30/03/2024 03:46Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bài 167 - Giới sắc

Tác giả: Nguyễn Bỉnh Khiêm - 阮秉謙

Thể thơ: Đường luật biến thể; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 17/07/2007 21:42

 

Cẩn[1] cho hay, chẳng phải chơi,
Sắc xem dường sóng, dễ xiêu người[2].
Lửa rơm[3] nẻo chửa ngăn lòng tục,
Giềng mối[4] đâu còn biết lẽ trời.
Có chồng con bao xiết lỗi,
Hay bùa thuốc[5] ấy thìn đời[6].
Kham hiền[7] luận ác “dâm vi nhất[8]”,
Cẩn cho hay, chẳng phải chơi.
Theo Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập (AB.635).

Nghĩa của đề mục: Răn người ham sắc đẹp.

[1] Giữ gìn, đề phòng cho chu đáo, không sơ suất.
[2] Người xưa thường hay dùng hình ảnh này. Một câu thơ cổ: “Sắc bất ba đào, dị nịch nhân” (Sắc chẳng có sóng, mà dễ khiến làm đắm người). Lý Diên Niên (Đường) cũng có câu: “Nhất tiếu khuynh nhân thành, tái tiếu khuynh nhân quốc” (Người đẹp cười lần thứ nhất làm nghiêng thành người, cười lần thứ hai làm nghiêng nước người).
[3] Từ câu tục ngữ “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”.
[4] Tức cương thường.
[5] Nghĩa là bùa mê, nhưng theo nghĩa rộng.
[6] Giữ gìn cẩn thận ở trên đời.
[7] Đáng khen là hiền, phải chịu là hiền.
[8] Theo quan điểm Nho giáo luận về mọi tội ác, định rõ dâm ô là đứng đầu. Người xưa có câu: “Bách ác, dâm vi thủ; vạn thiện, hiếu vi tiên” (Trăm điều ác, dâm là đầu; vạn điều lành, hiếu đứng trước).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Bỉnh Khiêm » Bài 167 - Giới sắc