27/04/2024 03:19Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hành Tây Bắc

Tác giả: Trịnh Bửu Hoài

Thể thơ: Thơ mới bảy chữ; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi hongha83 vào 28/06/2008 07:25

 

tặng các anh Nguyễn Thành Viên, Trần Quang Huấn, Phùng chiến, Cầm Hùng, Đinh Hữu Xanh

Tây Bắc[1] trập trùng mây chớn chở
Hồn cao như núi thân như cỏ
Lương Sơn[2] một dải lúa xanh rì
Đà Giang[3] bóng nước cuốn chiều đi

Cô gái Mường[4] thoăn thoăn gót nhỏ
Điệu múa nghiêng lòng ai thương nhớ
Ta say ánh mắt men rượu cần
Một chút hương nồng sao lâng lâng

Nửa đêm trống lạnh căn nhà gỗ
Có phải hương người trong hương gió
Thổi qua giấc mộng đầy sương bay
Núi rừng im ắng có ai hay

Bạn tiễn ta một ly rượu cẩm
Hồn nếp đen tan vào ngực ấm
Theo ta trong suốt chuyến đi dài
Mặc mưa dầm nắng táp gió ngàn phai

Đèo quanh co vực sâu sừng sững
Thung Khe[5] vách núi cao dựng đứng
Trời xanh như muốn chạm mái đầu
Nghe lòng xao xuyến chiều Mai Châu[6]

Mộc Châu[7] nghiêng đồi theo ngọn thác
Dừng chân ta ngắm mây Chiềng Hạt[8]
Nắng xối rừng xanh xanh Yên Châu[9]
Ấm lạnh mơ hồ trên dốc cao

Đêm cao nguyên thở cùng sương khói
Khuya Sơn La[10] quán ai còn đợi
Tiếc rằng khoảnh khắc chẳng là bao
Gặp gỡ thêm làm nặng lòng nhau

Ta thức giấc phố khuya hiu quạnh
Sương đẫm áo mà lòng không lạnh
Đôi môi người cháy đỏ đêm thâu
Quán thâm tình rượu rót cạn đâu

Ta như lạc ngoài men chếnh choáng
Ánh mắt ấy một trời lãng mạn
Tiếc rằng chân lỡ bước giang hồ
Để lại người một nửa vần thơ

Mang bóng hình em qua Suối Muội[11]
Ngất ngưởng Pha Đin[12] mây tháp núi
Bữa cơm Tuần Giáo[13] rượu Sán Lùng[14]
Ngã ba đường chợt buồn mông lung

Mường Phăng[15] mùa nắng rêu còn ẩm
Hun hút đường lên Lồng Ba Khách
Hồ Pa Khoang[16] chạm bóng mây giăng
Nước biếc đồi cao cợt gió ngàn

Ta bồi hồi qua sông Nậm Rốm[17]
Điện Biên[18] mây trắng bay lồng lộng
Nghiêng mình trước bia mộ vô danh
Ngọn cờ chiến thắng đỏ Him Lam[19]

Đồng lúa Mường Thanh[20] thành đất hứa
Huyền thoại hồ U Va[21] không còn nữa
A Một[22] xưa hào khí ngang trời
Chiến trường nay cỏ biếc chân đồi

Đường Lai Châu[23] quanh quanh đèo dốc
Ta lại đi qua những cầu Tinh Tốc
Mường Lay[24] ơi phố sáng lưng đồi
Đường xa chạnh nhớ bóng một người

Nậm Na[25] nước xiết leo ghềnh đá
Khe núi cao người như cánh lá
Ta là ai giữa gió bụi Pa Tần[26]
Mà cô gái Thái[27]mắt bâng khuâng

Phong Thổ chiều êm thi vị quá
Núi đã kề đôi chờ khách lạ
Rượu uống cháy lòng người phương xa
long lanh đáy cốc ánh trăng tà

Nghe kể chuyện tình chàng trai Mán[28]
Yêu cô gái Mèo một thời lãng mạn
Người thương người không thể chia phôi
Hoá kiếp bên trời cây đa đôi

Ta đi như bơi trong sương trắng
Hoàng Liên Sơn chộc trời mà khát nắng
Biết tìm đâu đỉnh Phanxipăng
Chập chùng xa tháp ruộng bậc thang

Vắt vẻo sườn non dòng thác Bạc[29]
Ô Quý Hồ[30] ngàn cây che mắt
Thương hoa riềng dại trắng lưng đèo
Ngàn năm đá thức giữa cheo leo

Sa Pa như thể trôi đi được
Trong dòng sông sương áo người tha thướt
Ta không yêu cũng chợt động lòng
Cô gái miền cao má ửng hồng

Bỏ lại hàng thông trên triền núi
Ta đắm mình trong Lào Cai mưa bụi
Rộn ràng Cốc Lếu[31] chợ biên cương
Cầu Kiều[32] đôi chiếc một ngả đường

