27/04/2024 04:51Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nhật nguyệt 1
日月 1

Tác giả: Khổng Tử - 孔子

Thể thơ: Kinh thi; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Chu
Đăng bởi Vanachi vào 30/09/2005 09:05

 

Nguyên tác

日居月諸,
照臨下土。
乃如之人兮,
逝不古處。
胡能有定?
寧不我顧?

Phiên âm

Nhật cư nguyệt chư,
Chiếu lâm hạ thổ.
Nãi như chi nhân hề!
Thệ bất cổ xử.
Hồ năng hữu định?
Ninh bất ngã cổ (cố).

Dịch nghĩa

Hai vầng nhật nguyệt,
Đã từng rọi chiếu mặt đất.
Nay lại có người như chàng,
Chẳng lấy đạo nghĩa xưa mà cư xử với ta.
Làm sao chàng định tâm chí được (khi chàng đã mê loạn rồi)?
Sao đối với ta, chàng không đoái tưởng đến?

Bản dịch của Tạ Quang Phát

Hai vầng nhật nguyệt kia ơi!
Đất này từng đã chiếu soi khắp vùng.
Người sao lại có như chồng,
Chẳng đem nghĩa cũ ở cùng với ta.
Lương tâm nào định được mà ?
Chẳng hề đoái tưởng xót xa thân này.
Chú giải của Chu Hy:

Chương này thuộc phú.

nhật cư nguyệt chư: gọi mặt trời mặt trăng mà bày tỏ nỗi lòng.
chi nhân: người ấy, chỉ Vệ Trang Công.
thệ: tiếng ở đầu câu.
cổ xử (chưa rõ là nghĩa gì): có thuyết giải rằng: lấy đạo xưa mà đối xử.
hồ: ninh, đều có nghĩa là sao.

Bà Trang Khương không được Vệ Trang Công báo đáp ân tình, mới gọi mặt trời mặt trăng để bày tỏ nỗi lòng đau đớn mà thốt lời rằng: mặt trời mặt trăng rọi chiếu xuống mặt đất đã lâu rồi. Nay lại có người như thế (chỉ Vệ Trang Công), không lấy đạo nghĩa xưa để đối xử với vợ, vì tâm chí của người đã bị mê loạn thì làm sao còn định tâm chí được thay! Và tại sao chỉ riêng đối với ta, người không đoái đến vậy? Tuy bị bỏ rơi như thế, mà Trang Khương vẫn có ý chờ trông. Bài thơ này vì thế mà đôn hậu.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khổng Tử » Nhật nguyệt 1