16/09/2024 01:23Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nghìn thu gặp hội thái bình

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Song thất lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trung đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 10/09/2020 08:31

 

Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông[1] rõ ràng.
Ba mươi sáu mặt phố phường,
Hàng Giày, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Người đài các, kẻ thanh tao,
Qua hàng Thợ Tiện[2] lại vào Hàng Gai.
Hàng Thêu[3], Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền.
Nhác trông chẳng khác động tiên,
Trên đồn cờ kéo dưới thuyền buồm giăng.
Phong quang lịch sự đâu bằng,
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe.
Hàng Vôi sang phố Hàng Bè,
Qua toà Thương Chính[4] trở về Đồng Xuân.
Trải qua Hàng Giấy dần dần,
Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa.
Cầu Đông vang tiếng chợ Chùa,
Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương.
Mặt ngoài có phố Hàng Đường,
Hàng Mây[5], Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Chum[6].
Tiếng Ngô[7], tiếng Nhắng[8] um um,
Lên lầu xem điếm tổ tôm đánh bài.
Khoan khoan chân trở gót hài,
Qua hàng Thuốc Bắc sang chơi Hàng Đồng.
Biết bao của báu lạ lùng,
Kìa đồ bát bửu[9], nọ lồng ấp hương.
Hàng Bừa[10], Hàng Cuốc[11] ngổn ngang,
Trở về Hàng Cót dạo sang Hàng Gà.
Bát ngô, Hàng Sắt xem qua,
Hàng Vải, Hàng Thiếc lại ra Hàng Hòm.
Ở đâu nghe tiếng om om?
Trống chầu rạp hát thòm thòm vui thay.
Hàng Da, Hàng Nón ai bày,
Bên kia Hàng Điếu, bên này Hàng Bông.
Ngã tư Cấm Chỉ đứng trông,
Qua hàng Thợ Nhuộm thẳng rong Hàng Tàn[12].
Đoái xem phong cảnh bàn hoàn,
Bút hoa dở viết chép bàn mấy câu.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Nào người đế bá, công hầu là ai?
[1] Hoàng thành từ thời Lý mở ra 4 cửa: Diệu Đức (Cửa Bắc), Đại Hưng (Cửa Nam), Quảng Phúc (Cửa Tây), Tường Phù (Cửa Đông). Giám là khu tập trung các sở quan lại, trung tâm văn hoá, giáo dục (Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường...).
[2] Một phố cổ của Hà Nội, nay là phố Tô Tịch, thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố lập nên do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó thợ tiện dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…
[3] Một phố cổ của Hà Nội, xưa chuyên bày bán các mặt hàng thêu thùa. Phố dài khoảng 40 mét, cùng với Hàng Tranh, Hàng Trống hợp thành phố Hàng Trống ngày nay, thuộc quận Hoàn Kiếm.
[4] Cơ quan hành chính của chính phủ thuộc địa Pháp ở Hà Nội xưa, có nhiệm vụ kiểm soát, đánh thuế các tàu bè qua lại cửa sông Tô Lịch và Ô Quan Chưởng.
[5] Tên một phố cổ của Hà Nội xưa, nay là phía bắc của phố Mã Mây. Cư dân phố Hàng Mây trước đây chuyên làm các đồ dùng chế biến từ mây và cả sợi mây nguyên liệu.
[6] Tên Nôm của phố Ưu Nghĩa, một phố của Hà Nội xưa, nay thuộc các phố Hàng Chĩnh, Lương Ngọc Quyến, và một đoạn phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước phố chủ yếu bán các mặt hàng bằng sành, gốm như chum vại, chĩnh, vò, v.v.
[7] Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
[8] Một dân tộc thiểu số cư trú ở miền núi phía Bắc nước ta. Còn gọi là dân tộc Giáy, Dẳng, Pâu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xạ.
[9] Tám vật báu (bửu). Có ba loại bát bửu: Bát bửu cổ đồ, bát bửu Phật giáo, và bát bửu Lão giáo, tuỳ theo quan niệm mà gồm những vật khác nhau. Bát bửu dùng chung để chỉ những vật quý giá.
[10] Tên cũ của phố Lò Rèn, một phố cổ của Hà Nội, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Ngày trước, đây là nơi mua bán và sản xuất đồ rèn nhộn nhịp nhất Thăng Long - Hà Nội.
[11] Một phố cổ của Thăng Long, nằm ở phía tây phố Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm bây giờ. Ngày trước, tại đây có nhiều cửa hàng sản xuất lưỡi cuốc, lưỡi cày.
[12] Tên cũ của phố Hàng Lọng, một khu phố cổ của Thăng Long, xưa nằm trên trục của con đường Nam Bộ (nay là một đoạn của đường Lê Duẩn), cũng là con đường cái quan dẫn các vị quan từ các tỉnh “thượng kinh” vào Cửa Nam của kinh thành. Có lẽ vì thế, ở đoạn phố này có nghề làm lọng để bán cho quan lại.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Nghìn thu gặp hội thái bình