30/03/2024 04:49Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Vũ Hậu miếu quan cầm
武候廟觀琴

Tác giả: Lâm Tắc Từ - 林則徐

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thanh
Đăng bởi tôn tiền tử vào 22/03/2019 10:49

 

Nguyên tác

不廢微時梁父吟,
千秋魚水答知音。
三分籌策成虧理,
一片宮商淡泊心。
揮手鴻飛斜谷渺,
移情龍臥漢江深。
魂消異代文山操,
同感君恩淚滿襟。

Phiên âm

Bất phế vi thời “Lương Phủ ngâm[1]”,
Thiên thu ngư thuỷ[2] đáp tri âm[3].
Tam phân trù sách thành khuy lý[4],
Nhất phiến cung thương đạm bạc tâm.
Huy thủ hồng phi[5] Tà Cốc[6] diểu,
Di tình[7] long ngoạ[8] Hán Giang thâm.
Hồn tiêu dị đại Văn Sơn tháo[9],
Đồng cảm quân ân lệ mãn khâm.

Bản dịch của phanlang @www.tvvn.org

“Lương Phủ ngâm” thời hàn vi không bỏ,
Tình tri âm cá nước trả ngàn năm.
Dùng sách lược tam phân tuy không nhỏ,
Nhưng tấm lòng thanh đạm với sắt cầm.
Tay vẫy đàn hồng bay đường Tà Cốc,
Tình dời đi dòng sông Hán rồng nằm.
Hồn tuy mất khúc Văn Sơn hậu thế,
Lệ đầy khăn ân nghĩa mãi trong lòng.
Vũ Hậu miếu tức Vũ Hầu miếu 武侯廟 thờ Khổng Minh, ở huyện Miện Dương, quận Hán Trung (nay gọi là huyện Miễn), tỉnh Thiểm Tây. Lâm Tắc Từ đến thăm miếu thấy tượng Khổng Minh ôm đàn cầm nên làm thơ này.

[1] Bài thơ mà Gia Cát Lượng thường hay ngâm nga khi còn ở ẩn tại Nam Dương. Lương Phủ ngâm nguyên là bài dân dao xuất phát từ vùng núi Lương Phủ, Sơn Đông, đời Hán được xếp vào Nhạc Phủ thi. Cha của Gia Cát Lượng là Gia Cát Khuê 諸葛珪 từng nhậm chức huyện uý tại huyện Lương Phủ, Gia Cát Lượng đã trải qua thời nhỏ ở đây, nên khi ngâm bài Lương Phủ ngâm cũng để biểu lộ tình hoài hương.
[2] Tình cá nước. Khi Lưu Bị trọng dụng Gia Cát Lượng, Quan Vũ và Trương Phi không tán thành vì Gia Cát Lượng mới 27 tuổi khi ra giúp Lưu Bị, trong khi Quan, Trương thân trải trăm trận và tuổi lớn hơn nên coi thường Gia Cát, cho rằng ông không có nhiều tài như mọi người tâng bốc. Lưu Bị nói rằng được Gia Cát ông rất vui lòng như cá có nước.
[3] Chung Tử Kỳ 鍾子期 thời Xuân Thu nghe Du Bá Nha 俞伯牙 đàn mà biết rõ tâm sự của Du Bá Nha nên hai người coi nhau là tri âm.
[4] Ngay từ lúc gặp Lưu Bị khi còn ở ẩn, kế sách chia ba chân vạc Nguỵ, Thục, Ngô đã được Gia Cát Lượng phân tích. Đến khi chiếm được đất Thục, ông đã đem quân đánh trung nguyên nhưng không thành công. Tuy Gia Cát Lượng có thể đã biết như vậy nhưng vẫn cố gắng hết sức thực hiện vì tình tri ngộ của Lưu Bị, đến nỗi chết tại trận tiền, nên coi như thất bại.
[5] Thơ Kê Khang 嵇康: “Mục tống phi hồng, Thủ huy ngũ huyền” 目送飛鴻,手揮五弦 (Mắt tiễn hồng bay, Tay vuốt năm dây đàn). Câu này muốn nói Gia Cát Lượng giỏi đàn cầm.
[6] Tên kẽm núi tại Mi Huyện, Tần Lĩnh, tỉnh Thiểm Tây. Ở đây có hai cửa ra vào, nam là Bao Cốc, bắc là Tà Cốc, gọi chung là Bao Tà Cốc. Gia Cát Lượng có lần cho nói phao lên đem quân ra Tà Cốc giữ Mi Huyện, nhưng thật ra đi đường khác ra chiếm Kỳ Sơn.
[7] Đem tâm sự gửi vào tiếng đàn để lay chuyển người nghe, dùng âm nhạc làm trung gian chuyển hoá tâm tình người khác để hợp nhất với tâm sự của mình.
[8] Chỉ Gia Cát Lượng vì ông có tên hiệu là Ngoạ Long 臥龍.
[9] Khúc đàn của Văn Sơn tức Văn Thiên Tường. Văn Thiên Tường kháng Nguyên bị bắt, trong ngục cũng hay đàn, giống như Gia Cát Lượng để biểu lộ lòng yêu nước và ý chí kháng Nguyên.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lâm Tắc Từ » Vũ Hậu miếu quan cầm