Xuôi nhánh sông Hồng về Yên Bái
Thấp thoáng Cam Đường[33] ai ngoái lại
Qua Phố Lu[34] nhớ rượu Bắc Hà[35]
Đường xanh bóng mát chạn lòng xa

Xin giã biệt núi đồi Tây Bắc
Muốn giữ muôn hình trong đáy mắt
Gió rừng tiễn ta về phương Nam
Nặng oằn vai một gánh tình thâm
[1] Thuộc tỉnh Phú Thọ.
[2] Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hòa Bình.
[3] Là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy theo hướng tây bắc - đông nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ.
[4] Là một dân tộc sống ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.
[5] Một xã thuộc huyện mai Châu, tỉnh Hoà Bình, Việt Nam.
[6] Một huyện thuộc tỉnh Hoà Bình.
[7] Một huyện thuộc tỉnh Sơn La, có cao nguyên Mộc Châu.
[8] Một xã thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
[9] Một huyện thuộc tỉnh Sơn La.
[10] Là tỉnh biên giới phía tây bắc Việt Nam.
[11] Thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
[12] Là đèo núi dài nhất Việt Nam, nằm trên quốc lộ 6, ở ranh giới giữa tỉnh Sơn La và Điện Biên, cách thị xã Sơn La về phía tây 66km.
[13] Là một huyện miền núi thuộc tỉnh Điện Biên.
[14] Một xã thuộc huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai, nơi có thứ rượu ngon nổi tiếng.
[15] Một xã thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
[16] Thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
[17] Phụ lưu cấp II thuộc hệ thống sông Mêkông thuộc lãnh thổ Việt Nam.
[18] Là một tỉnh nằm ở vùng tây bắc, miền Bắc Việt Nam, giáp với các tỉnh Lai Châu và Sơn La của Việt Nam, Vân Nam của Trung Quốc ở phía Bắc, Phongsali của Lào ở phía Tây.
[19] Thuộc tỉnh Điện Biên.
[20] Thung lũng thuộc tỉnh Điện Biên.
[21] Thuộc xã Noong Luống - huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 15km.
[22] Tên đồi thuộc tỉnh Điện Biên.
[23] Là một tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, phía Bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phía Tây và phía Tây Nam giáp tỉnh Điện Biên.
[24] Là một thị xã nằm ở phía bắc tỉnh Điện Biên, được đổi tên từ thị xã Lai Châu (cũ) theo Nghị định 25/2005/NĐ-CP ngày 2 tháng 3 năm 2005 về việc đổi tên thị xã Lai Châu cũ thành thị xã Mường Lay và huyện Mường Lay thành huyện Mường Chà[1]. Phía bắc giáp tỉnh Lai Châu (mới), các phía còn lại giáp huyện Mường Chà
[25] Phụ lưu lớn nhất ở bờ trái Sông Đà thuộc địa phận Việt Nam, có tên là Đăng Điều ở Trung Quốc. Bắt nguồn từ vùng núi cao trên 2.000m thuộc tỉnh Vân Nam, nhập vào Sông Đà ở bờ trái tại Mường Lay. Dài 235km (phần chảy ở Việt Nam 86km). Diện tích lưu vực 6.860km2 (phần ở Việt Nam 2.190km2), cao trung bình 1.276m, độ dốc trung bình: 31,2%. Tổng lượng nước bình quân nhiều năm 8,80 km3 tương ứng với lưu lượng bình quân 279m3/s và môđun dòng chảy năm 40,7 l/s.km2, thuộc loại nhiều nước so với các vùng khác trong cả nước. Mùa lũ từ tháng 6 - 9. Lượng nước mùa lũ chiếm khoảng 68,4% tổng lượng nước cả năm. Biên độ mực nước tại Nậm Giàng 10m.
[26] Một xã thuộc tỉnh Điện Biên.
[27] Còn được gọi là Tày Khao (Thái Trắng), Tày Đăm (Thái Đen), Tày Mười, Tày Thanh (Man Thanh), Hàng Tổng (Tày Mường), Pu Thay, Thổ Đà Bắc. Họ đã có mặt ở miền Tây Bắc Việt Nam trên 1200 năm, là con cháu người Thái di cư từ vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bây giờ.
[28] Một tên gọi khác của dân tộc Sán Chay. Họ thuộc nhóm nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Dân số 114.000 người. Địa bàn cư trú: ở Tuyên Quang, Bắc Thái, Hà Bắc, rải rác ở các tỉnh: Quảng Ninh, Yên Bái, Lạng Sơn, Vĩnh Phú.
[29] Thuộc địa phận Lai Châu, tỉnh Lào Cai.
[30] Tên đèo thuộc tỉnh Lào Cai.
[31] Một phường thuộc thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
[32] Chưa tra cứu được.
[33] Là vùng đất lịch sử lâu đời có truyền thống đấu tranh cách mạng, nơi thành lập chi bộ Đảng nông thôn đầu tiên của Lào Cai.
[34] Là thị trấn thuộc tỉnh Lào Cai.
[35] Một huyện thuộc tỉnh Lào Cai.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trịnh Bửu Hoài » Hành Tây Bắc