26/04/2024 23:17Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tống Đỗ Thẩm Ngôn
送杜審言

Tác giả: Tống Chi Vấn - 宋之問

Thể thơ: Ngũ ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Sơ Đường
Đăng bởi Vanachi vào 29/08/2005 18:37

 

Nguyên tác

臥病人事絕,
嗟君萬里行。
河橋不相送,
江樹遠含情。
別路追孫楚,
維舟吊屈平。
可惜龍泉劍,
流落在豐城。

Phiên âm

Ngoạ bệnh nhân sự tuyệt,
Ta quân vạn lý hành.
Hà kiều bất tương tống,
Giang thụ viễn hàm tình.
Biệt lộ truy Tôn Sở[1],
Duy chu điếu Khuất Bình[2].
Khả tích Long Tuyền kiếm,
Lưu lạc tại Phong Thành.[3]

Dịch nghĩa

Bị bệnh nằm cắt đứt liên hệ với người đời,
Thương anh đi xa vạn dặm.
Không đưa tiễn tới cầu sông được,
Cây bên sông ghi nhớ mối tình xa xôi.
Đường ly biệt đi tìm Tôn Sở,
Con thuyền buộc viếng Khuất Nguyên.
Đáng tiếc cho kiếm Long Tuyền,
Từng bị lưu lạc ở Phong Thành.

Bản dịch của Phụng Hà

Chuyện đời, nằm bệnh chẳng tường,
Thương anh ngàn dặm trên đường xa khơi.
Cầu sông chẳng được tiễn người,
Chia xa, cây bến ngậm ngùi cảm thương.
Buổi tiễn biệt dõi đường Tôn Sở,
Điếu Khuất Bình chỉ có con thuyền.
Khá thương kiếm báu Long Tuyền,
Phong thành lưu lạc triền miên bao ngày.
Một số bản chỉ chép 4 câu đầu.

[1] Tôn Sở (218-293) tự Tử Kinh 子荊, văn học gia đời Tây Tấn, thời trẻ ẩn cư, bốn mươi tuổi ra làm tham quân cho nhà Tấn.
[2] Tức Khuất Nguyên 屈原 (340 tr.CN - 278 tr.CN) tài hoa trác tuyệt nhưng bị sàm tấu nên bị đuổi, lưu lạc tới vùng Nguyên Tương, sau trầm mình xuống sông Mịnh La tự vẫn.
[3] Theo "Tấn thư", vào thời Ngô diệt, Tấn hưng, trên trời giữa sao Ngưu vào sao Đẩu thường xuất hiện khí tía. Trương Hoa nghe nói Lôi Hoán thông hiểu thiên văn bèn mời tới xem. Hoán nói giữa Ngưu và Đẩu có khí tía là tinh của bảo kiếm ở Phong Thành tại Dự Chương. Hoa cho Hoán làm huyện lệnh Phong Thành. Hoán tới nơi cho đào nền nhà lên sâu bốn trượng thì được một hộp đá quan khí lạ thường, trong có đôi kiếm khắc tên Long Tuyền và Thái A. Sau đó khí tía không còn thấy nữa. Sau thường dùng tích này để chỉ việc nhân tài kiệt xuất được phát hiện. Hai câu thơ ở đây ý nói mừng cho Đỗ Thẩm Ngôn đã được phát hiện, không còn phải lưu lạc nữa.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tống Chi Vấn » Tống Đỗ Thẩm Ngôn