25/04/2024 19:40Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Viên tỉnh trừng lan

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Ca trù (hát nói); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 04/10/2020 01:24

 

Bốn chữ đề Hưng Yên Văn miếu;
Coi quy mô khéo khéo dễ đâu hơn.
Nhớ ngày xưa Lỗ tướng xuất tư tiền;
Vì ngô đạo[1] dựng nên phong cảnh mới.
Có lầu cao trăng thu soi tới;
Có tháp tà mong thụ giới hiếu trung.
Có thư thanh đàn độc chốn huỳnh cung[2];
Có bi thạch ghi công thiên vạn cổ.
Có trì đường, có xuân chi đê thụ;
Có chuông kêu khánh vỗ tiếng gần xa.
Trước tam quan đãi hiểu có đôi nhà;
Có nước suối chảy ra trong giếng mới.
Khách quan thân[3] như sau có hỏi rằng:
Kinh dinh Đinh Hợi ấy là năm;
Khi giao thiệp mà văn đạo[4] vẫn thường chăm.
Công đức Nho lâm[5] tranh tán tụng;
Rằng lấy đạo tâm duy trì đạo thống.
Tư văn[6] này rộng mở đến đời sau,
Dẫu Tần Tuỳ Khuông Vệ[7] cũng không âu;
Nhất nguyên khí[8] dài lâu kim dữ cổ[9].
Tĩnh nhất phương chi phong vũ;
Mạc nhiên kiến sơn cao thuỷ thanh.[10]
Phong lưu riêng một Đằng thành[11].
Cung tường[12] thờ thánh, cung đình chầu vua.
Địa dư nên hoạ bức đồ,
Đại Nam nhất thống ngàn thu để truyền.
Ghi rằng: Đồng Khánh nhị niên[13],
Sử xanh khắc chữ Hưng Yên[14] lên đầu.
Tam quan trên có lầu cao,
Cửa vuông bóng nguyệt soi vào cũng vuông.
Mắt thu tám cõi nước non,
Như ngồi đỉnh núi Đông Sơn[15] những ngày.
Tháp bao giờ đứng mãi đây,
Trơ trơ cột đá đôi cây bóng chiều.
Giới trung hiếu quyết lòng theo,
Mấy ngàn năm vẫn đứng chầu thánh cung.
Nhà học nhịp mái cưu công,
Huyền ca vui tiếng trống chuông đêm ngày.
Danh giáo nhạc địa là đây,
Khói hương Văn miếu thơm bay ngạt ngào.
Nhà bia ai đắp nên cao,
So le to nhỏ tạc vào đá yên.
Hoàng triều Đồng Khánh nhị niên,
Dựng bia công đức để truyền hậu lai.
Một gương bán mẫu rộng dài,
Thu vừng nhật nguyệt soi người quan thân.
Khi dục đức[16] lúc tảo thân[17],
Thương Lang[18] một phái Tứ tân[19] một dòng.
Đường đê cây mới vun trồng,
Cành xuân man mát vui lòng mấy xuân.
Nước mưa hoá vũ[20] phải thời,
Cỏ hoa thuộc mấy quan xuân còn nhiều.
Chuông vàng thét tiếng bồ lao[21],
Hơi tan tục lự[22] ai nào còn mê.
Khách Dương Mặc[23] lắng tai nghe,
Đổi lòng tệ cố[24] vui về rừng văn[25].
Khánh[26] sinh ra bến Tứ tân,
Khánh hoà vì có tư văn mới hoà.
Cùng vương nghe tiếng lên nhà,
Đem lòng kính trọng đạo ta rõ ràng.
Giác đình[27] nhà bóng như gương,
Sửa sẵn quan thường[28] ngồi đợi triêu hy[29].
Sao chưa lặn bóng còn khuya,
Thấy trăng mới mọc mà ngờ rạng đông.
Giếng tròn như nguyệt nước trong,
Hàn tuyền[30] sắc biếc bóng lồng như gương.
Sáng soi trở đậu[31] cung tường,
Trệ cấp[32] khi thường chịu phúc vương minh.
Bài này tuyển từ chùm thơ Văn miếu thập vịnh đề vịnh Văn miếu tỉnh Hưng Yên, chép trong Tỉnh thần chúc hỗ ca văn (kí hiệu A.2122, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm), là tập thơ ca của quan viên các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, Nam Định, Sơn Tây, Quảng Yên mừng thọ vua Tự Đức tròn 50 tuổi.

Ngày 20 tháng Mười năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), quan Tuần phủ tỉnh Hưng Yên là Hoàng Cao Khải (1850-1933) bổ kinh phí trùng tu Văn miếu tại Đằng Châu. Khi từ vũ khánh thành, trang nghiêm, mới tức cảnh làm thành mười bài thơ vịnh. Phàm bậc văn thân nào có bài hoạ đều được nộp vào công đường để điểm duyệt, bài nào hay sẽ có thưởng và được đọc lên trong buổi bình thơ. Mười bài thơ vịnh cảnh Văn miếu Hưng Yên có tên như sau: Cao lâu thu nguyệt, Cổ tháp tà dương, Học xá thư thanh, Bi đình thạch triện, Xuân chi đê thụ, Trì đường bích sắc, Kim chung khấu tỉnh, Thạch khánh hoà minh, Giác đình đãi hiểu, Viên tỉnh trừng lan. Thông thường, mỗi bài lại có một vài bài hoạ, trong đó bài Viên tỉnh trừng lan có bốn bài hoạ bằng chữ Hán và một bài dùng quốc âm có kèm theo cả lời ca, là bài ở đây.

