20/04/2024 00:05Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tây Đài khốc sở tư
西臺哭所思

Tác giả: Tạ Cao - 謝翱

Thể thơ: Ngũ ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Nam Tống, Kim
Đăng bởi hongha83 vào 03/09/2015 10:50

 

Nguyên tác

殘年哭知己,
白日下荒臺。
淚落吳江水,
隨潮到海回。
故衣猶染碧,
後土不憐才。
未老山中客,
唯應賦八哀。

Phiên âm

Tàn niên[1] khốc tri kỷ,
Bạch nhật hạ hoang đài.
Lệ lạc Ngô giang[2] thuỷ,
Tuỳ triều đáo hải hồi.
Cố y[3] do nhiễm bích[4],
Hậu thổ[5] bất liên tài[6].
Vị lão sơn trung khách[7]
Duy ứng phú Bát ai[8].

Dịch nghĩa

Cuối năm khóc người hiểu mình
Mặt trời lên cao từ đài hoang bước xuống
Nước mắt rơi xuống sông Ngô Giang
Theo nước thuỷ triều về biển
Áo cũ vẫn nhuốm màu xanh
Đất mẹ không thương người có tài
Là một khách núi chưa già
Chỉ thích làm thơ bát ai

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Năm hết khóc tri kỷ
Ngày quang bước xuống đài
Nước sông Ngô lệ nhỏ
Về biển theo triều lui
Áo cũ còn mang biếc
Đất lành không tuấn tài
Bát ai thơ chỉ vịnh
Khách núi tháng năm dài
Tây Đài tức Điếu Ngư đài 釣魚臺, nay nằm ở phía nam núi Phú Xuân, huyện Đồng Lư, tỉnh Chiết Giang.

[1] Văn Thiên Tường bị hại vào ngày mồng 9 tháng 12 năm thứ 19 Chí Nguyên. Tạ Cao khóc tế cũng vào ngày này. Bấy giờ tuổi của tác giả cũng đã già, nên dùng chữ tàn niên.
[2] Chỉ sông Phú Xuân, nằm phía thượng du sông Tiền Đường, Trên sông Phú Xuân có Đài câu cá (tức Điếu Ngư đài) của Nghiêm Tử Lăng.
[3] Áo cũ. Văn Thiên tường bị nhốt ở Đại Đô 3 năm, cự tuyệt quan cao lộc hậu, do hoàng đế nhà Nguyên hứa, trước sau vẫn mặc áo cũ triều Tống.
[4] Trường Hoằng là đại thần của nhà Chu, bị gièm phải đuổi về đất Thục, tự hận lòng trung khôn tỏ, ông tự mổ bụng chết, người Thục thương, đem hộp đựng máu của ông, ba năm sau hoá thành ngọc bích (xem Trang Tử - Ngoại vật), vậy nên người sau gọi máu của người trung nghĩa là máu biếc.
[5] Hoàng thiên hậu thổ, chỉ trời đất, hậu thổ là thần thổ địa.
[6] thương tiếc người tài.
[7] Khách trong núi, đây là lời tác giả tự xưng.
[8] Đỗ Phủ có bài thơ Bát ai để tưởng nhớ nhóm 8 người: Vương Tư Lễ, Lý Quang Bật, Nghiêm Vũ, Nhữ Tương Vương, Lý Ung, Tô Nguyên Minh, Trịnh Kiền, Trương Cửu Linh. Họ đều là những văn thần võ tướng nổi tiếng của triều Đường. Ngụ ý của tác giả là chỉ còn biết bắt chước Đỗ Phủ làm thơ để nhớ bạn cũ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tạ Cao » Tây Đài khốc sở tư