30/03/2024 01:56Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đăng Vĩnh Long thành lâu
登永隆城樓

Tác giả: Nguyễn Thông - 阮通

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 23/05/2009 21:01

 

Nguyên tác

雨霽汀洲集晚禽,
一聲畫角半樓陰。
天燒城郭週遭在,
多難親朋契闊深。
去國杜陵餘別淚,
異鄉王粲負歸心。
昔賢可是俱懷土,
蓬鬢西風幾度侵。

Phiên âm

Vũ tễ đinh châu tập vãn cầm,
Nhất thanh hoạ giốc bán lâu âm.
Thiên thiêu thành quách chu tao tại,
Đa nạn thân bằng khế khoát thâm.
Khứ quốc Đỗ Lăng[1] dư biệt lệ,
Dị hương Vương Xán[2] phụ quy tâm.
Tích hiền khả thị câu hoài thổ,
Bồng mấn tây phong[3] kỷ độ xâm.

Bản dịch của Nguyễn Tấn Hưng

Bãi sông mưa tạnh chim chiều tụ,
Ốc rúc, nghiêng che bóng nửa lầu.
Thành quách cháy tàn cây cỏ rụi,
Thân bằng hoạn nạn nghĩa tình sâu.
Đỗ Lăng nhớ nước đau dòng lệ,
Vương Xán ly hương nghẹn mối sầu.
Thánh hiền xưa cũng mong quê cũ,
Tơ tóc bao lần bạc gió thâu!
[1] Đỗ Phủ (712-770) tự Tử Mỹ 子美, hiệu Thiếu Lăng dã lão 少陵野老, Đỗ Lăng dã khách 杜陵野客 hay Đỗ Lăng bố y 杜陵布衣, là một thi nhân tiêu biểu đời Đường (Trung Quốc). Trong suốt cuộc đời, tham vọng lớn nhất của ông là có được một chức quan để giúp đất nước, nhưng ông đã không thể thực hiện được điều này. Cuộc đời ông giống như cả đất nước, bị điêu đứng vì loạn An Lộc Sơn năm 755, và 15 năm cuối đời ông là khoảng thời gian hầu như không ngừng biến động. Sống nay đây mai đó nghèo đói, ông mất tại Đàm Châu (nay là Trường Sa) vào năm 770 ở tuổi 59, trên một chiếc thuyền rách nát.
[2] Vương Xán (177-217) tự Trọng Tuyên 仲宣, là thi nhân nổi tiếng nhất, làm thơ nhiều nhất và cũng tiêu biểu nhất trong Kiến An thất tử cuối đời Đông Hán (Trung Quốc). Là người từng nhìn thấy cảnh hỗn chiến thời Kiến An, bản thân cũng từng chạy loạn, nên thơ Vương Xán phản ảnh được ít nhiều nỗi bi thảm của nhân dân trong cảnh loạn lạc.
[3] Trong Kinh Dịch, âm dương chia tứ tượng thì phương tây là thiếu âm, là mùa thu. Trong văn thơ, tây phong chỉ gió mùa thu, song ở đây tác giả muốn chỉ Tây Dương tức quân Pháp lúc đó xâm lược nước ta.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Thông » Đăng Vĩnh Long thành lâu