26/04/2024 10:42Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Vịnh Thăng Long hoài cổ

Tác giả: Hồ Xuân Hương - 胡春香

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi karizebato vào 17/06/2009 23:30

 

Ngân ngất tầng mây một dải cờ[1],
Kinh thành ngày trước tỉnh bây giờ[2].
Tượng đồng Trấn Vũ hương còn ngát,
Bia đá Khuê Văn[3] chữ chửa mờ.
Bảo tháp lơ thơ chòm cỏ mới,
Hồ sông lai láng bóng trăng xưa.
Nào ai cố lão ra đây hỏi,
Chốn cũ phồn hoa đã phải chưa.
(Theo bản Tạp thảo tập)

Khảo dị:

- Bản Âm ca tập
Vịnh Thăng Long thành

Chân ngất tầng mây một dải cờ,
Kinh thành ngày trước tỉnh bây giờ.
Tượng đồng Trấn Vũ hương còn ngát,
Bia đá Khuê Văn chữ chửa mờ.
Bảo tháp lơ thơ chòm cỏ mới,
Hồ sông lai láng bóng trăng xưa.
Gặp ai cố lão ra rồi hỏi,
Chốn cũ phồn hoa có phải chưa.
- Bản Xuân Hương thi sao
Thăng Long thành hoài cổ

Ngân ngất tầng mây một dải cờ,
Kinh thành ngày trước tỉnh bây giờ.
Tượng đồng Trấn Vũ hương còn ngát,
Bia đá hoa văn chữ chửa mờ.
Bảo tháp lơ thơ chòm cỏ mới,
Sông Tô lai láng bóng trăng xưa.
Gặp ai cố lão ra đây hỏi,
Chốn cũ phồn hoa đã phải chưa.
- Bản Xuân Hương thi vịnh
Thăng Long hoài cổ

Chân ngất tầng mây một ngọn cờ,
Kinh thành ngày trước cảnh bây giờ.
Tượng đồng Trấn Vũ hương còn ngát,
Bia đá hoa văn chữ chửa mờ.
Bảo tháp lơ thơ chòm cỏ mới,
Ghềnh Tô lai láng bóng trăng xưa.
Gặp ai cố lão ra đây hỏi,
Chốn cũ phồn hoa đã phải chưa.

[1] Chỉ ngọn cờ trên cột cờ Hà Nội được xây dựng vào năm Gia Long thứ 11 (1812).
[2] Chỉ Hà Nội lúc đã đổi là tỉnh thành. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) bắt đầu bỏ các trấn, chia cả nước làm 20 tỉnh, trong đó Trấn thành Thăng Long đổi thành Tỉnh thành Hà Nội. Song câu thơ không chỉ nói về sự đổi thay tên gọi, mà còn bao hàm nỗi ai hoài chua xót của người Hà Nội bấy giờ. Sau khi Gia Long lên ngôi, kinh đô đặt tại Huế; do Thăng Long không còn là kinh đô nữa nên chữ “long” 龍 là rồng bị đổi thành chữ “long” 隆 là thịnh vượng; cũng do Thăng Long không còn là Hoàng thành nên năm Gia Long thứ 4 (1805) đã phá thành cũ để xây thành mới hẹp hơn; đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) vì cho rằng thành Hà Nội vẫn còn quá cao, nên lại hạ xuống thêm 1 thước 8 tấc, nghĩa là tường thành chỉ còn cao hơn 3 mét.
[3] Tức Khuê Văn Các ở khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bia đá chỉ các tấm bia tiến sĩ do vua Lê Thánh Tông cho dựng vào năm 1484, bắt đầu ghi tên các tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 đời Lê Thái Tông. Các văn bản ghi “bia đá hoa văn” là những bản sao sai văn bản, vừa mơ hồ về nghĩa, vừa không đối với câu trên.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hồ Xuân Hương » Vịnh Thăng Long hoài cổ