[1] Chỉ đạo Nho.
[2] Chỉ nhà học, trường học.
[3] Quan văn, nho sĩ.
[4] Chỉ đạo Nho.
[5] Giới Nho sĩ.
[6] Sách Luận ngữ, thiên Tử Hãn có câu: “Thiên chi tương táng tư văn dã, hậu tử giả bất đắc dự ư tư văn dã” (Nếu trời định làm mất nền văn này, thì những kẻ đời sau chẳng được tham dự vào). “Văn” dùng để chỉ lễ nhạc, chế độ. Người đời sau thường dùng “tư văn” chỉ văn nhân hoặc đạo Nho.
[7] Bốn nước thời Xuân Thu. Khi Khổng Tử đi du thuyết qua những nước này đã gặp phải khó khăn.
[8] Khí hỗn nhất khi trời đất chưa phân chia. Sau dùng chỉ tinh thần của con người hay nguồn gốc của sự sống.
[9] Xưa và nay.
[10] Một phương yên tĩnh không còn mưa gió; An nhàn ngắm cảnh non cao nước trong xanh.
[11] Chỉ Đằng Châu, tên cũ của tỉnh Hưng Yên.
[12] Tường vây bao quanh nhà học. Thiên Tử Trương, sách Luận ngữ có câu: “Tử Cống viết: thí chi cung tường, Tứ chi tường dã, cập kiên khuy kiến thất gia chi hảo. Phu tử chi tưởng sổ nhận, bất đắc kỳ môn nhi nhập, bất kiến tông miếu chi mỹ, bách quan chi phú” (Tử Cống nói rằng: việc này cũng ví như bức tường vây nhà học kia, Tứ này là bức tường cao tới vai, nhòm qua thấy rõ cảnh gia đình êm đẹp. Phu tử là bức tường cao tới vài nhận. Nếu không biết lối vào, không thể thấy được vẻ đẹp của nhà tông miếu, cảnh giàu có của các quan). Tứ là học trò của Khổng Tử tên là Tử Cống. Về sau dùng cung tường để chỉ thầy trò.
[13] Tức năm 1887.
[14] Tỉnh Hưng Yên được thiết lập năm Minh Mệnh thứ 13 (1832).
[15] Núi Đông Sơn chưa xác định. Hoặc giả là nói đến quê hương của Khổng Tử thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
[16] Tu dưỡng thân.
[17] Tu dưỡng tâm cho được trong sáng.
[18] Tên sông, một chi của sông Hán (Hán thuỷ) trên địa phận nước Sở thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Thiên Ngư phủ trong Sở từ có câu: “Thương Lang chi thuỷ thanh hề, khả dĩ trạc ngô anh; Thương Lang chi thuỷ trọc hề, khả dĩ trạc ngô túc” (Nước sông Thương Lang trong thì ta giặt dải mũ; Nước sông Thương Lang đục thì ta rửa chân).
[19] Tức sông Tứ, có đoạn chảy qua đất Khúc Phụ (địa phận nước Lỗ thời Xuân Thu), quê hương Khổng Tử. Nói đến sông Tứ là nói đến cội nguồn của học phái Nho gia, nói đến người sáng lập ra học thuyết Nho gia, hoặc nói đến nhà Nho nói chung.
[20] Giáo hoá, tượng như mưa móc tưới đẫm đất đai. Về sau thường dùng “xuân phong hoá vũ” so sánh với chính giáo.
[21] Tên một loài thú. Tương truyền rằng, ngoài biển có loài cá lớn gọi là cá kình, và loài thú tên bồ lao. Bồ lao vốn sợ cá kình, mỗi khi cá quẫy động thì bồ lao sợ hãi kêu to. Nên khi đúc chuông, tạc hình bồ lao ở trên, vì khi đánh chuông thường dùng chày kình. Sau dùng bồ lao để chỉ quả chuông.
[22] Những ưu tư, suy nghĩ đời thường.
[23] Dương chỉ Dương Chu, chủ trương vị ngã, đại diện cho học phái Lão Trang; Mặc chỉ Mặc Địch, chủ trương kiêm ái, đại diện cho học phái Mặc gia. Hai học phái này ra đời thời Xuân Thu, có học thuyết đối lập với Nho gia.
[24] Xấu xa, bảo thủ.
[25] Dịch từ chữ “Nho lâm”, chỉ giới Nho sĩ.
[26] Một loại nhạc khí, có thể làm bằng vật liệu như kim loại, đá, hoặc ngọc. Thiên Vũ cống, Kinh thư có câu: “Tứ tân phù khánh” (Khánh nổi lên từ sông Tứ). Tương truyền, trên dòng sông Tứ có nổi lên tảng đá lớn có thể làm thành khánh.
[27] Tức phương đình, nơi dạy học hoặc là nơi các văn nhân, Nho sĩ đàm đạo chuyện thơ văn, kinh sách.
[28] Trang phục của các quan khi lên triều.
[29] Buổi sáng sớm.
[30] Nước suối, nước giếng trong mát. Phía trước nhà thái học có giếng nước gọi là viên quang tỉnh, được ví như viên ngọc sáng, nước luôn trong mát, tượng trưng cho việc giáo hoá luôn được lưu truyền.
[31] Đồ đựng vật cúng tế.
[32] Hai chữ này chưa rõ nghĩa nên tạm đọc theo mặt chữ Hán là “trệ cấp”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Viên tỉnh trừng lan