tính khí đàn bà uỷ mị thương
Muôn khéo, nghìn khôn không hết thảy
Nghìn năm đứt ruột nước sông Chương
Nghĩ đến người xưa xót nỗi mình
Bồi hồi cúi ngẩng kiếp phù sinh
Anh hùng như thế mà như thế
Huống kẻ công hèn phận mỏng manh
Trên đời huân nghiệp như còn mãi
Đất này đâu đã đổ toà thành
Đồng Tước đài: đài do Tào Tháo xây ở Nghiệp 鄴 quận làm chỗ vui chơi.

[1] Tức Tào Tháo 曹操 (155-220), tự là Mạnh Đức 孟德, thời Kiến An có công thống nhất bắc Trung quốc, làm quan đến chức thừa tướng, phong Nguỵ Vương 魏王. Sau khi Tào Tháo chết, con là Tào Phi 曹丕 phế bỏ nhà Hán, lên làm vua, truy tôn là Nguỵ Vũ Đế 魏武帝.
[2, 3] Ngọc Long, Kim Phượng: tên hai lầu ở hai bên đài Đồng Tước.
[4] Vợ của Chu Du 周瑜, đô đốc quân Ngô. Khổng Minh 孔明 khích Chu Du đánh Tào Tháo 曹操, xuyên tạc bài phú của Tào Thực 曹植 (con Tào Tháo đọc cho Du nghe, nói là Tào Tháo xây đài Đồng Tước để bắt hai chị em Đại Kiều (vợ Tôn Sách 孫策) và Tiểu Kiều (vợ Chu Du 周瑜) đem về nhốt Chu Du nổi giận quyết đánh, diệt tám mươi vạn quân Tào ở trận Xích Bích 赤壁.
[5] Lúc sắp chết, Tào Tháo dặn các tì thiếp hằng ngày phải cúng các món Tào Tháo thích ăn khi còn sống và có nữ nhạc múa hát để làm vui. Tào Tháo lại chia phấn sáp, giày thêu cho các tỳ thiếp để họ bán lấy tiền khi túng thiếu.
[6] Sông phát nguyên từ Phúc Kiến 福建, chảy qua huyện Lâm Chương.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Du » Đồng Tước đài