20/04/2024 09:07Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Luận thi kỳ 21
論詩其二十一

Tác giả: Nguyên Hiếu Vấn - 元好問

Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Nam Tống, Kim
Đăng bởi Vanachi vào 10/10/2008 11:47

 

Nguyên tác

窘步相仍死不前,
唱酬無復見前賢。
縱橫正有凌雲筆,
俯仰隨人亦可憐。

Phiên âm

Quẫn bộ tương nhưng tử bất tiền,
Xướng thù vô phục kiến tiền hiền.
Tung hoành chính hữu lăng vân bút[1],
Phủ ngưỡng tuỳ nhân[2] diệc khả liên.

Dịch nghĩa

Quẫn bước theo nhau sẽ lâm vào đường cùng không phát triển tiếp được,
Xướng hoạ thơ không thể như các hiền nhân (tức các nhà thơ lớn) đời trước.
Tung hoành cốt là có bút lực ngạo tới mây,
Cúi ngẩng theo người khác thật là đáng thương.

Bản dịch của Điệp luyến hoa

Quẫn bước theo nhau chẳng có đường,
Mãi cùng xướng hoạ chỉ tầm thường.
Tung hoành cốt có lăng vân bút,
Cúi ngẩng theo người thật đáng thương.
Bài này luận về việc xướng hoạ thơ, đại ý nói thơ thể loại này sẽ bị bó buộc không thể tự do biểu thị ý mình. Cổ nhân có truyền thống lấy thơ để hoạ đáp lẫn nhau. Nguyên ban đầu việc hoạ thơ chỉ cần hoạ ý mà không nhất thiết phải theo thể thức và vần của bài xướng, về sau mới có thêm quy tắc phải hợp vần và gọi là hoạ vần. Hoạ vần có hai loại, đồng vận và thứ vận. Đồng vận là chỉ cần dùng vần của bài xướng mà không cần theo thứ tự, thứ vận là cần theo đúng thứ tự. Cách thức này khởi nguồn từ Nguyên Chẩn - Bạch Cư Dị 白居易, Bì Nhật Hưu 皮日修 - Lục Quy Mông 陸龜蒙 từng hoạ đáp nhau theo cách này, đến đời Tống thì có Tô Thức 蘇軾 - Hoàng Đình Kiên 黃庭堅 và thứ vận từ đó trở thành thịnh hành. Nguyên Hiếu Vấn là người tôn trọng lối thơ tự nhiên nên phản đối lối thơ này.

[1] Thơ Đỗ Phủ trong Hí vi lục tuyệt cú (kỳ 1): "Dữu Tín văn chương lão cánh thành, Lăng vân kiện bút ý tung hoành" 庾信文章老更成,凌雲健筆意縱橫 (Văn chương của Dữu Tín càng về già mới thành công, Bút lực tráng kiện chạm tới mây, ý tứ tung hoành).
[2] Chỉ việc hoạ vần phải theo hạn định trong bài của người xướng.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyên Hiếu Vấn » Luận thi kỳ 21